Tín Đồ Của Chúa, bài 28

Ê-sai 6:1-10

Mặc dù Kinh thánh bày tỏ rất nhiều về Đức Chúa Trời, nhưng hầu hết tín hữu biết rất ít về Ngài. Khi người ta bộc lộ quan điểm của từng người về Chúa thì dù người cùng chung giáo phái cũng không nghĩ về Chúa giống nhau.

Ông Ê-sai thuộc dòng hoàng tộc của nước Giu-đa. Địa vị của ông cao sang hơn người dân bình thường. Ô-xia là vị vua cai trị lâu năm tại Jerusalem, ông được toàn dân Giu-đa tôn lên làm vua lúc mới 16 tuổi và cai trị năm mươi hai năm tại Jerusalem (2Sử-ký 26:1, 3).

Trong đời Ô-xia có một trận động đất lớn 7.8 hay 8.2 vào năm 760 BC (A-mốt 1:1). Ô-xia rất được lòng dân chúng và cường thịnh (2Sử-ký 26:15b).

Ông Ê-sai biết về Đức Chúa Trời từ khi còn nhỏ. Dĩ nhiên quan điểm mà ông có về Ngài là qua Kinh-thánh của Do-thái-giáo, lúc ấy là ngũ-kinh của Môi-se, chứ chưa có những sách khác.

Nhưng trong năm vua Ô-xia băng hà, ông Ê-sai được thấy một khải tượng lúc ông đang ở trong đền thờ. Không ai biết thời điểm ông thấy khải tượng ấy là trước hay sau khi vua Ô-xia băng hà, ông chỉ cho biết là việc đó xảy ra trong năm ấy mà thôi.

Hình ảnh về Chúa mà Ê-sai thấy là Ngài ngự trên ngai cao ngất (tiếng Anh: “high and lifted up”), vạt áo của Ngài đầy dẫy đền thờ có nghĩa là vinh quang cứ tuôn tràn vào trong đền thờ không dứt; rồi các Sê-ra-phim đứng chầu chung quanh Ngài tung hô rằng: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giêhôva vạn quân! Khắp đất đầy dẫy vinh quang Ngài!” (Ê-sai 6:3). Tiếng tung hô làm các trụ cửa rung chuyển.

Khi ông Ê-sai thấy sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, thì vội kêu lên: “Khốn cho tôi! Tôi chết mất! Vì tôi là người có môi ô uế ở giữa một dân có môi ô uế, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giêhôva vạn quân.

Mắt của ông Ê-sai vừa thấy Đức Chúa Trời thì quan điểm của ông về Ngài và về chính ông đều thay đổi. Ông thấy Ngài quá thánh khiết, còn ông tuy là một người mặc y phục hoàng gia, đã tắm rửa sạch sẽ và có xức dầu thơm trước khi vào đền thờ, thế mà ông nhận ra môi miệng mình ô uế ở giữa một dân tộc ăn nói ô uế; mặc dù vào triều đại của vua Ô-xia, danh Đức Chúa Trời được toàn dân tôn kính.

Nghĩa là dù cho lời nói của dân Giu-đa vào thời đó có đượm mùi tôn giáo nghi lễ gì đi nữa, so với sự thánh khiết của Chúa thì môi miệng họ quá ô uế, đừng nói gì tới các lời nói hàm hồ, dơ dáy tục tĩu của những người thô tục.

Nếu những lời nói lịch sự của một vị quan trong triều đình tự thấy là quá ô uế so với sự thánh khiết của Chúa, thì cái nhìn của ông Ê-sai về Chúa, trước khi ông được Ngài cho thấy chính Ngài, là hoàn toàn thiếu sót hay lệch lạc.

Không phải ông Ê-sai được Chúa đem vào đền thờ để gặp Ngài; ông chỉ tình cờ có mặt trong đền thờ và thấy Ngài ngự vào; rồi ông nghe Ngài phán hỏi các Seraphim: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Ông vội thưa: “Có con đây, xin Chúa sai con!” (Ê-sai 6:8).

