Thời Tận Thế

Khải Huyền 13:1-18

Như đã đề cập ở bài trước, các đoạn từ 12-15 là phần giải thích chen giữa hai đoạn 11 và 16. Hai con thú xuất hiện ở đoạn 13 là sự mô tả về hai quyền lực lớn sẽ nổi lên trong kỳ đại nạn, sau khi Hội Thánh đã được đem về trời. Đây chỉ là giai đoạn ngắn trong nỗ lực cuối cùng của satan muốn phá hoại làm hỏng chương trình của Đức Chúa Trời, nhằm vớt vát số phận thế giới tối tăm của hắn trên đất. Hai con thú ấy là hai quyền lực về chính trị và tôn giáo. Hai thế lực nầy có thể là 2 người hoặc 2 tổ chức mà tính chất tàn bạo và độc ác tỏ ra vượt trội mọi thời đại khác. Trước khi mô tả về hai con thú của đoạn 13, đoạn 12 đã nói về sự thất bại của satan trước các lực lượng của cõi thiên đàng. Con cái Chúa có thể hoàn toàn yên tâm về sự toàn thắng của Đức Chúa Giêxu Christ và các thánh của Ngài.

Một số học giả đã giải nghĩa thiếu chính xác về hình ảnh biểu tượng hai con thú của lời tiên tri nầy. Cách giải kinh là dùng Kinh Thánh để giải nghĩa Kinh Thánh. Người ta cũng nhận diện các vai trò nói đến trong lời tiên tri bằng cách so sánh với thực tế diễn biến của lịch sử, thì tránh được nhiều sai sót. Đaniên là sách gần gũi nhất với sách Khải Huyền. Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho tiên tri Đaniên thấy những nét chính rất quan trọng trong diễn tiến của lịch sử nhân loại qua nhiều giấc chiêm bao, các thị tượng về nhiều cảnh trí, hình ảnh và hoạt động của các con thú; sau đó thiên đàng đưa ra những lời giải nghĩa. Đoạn 2 của sách Đaniên kể chuyện chiêm bao của vua Nêbucátnếtsa thấy một pho tượng khổng lồ dễ sợ, có đầu bằng vàng, cổ và ngực bằng bạc, bụng và vế bằng đồng, hai ống chân bằng sắt, và hai bàn chân với mười ngón chân nửa sắt nửa đất sét trộn lẫn với nhau; rồi có một hòn đá lớn, không phải do tay người đục ra, từ trời bay tới đập vào hai bàn chân của pho tượng. Vàng bạc, đồng, sắt, và đất sét đều bị đập tan nát và bị gió thổi bay tan tác hết cả; còn hòn đá thì biến thành một dãy núi lớn bền vững trên đất.

Chiêm bao và ý nghĩa đã được ban cho Đaniên để ông thuật lại và giải nghĩa cho vua. Biểu tượng tiên tri về pho tượng đã được ứng nghiệm cách chính xác lạ lùng, đúng theo lời giải nghĩa, qua lịch sử của các đế quốc hùng mạnh Babylôn, Mêđô-Batư, Hy Lạp, và La Mã. Các nhà thần học tin rằng thời đại chúng ta đang sống đây thuộc thời kỳ hai bàn chân sắt và đất sét trộn lẫn với nhau. Sắt tượng trưng cho chế độ độc tài, còn đất sét tượng trưng cho các thể chế dân chủ. Hai thứ nầy trộn lẫn với nhau nhưng không dính được vì có hai bản chất hoàn toàn khác nhau; nghĩa là trong thời kỳ nầy của thế giới, nhiều nước độc tài và dân chủ tìm cách kết hợp với nhau trong các tổ chức quốc tế lỏng lẻo kiểu Liên Hiệp Quốc hay các tổ chức tương tự. Rồi sẽ đến một thời kỳ phục hồi sự liên hiệp của mười thế lực, mà tiêu biểu là 10 ngón chân. Khối đá từ trời là biểu tượng về Đức Chúa Giêxu sẽ đánh tan mọi thế lực và thiết lập vương quốc ngàn năm bình an của Ngài trên đất.

Đoạn 7 của sách Đaniên lại chép những thị tượng về các con thú. Dựa trên các thị tượng ấy, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của các con thú trong đoạn 13 của sách Khải Huyền. Đaniên thấy 4 con thú tiếp theo nhau xuất hiện (Đaniên 7:7). Chúng có đồng ý nghĩa với 4 phần khác nhau của pho tượng trong chiêm bao của Nêbucátnếtsa là sự trổi dậy của các đế quốc Babylôn, Mêđô-Batư Hy-lạp, và La-mã. Các sự kiện lịch sử đã chứng minh các thị tượng tiên tri đó là hoàn toàn chính xác. Bốn đế quốc ấy là các thế lực mà satan đã dùng nhằm tiêu diệt dân tộc Israel, tuyển dân của Đức Chúa Trời. Tóm lược ý nghĩa của 2 đoạn 2 và 7 trong sách tiên tri Đaniên làm cho đoạn 13 của sách Khải Huyền trở nên dễ hiểu hơn.

