Thử Nghiệm Đức Tin, bài 23
Ê-sai 40:6–8
Bất cứ ai muốn thuyết phục người khác tin một điều gì đó, thì trước hết người ấy phải biết rõ và tin chắc điều mình rao truyền. Ai chưa biết rõ hay không tin chắc mà muốn thuyết phục người khác thì sẽ thất bại khi bị chất vấn gắt gao.
Ví dụ rõ ràng nhất là dân tộc nào lấy huyền thoại làm lịch sử thì phải luôn luôn xuyên tạc sự thật lịch sử để bảo vệ huyền thoại không có thật. Đến một lúc, sự thật bị phơi bày, sự dối trá bị bộc lộ, các thế hệ con cháu chẳng còn tin vào lời nói của các thế hệ tổ tiên nữa.
Tình trạng khủng hoảng lòng tin của các thế hệ con cháu đối với các thế hệ đi trước trở thành một thảm hoạ, vì các tầng lớp trẻ không còn kính trọng cha mẹ, cũng chẳng vâng lời dạy dỗ của các bậc bề trên mà họ cho đó là lớp người dốt nát nên cố bám lấy sự dối trá.
Những dân tộc nào đặt niềm tự hào của mình trên các huyền thoại giả dối thì sẽ lãnh hậu quả tai hại là sinh ra các thế hệ con cháu hết sức gian xảo, chuyên nói dối, sẵn sàng lừa gạt nhau, và là những thế hệ tội ác nối tiếp nhau lộng hành trong các dân tộc như vậy.
Thực tế ngày nay giữa các sắc tộc nhập cư trong xã hội nầy là bằng chứng hùng hồn về hệ quả sản sinh từ các thế hệ lớn lên trong loại niềm tin giả dối.
Tâm lý chung của người ta là vô cùng cẩn thận khi phải giao dịch với sắc dân nào đó; bởi vì tai tiếng quá xấu về sắc dân ấy đã phổ biến khắp nơi. Chính chúng ta thường rất cảnh giác khi phải giao dịch với các dịch vụ do đồng bào mình phục vụ.
Các thành tích tệ mạt đã xảy ra quá nhiều, khiến cho người ta phải tìm nơi tin cậy giới thiệu dịch vụ đáng tin, để khỏi bị lừa gạt; thế mà trong thực tế rất khó kiếm được người thành thật, khác xa văn hoá ngay thẳng, thật thà của rất nhiều thế hệ người Mỹ vẫn tiếp tục được mọi người tín nhiệm.
Tại sao có tình trạng số người ngay thẳng thật thà thì ít, mà thành phần gian dối quá nhiều đã sinh ra trong một dân tộc nào đó? Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng ấy?
Câu giải đáp là dân tộc bị tai tiếng đó có đa số người không tin là họ sẽ bị trừng phạt, hoặc họ không tin lời dạy của giới lãnh đạo tôn giáo của họ.
Trước một thực tế phũ phàng như vậy, mọi con cái Chúa phải hiểu biết và nắm vững điều mình tin là sự thật, không phải chuyện bịa đặt. Tiên tri Ê-sai viết rằng: “Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời Đức Chúa Trời chúng ta đứng vững đời đời” (Ê-sai 40:8). Lời Đức Chúa Trời đứng vững vì là sự thật.
Những điều không có thật, dù được giới lãnh đạo tôn giáo tô vẽ thế nào đi nữa, đều sẽ bị phơi bày và sụp đổ hết. Ví dụ khi người ta dùng sự nhận định thiếu sót của họ để khẳng định thứ giáo lý mà họ thiết lập, thì lập luận ấy bị sụp đổ trước quyền phép của Đức Chúa Trời, còn các hệ phái nào cố bám giáo lý đó thì ngày càng suy sụp không phương cứu vãn.
Đức Chúa Trời vẫn thường xuyên bày tỏ sự hiện hữu của Ngài cho Hội Thánh Ngài qua dấu lạ phép mầu; để người nào đã tin thì càng tin vững chắc hơn.
Lòng tin chắc Lời Chúa là điều kiện vô cùng quan trọng đối với bất cứ ai muốn rao truyền Tin Mừng cho người khác; mà lòng tin chỉ vững vàng khi được trải qua các kinh nghiệm đặc biệt từ Chúa ban cho những ai tìm kiếm Ngài bằng đức tin thành thật.
Bởi vì những kinh nghiệm đặc biệt là bằng chứng ghi sâu vào tâm khảm của người nhận; hễ mỗi khi bão tố trong đời vây phủ chung quanh, những bằng chứng ấy sẽ vững vàng như ngọn núi đá không thể chuyển lay. Chúng nhắc lại sự thành tín, ơn che chở bảo bọc và quyền điều khiển của Đức Chúa Trời trong chương trình của Ngài, như đã chép: “Dù núi dời ,dù đồi chuyển, nhưng lòng nhân từ của Ta không dời khỏi ngươi, và giao ước bình an của Ta chẳng chuyển lay; Đức Giê-hô-va là Đấng thương xót ngươi phán vậy” (Ê-sai 54:10).
Khi chúng ta tin sự thật của Lời Chúa, sự thật và sự chính xác của Kinh Thánh, sự thật về ơn cứu rỗi mà mình đang có, thì kết quả sẽ sản sinh trong đời sống của những người như vậy là tính thật thà, tính ngay thẳng và lòng ưa chuộng sự thật.
Người khác dễ tín nhiệm lời nói và lời chứng của những người như thế. Trái lại, người ta khó tin lời chứng của những người có tiếng xấu trong lời nói và hành động.
