Theo Dõi Tận Thế, bài 17

Mác 13:28–29

Hãy rút ra bài học từ cây vả, vừa lúc cây đâm chồi ra lá thì các con biết mùa hạ sắp đến. Cũng vậy, khi các con thấy các điều đó xảy ra thì biết Con Người đã gần, đang ở ngay trước cửa.

Làm sao để biết chính xác thời chúng ta đang sống đây là thời đại nào trong toàn lịch sử của thế giới từ khởi đầu tới khi kết thúc? Có bằng cớ gì để chứng minh đây là thời kỳ cuối cùng? Mỗi tín hữu chân chính đều phải biết tìm hiểu các dấu hiệu của thời đại; nhất là thời tận thế mà Kinh Thánh đã cho biết trước, để biết rõ mình hiện đang ở giai đoạn nào của thời ấy, và có thể chuẩn bị sẵn sàng tiếp đón Đức Chúa Jesus trở lại thế gian gặp Hội Thánh Ngài.

Các tiên tri thời xưa thường dùng nhóm chữ “những ngày cuối cùng” để nói về thời kỳ kề cận ngày tận thế. (Giêrêmi 30:24) “Cơn giận bừng bừng của Đức Giê-hô-va sẽ không nguôi cho đến khi Ngài thực thi và hoàn tất mọi ý định trong lòng Ngài. Trong những ngày cuối cùng, các con sẽ hiểu điều đó.

Kinh Thánh Cựu Ước cho biết dấu hiệu thời đại mà Đức Chúa Trời đã định sẽ xảy ra vào thời tận thế có liên quan đến số phận của dân Do-thái. Vậy, nếu muốn biết các dấu hiệu thời đại có ý nghĩa gì, chúng ta phải nghiên cứu lịch sử của dân tộc nầy. Khi tổ phụ của họ là Abraham vâng lời Đức Chúa Trời gọi ra khỏi xứ Ur vùng Lưỡng Hà (Iraq bây giờ), ông được khoảng 75 tuổi và gia đình của ông rất ít người, Ông vâng lời ra đi vì Chúa hứa sẽ làm ông trở thành nguồn phước cho cả thiên hạ, Khoảng gần 200 năm sau, lúc gia quyến của Jacob, cháu nội Abraham, từ xứ Canaan đến kiều ngụ tại Ai-cập thì cả gia đình ấy cũng chỉ có 70 người.

Sau bốn thế kỷ kiều ngụ ở Ai-cập, lúc gia đình ấy rời Ai-cập dưới sự lãnh đạo của Môise, thì họ đã là một dân tộc có hơn 600 ngàn đàn ông từ 20 tuổi trở lên. Nếu tính cả đàn bà, trẻ con thì có trên dưới 2 triệu người. Ở chặng cuối của cuộc hành trình trong hoang mạc, trước khi tiến vào đất hứa và trở thành một quốc gia, Đức Chúa Trời đã đặt trước mặt họ hai sự lựa chọn: Vâng lời Chúa để được hưởng phước, hoặc bất tuân sẽ chịu tai hoạ thảm khốc

