Xuân Mới 2021

Rôma 15:13

Cầu xin Đức Chúa Trời là nguồn hi vọng làm cho anh em ngập tràn niềm vui và bình an trong đức tin, để nhờ năng quyền của Đức Thánh Linh, anh em được chứa chan hi vọng!

Tết năm nay ít vui hơn mọi năm vì tình trạng đại dịch và thời tiết bất thường. Hơn nữa, nước Mỹ vừa trải qua một cuộc bầu cử gây căm giận và bất bình đối với vô số người yêu chuộng công lý khắp thế giới. Tuy nhiên, ai cũng muốn có hi vọng trong năm mới nhưng không chắc mình sẽ có hi vọng tràn đầy hay chỉ là niềm hi vọng mong manh. Vậy, làm thế nào để được ngập tràn niềm hi vọng hoặc chứa chan hi vọng? Mục sư người Anh Charles Spurgeon, lừng danh suốt nửa cuối thế kỷ 19, có một câu phát biểu nổi tiếng: “Không có Chúa Cứu Thế, chẳng có hi vọng gì hết!

Lời cầu nguyện của sứ đồ Phao-lô trình bày một chân lý rất rõ ràng: “Đức Chúa Trời là nguồn hi vọng.” Thế thì, ai có Đức Chúa Trời, người ấy ngập tràn niềm hi vọng, và nhờ năng quyền của Đức Thánh Linh lại được chứa chan hi vọng. Nói cách khác, người nào muốn được chứa chan hi vọng, người ấy phải có Đức Chúa Trời, nghĩa là thuộc về Đức Chúa Trời trước đã; bởi vì ai thuộc về Ngài, người đó mới có Đức Thánh Linh để được quyền năng Ngài ban cho hi vọng chứa chan. Hi vọng là mong sẽ nhận được điều tốt đẹp, vui mừng hay sự may mắn nào đó. Nỗi khát khao hay hi vọng lâu dài của con cái Chúa ngày nay là sự cứu chuộc thân thể chúng ta

(Rôma 8:23) “Không những muôn vật mà cả chúng ta là những người có Thánh Linh là trái đầu mùa, cũng than thở trong lòng đang khi mong đợi được làm con nuôi, là sự cứu chuộc thân thể chúng ta.” Bởi vì ơn cứu chuộc linh hồn thì chúng ta đã nhận được rồi. Chưa có hay chưa nhận được thì mới hi vọng; đã có hoặc nhận được rồi thì đâu còn cần hi vọng chi nữa. (Rôma 8:24) “Trong niềm hi vọng đó, chúng ta được cứu. Nhưng khi đã thấy được điều mình hi vọng rồi thì không còn là hi vọng nữa. Vì ai lại hi vọng vào điều mình đã thấy?

Nhưng sự cứu chuộc thân thể của mọi con cái Chúa có nghĩa là gì mà chúng ta hi vọng? Bởi vì khi Đức Chúa Jesus trở lại và mọi con dân Ngài đều phải khai trình trước tòa phán xét của Đấng Christ, thì đâu ai cần thân xác thể chất hư hoại nầy nữa! Như vậy, phải có điều gì đó rất huy hoàng và quý báu, đáng để chúng ta nuôi hi vọng sau khi biết chắc linh hồn mình đã nhận được ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô nói về niềm hi vọng nầy trong thư gửi cho tín hữu trong thư (Rôma 5:1–2) “Vậy, khi đã được xưng công chính bởi đức tin, chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời qua Chúa chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ. Nhờ Ngài, chúng ta bởi đức tin được bước vào trong ân điển nầy, là ân điển mà nhờ đó chúng ta đang đứng vững và vui mừng với hi vọng được hưởng vinh quang của Đức Chúa Trời.

Ân điển (cũng gọi là ân sủng) mà sứ đồ Phao-lô nói ở đây là gì? Theo đại ý của hai đoạn 4 và 5 thì ân sủng đó là chúng ta nhờ đặt lòng tin vào ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus thì được kể là người công chính. Được xưng là công chính bởi đức tin thì chúng ta hi vọng được điều gì? Sứ đồ Phao-lô nói chúng ta “vui mừng với hi vọng được hưởng vinh quang của Đức Chúa Trời.” Vinh quang không chỉ có nghĩa là ánh sáng rạng lòa. Vinh quang vừa là ánh sáng rực rỡ, vừa là vinh dự vô cùng, vừa là những mỹ đức cao cả, cũng vừa là sự khôn ngoan vô cùng. Thật ra, không ai trong loài người đã được hiểu hết vinh quang của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu vinh quang của Đức Chúa Trời theo các thuộc tính và định nghĩa của Ngài.

Khi ông Moses xin được chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Chúa Trời (Xuất Ai-cập 33:18) “Môi-se thưa: Xin cho con được chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài!” hì Ngài phán: (Xuất 33:19) “Ta sẽ thể hiện sự toàn hảo của Ta trước mặt con; Ta sẽ công bố danh Giê-hô-va trước mặt con; Ta sẽ làm ơn cho ai Ta muốn làm ơn và thương xót ai Ta muốn thương xót.” Sau đó, Đức Chúa Trời ngự xuống, đứng bên Moses và xưng danh Ngài là Giê-hô-va (Xuất 34:6–7) “Đức Giê-hô-va đi qua trước mặt ông và tuyên bố: Giê-hô-va! Giê-hô-va! Là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, dư dật ân huệ và thành thực, giữ lòng yêu thương đến nghìn đời, tha thứ điều gian ác, sự vi phạm và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, mà nhân tội tổ phụ phạt con cháu đến ba bốn đời.” Vậy, qua đó chúng ta có thể hiểu được đôi điều về vinh quang.