Lòng của Ê-sai hăng hái xin nhận nhiệm vụ vì ông đã thấy Chúa, ông được tẩy sạch, nên quan điểm của ông về Chúa đã hoàn toàn thay đổi. Ông không thể nào ngồi yên hoặc nhút nhát rút lui khi nghe Chúa hỏi: “Ai sẽ đi cho chúng ta?

Đức Chúa Trời có thể sai hàng triệu thiên sứ xuống thế gian rao giảng phúc âm của Ngài, nhưng Ngài không ép buộc ai cả. Nếu các thiên sứ được sai đi thì họ sẽ diệt những kẻ vừa cứng lòng vừa hỗn láo với các sứ giả thiên đàng.

Nhưng Đức Chúa Trời muốn dùng những người đã có quan điểm đúng đắn về Ngài để rao giảng tình thương của Ngài một cách chính xác.

Đức Chúa Trời cho những người được sai đi biết trước rằng, người ta sẽ nghe nhưng không hiểu, xem mà không thấy. Dân sẽ nghe Ê-sai nói là dân Giu-đa, tức là những người tự hào đã biết luật pháp của Đức Chúa Trời; tuy vậy, họ sẽ nghe mà không hiểu, xem mà không thấy, giống như nhiều người thời nay xưng là con cái Chúa nhưng đọc Kinh thánh mà chẳng hiểu gì hết.

Chúa sai ông Ê-sai đi để cảnh cáo dân Giu-đa rằng họ đừng tự nhủ họ sẽ được bảo vệ và bình an vì là dân được Đức Chúa Trời chọn. Họ phải biết tình trạng tâm linh mù loà, chậm hiểu của họ là nguyên nhân sẽ khiến họ bị lâm vào tai hoạ. Sự hiểu biết rõ lời Chúa khác với cảm nhận mù mờ.

Ai muốn hiểu lời Kinh thánh, người ấy cần phải biết Đức Chúa Trời một cách chính xác hơn sự cảm nhận về Ngài qua những gì mình nghe người khác nói, hay những hình ảnh do các hoạ sĩ vẽ từ sự tưởng tượng của họ do nghe những lời truyền tụng của tổ tiên hay từ các giáo phẩm của giáo hội thời xưa.

Vì sự hiểu biết rõ hơn về Chúa vừa là nhu cầu tâm linh của mỗi tín hữu, vừa là bổn phận của những người đã tiếp nhận ơn cứu rỗi từ Đức Chúa Trời, thì việc đọc Kinh thánh và suy gẫm là điều phải làm mỗi ngày trong tinh thần náo nức, không phải là bổn phận buồn tẻ chán nản.

Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời của chúng ta phải gia tăng theo thời gian; vì quan điểm thấp kém về Đức Chúa Trời sẽ phá huỷ phúc âm của những người nào có các quan điểm ấy. Vì “Nếu hi vọng của chúng ta trong Đấng Christ chỉ hướng về cuộc sống nầy mà thôi, thì trong tất cả mọi người, chúng ta là những người thảm hại hơn hết” (1Côrinhtô 15:19).

Trong các Hội thánh có nhiều hạng tín đồ khác nhau; Đức Chúa Jesus nói về hạng người đến với Ngài, nghe Ngài giảng mà không hiểu gì hết: “Các ngươi lắng nghe, nhưng không hiểu, đưa mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân nầy đã chai lì; tai đã nặng, mắt đã nhắm, sợ rằng mắt thấy được, tai nghe được, lòng hiểu được, họ tự hối cải, và Ta sẽ chữa lành chăng” (Mathiơ 13:14-15).

Tại sao Đức Chúa Trời xem những người theo đạo chỉ mong được phước là phạm tội trọng? Bởi vì những người như vậy hiểu rất sai về Ngài; họ hạ Ngài xuống ngang hàng với các thần thế gian. Tâm trí họ không hiểu đức yêu thương, nhân từ, công chính, thánh khiết, và các thuộc tính mà chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có.

