Truyền Giáo Vững Vàng, bài 24
Êphêsô 6:1-3
Trở ngại thường gặp nhất trong việc đem ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến cho người Việt là tín hữu phải biết cách trả lời các câu hỏi về vấn đề thờ cúng tổ tiên, để gỡ bỏ cái mặt nạ mà thế giới tối tăm dùng bịt con mắt tâm linh của những người có lòng hiếu thảo đối với các bậc cha mẹ, ông bà đã qua đời. Vì đa số người Việt chỉ thờ cúng tổ tiên theo tập quán của ông bà cha mẹ truyền lại, mà phật giáo Việt nam cũng thực hành tập quán đó, nên họ tưởng họ thuộc về phật giáo, trong khi chẳng biết niềm tin thật của đạo phật là những gì.
Sở dĩ chúng ta phải thảo luận về vấn đề nầy bởi vì sự việc rất nhạy cảm, mà đa số tín hữu bị lúng túng, không biết cách giải thích, nên có người tuyên bố thờ tổ tiên là thờ lạy ma quỷ, xúc phạm tình cảm sâu đậm của con cháu đối với cha mẹ họ. Người nào nói vậy thì đừng mong dẫn ai đến với Chúa, vì tạo ác cảm khó cứu vãn nổi.
Trước khi đi sâu vào vấn đề thờ cúng tổ tiên, chúng ta hãy biết lý do người ta thờ cúng; rồi sự thờ cúng ấy đúng sai như thế nào? Văn hoá nguyên thuỷ của người Việt cổ không có các hình thức thờ cúng tổ tiên như hiện nay. Vì hầu hết tập quán văn hoá và tín ngưỡng Á-đông là do người Tàu truyền bá cho người Việt.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của các tác giả Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên biên soạn, thì khoảng năm 110 TCN, quan thái thú Tích Quang dạy lễ nghĩa còn quan thái thú quận Cửu-chân là Nhâm Diên chỉ dẫn người Việt làm ruộng. Tuy nhiên, việc thể chế hoá sự thờ cúng tổ tiên 5 đời bắt đầu ở thế kỷ AD 15 do bộ luật Hồng Đức của nhà hậu Lê quy định, lúc Nho giáo chiếm ưu thế trong xã hội. Đến đời nhà Nguyễn thì nghi lễ thờ cúng tổ tiên ghi rõ trong sách “Thọ Mai Gia Lễ.” Thế thì tập quán thờ cúng tổ tiên không ra từ phật giáo.
Thuyết sáu cõi luân hồi của phật giáo, lấy từ đạo Bà-la-môn, nói rằng chỉ người nào tái sinh vào cõi ‘ngạ quỷ’ thì mới có thể ăn đồ cúng do con cái dâng cúng; nhưng không con cháu nào biết ông bà, cha mẹ, tổ tiên sau khi chết tái sinh vào cõi nào. Mà đã thành ngạ quỷ thì chẳng ai muốn dây dưa. Phật giáo cúng chỉ nhằm thể hiện lòng thành mà thôi. Thế thì, sự cúng bái tổ tiên là của Khổng giáo, được quy định thành luật từ thời nhà hậu Lê, 500 năm trước đây, nhằm khuyên người ta phải biết hiếu kính ông bà, cha mẹ và các bậc tiền nhân.
Nhưng tục lệ thờ cúng tổ tiên có phải là một tôn giáo mà người Việt vẫn gọi là ‘đạo lương’ không? Có thể khẳng định là không, vì sự thờ cúng không cần qua trường đào tạo, không có bài bản kinh sách, cũng chẳng có hệ thống, tín điều, giáo lý gì hết. Người thờ cúng tổ tiên chỉ thay đổi tập quán khi họ nhận ra sự sai lầm.
Sự thờ cúng tổ tiên không phải là tôn giáo, nên người ta dễ mở rộng lòng để tìm hiểu ơn cứu rỗi rao truyền tới họ; cho nên, nhiệm vụ của mỗi tín hữu là phải biết rõ sự thờ cúng tổ tiên sai trật như thế nào, rồi đừng mở miệng nói những lời xúc phạm vì mình không thờ cúng như họ.
Có ba hạng người thực hành thờ cúng tổ tiên: Nhóm thứ nhất là những người thật lòng yêu thương, tưởng nhớ ông bà cha mẹ của họ, nhưng không biết rõ ông bà cha mẹ mình sau khi chết rồi đã đi về đâu, có phù hộ được không; nhóm thứ nhì là lúc cha mẹ còn sống thì vô cùng bất hiếu, khi cha mẹ chết rồi thì làm bàn thờ cúng kiến để che mắt thế gian; nhóm thứ ba là những người bắt chước người ta thờ chứ chẳng hiểu hay có một ý tưởng gì hết. Trong ba hạng thì nhóm 2 rất khó tin Chúa.
Tưởng nhớ tổ tông là điều tốt, vì Đức Chúa Trời muốn những người làm con phải hiếu kính cha mẹ (1-3). Dù Kinh Thánh không dạy phải cúng thờ người đã chết, nhưng dạy con cái phải hiếu kính cha mẹ, thì không có gì sai khi để lòng tưởng nhớ công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ đối với mình, vì tình cảm của con cái yêu thương cha mẹ. Hầu hết người trên thế gian tưởng nhớ tới cha mẹ và cao lắm là ông bà đã qua đời. Bởi vì số người có những kỷ niệm thân yêu với ông bà cố thì rất ít. Nhưng luật Hồng Đức buộc phải thờ tới đời tổ, tức là trên ông cố một thế hệ. Còn vô số đời trước đó thì chẳng ai biết. Như vậy, sự thờ kính tổ tiên bị thiếu sót và lỗi quá nặng, bởi vì thế hệ càng cao thì càng phải được tôn kính hơn, mà chẳng ai thờ kính đủ tới cội nguồn.