(Phục Truyền 28:1–24) “Nếu anh em thật lòng lắng nghe tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, cẩn thận làm theo mọi điều răn của Ngài mà tôi truyền cho anh em ngày nay thì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em sẽ làm cho anh em trổi vượt mọi dân tộc trên đất nầy. Mọi phước lành sau đây sẽ giáng trên anh em nếu anh em lắng nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em: Anh em sẽ được ban phước trong thành cũng như ngoài đồng ruộng. Bông trái của thân thể anh em, hoa quả của đất đai anh em, bầy con của đàn gia súc, và cả chiên con lẫn bò con của anh em đều sẽ được ban phước. Cái giỏ và thùng nhồi bột của anh em đều sẽ được ban phước! Anh em sẽ được ban phước khi đi ra cũng như lúc đi vào. Đức Giê-hô-va sẽ làm cho kẻ thù nổi lên chống anh em bị đánh bại trước mặt anh em. Từ một đường chúng kéo ra đánh anh em, thì phải theo bảy đường mà chạy trốn khỏi anh em. Đức Giê-hô-va sẽ truyền cho phước lành đến với anh em trong kho lúa và trong mọi công việc của tay anh em. Ngài sẽ ban phước cho anh em trong xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho anh em. Nếu anh em tuân giữ các điều răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và đi theo đường lối Ngài thì Đức Giê-hô-va sẽ lập anh em làm một dân thánh cho Ngài như Ngài đã thề với anh em. Mọi dân tộc trên địa cầu sẽ thấy rằng anh em được mang danh Đức Giê-hô-va và chúng sẽ sợ anh em. Đức Giê-hô-va sẽ làm cho anh em thịnh vượng, bông trái của thân thể anh em, bầy con của đàn gia súc, hoa quả của đất ruộng anh em sẽ được dồi dào trong xứ mà Ngài sẽ ban cho anh em theo lời thề với các tổ phụ. Đức Giê-hô-va sẽ mở kho báu từ trời của Ngài cho anh em, ban mưa đúng mùa trên đất đai anh em và ban phước cho mọi công việc của tay anh em. Anh em sẽ cho nhiều dân tộc vay nhưng anh em không vay mượn ai cả. Đức Giê-hô-va sẽ đặt anh em đứng đầu chứ không phải đứng chót, anh em sẽ luôn ở trên chóp chứ không ở dưới đáy; nếu anh em vâng theo các điều răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà hôm nay tôi truyền cho anh em, tuân giữ và thực hành, và nếu anh em không lìa bỏ một lời nào tôi truyền cho anh em hôm nay, không quay sang bên phải hoặc bên trái, không chạy theo và phụng thờ các thần khác. Nhưng nếu anh em không nghe theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, không cẩn thận làm theo các điều răn và luật lệ của Ngài mà tôi truyền cho anh em hôm nay thì những lời nguyền rủa nầy sẽ giáng trên anh em và đuổi kịp anh em. Anh em sẽ bị nguyền rủa trong thành cũng như ngoài đồng ruộng. Cái giỏ và thùng nhồi bột của anh em đều sẽ bị nguyền rủa. Bông trái của thân thể anh em, hoa quả của đất đai anh em, cả chiên con lẫn bò con của anh em đều sẽ bị nguyền rủa. Anh em sẽ bị nguyền rủa khi đi ra cũng như lúc đi vào. Nếu anh em làm điều gian ác và lìa bỏ Đức Giê-hô-va thì Ngài sẽ giáng tai ương, sự kinh hoàng và hoang mang trên anh em, trên mọi công việc tay anh em làm, cho đến khi anh em bị tiêu trừ và mau chóng bị diệt vong. Đức Giê-hô-va sẽ khiến dịch bệnh bám đuổi anh em cho đến khi nó tận diệt anh em khỏi đất mà anh em sắp chiếm hữu. Đức Giê-hô-va sẽ hành hạ anh em bằng bệnh lao phổi, bệnh sốt, bệnh phù, bằng nắng cháy và hạn hán làm cho cây cỏ héo úa, mốc meo. Các tai ương đó đuổi theo anh em cho đến khi anh em bị diệt vong. Bầu trời trên đầu anh em sẽ như đồng và đất dưới chân anh em sẽ như sắt. Thay vì mưa trên đất anh em, Đức Giê-hô-va sẽ khiến cát và bụi từ trời rơi xuống cho đến khi anh em bị tiêu diệt.

