Truyền Giáo Vững Vàng, bài 07
Giăng 15:1-17
Bất cứ tín hữu nào yêu mến Chúa đều muốn được kết quả cho Ngài. Mỗi tín đồ đều cần phải kết quả trên hai lãnh vực: Thứ nhất là đời sống tâm linh kết quả qua sự tái sinh, đổi mới và thánh hoá. Thứ nhì là có khả năng dẫn dắt thêm người vào Hội Thánh và chăm sóc họ thành tín hữu tái sinh, đổi mới và trưởng thành như mình.
Lẽ dĩ nhiên là ai có đời sống tâm linh kết quả thì mới có khả năng dắt đưa người khác đến với ơn cứu rỗi của Chúa. Còn người có đời sống thuộc linh thất bại chẳng những không đem được ai mà còn gây cớ vấp ngã cho nhiều người khác.
Chúng ta cần phải hiểu rằng sự kết quả của đời sống tâm linh không phải là một sự lựa chọn vô thưởng vô phạt như nhiều người vẫn tưởng lầm. Ai đã tuyên xưng đức tin, thật lòng tiếp nhận Chúa làm Chủ đời mình, người ấy phải kết quả; không có lựa chọn nào khác.
Vậy, hãy cùng nhau xem lời Chúa dạy.
Trong lời Chúa tâm sự với các môn đồ, Ngài chỉ dẫn họ cách thức nào để đạt tới kết quả khả quan nhất. Đức Chúa Jesus tự xưng Ngài là cây nho; bất cứ người nào đã tiếp nhận Ngài đều trở nên cành của cây nho ấy (5). Người trồng nho nào cũng mong mọi cành của thân nho phải ra trái.
Nếu Đức Chúa Trời muốn chúng ta, là các cành nho trong Đức Chúa Jesus, phải kết quả, thì cành nào chẳng bao giờ kết quả, theo lời Đức Chúa Jesus cho biết, sẽ bị Ngài chặt bỏ; đồng thời Ngài tỉa sửa những cành có trái để có nhiều trái hơn (2).
Có lẽ vào thời điểm đó, các môn đồ của Ngài chưa thật hiểu hết ý Ngài muốn truyền dạy họ. Nhưng chúng ta ngày nay thì hiểu rất rõ ý nghĩa những lời dạy của Đức Chúa Jesus không phải chỉ là kết quả trong tâm linh mà số môn đồ phải nhân lên nhiều lần.
Anh chị em nên hiểu rằng không phải ý Đức Chúa Jesus muốn doạ dẫm các môn đồ của Ngài để họ phải hết lòng truyền giáo, nhưng Ngài nói lên sự thật để họ được biết.
Đức Chúa Jesus cho biết bí quyết để mọi tín đồ nào muốn kết quả đều có thể thực hiện được; ấy là có sự hiện diện của Ngài trong tâm linh mình: “Hãy cứ ở trong Ta thì Ta sẽ ở trong các con. Như nhánh nho, nếu không dính liền với thân cây nho thì tự nó không thể ra quả được” (4).
Lời nầy không phải chỉ đúng mà còn vô cùng quan trọng; trước đó Ngài nói về điều kiện để được ở trong Ngài: “Các con đã được tinh sạch nhờ lời Ta đã truyền dạy các con” (3). Chúng ta chỉ có thể gắn bó với Đức Chúa Jesus khi đã hấp thụ và làm theo các lời dạy của Ngài để tâm linh mình được tinh sạch qua quyền năng tẩy rửa của Đức Thánh Linh.
Chúng ta phải duy trì tình trạng gắn bó với Ngài thì chắc chắn kết quả: “Ta là cây nho, các con là cành. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả. Vì ngoài Ta các con không làm gì được” (5). Chân lý nầy là thực tế mà mỗi con cái Chúa đều phải tự xem xét. Vì có người tưởng không cần Chúa họ vẫn sống.
Bất cứ cành cây nào bị chặt đều bị rời ra, không còn dính liền với thân nữa. Sự sống tâm linh của chúng ta chỉ tồn tại khi còn được dính liền với Đức Chúa Jesus; lìa ra rồi thì tâm linh ấy phải chết.
Người ta ít khi tự xét xem tâm linh mình còn sống hay đã chết. Nhưng các anh chị em đang ở trong Chúa đều nhận biết tình trạng tâm linh của người sẽ bị Đức Chúa Trời chặt bỏ, không thể giấu giếm gì được. Vì nếu mọi người trong một Hội Thánh đều có tình trạng tâm linh bạc nhược, ngất ngư như nhau, thì chẳng ai biết tình trạng của người khác; nhưng ở Hội Thánh nào đang vận hành trong sự sống của Đức Thánh Linh ban cho, thì bất cứ tình trạng bất bình thường nào đều sẽ bị bộc lộ. Bởi vì, “nếu ai không cứ ở trong Ta thì bị ném ra ngoài như cành nho và bị héo, người ta nhặt lấy, ném vào lửa thì nó cháy” (6). Ai cũng sẽ thấy đám cháy của cành rác bị chặt bỏ.
Cành cây ở trong thân có nghĩa là cành ấy dính liền với thân. Tín hữu muốn ở trong Chúa thì phải dính liền với Ngài bằng cách học và thấm nhuần lời dạy của Đức Chúa Jesus có in sẵn trong bốn sách Phúc âm của Kinh Thánh Tân Ước: “Nếu các con cứ ở trong Ta và lời Ta cứ ở trong các con, hãy cầu xin bất cứ điều gì mình muốn, các con sẽ nhận được điều đó” (7).