Sách xưa dạy về đạo hiếu là “Thận chung truy viễn.” ‘Thận chung’ nghĩa là khi cha mẹ già thì con phải hết lòng chăm sóc, khi họ qua đời bình an thì phải lo tang lễ chu đáo; ‘truy viễn‘ là tưởng nhớ công ơn nuôi dưỡng và vâng theo sự dạy dỗ đúng của tổ tiên. Số người làm được ‘thận chung‘ đã ít, mà ‘truy viễn‘ tới cội rễ của dòng họ mình càng ít hơn. Thế thì, chỉ có sự kính thờ Đức Chúa Trời, là cội rễ của loài người mới giải quyết được. Cây có cội, nước có nguồn, nhưng không kính thờ Đấng là cội nguồn của cả loài người thì lỗi ấy lớn lắm.
Một thực tế mà ai cũng phải công nhận là không phải điều gì tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã làm hoặc dạy đều đúng; hầu hết đã phạm biết bao gương xấu chẳng ai muốn nhắc tới. Người Á-đông lập bàn thờ gia tiên như một thế giới thu nhỏ của người đã khuất: Hai cây đèn hai bên tượng trung cho mặt trời, mặt trăng, khói nhang là tinh tú. Họ tin một cách lờ mờ rằng lời nguyện cầu sẽ theo khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên.
Bây giờ, hãy xem tập quán ấy đúng hay sai? Trước hết, sự thờ cúng tổ tông lúc nào cũng bị thiếu sót: Tổ tông xa đáng trọng hơn mà không thờ thì không hợp với đạo hiếu. Hơn nữa, Đấng Tạo Hoá, là nguồn cội của mọi người trên thế gian mà không thờ, thì dù thờ bao nhiêu đời tổ tông xa gần gì đi nữa cũng mắc lỗi không thờ kính Trời và sẽ bị trừng phạt nặng.
Hiếu kính cha mẹ là hành động phải làm khi cha mẹ còn sống. Nhưng vô số người Việt miệt mài đi xa làm ăn mua bán, hoặc đắm chìm trong tứ đổ tường, bỏ mặc cha mẹ già yếu tự lo thân, chẳng viếng thăm an ủi; mua sắm cho mình thì toàn đồ đắt tiền, ăn uống sang trọng, nhưng mỗi năm biếu cha mẹ vài trăm bạc thì đắn đo cân nhắc. Đến khi cha mẹ lìa trần lại tỏ vẻ hiếu thảo đốt nhang van vái, bày vẽ đồ cúng kiến ê hề, nhưng cha mẹ có ăn được đâu. Mọi việc làm lúc đó chỉ là vô ích.
Tín đồ của Chúa phải luôn luôn tưởng nhớ cha mẹ; dù cách ăn nết ở của họ lúc còn sống không được vẹn toàn, nhưng công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái là lớn lao vô cùng. Tuy vậy, sự thờ cúng tổ tiên cha mẹ thì không làm được vì vi phạm luật thánh của Đức Chúa Trời ghi trong mười điều răn, chỉ một mình Ngài là Chúa duy nhất của cả trời đất đáng được thờ lạy. Vì sự sống từ Ngài mà ra và mọi thứ để duy trì sự sống cũng do Ngài ban cho.
Thờ kính Ngài không có nghĩa là được phép bất hiếu với ông bà cha mẹ; người nào thật lòng thờ kính Chúa là người vẫn thường xuyên tưởng nhớ công ơn ông bà, cha mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng mình cho đến khi lớn khôn. Hiếu kính chỉ thật sự có ý nghĩa cao đẹp khi còn ở nhà con cái ngoan ngoãn, vâng lời dạy dỗ của cha mẹ (Côlôse 3:20), rồi hết lòng phụng dưỡng khi họ già yếu cần sự trợ giúp để sống bình an.
Theo thói đời thì một số người tổ chức cúng giỗ linh đình để chứng tỏ cho họ hàng thấy mình có lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Đó là trò che mắt thế gian; bởi vì lúc cha mẹ còn sống, chỉ có hàng xóm của cha mẹ mới biết rõ con cái có hiếu thảo thật hay không.
Lòng hiếu thảo chân thật là noi gương cha mẹ, tổ tiên, nếu họ là những người hiền đức; hoặc tránh không phạm phải những điều cha mẹ đã làm mà mình biết là xấu xa gian ác; hoặc từ bỏ niềm tin sai trật của cha mẹ để làm gương tốt cho dòng dõi mình được phước lớn. Như vậy mới là hiếu thảo đúng nghĩa và được Đức Chúa Trời ban thưởng.
Tóm lại, lòng hiếu thảo tưởng nhớ tới ông bà cha mẹ là đúng, đáng khen và là gương tốt cho con cháu noi theo. Nhưng sự cúng thờ mà tổ tiên cha mẹ không được hưởng gì hết, lại vi phạm luật Trời, thì dù là truyền thống lâu đời mà sai lạc, cũng phải bị bỏ thôi.
TruyenGiaoVungVang24.docx
Rev. Dr. CTB