Tín Đồ Của Chúa, bài 27
Rô ma 1:18-25
Bất cứ Hội thánh địa phương nào cũng muốn có đông tín hữu, thêm nhiều người tin Chúa, tăng trưởng và phát triển. Nhưng đứng trước tình hình bế tắc chung, người đời chẳng quan tâm gì tới hỏa ngục hay thiên đàng, các nhà thờ quay qua tìm phương pháp để áp dụng vì nghĩ rằng có phương pháp hay và đúng thì sẽ thành công.
Nhưng sau khi áp dụng một số phương pháp thì kết quả vẫn như cũ, thực tế không như ý muốn của nhiều người; bởi vì phương pháp không thuyết phục được ai cả; người ta chỉ được thuyết phục khi nào họ thấy quyền phép siêu nhiên hiển hiện trước mắt họ.
Nhưng rất nhiều giáo hội, giáo phái và hệ phái đã chẳng hi vọng gì có được sự hiện diện quyền năng của Đức Chúa Trời, vì họ cho rằng Chúa không thi thố phép lạ nữa.
Từ thời xưa, người ta đã nhận ra rằng nếu không có sự hiện diện quyền năng của Chúa trong Hội thánh, thì việc truyền giáo vừa vất vả vừa không hiệu quả, tín hữu cũng khó sống đời thánh khiết; nếu không thánh khiết thì Chúa không thể ban sự hiện diện quyền năng của Ngài, truyền giáo cũng chẳng hiệu quả gì cả; không truyền giáo thì chẳng thể nào thể hiện quyền năng của Chúa và cũng không có sự khích lệ nào để sống thánh khiết.
Vì thế, mấu chốt của vấn đề là đời sống thánh khiết. Tuy nhiên, vấn đề trở nên khó vì giữa ý muốn sống đời thánh khiết với sự hiểu biết về Đức Chúa Trời có mối liên hệ rất chặt chẽ; bởi vì mỗi khi nghĩ về Đức Chúa Trời thì điều gì diễn ra trong tâm trí chúng ta là điều vô cùng quan trọng. Mà người ta biết quá ít về Chúa.
Lịch sử của loài người cho thấy rằng không có người nào vượt lên cao hơn tôn giáo của dân tộc họ; và lịch sử tâm linh của loài người cũng cho thấy rằng không một tôn giáo nào vượt xa hơn ý tưởng của tôn giáo đó về các thứ thần mà họ thờ kính.
Hãy thử quan sát cách thờ phượng của những người theo các tôn giáo trần gian thì sẽ thấy rằng sự thờ phượng của họ phản ảnh cách họ nghĩ về vị thần của họ. Một khối đất nung tô màu lòe loẹt, bị nhét vào miệng điếu thuốc lá cháy dở, hoặc mỗi kẽ bàn tay đều bị nhét những mẩu tiền giấy xếp lại; vậy, những người thờ cúng các thứ thần ấy nghĩ gì về thần của họ? Sự thờ phượng của họ là thờ kính vì yêu thương hay hối lộ để được phước về giàu sang tiền bạc? Vì thế, hình thức thờ phượng rất thấp kém.
Không phải là người ta không biết có một Đấng Tạo Hóa. “Vì những gì người ta có thể biết về Đức Chúa Trời thì đã rõ ràng bởi Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ rồi. Những gì về Đức Chúa Trời mà mắt trần không thể thấy được tức là quyền năng đời đời và thần tính của Ngài, thì ngay từ buổi sáng thế người ta đã nhận thức rõ ràng khi quan sát các tạo vật của Ngài; cho nên họ không thể bào chữa được” (Rô-ma 1:19-20).
Nhưng ý tưởng của họ về Đấng Tạo Hóa vô cùng thấp kém, nên sự thờ phượng của họ cũng thấp kém. Khi một giáo hội sa vào sự thờ hình tượng, thì sự suy tưởng của họ về Chúa không thể vượt xa hơn hình tượng mà họ thờ. Có phải người ta đến với Chúa để được hướng dẫn sống đời đạo hạnh và thánh thiện, hay chỉ mơ ước tiền bạc?
Về phần chúng ta cũng vậy; cách thức và thái độ chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời sẽ bộc lộ hình ảnh nào về Ngài diễn ra trong tâm trí khi chúng ta nghĩ đến Ngài.
Trong lịch sử của Hội thánh, chưa có ai được thấy hình dạng của Đức Chúa Trời; mỗi người đều mường tượng về Ngài qua nhiều hình ảnh khác nhau. Chắc chắn là chẳng có tâm trí nào của loài người hình dung được một hình ảnh chính xác về Đức Chúa Trời, bởi vì Kinh thánh không mô tả rõ ràng hình dung của Ngài ra sao cả. Loài người phải dùng các hình dạng mà họ đã biết để mô tả điều rất xa lạ họ thấy lần đầu tiên.
Khi ông Ezekiel được cho thấy hình ảnh từ trời đến thì ông mô tả: “Trên vòm phía trên đầu các sinh vật có cái gì tựa như cái ngai bằng bích ngọc, và trên ngai ấy có cái gì giống như hình người” (Ê-xê-chi-ên 1:26).
Vì không ai biết hình ảnh Đức Chúa Trời ra sao, nên suy tưởng của mỗi người về Ngài là sự thật trong tâm linh người ấy, không phải là những gì mình nói hay làm, mà là mình nghĩ thế nào về Chúa.
Tại sao phải đề cập tới phương diện nầy? Nếu tín hữu nào suy tưởng về Chúa là Đấng toàn hảo và cực thánh, thì đời sống thánh khiết mà người ấy vươn tới sẽ khác xa những người nghĩ đến Chúa là Đấng đem tới sự sung túc và giàu sang cho họ khi họ chân thành thờ kính Ngài.
