Tín Đồ Của Chúa, bài 29

Rôma 6:3–5

Các Hội thánh Tin Lành ngày nay chỉ công nhận hai thánh lễ (sacraments) truyền lại từ Đức Chúa Jesus là: Lễ báp têm và tiệc thánh. Hầu hết tập quán và niềm tin của Cơ-đốc-giáo có nguồn gốc từ các tập quán của dân Israel theo Kinh thánh Cựu ước.

Tiếng Việt phiên âm chữ ‘báp-têm’ từ tiếng Pháp; nhưng nguồn gốc là từ chữ Hylạp ‘baptizo,’ nghĩa là chìm ngập trong, nhúng vào hoặc chìm dưới nước.

Trong thời Cựu Ước dân ngoại bang muốn theo Do thái giáo bị đòi hỏi phải làm ba nghi lễ: phép cắt bì, dâng con thú sinh tế, và phép rửa sạch, tức là báp-têm.

Phép báp-têm của Giăng Baptist: Vào khoảng gần tới kỷ nguyên Chúa giáng sinh, thì Do-thái giáo trở lại nguyên tắc rửa sạch các sự ô uế và lễ tắm rửa các thầy tế lễ trước khi họ thi hành nhiệm vụ dâng sinh tế trên bàn thờ.

Khi Giăng Baptist bắt đầu thi hành chức vụ, thì ông làm phép báp-têm cho người ta ở sông Jordan. Phép báp-têm của Giăng Baptist là nghi lễ trầm mình dưới nước, biểu tượng lòng ăn năn của người nhận biết mình có phạm tội, nhưng đã quyết tâm thay đổi tấm lòng và tâm hồn để được tha tội (Mác 1:4). Công tác của Giăng Baptist là thanh tẩy sẵn một cộng đồng để tiếp nhận ơn cứu rỗi vĩ đại của Đức Chúa Trời sẽ đến qua Đức Chúa Jesus Christ.

Nếu báp têm là thanh tẩy thì tại sao Đức Chúa Jesus là người chẳng bao giờ phạm tội lại bảo Giăng Baptist làm phép báp-têm cho Ngài? Đức Chúa Jesus phán rằng sự báp-têm của Ngài là để “hợp thức, … làm trọn mọi việc công chính” (Mathiơ 3:15); nghĩa là Đức Chúa Jesus xác nhận rằng tiêu chuẩn của đời sống mà Giăng Baptist đòi hỏi là đúng với Ngài và các môn đồ của Ngài.

Có chịu phép báp-têm thì Đức Chúa Jesus mới có thể đồng hoá với nhân loại tội lỗi và là một gương mẫu cho người ta noi theo. Chịu báp-têm là cách Đức Chúa Jesus xác nhận chức vụ của Giăng Baptist và các sứ điệp mà ông rao giảng. Đức Chúa Jesus luôn làm gương về sự vâng phục Đức Chúa Trời. Trước đó Giăng Baptist cho biết Đức Chúa Jesus là Đấng sẽ làm phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh cho người tin (Mathiơ 3:11).

Phép báp-têm của Đức Chúa Jesus: Khi bắt đầu thánh vụ, Đức Chúa Jesus uỷ nhiệm cho các môn đồ Ngài làm báp-têm cho người Do-thái (Giăng 3:22; 4:1-2). Vậy phép báp têm ấy có gì khác với báp têm của Giăng?

Vì lúc ấy Đức Chúa Jesus chưa hi sinh chết thay cho nhân loại, nên phép báp têm mà các môn đồ Ngài làm thì cũng có cùng một ý nghĩa với báp têm của Giăng Baptist là kêu gọi người ta ăn năn tội lỗi để được tha tội căn cứ trên giao ước cũ nhờ có sinh tế chuộc tội.

Phép báp-têm của tín hữu: Phép báp-têm ký thuật trong Kinh Tân Ước là dành cho các người tin theo Đức Chúa Jesus (Công 2:38; 8:12–13; 36–38; Êphêsô 4:5).

Chịu báp-têm bằng nước mà từ trong lòng không kết ước gì với Đấng Christ, thì báp-têm ấy không tạo một chút thay đổi nào trong đời sống của người chịu báp-têm.

Trong Tân Ước, phép báp-têm được thực hiện khi một người tin cậy Đức Chúa Jesus Christ làm Chúa và Đấng Cứu Tinh, rồi sẵn lòng trầm mình dưới nước và được nâng lên khỏi nước như một biểu tượng về kinh nghiệm được cứu rỗi đã diễn ra.

Phép báp-têm được thực hiện sau khi nhận biết mình có tội nên ăn năn và xưng nhận Đấng Christ là Chúa và Vị Cứu Tinh của mình. Vì “anh em đã được rửa sạch, được thánh hoá, được kể là công chính nhờ danh Đức Chúa Jesus Christ, và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta” (1Côrinhtô 6:11).

Người được báp-têm là người được ‘mặc lấy Đấng Christ.’ Vì “tất cả những ai đã chịu báp-têm liên hiệp với Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ” (Galati 3:27). Phép báp-têm bây giờ không phải chỉ là sự ăn năn tội; bởi vì khi một tín hữu chịu phép báp-têm trầm mình trong nước, không chỉ là sự chết, chôn, và phục sinh của Đấng Christ, nhưng là sự liên hiệp của tâm linh người đó với Đấng Christ trong sự chết, chôn và sống lại của Ngài (Rôma 6:3–5).