13:1 Giăng thấy một con thú ở dưới biển lên. Biển là biểu tượng tổng quát về nhân loại. Con thú ra từ biển có nghĩa là một thế lực ngoại giáo. Khải Huyền 17:9, 12 giải thích rằng bảy cái đầu là 7 ngọn đồi. Có người cho rằng đây là hình bóng về kinh đô Rôma, nơi các sử gia mệnh danh là thành phố của 7 ngọn đồi. Các nhà thần học Tây-phương thường giải thích những lời tiên tri theo quan điểm của lịch sử Tây-phương. Nếu đối chiếu với con thú trong Khải Huyền đoạn 17, cũng có 7 đầu 10 sừng, có sắc đỏ sậm, mình mang đầy những tên phạm thượng, thì trong lịch sử cận đại đã có một thế lực chính trị luôn mở miệng nói những lời xúc phạm Chúa và lấy màu đỏ làm màu biểu trưng. 17:8b nói rằng nó trước có, bây giờ không còn nữa, sau sẽ hiện đến. Người đọc cần suy xét chi tiết nầy. Mặc dù các thần học gia Âu Mỹ cho rằng đấy là hình thức hồi phục của đế quốc La mã, nhưng tại sao người ta không nghĩ tới một thứ chủ nghĩa chính trị đã có thời xưng hùng xưng bá trên khắp địa cầu, hai thập niên qua hình như bị tàn tắt, nhưng đang ngóc đầu dậy khá rõ ràng qua các cuộc bầu cử gần đây ở Trung Mỹ, rồi thái độ hung hăng côn đồ của nước Nga hiện đại đối với Âu châu và dư luận chung. Hiện tượng ấy khiến người đọc phải suy nghĩ về cái đầu như bị thương đến chết nhưng sống lại ở câu 3.

Giăng nhìn con thú theo thứ tự giống con beo, chân như chân gấu, miệng như miệng sư tử. Đaniên 7:4-6 lại thấy ba con thú đầu theo thứ tự ngược lại: sư tử, gấu, rồi beo. Hai vị được Chúa cho thấy lịch sử nhân loại ở hai thời điểm khác nhau: một vị thấy tương lai lịch sử loài người, vị kia xem quá khứ của lịch sử ấy; cho nên, hai thị tượng của hai người có thứ tự ngược nhau. Khải Huyền 13:4 nói rằng người ta khởi thờ lạy con rồng, tức là con rắn xưa, ma quỷ, satan. Từ trước cho đến cách nay vài mươi năm, con rồng chỉ được các dân tộc Á-đông chịu ảnh hưởng văn hoá và phong tục Trung Hoa ưa chuộng. Phật giáo xuất phát từ Népal không đề cập gì nhiều về con rồng; nhưng khi phật giáo, khổng giáo và lão giáo ở Trung Hoa kết hợp nhau thành một thứ đạo phổ thông, gọi là tam giáo đồng nguyên, thì vai trò con rồng bắt đầu chiếm một vị trí cao trong sự ngưỡng vọng của dân chúng thuộc khu vực Đông Á. Từ vài mươi năm trở lại đây, thủ đô dâm dục và tội lỗi của thế giới, là thành phố điện ảnh Hollywood đã ra sức truyền bá sự mến mộ hình ảnh con rồng cho thế giới tây phương. Những người tự xưng là con cái Chúa nhưng không được sự xức dầu của Đức Thánh Linh cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tai hại nầy.

13:5-8 nói về các chính sách và hành vi của con thú, tức là thế lực chính trị sẽ cầm quyền ở nhiều nước. 9-10 là lời dặn dò tín hữu của thời ấy hãy nhẫn nại và vững vàng đức tin, không nên chống trả bằng các hình thức bạo động.

13:11-15 nói đến con thú thứ nhì là biểu tượng của một thế lực tôn giáo có đồng một hình thái tàn bạo như thế lực chính trị nói trên; bởi vì chúng đều phục vụ chung một mục đích là khiến cả thế gian tôn vinh và thờ lạy con rồng. Nhiều nhà giải kinh cho rằng con thú nầy là biểu tượng về kẻ chống Chúa (Antichrist). Rất nhiều nhà thần học đã đoán, đặt tên, gán danh hiệu ấy cho đủ thứ người từng bắt bớ Hội Thánh, nhưng thời gian trôi qua chứng tỏ các sự gán ghép ấy vẫn chưa chính xác. Người ta chỉ có thể nhận diện Antichrist khi Hội Thánh đã được đem đi rồi (2Tês.2:3). Những phép lạ nói ở chỗ nầy có lẽ là những tiến bộ khoa học kỹ thuật tân kỳ của thời đại, vì mục đích của satan là làm cho người trên đất chối bỏ Đấng Tạo Hoá.

13:16-18 nói về dấu hiệu trên tay và trên trán để mua bán đổi chác. Một số công ty đã sáng chế ra những loại ‘chip’ lưu trữ mọi dữ kiện cá nhân chỉ lớn bằng hột gạo và có thể cấy dưới da để không cần dùng thẻ nhựa như hiện nay nữa. Khuynh hướng chung của loài người là muốn áp dụng thành tựu kỹ thuật nầy vào mọi lãnh vực của đời sống. Cho đến ngày nay chưa ai hiểu tận tường về ý nghĩa của con số 666, là con số của một người. Giai đoạn nầy tuy rất đen tối nhưng ngắn: 42 tháng, nghĩa là 3 năm rưỡi. Chúng ta càng ngày càng tỉnh táo để hiểu biết ý muốn của Chúa và được Ngài đem đi, thoát khỏi cảnh bắt bớ của hai con thú và con rồng sẽ xảy ra. A-men.

KhaiHuyen20.doc

Rev Dr. CTB