Cái điều làm bộc lộ thực chất của một giáo hội, hệ phái hay nhà thờ là ý tưởng của họ về Đức Chúa Trời ra sao.
Làm thế nào tín hữu của một giáo hội nào đó có thể sống thánh khiết khi chủ trương của giáo hội ấy hoàn toàn trái ngược với những đòi hỏi thánh khiết của Đức Chúa Trời? Làm thế nào giáo đồ của một hội chúng nào đó có thể cư xử thành thật khi họ tin rằng chỉ cần tới dự lễ là đủ?
Lòng tin và sự hiểu biết thật của một Hội-thánh là các điều họ rao giảng ở đó, kể cả các điều họ im lặng không dám nhắc đến. Bởi vì sự im lặng của nhà thờ đó thường khi hùng hồn hơn lời nói ra. Không ai giấu được cách họ suy tưởng về Đức Chúa Trời, vì sứ điệp họ tự bộc lộ rồi.
Cho tới ngày nay, sở dĩ có quá ít người trong các Hội thánh thực sự được tái sanh và bước đi theo Chúa bằng một đời sống thánh hóa, vì những người lãnh đạo của họ không hướng dẫn tín đồ có những sự suy tưởng đúng và xứng đáng về một Đức Chúa Trời thánh khiết.
Chúng ta phải biết và hiểu Ngài càng chính xác càng tốt. Khi Chúa phán rằng: “Các con phải thánh vì Ta là thánh” (Lê-vi-ký 11:45b), thì chúng ta đã biết một phần bản thể của Ngài là Đấng hoàn toàn thánh khiết; từ sự biết đó, mỗi khi ta suy tưởng về Đức Chúa Trời, thì tính chất đầu tiên đến trong lòng ta là Đức Chúa Trời cao sang và thánh khiết, con cái của Ngài cũng phải thánh khiết để xứng đáng mà đến trước mặt Ngài.
Ai đã hiểu như vậy rồi thì không thể thờ phượng Chúa một cách cẩu thả hay giả dối được. Mà mọi sự thờ phượng chân thành đều thu hút vinh quang của Đức Chúa Trời đến nơi nào đang chân thành thờ kính Ngài.
Tư tưởng và lời nói là các quà tặng của Đức Chúa Trời cho loài người mà Ngài tạo dựng. Vì thế, trong mọi loài sinh vật Chúa đã dựng nên, loài người là khôn ngoan và có khả năng diễn đạt tư tưởng bằng lời nói.
Khi chúng ta suy nghĩ về câu Kinh thánh: “Ban đầu có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” (Giăng 1:1), thì chúng ta biết rằng đầu tiên có ‘Lời’ tức là tư tưởng phát ra lời nói; mà Tư Tưởng phát ra Lời Nói ấy chính là Đức Chúa Trời, Đấng ban tư tưởng và lời nói cho chúng ta.
Đã hiểu biết điều ấy rồi, mỗi khi suy nghĩ và chuẩn bị lời nói ra, chúng ta sẽ rất cẩn thận để tư tưởng và lời nói của mình phản ảnh được sự thánh khiết của Chúa mà chúng ta thờ kính. Chúng ta nói được vì Đức Chúa Trời đã nói. Trong Ngài ý tưởng và lời nói không phân cách được; cho nên, sự thánh khiết không nói một đàng, làm một nẻo.
Hiểu biết một cách chính xác về Đức Chúa Trời chẳng những là quan trọng về hệ thống thần học mà còn là quan trọng đối với đời sống đạo mỗi ngày của chúng ta. Sự hiểu biết về Chúa dẫn đến việc tạo ra một hệ thống thần học. Từ hệ thống thần học đó người ta lập ra sự thờ phượng mà họ tin là đúng.
Sự thờ phượng là nền móng của đời sống Cơ-đốc-nhân, giống như nền móng trên đó người ta xây dựng đền thờ. Đền thờ nào xây dựng trên một nền móng hư lún hay nghiêng lệch chẳng chóng thì chầy sẽ sụp đổ tan tành.
Đức Chúa Trời thánh đòi hỏi sự thờ phượng thánh khiết xứng đáng với đức thánh khiết của Ngài. Chỉ có những tấm lòng thánh khiết mới có thể có sự thờ phượng thánh khiết.
Thực tế đã chứng minh rằng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời một cách sai lạc và thiếu sót đã dẫn đến các hình thức tà giáo nhiều nơi mắc phải mà không thấy; vì thế, cách sinh hoạt của các giáo đồ của họ không thể phản ảnh một chút nào về hình ảnh trung thực của Chúa.
Chúng ta cần tìm hiểu nhiều hơn về Đức Chúa Trời để biết Ngài ngày càng chính xác hơn thời trước đây khi chúng ta mới tin nhận Ngài.
Vì chúng ta đang theo đuổi đời sống thánh khiết để lôi kéo, thu hút được sự hiện diện quyền năng của Đức Chúa Trời đến với Hội thánh và lưu lại trong mọi sinh hoạt của chúng ta.
Nhờ đó, chúng ta sẽ có thể truyền giáo rất hiệu quả và sống đời trong sạch, thánh khiết dễ dàng tự nhiên như thân thể hít thở khí trời mà không cần phải cố gắng gì hết.
Hãy siêng năng đọc Kinh thánh và suy gẫm về các thuộc tính tuyệt vời của Chúa chúng ta.
TinDoCuaChua27.docx
Rev. Dr. CTB