(Phục Truyền 28:58–68) “Nếu anh em không cẩn thận tuân giữ các lời của luật pháp được ghi trong sách nầy, không tôn kính danh vinh hiển và đáng sợ nầy là GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA ANH EM, thì Đức Giê-hô-va sẽ giáng trên anh em và dòng dõi anh em những tai ương lạ thường, những tai ương nặng nề và dai dẳng, những dịch bệnh hiểm nghèo và dai dẳng. Ngài sẽ cho tái hiện giữa anh em các dịch bệnh của Ai Cập mà anh em đã từng run sợ và chúng sẽ bám theo anh em. Ngoài ra còn có cả các thứ dịch bệnh và tai ương không được ghi trong sách luật pháp nầy thì Đức Giê-hô-va cũng sẽ giáng trên anh em cho đến khi anh em bị tiêu diệt. Dân số anh em vốn đông như sao trời sẽ chỉ còn lại một ít vì anh em không vâng theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em. Đức Giê-hô-va đã vui thích khi làm cho anh em được thịnh vượng và đông đúc thế nào thì Ngài cũng vui thích mà làm cho anh em bị diệt vong và tiêu tán thế ấy. Anh em sẽ bị trục xuất khỏi xứ mà anh em sắp vào chiếm hữu. Đức Giê-hô-va sẽ phân tán anh em giữa mọi dân tộc, từ đầu nầy cho đến cuối đầu kia của địa cầu. Tại đó, anh em sẽ thờ cúng các thần khác bằng gỗ, bằng đá mà cả anh em lẫn tổ phụ anh em đều không biết. Trong các nước đó anh em không được an ổn, không có chỗ nghỉ chân. Tại đó, Đức Giê-hô-va sẽ làm cho lòng anh em run sợ, đôi mắt mỏi mòn và tâm linh tàn tạ. Mạng sống anh em bị treo lơ lửng trước mặt anh em; cả ngày lẫn đêm anh em sống trong phập phồng lo sợ, không biết sống chết thể nào. Buổi sáng anh em sẽ nói: ‘Ước gì đêm đến!’ Buổi chiều thì anh em lại nói: ‘Ước gì trời sáng!’, vì nỗi khiếp sợ tràn ngập lòng anh em và vì những gì mắt anh em trông thấy. Đức Giê-hô-va sẽ bắt anh em trở lại Ai Cập bằng tàu thuyền, bằng con đường mà tôi đã từng nói rằng anh em không phải thấy nó nữa. Tại đó anh em sẽ đem bán mình làm nô lệ cho kẻ thù nhưng chẳng có ai mua!

Chỉ sáu thể kỷ ở đất hứa, dân Do-thái đã bỏ Chúa, chọn sự không vâng lời, gạt bỏ ngoài tai tất cả các lời nhắc nhở, khuyên nhủ, ngăm đe của rất nhiều đấng tiên tri mà Chúa đã sai đến; quay qua thờ hình tượng và các tà thần; vì thế, tai hoạ đã giáng trên cả dân tộc. (Giêrêmi 7:25–26) “Từ ngày tổ phụ các ngươi ra khỏi Ai Cập cho đến nay, ngày nầy qua ngày kia, Ta đã liên tục sai tất cả các đầy tớ Ta, tức các nhà tiên tri, đến với họ. Nhưng họ không nghe Ta, chẳng thèm chú ý, lại còn cứng đầu cứng cổ, ăn ở xấu xa hơn cả tổ phụ mình.

Chẳng những họ bị mất nước, bị đày khỏi quê hương, tan lạc khắp thế giới, mà còn bị tai hoạ đuổi theo ở bất cứ nơi nào họ cư trú. Tên gọi dân tộc Do-thái đã trở thành một biểu tượng sỉ nhục, bêu riếu và chê cười trải qua gần hai ngàn năm, nỗi thống khổ đuổi theo họ không thôi. Các kẻ thù đã tìm mọi phương cách để tuyệt diệt dân tộc nầy từ thời đế quốc Ba-tư, đến thời Đức Quốc Xã của thế kỷ 20 tới khối Hồi giáo ngày nay. Đức Chúa Trời đã làm ứng nghiệm những lời ngăm đe của Ngài đối với một dân cứng cổ và ngang ngược. Thế nhưng, vì lời hứa của Đức Chúa Trời đối với Abraham là người có lòng tin, Ngài đã dùng các tiên tri cho biết rằng sau tất cả những sự trừng phạt kinh hoàng ấy, người Do-thái sẽ được Ngài gom trở về miền đất hứa cũ để tái lập quốc gia Israel vào thời cuối cùng của thế giới.

