Quan Xét, bài 17

Quan Xét 17:1-13

Sau khi Giôsuê qua đời, chẳng ai được Chúa đưa lên làm người lãnh đạo toàn thể Israel. Lúc đã được ở yên trong vùng đất hứa, và khi cả thế hệ những người đồng thời với Giôsuê đã qua đời hết, “một thế hệ khác tiếp nối, họ chẳng biết Đức Giê-hô-va, cũng chẳng biết các công việc mà Ngài đã làm cho Israel” (Quan Xét 2:10b); cho nên, “trong thời đó, Israel không có vua, mọi người cứ làm theo ý mình cho là phải” (Qx 17:6).

Có một số người thời nay cũng hành xử như dân Israel thời xưa vậy. Người xưng là đứng đầu giáo hội thì sai lạc, chúng ta thì có Kinh Thánh hoàn chỉnh; nhưng lòng kiêu căng của nhiều người vẫn tìm cách giải nghĩa Kinh Thánh cách nào phù hợp với ý kiến suy diễn của họ.

Điều nguy hiểm khi hiểu biết sai về Chúa, hay chưa từng trải về sự chỉ dẫn và mặc khải của Đức Thánh Linh, là người ta suy diễn và hành động càng ngày càng sai trật.

Câu chuyện kể ở đoạn 17 nầy đã diễn ra trước thời kỳ có Samson làm quan xét ở chi tộc Đan, chứ không phải sau khi Samson qua đời mới có. Mặc dù Mi-ca là người Ép-ra-im, ở gần với miền đất cơ nghiệp của Giôsuê, nhưng hoàn toàn không biết gì về luật pháp của Đức Chúa Trời, lại càng chẳng có một chút ý niệm nào về sự thờ phượng Ngài cho phải lẽ. Mọi điều đã xảy ra trong thời kỳ nầy đều là hậu quả của sự thiếu vắng Lời Đức Chúa Trời.

Người mẹ bị mất trộm một ngàn một trăm miếng (shekels) bạc bèn buông lời nguyền rủa; chẳng ngờ tên ăn trộm đó lại là con trai bà, bị nghe rủa nên chột dạ thú nhận và trả số bạc lại cho mẹ, bà mẹ liền xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ông con (1-2), rồi nói: “Mẹ biệt riêng số bạc nầy cho Đức Giê-hô-va để con trai mẹ đúc một pho tượng chạm. Vậy bây giờ mẹ trả bạc lại cho con” (3). Bà nầy hiểu về Chúa ra sao?

Bà mẹ nầy đã lớn tuổi, góa chồng và ở với con trai, vì con trai của bà đã có nhiều con (5b). Lý do nào bà có được một số tiền lớn vào thời ấy thì hơi khó hiểu. Người con nghe mẹ nguyền rủa thì lo sợ lời rủa đó thành sự thật nên vội vàng thú nhận mình là người đã trộm bạc của mẹ (2).

Sự chúc phước của bà mẹ có hai nghĩa: Thứ nhất là xin Chúa ban phước cho người đã biết ăn năn. Thứ nhì là không muốn con mình bị tai họa từ lời nguyền rủa của bà đưa đến. Bởi vì vào thời ấy, lời nguyền rủa hay chúc phước của các bậc cha mẹ được xem là có uy quyền thật sự trên con cái mình. Người Việt không biết điều đó nên vẫn thường rủa con mình trong cơn giận dữ.

Đây là vấn đề rất quan trọng mà các con cái Chúa ít quan tâm tới: “Sống chết do nơi quyền của lưỡi. Người yêu chuộng nó sẽ ăn bông trái của nó” (Châm ngôn 18:21). Lời nói của người ta không tan mất vào hư vô như nhiều người tưởng, mà sẽ bị ghi nhớ và là bằng chứng cho ngày phán xét.

Người ta có thể tạm gác qua tính chiều chuộng con của bà nầy, nhưng lý do nào khiến bà nguyền rủa khi bị mất tiền? Người yêu mến Chúa sẽ cầu nguyện khi bị mất mát, nhưng người thế gian sẽ nguyền rủa. Như vậy, đàn bà đó tôn thờ tiền bạc; rồi hai mẹ con đều ưng ý dùng bạc đúc thành một cái tượng để thờ! (4-5). Thế thì, những thầy tế lễ được ở bình yên trong đất hứa đã không dạy dỗ dân chúng về điều răn thứ nhì cấm thờ hình tượng.

Điều ấy chẳng phải chỉ xảy ra trong thời người Israel không có vua, chẳng có người dạy dỗ cho biết, mà còn xảy ra trong thời đại mà người ta không còn tôn trọng giáo huấn của Đức Chúa Trời, chỉ nhằm bảo vệ truyền thống sai lạc của tổ tiên họ trong giáo hội không biết Lời Chúa. Nhiều người gọi là hầu việc Chúa ngày nay cũng chẳng dám ngay thẳng giải nghĩa Kinh Thánh, vì sợ làm mất lòng tín đồ khiến họ chạy sang nhà thờ khác.