Không phải ý nghĩa của phép báp-têm biến thể theo thời gian, nhưng ý nghĩa của điều trước dọn đường và làm sáng tỏ ý nghĩa của điều sau. Khi Giăng Baptist làm báp-têm cho người Giuđa, không ai nghĩ đến việc Đấng Cứu Thế phải chịu chết đền tội cho chúng dân.

Sau khi biến cố Đấng Cứu Thế chịu hi sinh vì tội lỗi nhân loại xảy ra, và sau khi Đức Thánh Linh được ban xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần đầu tiên sau khi Đức Chúa Jesus thăng thiên, thì các sứ đồ được soi sáng hiểu thêm ý nghĩa của lễ báp têm.

Sứ đồ Phierơ nói với những người theo đạo Giuđa muốn được cứu: “Phải hối cải, mỗi người phải nhân danh Đức Chúa Jesus Christ chịu báp-têm để được tha tội, rồi sẽ nhận lãnh Đức Thánh Linh” (Công vụ 2:38).

Nhân danh Đức Chúa Jesus Christ chịu báp-têm để được tha tội là một ý niệm mới. Vì trước đó báp têm chỉ là ăn năn tội để được rửa sạch, bây giờ sự ăn năn ấy phải đặt nền tảng trên Danh của Đức Chúa Jesus, tức là công nhận sự chết của Ngài đã đền tội cho mình để mình được tha tội.

Những thư tín của Phaolô, do Đức Thánh Linh soi dẫn, được kinh điển thành phần lớn của Kinh Tân Ước, thì giải thích rõ ràng về ý nghĩa của phép báp-têm. Ý nghĩa ấy đã trở thành chính thống cho đến ngày nay.

Từ ý nghĩa những sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh về phép báp-têm, cộng với những chi tiết ký thuật về phép báp-têm thời Hội Thánh sơ lập, chúng ta ngày nay có thể biết chắc hình thức cử hành lễ báp-têm bằng nước là trầm mình trong nước.

Do tính cách quan trọng của hình thức phép báp têm trầm mình trong nước, mọi tín hữu cần nắm vững sự hiểu biết nầy: Báp têm nhân Danh Đức Chúa Jesus trầm mình trong nước là biểu tượng cụ thể sự đồng lòng của mình muốn được liên hiệp tâm linh mình với Chúa trong sự chết của Ngài.

Vả, anh em thảy đều chịu phép báp têm trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy.” (Galati 3:27).

Anh em đã bởi phép báp têm được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Đức Chúa Trời” (Côlôse 2:12).

…, anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báp têm trong Đức Chúa Jesus Christ, tức là chịu báp têm trong sự chết Ngài sao?” (Rôma 6:3).

Nếu chúng ta cùng chịu khổ đau với Ngài, hẳn chúng ta cũng được hưởng vinh quang của Ngài” (Rôma 8:17).

Như vậy, nếu muốn đồng hưởng sự sống vinh quang của Đấng Christ trong con người mới, thì trước hết phải chịu đồng chết với Ngài qua phép báp-têm bằng nước và báp têm (rửa sạch) trong tâm linh, mới có thể được liên hiệp với Chúa trong sự sống lại của Ngài.

Một số hình thức thực hành phép báp-têm cho tân tín hữu trong một số giáo hội Tin Lành ngày nay thì không dựa trên nền tảng Kinh Thánh, mà dựa trên cách người ta suy diễn.

Ví dụ như rảy nước để thực hiện phép báp-têm thay vì trầm mình dưới nước. Họ lý luận rằng vì sông Jordan rất cạn nên không thể làm báp têm trầm mình, trái ngược lời ký thuật ở Giăng 3:23, khác chủ trương của các hệ phái tuân thủ Kinh thánh.

Họ cũng cử hành phép báp-têm cho trẻ con hoặc hài nhi. Việc quy định rằng chỉ có chức vụ mục sư mới được cử hành lễ báp-têm thì không phải là tập quán của Hội thánh thời Tân Ước. Bởi vì những lần cử hành phép báp-têm chép trong Kinh Tân Ước đều do nhiều người khác nhau thực hiện (Công vụ 8:36–39; 9:18; 10:47–48). Đức Chúa Jesus và Phao-lô đã cử những môn đồ thay thế mình làm phép báp-têm cho những người đến chịu báp-têm.

Phép báp-têm không phải là một điều kiện để được cứu rỗi, nhưng nó là đòi hỏi về sự vâng lời. Phép báp-têm là bước đầu tiên của sự đào tạo môn đồ.

Mặc dù tất cả các ý nghĩa của phép báp-têm đều là quan trọng, nhưng ý nghĩa then chốt là nhận Đấng Christ là Chúa và Vị Cứu Tinh của mình, được hợp nhất trong sự chết và sống lại của Ngài.

Phép báp-têm bằng nước chỉ diễn ra một lần cho mỗi người tin. Nhưng vì có những người chịu báp-têm khi không biết chắc mình được cứu rỗi, hoặc chỉ làm theo nghi thức thủ tục truyền thống của giáo hội, thì những người ấy có thể xin được làm báp têm lại, nếu muốn.

Trong Tân Ước (Công vụ 19:1-5), một nhóm người được làm báp-têm lại vì chưa nhận được Đức Thánh Linh, là ấn chứng sự cứu rỗi của họ.

TinDoCuaChua29.docx

Rev. Dr. CTB