(Giêrêmi 31:7–13, 17) “Ta sẽ cho các ngươi ở lại nơi nầy, trong xứ mà Ta đã ban cho tổ phụ các ngươi từ thuở xa xưa cho đến đời đời. Nhưng các ngươi lại tin cậy những lời dối trá vô giá trị. Chẳng phải các ngươi trộm cắp, giết người, phạm tội tà dâm, thề dối, dâng hương cho Baal, chạy theo các thần khác, là các thần mà các ngươi không biết đó sao? Thế mà các ngươi đi vào nhà nầy, là nơi được gọi bằng danh Ta, đứng trước mặt Ta và nói: Chúng con đã được giải cứu rồi! Các ngươi làm vậy để tiếp tục vi phạm mọi điều ghê tởm ấy. Vậy thì các ngươi xem nhà nầy, nơi được gọi bằng danh Ta, là hang trộm cướp sao? Nầy, chính Ta, Ta đã nhìn thấy tất cả.’ Đức Giê-hô-va phán vậy. ‘Vậy, các ngươi hãy đi đến chỗ của Ta tại Shiloh, là nơi Ta đặt danh Ta từ ban đầu, mà xem Ta đã làm gì cho nó vì tội ác của dân Ta là Israel.’ Đức Giê-hô-va phán: ‘Bây giờ, vì các ngươi đã làm những việc ấy, Ta thường xuyên phán bảo các ngươi mà các ngươi không nghe; Ta đã gọi các ngươi mà các ngươi không trả lời.

(Amốt 9:13–15) “Đức Giê-hô-va phán:Nầy những ngày đến, người cày sẽ theo kịp kẻ gặt, người đạp nho theo kịp kẻ gieo giống. Các núi sẽ nhỏ rượu ngọt ra và mọi đồi sẽ tuôn chảy. Ta sẽ đem dân Israel Ta từ chốn lưu đày trở về; họ sẽ lập lại các thành bị tàn phá và sống ở đó. Họ sẽ trồng vườn nho và uống rượu nó, họ sẽ cày cấy vườn mình và ăn trái nó. Ta sẽ lại trồng Israel trên đất của họ và họ sẽ không hề bị nhổ khỏi đất mà Ta đã ban,Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời ngươi phán vậy.

Căn cứ trên nghị quyết của đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, 4 giờ chiều ngày 14 tháng 5, 1948, tại Tel Aviv, David Ben-Gourion, lãnh tụ của người Do-thái, dõng dạc tuyên bố tái lập quốc gia Israel với đầy đủ chủ quyền trên miền đất tổ quốc cũ mà Chúa đã ban cho họ từ ngàn xưa. Như vậy, theo các lời tiên tri đã loan báo từ nhiều ngàn năm trước, sự tái thành lập quốc gia Israel kích-hoạt cho toàn thể các sự kiện thời đại cuối cùng của thế giới bắt đầu chuyển động. Giê-rê-mi, vị tiên tri thi hành chức vụ khoảng 600 năm trước khi Đức Chúa Jesus giáng sinh, đã nói lời Đức Chúa Trời phán trước rằng: Khi Ngài đem dân Do-thái trở về đất hứa, thì Ngài sẽ làm một việc mới trên thế gian, ấy là người nữ sẽ bao bọc người nam: “Vì Đức Giêhôva đã dựng nên một sự mới trên đất: Ấy là người nữ sẽ bo bọc người nam” (Giêrêmi 31:22).