Kinh Thánh nói chúng ta sẽ ra sao để được hưởng vinh quang của Đức Chúa Trời? Theo tiết lộ của sứ đồ Phao-lô thì “trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại(1Côrinhtô 15:22b). Sống lại như thế nào? Lấy thân thể nào mà trở lại? Sứ đồ Phao-lô giải thích “Thân thể gieo xuống là hư nát, nhưng sống lại là bất diệt(1Côrinhtô 15:42b). Bất diệt như thế nào? Kinh Thánh là sách duy nhất chỉ dẫn chúng ta một cách rõ ràng về sự việc sẽ xảy ra. Nhờ đó, chúng ta mới được hiểu đôi điều về vinh quang trong tương lai, khi chúng ta được sống lại trong Đấng Christ.

Ông Phao-lô viết (1Côrinhtô 15:51–54)Nầy, tôi tỏ cho anh em một sự mầu nhiệm: Chúng ta sẽ không ngủ hết, nhưng tất cả sẽ được biến hóa trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, vào lúc tiếng kèn cuối cùng. Vì kèn sẽ thổi, người chết sẽ sống lại, không còn hư nát nữa, và chúng ta sẽ được biến hóa. Vì bản chất hay hư nát nầy phải mặc lấy bản chất không hay hư nát; bản chất hay chết nầy phải mặc lấy bản chất không hay chết. Khi bản chất hay hư nát mặc lấy bản chất không hay hư nát, bản chất hay chết mặc lấy bản chất không hay chết thì lúc ấy sẽ ứng nghiệm lời đã chép: Sự chết bị nuốt mất trong sự đắc thắng.

Đây chính là hi vọng vinh quang như chép trong (Côlôse 1:27) “Vì Đức Chúa Trời muốn họ bày tỏ sự phong phú và vinh quang của mầu nhiệm nầy giữa dân ngoại như thế nào, ấy là Đấng Christ ở trong anh em, là niềm hi vọng vinh quang.” Chúng ta có niềm hi vọng vinh quang vì Đức Chúa Jesus ngự trong lòng người nào bởi đức tin đã chân thành tiếp nhận Ngài làm Đấng Cứu Tinh cho chính đời sống mình. Vậy thì, người nào chỉ theo đạo cần phải chấn chỉnh đức tin để có hi vọng.

Những người sẽ được hưởng sự biến hóa thành thân thể bất diệt là người đứng vững trong đức tin cho đến cuối cùng. Những người trung tín với Chúa sẽ được Ngài gìn giữ. Nhưng làm thế nào chúng ta biết chắc mình sẽ được Chúa gìn giữ khi trung tín bước theo Chúa trong cuộc sống mỗi ngày? Nếu chúng ta bởi đức tin tiếp nhận ơn cứu độ của Chúa qua Kinh Thánh, thì niềm hi vọng về sự gìn giữ của Ngài cũng dựa trên Lời Ngài trong Kinh Thánh. Lời hứa của Chúa đối với dân của Ngài ngày xưa vẫn áp dụng cho con dân Ngài thời nay

(Phục Truyền 31:6) “Hãy mạnh dạn và can đảm! Đừng sợ, đừng kinh khiếp trước mặt các dân tộc đó, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em đi với anh em. Ngài chẳng lìa khỏi anh em, chẳng từ bỏ anh em đâu!”

(Thi Thiên 33:18) “Kìa con mắt của Đức Giê-hô-va đoái xem những người kính sợ Ngài, và những người hi vọng nơi lòng nhân từ Ngài.”

Làm thế nào để giữ vững hi vọng? Chúng ta hãy hiểu định nghĩa về đức tin của Kinh Thánh (Hebrews 11:1) “Đức tin là sự xác quyết về những điều mình đang hi vọng, là bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy.” Để có thể sống thánh khiết, chúng ta phải đặt đức tin vào lời hứa của Chúa “Vậy, anh em hãy chuẩn bị tâm trí, hãy tiết độ, đặt hi vọng hoàn toàn vào ân điển sẽ ban cho anh em khi Đức Chúa Jesus Christ hiện ra” (1Phierơ 1:13). Lại có người than thở rằng mình muốn sống cho Chúa nhưng không đủ sức, vậy phải làm sao? Chẳng ai nhờ sức riêng mà sống cho Chúa được. Vì vậy, Ngài ban sức lực, phần chúng ta là tiếp nhận và áp dụng sức ấy, như có chép:

Quyền năng của Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều liên quan đến sự sống và sự tin kính, qua sự nhận biết Ngài là Đấng đã kêu gọi chúng ta bằng vinh quang và nhân đức của Ngài. Cũng bởi vinh quang nhân đức ấy, Ngài ban cho chúng ta những lời hứa lớn lao và cao quý, để nhờ đó anh em có thể tránh khỏi sự băng hoại trong thế gian gây nên bởi tham dục, và trở nên người dự phần vào bản tính thiên thượng” (2Phierơ 1:3–4).

Trong Năm Mới âm lịch, người Việt chúng ta ai cũng muốn những cái cũ chán nản và thất bại được đổi thành nhiều điều mới. Ở trong Chúa, chúng ta có quyền hi vọng bước đi trong một tương lai vô cùng tốt đẹp hơn hoàn cảnh có nhiều không vừa ý trong hiện tại. Những người hoàn toàn không biết những gì sẽ xảy đến trong tương lai, thì có gì để hi vọng trong Năm Mới? Vì vậy, hãy trở thành người thuộc về Đức Chúa Trời vì Ngài là nguồn hi vọng. Hãy vững vàng trong đức tin vào Đức Chúa Trời. Hãy nhớ rằng Chúa chúng ta luôn luôn đối xử tốt lành với con dân Ngài.

 XuânMới2021.docx

Rev. Dr. CTB