Giô-suê, bài 01

Giô-suê 1-9

Sách Giô-suê (Joshua) là sách đầu tiên trong phần các sách lịch sử dân tộc Israel của Kinh thánh. Đây là sách thứ sáu của Kinh thánh Cựu ước, sau Ngũ kinh Môi-se.

Mặc dù tên sách là Giô-suê nhưng sách không nói là do Giô-suê viết. Nhiều chỗ trong sách đề cập tới những điều “vẫn còn ở đó cho đến ngày nay” (4:9; 5:9; 6:25; 7:26; 8:28, 29; 9:27; 10:27; 13:13), chứng tỏ rằng đã có một khoảng cách thời gian khá dài từ lúc sự việc xảy ra cho tới khi sách được viết.

Các sử gia nghiên cứu sách Giô-suê tin rằng có lẽ phần cuối của sách được viết vào thời kỳ dân Giu-đa bị lưu đày ở Babylon khoảng sau năm 587 B.C., mặc dù có lẽ sách được bắt đầu viết sớm hơn nhiều. Như vậy, vì thời kỳ Israel chinh phục đất hứa diễn ra trong các năm từ 1406 tới 1375 B.C., nên có lẽ sách Giô-suê được bắt đầu viết sau nhiều thế kỷ họ đã định cư yên ổn ở đất Canaan.

Sách Giô-suê ghi chép phần thứ nhì của công tác vĩ đại Đức Chúa Trời cứu chuộc Israel trong thời Cựu ước. Trong phần thứ nhất (Ngũ kinh), Đức Chúa Trời chuộc dân Ngài khỏi cảnh đời nô lệ ở Ai-cập và chính thức lập giao ước yêu thương với họ tại núi Sinaii, khi Ngài giao cho Môi-se đem họ vượt hoang mạc về vùng đất hứa.

Bây giờ, ở phần thứ nhì, dưới sự lãnh đạo của Giô-suê, Đức Chúa Trời đem dân Israel vào đất hứa và ban cho họ sự yên nghỉ. Đó cũng là chủ đề của sách. Mục tiêu của sách Giô-suê là giải thích mục đích của Đức Chúa Trời qua các sự kiện xoay quanh việc Israel chinh phục và định cư ở Canaan.

Những việc đó là sự ứng nghiệm những lời hứa của Đức Chúa Trời cho Abraham, Isaac và Jacob. Những chi tiết nầy dùng để xác nhận tính hợp lý và hợp pháp từ lúc tổ phụ Abraham tới định cư ở Canaan cho tới khi dân Israel đến ở đó.

Sách Giôsuê được xếp ngay sau Ngũ kinh để hoàn tất các câu chuyện tường thuật trong Ngũ kinh. Chủ đề năm sách đầu tiên của Kinh thánh là sự hoàn thành dần lời hứa của Đức Chúa Trời cho các tổ phụ Abraham, Isaac và Jacob.

Ngài hứa với Abraham rằng dòng dõi của ông sẽ được ban phước và trở thành nguồn phước cho nhiều người khác. Họ sẽ trở thành một dân đông người, có lãnh thổ riêng và hưởng phước qua mối liên hệ tương giao gần gũi với Đức Chúa Trời. Nhưng khi kết thúc Ngũ kinh, Môi-se đã qua đời mà dân Israel vẫn còn ở bình nguyên Moab, chưa bước chân vào đất hứa.

Bây giờ, Giô-suê được Đức Chúa Trời đặt làm người lãnh đạo Israel thay cho Môi-se, để dẫn dân Israel vượt sông Jordan vào chinh phục đất hứa, chiếm đất ấy làm sản nghiệp của họ vĩnh viễn. Sau khi đánh bại các dân tộc mà Chúa định phải bị tiêu diệt, đuổi chúng đi khỏi đất ấy, Giô-suê sẽ phải chia đất cho các chi tộc một cách công bằng.