Việc ấy đã ứng nghiệm nơi đoàn nữ binh Do-thái trong thập niên 1950 và 1960 đảm nhiệm việc chiến đấu để bảo vệ sự sống còn cho số người đàn ông quá ít của dân tộc họ. Cho tới nay, nữ giới Do-thái lên 18 tuổi vẫn phải thực hiện nhiệm vụ quân dịch bắt buộc 24 tháng. Đức Chúa Jesus dùng một ẩn dụ mà sau nầy người ta mới suy ra đó là bí quyết để con dân Chúa nhận diện dấu hiệu của thời tận thế: “Hãy nghe lời thí dụ về cây vả. Vừa khi nhánh nó trở nên non và nứt lộc, thì biết mùa hạ gần tới. Cũng một lẽ ấy, khi các ngươi thấy các điều đó xảy đến, hãy biết Con Người đã tới gần, ở nơi cửa(Mác 13:28–29). Cây vả là biểu tượng của nước Do-thái. Cây vả rụng hết lá và ngủ qua suốt mùa đông, khi mùa hạ gần tới thì nó lại hồi sinh; cho nên, khi Đức Chúa Jesus dùng ví dụ nhánh cây vả nứt lộc non, thì sự kiện quốc gia Israel sau một thời gian dài bị xoá sổ, tan tác và lưu lạc khắp trái đất đã hồi sinh, thì điều đó ứng nghiệm lời tiên báo của Chúa.

Không phải thời gian sẽ kết thúc sau khi dân Do-thái được trở về cố quốc. Có một lời tiên tri ở sách Xachari cho biết rằng Israel sẽ trở nên ‘tảng đá nặng nề‘ cho các dân tộc: “Nầy, Ta sẽ khiến Jerusalem thành chén rượu làm cho mọi dân chung quanh choáng váng; và khi Jerusalem bị bao vây thì Judah cũng bị tấn công. Trong ngày ấy, Ta sẽ khiến Jerusalem thành tảng đá nặng nề cho các dân tộc; ai nhấc nó sẽ bị thương nặng. Và mọi nước trên đất sẽ họp nhau chống lại nó” (Xachari 12:2–3). Như thế, một số sự kiện quan trọng sẽ diễn ra liên quan đến bối cảnh chính trị và quân sự vùng Trung Đông, cũng liên quan đến các nước có những liên hệ đặc biệt tới vùng nầy.

Nếu không xem kỹ những lời tiên tri của Kinh Thánh, tín hữu dễ bị bối rối và lầm lẫn về trình tự các sự kiện sẽ diễn ra vào thời tận thế mà chúng ta đang trải qua. Khi nghiên cứu kỹ các lời tiên tri trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy mỗi sự việc được Kinh Thánh đề cập tới phải diễn ra theo trình tự. Sau khi sự tái thành lập nước Israel được ứng nghiệm, và Israel trở thành ‘tảng đá nặng nề‘ cho các dân tộc. Đức Chúa Trời hứa rằng dù họ bị mọi người ghen ghét, Chúa vẫn bảo vệ họ, đến nỗi người yếu nhất sẽ dũng mãnh như David

(Xachari 12:2–9) “Nầy, Ta sẽ khiến Jerusalem thành chén rượu làm cho mọi dân chung quanh choáng váng; và khi Jerusalem bị bao vây thì Judah cũng bị tấn công. Trong ngày ấy, Ta sẽ khiến Jerusalem thành tảng đá nặng nề cho các dân tộc; ai nhấc nó sẽ bị thương nặng. Và mọi nước trên đất sẽ họp nhau chống lại nó.Đức Giê-hô-va phán: Trong ngày ấy, Ta sẽ đánh phạt, khiến mọi con ngựa kinh hãi, người cưỡi ngựa phải điên cuồng. Nhưng Ta sẽ mở mắt nhìn nhà Judah, khi Ta đánh mọi ngựa chiến của các dân, khiến chúng đui mù. Bấy giờ, các thủ lĩnh Judah sẽ tự nhủ rằng: ‘Cư dân Jerusalem là sức mạnh của ta trong Đức Giê-hô-va vạn quân, Đức Chúa Trời của họ.’ Trong ngày ấy, Ta sẽ làm cho các thủ lĩnh Judah giống như một bếp lửa đang cháy giữa đống củi, như một ngọn đuốc cháy giữa những bó lúa; họ sẽ thiêu nuốt tất cả các dân tộc chung quanh, cả bên phải lẫn bên trái. Nhưng cư dân Jerusalem vẫn ở nguyên tại chỗ của nó, tức là Jerusalem.Trước hết, Đức Giê-hô-va sẽ cứu các trại của Judah để vinh quang của nhà David và vinh quang của cư dân Jerusalem không trội hơn vinh quang của Judah. Trong ngày ấy, Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ cư dân Jerusalem. Lúc ấy, người yếu nhất trong họ sẽ như David; nhà David sẽ như Đức Chúa Trời, và sẽ như thiên sứ của Đức Giê-hô-va đi trước họ. Vào ngày ấy, Ta sẽ truy tìm để hủy diệt tất cả các nước tiến đánh Jerusalem.