Phước hạnh và ích lợi của người được thấm nhuần lời Chúa là đem được nhiều người đến với Ngài; vì lời cầu xin của những người ấy không chú trọng vào các nhu cầu của họ, mà mong cứu được nhiều linh hồn còn đang hư vong.
Việc sẽ nhận được bất cứ điều gì mình cầu xin sẽ liên quan tới các dấu kỳ phép lạ chữa bệnh, đuổi quỷ và những việc quyền năng khác nữa. Bí quyết vẫn là “cứ ở trong Ta và lời Ta cứ ở trong các con.” Tức là duy trì được tình trạng gần gũi gắn bó với Đức Chúa Jesus.
Ngài bày tỏ điều kiện, cũng là bí quyết để duy trì tình trạng ấy là cứ ở trong tình yêu thương của Ngài, giống như Ngài được Cha yêu thương và cứ ở trong tình yêu thương đó. Mà để ở trong tình yêu thương của Cha thì Đức Chúa Jesus phải vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Cha. Cho nên, Ngài đòi hỏi các môn đồ Ngài phải vâng giữ các điều răn của Ngài (9-10).
Khi suy gẫm điều nầy, chúng ta hãy nhìn sâu vào sự mầu nhiệm tuyệt vời của tình yêu thương mà Đức Chúa Jesus muốn dạy các môn đồ Ngài thời ấy cũng như đối với chúng ta ngày nay. Một niềm vui được trọn vẹn khi được mãn nguyện trong tình yêu. Đức Chúa Cha yêu Đức Chúa Con không chừng mực. Đức Chúa Jesus lại muốn yêu thương các môn đồ Ngài không giới hạn.
Ngài tiết lộ cho các môn đồ Ngài biết và thực hiện, để họ có niềm vui trọn vẹn vì Ngài yêu thương họ hết lòng (11).
Mọi bí quyết để được trở thành các nhánh nho kết quả chỉ tóm gọn trong tinh thần biết yêu thương lẫn nhau. Những ai đang bị tiêm nhiễm quan điểm và tập quán của xã hội văn minh thời nay thì nên suy nghĩ kỹ về các quyết định mà mình cư xử với Hội Thánh của Đức Chúa Trời nơi mình tiếp xúc và sinh hoạt.
Bởi vì khi Đức Chúa Jesus truyền dạy: “Đây là điều răn của Ta: Các con hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con” (12), thì hầu hết tín đồ ở các Hội Thánh xem lời ấy như là một sự lựa chọn vâng theo hay không vâng theo cũng chẳng ảnh hưởng gì đến mình.
Sự suy nghĩ sai lầm ấy dẫn tới tình trạng tâm linh bạc nhược, thiếu sức sống của Chúa cai trị trong lòng. Làm sao chứng minh được mình thật lòng kính thờ Chúa mà bỏ lơ không vâng lời truyền dạy mà Ngài cho biết đó là điều răn của Ngài?
Yêu thương tới mức độ nào? “Không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hi sinh mạng sống mình” (13). Yêu thương là hi sinh. Không thể hi sinh thì không thể nào yêu thương anh chị em trong gia đình của Chúa.
Nhiều người thời nay đã quên mất nguyên tắc hi sinh trong tình yêu thương. Tính ích kỷ chú trọng vào bản thân chẳng những không ích lợi gì cho người thực hiện cách cư xử đó mà còn làm nhiễm độc bầu không khí thân mật đầm ấm trong gia đình của Đức Chúa Trời.
Nếu nhiều anh chị em vẫn chưa hiểu được tâm tình thiết tha của Đấng Christ muốn mọi người trong gia đình của Ngài phải biết thật lòng yêu thương nhau, thì người ấy chưa được Chúa gọi là bạn hữu của Ngài: “Nếu các con làm theo điều Ta truyền dạy thì các con là bạn hữu Ta. Ta sẽ không còn gọi các con là đầy tớ nữa, vì đầy tớ không biết điều chủ làm” (14 -15). Chúng ta sẽ biết việc Chúa định làm cho Hội Thánh khi vâng lời và trở nên bạn hữu Ngài.
Chúa không giấu bạn của Ngài những điều Ngài sẽ làm cho họ. Một cách hiểu sai khác ngăn trở không cho nhiều người được kết quả. Ấy là mỗi người tự lập quyết định về mọi việc mà mình thấy thuận lợi theo ý riêng mà không quan tâm tới ý muốn của Chúa như thế nào.
Vì “không phải các con đã chọn Ta, nhưng Ta đã chọn và bổ nhiệm các con, để các con đi, được kết quả, và quả của các con cứ còn mãi; để bất cứ điều gì các con nhân danh Ta cầu xin Cha, thì Ngài ban cho các con” (16).
Rất nhiều khi chúng ta không biết lý do lời cầu xin của mình không được nhậm, vì không biết rằng mình không kết quả là do tự làm theo ý riêng. Hầu hết giống như dưa hấu không hột nên không thể truyền giống cho các thế hệ kế tiếp; rồi cũng quên luôn lời Chúa dặn: “Bởi điều nầy Cha Ta được tôn vinh, ấy là các con kết quả nhiều và trở nên môn đồ Ta” (8).
Bí quyết đạt được kết quả trong mặt trận truyền giáo ấy là tình yêu thương lẫn nhau của anh chị em trong Hội Thánh. “Ta truyền dạy điều nầy cho các con để các con yêu thương nhau” (17).
Ngày nào chúng ta chưa học được tình yêu thương lẫn nhau trong Hội Thánh, thì sự truyền giáo vẫn chưa thể nào có kết quả. Vì chúng ta chỉ là cành nho, không thể làm cây nho riêng được.
TruyenGiaoVungVang07.docx
Rev. Dr. CTB