Hai câu mở đầu của sách là lời Đức Giê-hô-va phán với Giô-suê sau khi Môi-se đã qua đời: “Môi se, đầy tớ Ta đã chết. Bây giờ con và cả dân nầy hãy đứng dậy đi qua sông Jordan, vào đất mà Ta sắp ban cho dân Israel” (1-2).

Người đọc Kinh thánh có thể nhận thấy tâm trạng lúng túng của Giô-suê và toàn dân Israel sau khi Môi-se qua đời. Vì khi Môi-se còn sống, ông nhận lệnh từ Đức Chúa Trời rồi truyền lại cho Israel thi hành. Sau bốn mươi năm ở dưới sự lãnh đạo của Môi-se, dân Israel đã quen với cách sinh hoạt chung của cả dân tộc như vậy. Nhưng sau ba mươi ngày khóc thương Môi-se, thì họ chưa biết phải làm tiếp điều gì, vì đã đóng trại tại bình nguyên Moab khá lâu ngày rồi.

Cho nên, khi Giô-suê được Đức Chúa Trời ra lệnh thì ông mừng rỡ biết rõ điều Israel phải làm là vượt sông Jordan tiến vào chiếm đất hứa. Đức Chúa Trời còn hứa rằng: “Bất cứ nơi nào bàn chân các con đạp đến thì Ta ban cho các con, như Ta đã phán với Môi-se” (3).

Xứ Canaan không phải là một vùng đất hoang không người ở, nhưng là xứ đang có nhiều dân tộc cao lớn và hùng mạnh sống ở đó. Để có thể sở hữu đất hứa, dân Israel phải tiến vào chiếm xứ; vì vậy, bàn chân của họ phải đạp đến vùng đất họ muốn chiếm. Không phải cứ ngồi yên một chỗ chờ Đức Chúa Trời đuổi dân cư ở đó đi hết rồi mới vào chiếm chỗ ở của dân đã bị đuổi đi.

Ngày nay, rất nhiều người trong Hội thánh không hiểu nguyên tắc nầy, nên cứ ngồi yên chờ Chúa đem người mới vào Hội-thánh, chứ không có một chút ý định gì về “bước chân đạp đến lãnh thổ” nào mà mình muốn chiếm, tức là chịu khó liên lạc kết thân với những người mình muốn đem họ vào Hội thánh của Đức Chúa Trời. Nếu Israel cư xử như thái độ của tín hữu thời nay, thì họ vẫn mãi đóng trại ở bình nguyên Moab, chẳng bao giờ hưởng được miền đất hứa.

Lãnh thổ mà Chúa hứa ban cho dân Israel là vùng đất rộng từ ven hoang mạc ở phía nam lên tới sông Euphrates ở phía đông bắc, Địa Trung Hải là ranh giới phía tây. Nghĩa là vùng đất Israel phải đánh chiếm rất rộng, cần lâu ngày mới chiếm hết được (4).

Không lời hứa nào vui mừng hơn là câu: “Trọn đời con sẽ không ai có thể đứng nổi trước mặt con. Ta sẽ ở với con như Ta đã ở với Môi-se; Ta sẽ không lìa con, không bỏ con đâu”(5).

Dù đã là một chiến sĩ can trường dũng mãnh, Giô suê vẫn cần biết trước rằng Đức Chúa Trời sẽ không cho kẻ thù nào chống nổi sức tấn công của quân Israel do ông lãnh đạo. Ngoài việc hỗ trợ Giô-suê chiến thắng kẻ thù, Đức Chúa Trời sẽ giúp ông cai trị và đối phó với một dân cứng cổ, hay phản nghịch. Bởi vì khi đối phó với dân tộc ruột thịt của mình thì khó xử hơn là đối phó với kẻ thù. Nên Chúa sẽ ở với ông như với Môi-se.

