Tín Đồ Của Chúa, bài 15

Luca 24:44-49

Thánh Linh của Đức Chúa Trời chưa được ban xuống cho các môn đồ khi Đức Chúa Jesus còn ở thế gian. Sứ đồ Giăng giải thích là: Vì Đức Chúa Jesus chưa được quang vinh nên những người tin Ngài vào lúc đó chưa nhận được Đức Thánh Linh (Giăng 7:39).

Vậy, Đức Chúa Jesus được quang vinh lúc nào? Sứ đồ Phao-lô viết: Sau khi Đức Chúa Jesus tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự, nên Đức Chúa Trời tôn Ngài lên rất cao và ban cho Ngài Danh trên hết mọi danh, để khi nghe đến Danh Đức Chúa Jesus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi phải xưng nhận Đức Chúa Jesus Christ là Chúa mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha (Philip 2:8-11). Nghĩa là Đức Chúa Jesus được quang vinh sau khi Ngài sống lại và thăng thiên trở về trời.

Ngài dặn các môn đồ Ngài phải ở lại trong thành Jerusalem cho đến khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao (Luca 24:49). Việc đó xảy ra khi Đức Thánh Linh giáng trên họ, vì Chúa dặn rằng “nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các con thì các con sẽ nhận lấy quyền năng” (Công vụ 1:8).

Nhờ quyền năng đó, họ mới có đủ sức và khả năng rao giảng tin mừng. Sau khi Đức Chúa Jesus đã thăng thiên được mười ngày thì Đức Thánh Linh giáng xuống trên một trăm hai mươi môn đồ đang chờ đợi ở Jerusalem (Công vụ 2:1-4).

Hai điều kiện từ Kinh thánh cho biết và Đức Chúa Jesus căn dặn là: Đức Chúa Jesus được quang vinh và chờ đợi cho tới khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao, thì đều đã xảy ra cho các môn đồ. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là làm thế nào để mặc lấy quyền phép từ trên cao? Vì Đức Chúa Jesus đã được quang vinh và Thánh Linh đã giáng xuống?

Bác sĩ Luca tường thuật rằng, Đức Chúa Jesus dặn: Đừng ra khỏi thành Jerusalem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa, là điều các con đã nghe Ta nói. Vì Giăng đã làm báp têm bằng nước, nhưng trong ít ngày nữa các con sẽ được báp têm bằng Đức Thánh Linh” (Công vụ 1:4-5).

Vậy, được báp têm bằng Đức Thánh Linh đồng nghĩa với mặc hay nhận lấy quyền năng từ trên cao, như lời Đức Chúa Jesus phán.

Thế thì, Đức Chúa Jesus đã được quang vinh, Đức Thánh Linh đã giáng lâm thành lập Hội-thánh, những người được Ngài giáng trực tiếp trên họ thì được báp têm bằng Đức Thánh Linh; còn vô số người khắp thế giới tin Chúa sau lễ Ngũ Tuần lịch sử thì như thế nào?

Họ có cần tới thành Jerusalem để chờ đợi nữa không? Câu trả lời là không cần phải tới Jerusalem, nhưng vẫn cần phải được mặc lấy quyền phép qua sự báp têm bằng Đức Thánh Linh.

Có trường phái thần học lý luận rằng: “Người nào chịu cầu nguyện tin nhận Đức Chúa Jesus thì đương nhiên được báp têm bằng Đức Thánh Linh, vì Đức Thánh Linh đã ngự vào lòng để tái sinh người ấy thành con người mới.

Lý luận ấy cho rằng khi tin Chúa thì đương nhiên được báp têm bằng Đức Thánh Linh, nhưng Kinh thánh không nói như vậy.

Ví dụ lấy trường hợp các môn đồ được Đức Chúa Jesus hà hơi và truyền: “Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh” (Giăng 20:22), nhưng bốn mươi ngày sau thì Ngài cho biết họ phải đợi trong thành Jerusalem để sẽ được báp têm bằng Đức Thánh Linh (Công vụ 1:4-5), chứng tỏ rằng sự báp têm bằng Đức Thánh Linh là một biến cố khác với sự nhận lãnh Đức Thánh Linh khi một người tin nhận Đức Chúa Jesus. Bởi vì khi Đức Chúa Jesus hà hơi ban Đức Thánh Linh cho các môn đồ, họ đã lãnh Đức Thánh Linh nhưng chưa được Ngài báp têm bằng quyền năng, như Ngài thực hiện trong dịp lễ Ngũ Tuần sau đó.

Sự mặc lấy, hay nhận lãnh, quyền năng từ trên ban xuống không phải là một việc tầm thường hay vô vị như đời sống của vô số người theo đạo mà chẳng kinh nghiệm được chút ít quyền năng nào. Tín hữu chỉ bắt đầu kinh nghiệm được quyền phép của Đức Chúa Trời khi thật sự được báp têm bằng Đức Thánh Linh.

Như đã nói ở trên, ai tiếp nhận Đức Chúa Jesus vào lòng thì người ấy được Đức Thánh Linh ngự vào để biến đổi đời sống. Cũng có người được biến đổi và nhận phép báp têm bằng Đức Thánh Linh đồng một lúc; nhưng hiếm khi xảy ra, tuy rằng đã xảy ra rồi (Công vụ 10:44-48).

Tại sao các trường hợp giống như thế là hiếm? Có thể vì vài lý do: Thánh Linh Đức Chúa Trời biết rõ lòng người, Ngài cũng biết động lực nào thúc đẩy người ta tin Chúa. Nếu động lực không trong sáng và sẽ bỏ Chúa trong tương lai, thì không thể nào nhận được quyền năng.