Một số sự kiện diễn ra trong trận chiến tranh Yom Kippur vào tháng 10, năm 1973 đã làm sáng tỏ những lời tiên tri trên:

Syria và Ai-cập bất ngờ tấn công Israel ở hai mặt trận bằng thế gọng kềm trong nỗ lực xoá sổ nước nầy khỏi vùng Trung-Đông. Syria huy động 1200 xe thiết giáp tiến đánh cao nguyên Golan phía bắc, nơi Israel chiếm năm 1967; Ai-cập huy động 3000 thiết giáp và 1000 đại bác hạng nặng tiến qua sa mạc Sinaii ở phía nam. Toàn quốc Israel lúc bấy giờ đang cử hành lễ Chuộc Tội được tôn trọng nhất trong năm, nên trực chiến ở phía bắc chỉ có 2 chiến xa với 10 quân nhân, còn phía nam có 90 xe thiết giáp bị hư hại đang giữ gìn biên giới. Nhiều sự kiện kỳ diệu và bất ngờ đã diễn ra trong trận nầy. Quân Syria ở mặt bắc thấy tiến tới quá dễ dàng nên dừng lại vì sợ Israel dùng kế nghi binh dụ vào sâu để tiêu diệt. Ở mặt nam, quân Ai-cập chỉ mất 5 giờ để tiến chiếm các mục tiêu mà họ dự định sẽ phải cần 24 giờ để thanh toán, nên cũng dừng lại vì sợ lọt bẫy và không có kế hoạch trước cho trường hợp ấy; vì thế, Israel đã có đủ thì giờ điều động quân trừ bị ra mặt trận.

Lúc mở cuộc phản công, họ đã đánh cho quân đội Syri chạy trối chết, và các đơn vị chiến xa, trọng pháo của Israel chỉ còn cách thủ đô Damascus của Syri 12 dặm đường, trước khi bị áp lực của Hoa Kỳ phải ngừng cuộc phản công. Ở phía nam, các quân đoàn Ai-cập bị bao vây và cắt đứt đường tiếp tế cũng không thể rút lui, bị cô lập giữa sa mạc nên phải đầu hàng vô điều kiện, và quân Do-thái đang trên đường tiến tới thủ đô Cairo. “Trong ngày ấy, Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ cư dân Jerusalem. Lúc ấy, người yếu nhất trong họ sẽ như David; nhà David sẽ như Đức Chúa Trời, và sẽ như thiên sứ của Đức Giê-hô-va đi trước họ” (Xachari 12:8).

Chúng ta sẽ bắt đầu nghiên cứu sách Khải Huyền để hiểu biết ý nghĩa của những hình ảnh tiêu biểu cho các diễn viên và sự kiện diễn ra trong thời tận thế. Rồi chúng ta sẽ dùng những điều hiểu được trong sách ấy so sánh với những gì đang diễn ra hiện nay trên thế giới, thì sẽ đoán đúng khá chính xác thời kỳ chúng ta hiện đang sống thuộc giai đoạn nào của thời cuối cùng nầy. Hội Thánh của Đức Chúa Trời là vai chính trong chương trình của Ngài đối với thế gian; cho nên, lời đầu tiên mà Chúa bày tỏ cho ông Giăng về những điều sẽ diễn ra là tương lai của Hội Thánh Ngài suốt lịch sử từ khi được thành lập cách nay chưa tới hai ngàn năm. Chúng ta muốn hiểu ý nghĩa chính xác của các lời Chúa thông báo cho Hội Thánh, và các điềm tiên tri trong sách Khải Huyền.

TheoDoiTanThe17.docx

Rev. Dr. CTB