Đức Chúa Trời phải hứa chắc với Giô-suê là Ngài sẽ không lìa ông, không bỏ ông, để ông sẽ cứ vững lòng làm theo các mệnh lệnh của Ngài. Tất cả các sự kiện lịch sử về sau suốt cuộc chinh phục vùng đất hứa chứng tỏ: Hễ khi nào Giô-suê hoàn toàn tin cậy lời hứa của Chúa thì Israel đắc thắng trước các kẻ thù; nhưng khi nào ông không cầu hỏi ý Chúa trước khi lập quyết định, thì bị thất bại.

Đức Chúa Trời biết trước tất cả những điều đó. Ngài biết ông đã quen phụ tá Môi-se và chỉ làm theo mệnh lệnh, chưa phải làm nhiệm vụ lãnh đạo; nên Ngài khích lệ: “Hãy mạnh dạn và can đảm, vì con sẽ dẫn dân nầy đi nhận lấy đất mà Ta đã thề ban cho tổ phụ họ” (6). Ngài cũng biết ông đã từng ngán ngẩm thái độ của ngang ngược và cứng cổ của dân Israel mà ông phải đưa vai gánh vác trách nhiệm lãnh đạo. Cho nên Giô-suê cần can đảm để lãnh đạo cách hiệu quả.

Trước kia, Giô-suê đã từng chỉ huy các trận chiến đánh bại quân Amalek rồi Madian dưới sự giám sát của Môi-se. Bây giờ, trước mặt ông là các dân tộc cao lớn, đông người, mạnh mẽ, thành của họ thì có vách cao ngất và kiên cố. Đồng thời họ cũng phòng bị kỹ lưỡng vì biết ý của Israel là sẽ tiến vào chiếm đất của họ. Vấn đề chinh phục đất hứa không phải là dễ dàng như chiến đấu ngoài hoang mạc.

Vì vậy, Đức Chúa Trời dặn dò: “Hãy mạnh dạn, thật can đảm và cẩn thận làm theo tất cả luật pháp mà Môi-se, đầy tớ Ta, đã truyền cho con; đừng xoay qua bên phải hoặc bên trái, để con đi đâu cũng đều được thịnh vượng” (7).

Bí quyết để được thành công là cẩn thận làm theo tất cả luật pháp của Chúa đã truyền qua Môi-se. Xoay qua bên phải hoặc bên trái có nghĩa là thêm thắt vào hay giảm bớt đi những gì luật pháp đã truyền dặn. Luật pháp nói sao, cứ làm vậy.

Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng con, hãy suy gẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép trong đó. Vì như thế, con mới được thịnh vượng trong con đường mình và mới thành công” (8). Đây không phải chỉ là lời dặn dò hay mệnh lệnh đơn thuần, nhưng còn là bí quyết để được thịnh vượng và thành công trong đời sống ở trần gian.

Chúng ta không phải chỉ là người bình thường như mọi người trần gian khác không biết gì về luật pháp của Đức Chúa Trời; vì chúng ta là con cái Ngài và đã được biết luật pháp của Ngài rồi. Thành công hay thất bại là do thái độ của chúng ta đối với luật pháp từ thiên đàng. Ai cẩn thận suy gẫm và làm theo thì được thịnh vượng và thành công. Ai lơ là không bước theo Chúa thì sẽ thất bại chua cay.

Hãy mạnh dạn, can đảm. Chớ run sợ, chớ kinh hãi!” (9). Đức Chúa Trời phải lặp lại nhiều lần lời khích lệ của Ngài. Dù Ngài hứa sẽ ở với Giô suê trong mọi nơi ông đi, nhưng ông phải có sự đóng góp tinh thần và thái độ của ông; tức là mạnh dạn, can đảm, không run sợ, không kinh hãi khi phải đứng trước hiểm nguy giữa sống với chết.

Chúng ta cần phải biết và hiểu rõ nguyên tắc cộng tác với Chúa. Vì run sợ kinh hãi thì không thể nương cậy Chúa, cũng chẳng có đức tin.

Giosue01.docx

Rev. Dr. CTB