Người ta cũng dễ tín nhiệm những người mà họ đã quan sát thấy có sự biến đổi đặc biệt về tính tình cùng mọi cách xư xử, từ xấu thành tốt, không còn dấu vết của những thói nết tội lỗi gian ác ngày trước.
Vì vậy, để có thể trở nên những chứng nhân đầy hiệu quả cho Đức Chúa Trời, mỗi người chúng ta phải kinh nghiệm về sự thành thật của Lời Ngài trong Kinh Thánh. Hãy dành thì giờ suy gẫm những câu, những đoạn Kinh Thánh mà mình đọc, ghi nhớ những lời Chúa hứa cho con dân Ngài, rồi quan sát những sự việc Chúa đang làm diễn ra quanh mình.
Lý do khiến cho nhiều tín hữu không nhận ra việc Chúa làm là vì không biết cũng không đọc những câu Kinh Thánh mà Chúa phán về sự thành tín của Ngài:
“Vì như mưa và tuyết từ trời rơi xuống và không trở về đó nữa mà tưới nhuần đất đai, làm cho dâm chồi nẩy lộc, để có hạt giống cho kẻ gieo, có bánh cho kẻ ăn, thì lời Ta cũng vậy, đã ra khỏi miệng Ta sẽ không trở về luống công, nhưng sẽ thực hiện ý Ta muốn và hoàn thành việc Ta giao” (Ê-sai 55:10–11).
Suy gẫm và nghiền ngẫm những câu Kinh Thánh mà mình nhận được sự dạy dỗ là yếu tố chính dẫn tới sự tin chắc của mình vào Chúa.
Ai xưng là con cái Chúa mà đức tin bạc nhược, dễ bị lung lay trước sự hù doạ của ma quỷ, là những người ít đọc Kinh Thánh, không có lời Chúa Trong lòng, không nắm vững sự thật về tín ngưỡng mà mình đang theo, hậu quả là không dám chứng đạo cho ai cả.
Ngoài sự ứng nghiệm hoàn toàn các lời tiên tri từ xưa là bằng chứng vững chắc về Lời Chúa là sự thật, sự thật ấy còn phải được chứng minh qua đời sống của những người tin theo Ngài.
Sự tái sinh của tâm linh bên trong con người tin Chúa phải là sự thật đã diễn ra, thì người tin mới có thể hăng hái xác quyết điều mình tin; người biết chắc mình đã được tha tội, được tinh sạch trước mặt Chúa, sẽ hết sức tránh mọi hình thức phạm tội, khiến mình bị ô uế trở lại, là gương sáng giúp cho người chưa tin thấy hiệu quả thực tế trong quyền năng của Lời Đức Chúa Trời tác động trên người tin.
Những lỗi lầm khi còn trẻ giống như các vết thương liền miệng bên ngoài nhưng chưa thực sự lành bên trong, sẽ vỡ ra khi điều xấu hổ bị khơi lại. Nhưng người thật lòng tin Lời Chúa thì được tha thứ: “Đừng sợ, vì ngươi sẽ chẳng bị hổ thẹn. Đừng nản, vì ngươi không còn xấu hổ nữa. Ngươi sẽ quên điều sỉ nhục lúc còn trẻ” (Ê-sai 54:4).
Tất cả những lời hứa của Đức Chúa Trời đều chắc chắn vì tất cả đều là sự thật. Vô số tín hữu nghe, học và hiểu các bài giảng, nhưng chỉ người nào áp dụng những điều mình đã nghe hiểu vào đời sống thực tế, thì người đó mới nhận được ích lợi của Lời Chúa:
“Đức Giê-hô-va phán: ‘Hãy giữ điều chính trực và thực hành lẽ công chính, vì sự cứu rỗi Ta gần đến, sự công chính của Ta sắp được bày tỏ’” (Ê-sai 56:1).
Sứ đồ Gia-cơ diễn tả người nghe mà không làmnhư sau: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình. Vì nếu người nào nghe lời mà không làm theo thì giống như người kia soi mặt mình trong gương, ngắm rồi bỏ đi và quên ngay mặt mình như thế nào” (Gia-cơ 1:22–24).
Chúng ta ngày nay cũng vậy; dù Lời Chúa vẫn luôn là sự thật, nhưng người đọc hoặc nghe mà không làm theo, thì sự đọc và nghe đó đều chẳng ích lợi gì cho người ấy cả.
Vậy thì, hãy siêng năng đọc Lời Chúa trong Kinh Thánh; người nào chưa quen hoặc chưa có thói quen đọc Kinh Thánh, hãy lập thói quen ấy bằng cách bắt đầu đọc và suy gẫm sách phúc âm Giăng kèm với các bài giải nghĩa đã đăng trên internet.
Một khi đã bắt đầu hiểu thì người đọc sẽ ham thích Lời Chúa hơn. Đừng đọc Kinh Thánh kiểu tò mò tìm biết kết cục câu chuyện như đọc sách hay tiểu thuyết, mà vừa đọc vừa xem xét, suy nghĩ để hiểu ý nghĩa và biết ý muốn của Đức Chúa Trời cho cá nhân mình hoặc cho cả Hội Thánh.
Trong khi còn có cơ hội thì sự bắt đầu đọc Kinh Thánh chưa muộn: “Hãy nghiêng tai và đến với Ta; hãy nghe Ta thì linh hồn các ngươi được sống. Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước đời đời, tức là tình yêu vững bền của Ta dành cho David………Hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va trong khi có thể gặp; hãy kêu cầu đang khi Ngài ở gần! …Hãy trở lại cùng Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ thương xót, hãy đến cùng Đức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha thứ dồi dào” (Ê-sai 55:3, 6, 7b).
ThuNghiemDucTin23.docx
Rev. Dr. CTB