Người nào theo đạo mà không biết mình đã nhận lãnh Đức Thánh Linh hay chưa, thì chắc là chưa; nhất là tính tình chưa bao giờ được biến đổi, lòng vẫn còn đầy tâm tính xấu của con người xác thịt.

Sứ đồ Phao-lô liệt kê tên các quả do Đức Thánh Linh sản sinh trong lòng người đã nhận Ngài: “Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, và tiết độ” (Galati 5:22). Sở dĩ các thứ hoa trái đó sinh ra trong lòng người đã nhận Đức Thánh Linh là vì người đó “thuộc về Đấng Christ đã đóng đinh xác thịt cùng với các đam mê và dục vọng mình trên thập tự giá rồi” (Galati 5:24).

Có thể nào một người đã nhận Đức Chúa Jesus mà không cần có Đức Thánh Linh chăng? Câu trả lời là không được; bởi vì Đức Thánh Linh là dấu ấn chứng nhận người thuộc về Đức Chúa Jesus: “Ai không có Thánh Linh của Đấng Christ thì người ấy chẳng thuộc về Ngài” (Rôma 8:9b). Ai không cần Đức Thánh Linh, người ấy chưa khi nào thuộc về Đấng Christ.

Phải có Đức Thánh Linh trong lòng là điều kiện tiên quyết để nhận lãnh quyền năng từ trên ban cho. Vì trước hết, Ngài là dấu hiệu của một người thuộc về Đức Chúa Jesus; rồi quyền phép biến đổi của Ngài chuẩn bị một môi trường tâm linh thật tốt trong lòng người tin, để người ấy đủ điều kiện nhận lãnh quyền phép và đủ sức thi hành nhiệm vụ không mệt mỏi.

Đó là lý do mà một số người, mặc dù có chức vụ trong Hội-thánh hay thuộc hàng giáo phẩm của giáo hội, nhưng môi trường tâm linh chưa đủ để nhận lãnh quyền phép từ trên cao, vẫn thường bài bác hoặc làm ngơ ý nghĩa đích xác của sự đầy dẫy Đức Thánh Linh là ra sao.

Đức Chúa Trời không xem thái độ ấy là vô tội. Bất cứ thủ đoạn bất lương nào cũng phải trả lời trước toà án phán xét của Đức Chúa Jesus, bởi vì tất cả tín đồ đều phải ứng hầu trước Ngài: “Vì tất cả chúng ta đều phải trình diện trước toà án Đấng Christ để mỗi người nhận lãnh tuỳ theo điều thiện hoặc ác mình đã làm” (2Côrinhtô 5:10).

Chúng ta đã rõ được báp têm bằng Đức Thánh Linh là đồng nghĩa với được lãnh quyền phép từ trên cao. Vậy, mục tiêu của mỗi con cái Chúa là phải được báp têm bằng Đức Thánh Linh.

Tín hữu phải hiểu rằng Đức Chúa Jesus là Đấng làm báp têm bằng Đức Thánh Linh (Mathiơ 3:11), chứ không phải một ông mục sư nào hết. Cho nên, muốn được nhận phép báp têm ấy, người tin Chúa phải đáp ứng được các điều kiện đòi hỏi của Ngài. Không người nào cứ tiếp tục sống trong tội lỗi mà được báp têm bằng Đức Thánh Linh.

Để được tha tội, người ta phải thật lòng tin và tiếp nhận Đức Chúa Jesus là Đức Chúa Trời và là Chúa Cứu Thế đã chuộc chúng ta ra khỏi án phạt của tội lỗi rồi. Người ấy phải nhìn thấy con người thật của mình và gớm ghét nó; bởi vì “người nào sống theo xác thịt thì không thể đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rôma 8:8).

Bước kế tiếp là phải bằng lòng để Đức Thánh Linh giải thoát mình khỏi quyền lực của tội lỗi, tức là hãy cho phép Ngài giết chết các thứ tính tình vừa bị Chúa và người chung quanh đều ghét.

Khó tính, tự cao, lười biếng, ích kỷ, hỗn láo, bội bạc, vv., đều là các thói tật xấu của tâm tính xác thịt ham muốn và tính toán lợi hại của con người cũ, bản tính cũ. Đức Thánh Linh không thể đổ đầy sự thánh khiết và quyền năng Ngài trên những người như thế; bởi vì họ đi ngược lại sự thánh khiết của Ngài.

Những người như thế mà có chút ân tứ quyền năng, thì sớm muộn gì người ấy sẽ nhân danh Chúa mà phục vụ cho cái bụng của họ. Người được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi là người sống theo Đức Thánh Linh, chú tâm tới những điều thuộc về Ngài.

Ý nghĩa chính xác của sự được báp têm bằng Đức Thánh Linh là nhận lãnh sự sống của Đức Chúa Jesus thăng thiên trong vinh quang.

Cho nên báp têm Đức Thánh Linh không phải là một kinh nghiệm riêng biệt ngoài Đức Chúa Jesus. Vì nó là bằng chứng sự sống quang vinh của Đức Chúa Jesus được ban vào lòng của người để biến đổi người đó thành tạo vật mới trong Ngài.

Vậy thì, biểu hiện chính xác và rõ ràng của sự báp têm bằng Đức Thánh Linh là đời sống thánh khiết mà Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta đạt qua quyền năng tẩy sạch của huyết Đức Chúa Jesus.

TinDoCuaChua15.docx

Rev. Dr. CTB