Ê-phót là trang phục tế lễ, còn tượng thần nhỏ tức là tượng ‘teraphim‘ từ Aram (Sáng thế 31:30, 34).

Trong thời đó, Israel không có vua, mọi người cứ làm theo ý mình muốn” (6), thời nay cũng giống y như vậy; khi người ta không nhường cho Đức Thánh Linh làm Chủ và hướng dẫn họ, thì họ hành động theo ý riêng họ suy diễn.

Tại sao khi có vua thì dân Israel không làm theo ý riêng? Bởi vì họ sợ bị phạt. Tín hữu thời nay mặc dù tin Chúa và tin có sự thưởng phạt ở đời sau, nhưng ít người biết sợ sự trừng phạt của Chúa ở đời nầy; nên hễ vắng người lãnh đạo là hành động theo ý riêng, chứ không theo điều mình đã được dạy dỗ. Nguyên nhân chính là vì những người ấy không thấy sự trừng phạt trước mắt nên chưa biết sợ. Chừng nào họ biết rõ Đức Chúa Trời đang theo dõi từng hành vi và lời nói của họ, thì lúc ấy họ mới cẩn trọng trong từng hành vi lẫn lời nói.

Câu “trong thời đó” chứng tỏ tác giả viết sách nầy sau thời kỳ bị lưu đày (18:30).

Thanh niên người Lêvi nầy không sống trong các thành được cấp cho chi tộc Lêvi, mà tạm cư ở Bethlehem xứ Giu-đa. Chúng ta không biết anh ta rời nhà đến tạm cư tại Bethlehem đã bao lâu rồi. Theo luật pháp, các chi tộc Israel phải cung cấp vật thực cần dùng cho chi tộc Lêvi theo thuế 1/10 đã quy định. Nhưng việc người Lêvi phải bỏ gia đình ra đi tìm một nơi để cư trú là do không có đủ cho anh ta sinh sống; vì dân Israel không nộp 1/10 nữa.

Anh thanh niên Lêvi nầy không sống trong gia đình và chi tộc mình nên chẳng biết gì về luật pháp của Đức Chúa Trời; anh ta lại lang thang đi tìm một nơi cư trú. Khi đi tới vùng núi Ép-ra-im, anh ta ghé lại nhà của Mi-ca (7-8). Có lẽ anh ta xin ngủ lại một đêm hay cần một bữa ăn, nên Mi-ca hỏi “Anh từ đâu đến?” Anh ta trả lời “Tôi là người Lêvi ở Bethlehem xứ Giu-đa. Tôi đang tìm một chỗ để cư trú” (9).

Mi-ca mừng lắm “Hãy ở đây với tôi, làm cha và thầy tế lễ cho tôi; tôi sẽ cấp cho anh mỗi năm mười miếng bạc, một bộ quần áo và lương thực cần dùng” (10). Vai trò ‘cha‘ ở đây nghĩa là người chịu trách nhiệm phần tâm linh. Mi-ca biết rất rõ là đặt một đứa con trai mình làm thầy tế lễ là sai trầm trọng, nên muốn có một người Lêvi làm thầy tế lễ thì danh chánh ngôn thuận hơn.

Thanh niên Lêvi nầy bằng lòng ở lại liền, bởi vì không có cơ hội nào tốt hơn. Câu “Người Lêvi ra đi. Sau đó…” thì không giống với các bản dịch tiếng Anh (vì thế, người học Kinh Thánh nên cẩn thận với các bản dịch tiếng Việt sau nầy). Người Lêvi ấy bằng lòng làm thầy tế lễ cho hình tượng trong nhà Mi-ca, là điều mà luật Môi-se hoàn toàn cấm. Còn Mi-ca thì xem anh ta như con trai mình (11).

Mi-ca lập anh ta làm thầy tế lễ và nói: “Bây giờ, tôi biết Đức Giê-hô-va sẽ ban ơn cho tôi, vì tôi có người Lêvi nầy làm thầy tế lễ” (12-13). Danh Đức Giê-hô-va lúc ấy giống như truyền thống văn hóa hay phong tục của người Israel. Bởi vì họ biết phải thờ phượng và phải có thầy tế lễ dòng Lêvi hành lễ thờ cúng của họ.

Có lẽ Mi-ca thật lòng sùng kính vì không biết chi về luật pháp của Đức Giê-hô-va. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ hành động để anh ta không còn mê tín nữa.

Thời nay có nhiều người xưng là con cái Chúa nhưng chẳng khác gì Mi-ca thời đó. Miễn là có một nhà thờ, có người gọi là mục sư giảng đạo thì đủ đáp ứng nhu cầu tôn giáo của họ, chẳng cần biết đúng hay sai; bởi vì họ chưa bao giờ thật biết Đức Chúa Trời như đáng phải biết.

Chúng ta phải biết rõ Chúa của mình và thờ phượng Chúa thế nào cho đúng với luật lệ và các điều đòi hỏi của Ngài.

QuanXet17.docx

Rev. Dr. CTB