Họ chưa hiểu rằng Chúa cứu họ để họ được biến đổi và có khả năng cứu người chưa biết về Ngài. Nguyên nhân chính khiến tội lỗi tiếp tục gia tăng trong xã hội là vì ở các Hội thánh đầy những người chưa có sự hiểu biết đúng về Chúa.

Ai đã bắt đầu chăm chú tìm hiểu để biết đúng về Đức Chúa Trời, thì người đó sẽ rất cẩn thận trong lời ăn tiếng nói và cách xử sự đối với những người chung quanh. Vì người ấy sẽ cố gắng để ngày càng giống Chúa nhiều hơn theo sự gia tăng hiểu biết của mình về Ngài, chứ không dám tin vớ vẩn rằng Ngài giống mình như một số người vẫn nghĩ: “Ngươi tưởng rằng Ta cũng giống như ngươi” (Thi-thiên 50:21b).

Mục sư A. W. Tozer dạy rằng: “Chúng ta hãy cẩn thận, kẻo sự kiêu căng trong lòng ta tin rằng sự thờ hình tượng chỉ là cung kính quỳ lạy các vật thể trước mắt, và người văn minh không còn làm điều đó. Nhưng cốt lõi của tội thờ hình tượng là dung dưỡng những ý nghĩ về Đức Chúa Trời không xứng hợp với Ngài. Nó có thể bắt đầu từ tâm trí và có thể hiện hữu ở những nơi không có hành động thờ kính rõ ràng nào diễn ra. Sứ đồ Phao-lô viết, ‘dù đã biết Đức Chúa Trời, họ vẫn không chịu tôn cao Ngài…. nhưng cứ suy luận viển vông’” (Rôma 1:21).

Chúng ta hãy xem xét tình trạng sa bại hiện thời của một số giáo hội trong Cơ-đốc-giáo giới, rồi tìm hiểu những gì đã diễn ra trong lịch sử của họ, để thấy nguyên nhân chính vẫn là cách nhìn của họ về Đức Chúa Trời bị hạ thấp. Người ta càng hạ thấp ý nghĩ của họ về Chúa chừng nào thì cách thờ phụng và các tiêu chuẩn đạo đức của họ càng suy đồi thêm chừng đó.

Bước hạ thấp đầu tiên của bất cứ nhà thờ hay giáo hội nào là sự từ bỏ ý tưởng cao cả về Đức Chúa Trời. Nấc thang đi xuống đầu tiên là phá hỏng nền tảng thần học căn bản; họ chỉ cần trả lời sai trật câu hỏi “Đức Chúa Trời là ra sao?” rồi cứ từ đó đi xuống.

Mặc dù bề ngoài giáo hội ấy vẫn bám lấy hình thức tín điều có vẻ đúng, nhưng cách hành xử tín điều của họ là sai trật. Bởi vì họ làm cho tín đồ của họ tin về Đức Chúa Trời khác với sự thật của Ngài. Đó là thứ tà giáo xảo quyệt và độc hại nhất.

Hôm nay, chúng ta cùng nhau suy nghĩ việc phải hiểu đúng về Chúa, chẳng phải chỉ là vì ích lợi của mình, nhưng còn là ích lợi cho các thế hệ mai sau. Bởi vì nếu chúng ta hiểu về Chúa càng đúng chừng nào, thì việc theo đuổi sự thánh khiết trong đời sống đạo càng dễ hơn chừng nấy.

Và gương sáng mà các bậc đi trước để lại cho các thế hệ sau sẽ giúp con cháu biết chính xác hơn về Chúa; chúng sẽ không đi lạc mà sẽ hữu hiệu trong công tác truyền giáo, vì chúng sẽ không thiếu sự hiện diện quyền năng của Đức Chúa Trời trong Hội-thánh.

TinDoCuaChua28.docx

Rev. Dr. CTB