Theo Dõi Tận Thế, bài 27

2Sử Ký 34:3–7

Vào năm thứ tám đời trị vì, khi còn trẻ tuổi, vua bắt đầu tìm kiếm Đức Chúa Trời của David, tổ phụ mình. Vào năm thứ mười hai, vua bắt đầu dọn sạch Judah và Jerusalem, trừ bỏ những nơi cao, tượng thần Asherah, tượng chạm và tượng đúc. Trước mặt vua, người ta triệt hạ các bàn thờ Baal, và đánh đổ những bàn thờ xông hương phía trên các bàn thờ ấy. Còn tượng thần Asherah, tượng chạm và tượng đúc thì bẻ gãy, nghiền nát ra bụi, rồi rải trên mồ mả của những kẻ đã cúng tế chúng. Vua cũng thiêu hài cốt của những thầy tế lễ trên bàn thờ các thần ấy và dọn sạch Judah và Jerusalem. Trong các thành của chi tộc Manasseh, Ephraim và Simeon cho đến Naphtali, và các nơi đổ nát quanh chúng, vua phá hủy các bàn thờ và nghiền nát ra bụi những tượng thần Asherah, tượng chạm và tượng đúc, đánh đổ tất cả các bàn thờ xông hương trong khắp xứ Israel. Rồi vua trở về Jerusalem.

Trước khi nghiên cứu thư của Đức Chúa Jesus gửi cho Hội Thánh Sardis, chúng ta phải biết tình trạng của Hội Thánh Sardis là gì, và các biến cố lịch sử nào đã làm thành hình giai đoạn lịch sử của Hội Thánh Chúa như vậy. Nếu đã biết tình trạng Hội Thánh Sardis tượng trưng cho giáo hội Cải Cách từ thế kỷ 16 tới thế kỷ 18, thì chúng ta biết vì sao tình trạng của Thyatira đã khai sinh giai đoạn Sardis kéo dài tới ngày nay. Bài học nầy là hết sức quan trọng cho người tìm hiểu.

Khi tình trạng hủ bại trong hàng chức sắc cao cấp của giáo hội La-mã bị phơi bày, không còn che giấu được nữa, thì tinh thần phản kháng ắt phải xảy ra. Về phương diện chính trị thì cuộc phản kháng một chế độ cầm quyền nào đó gọi là phong trào cách mạng; nhưng về phương diện tôn giáo, khi cuộc phản kháng đòi hỏi một sự thay đổi về căn bản thì phải gọi là cải cách hoặc cải tổ. Giáo hội Tin Lành Việt Nam gọi là ‘cải chánh,’ có nghĩa sửa lại cho đúng các sự sai lầm. Nhưng biến cố biến đổi giáo hội trong thế kỷ 16 nẩy sinh một cơ cấu mới về căn bản gần như khác hẳn cơ cấu vốn có của giáo hội La-mã thì phải gọi là một cuộc cải cách, hoặc cải tổ (reform), mới đúng.

Cuộc cải cách của Hội Thánh Đức Chúa Jesus ở thế kỷ A.D.16, tại Âu châu, thật ra là biến cố tiếp nối những ý kiến canh tân của các giám mục Francis of Assisi và Valdes, cùng với những cuộc phản kháng của Jan Hus và John Wycliff từ các thế kỷ trước, chứ nó không phải là phong trào bộc phát lẻ loi của một người. Tiến sĩ Martin Luther, một tu sĩ và giáo sư Công giáo La mã người Đức, dạy thần học tại trường đại học Wittenburg với một niềm hăng say về Đức Chúa Jesus, Đấng Trung Bảo duy nhất giữa Đức Chúa Trời với loài người, về ơn cứu rỗi Chúa ban cho tín hữu qua đức tin chứ chẳng phải bởi việc làm công đức, vì ơn cứu độ ấy là món quà miễn phí từ Đức Chúa Trời.

Vào năm 1514, khi Martin Luther làm linh mục tại nhà thờ Wittenburg Castle, giáo dân bỗng nghe Lời Chúa chưa từng được giảng dạy nhiệt thành như vậy nên kéo đến đông nghẹt. Trong đời giáo hoàng Leo X, thừa sai của giáo hoàng là John Tetzel, tu sĩ ở Saxsony, đi khắp các giáo xứ Âu Châu để bán bùa xá tội, lấy tiền xây nhà thờ St. Pedro ở Rome, nơi có tòa thánh, tức là chỗ giáo hoàng cư ngụ. Martin Luther rất căm phẫn về hành vi lường gạt nầy; bởi vì ông biết rõ giáo hoàng không có quyền tha tội hay giảm tội cho người đã chết, cũng không có chút quyền hạn gì trên sự cứu rỗi của người đã phạm tội với Chúa. Bùa xá tội hứa sẽ giảm bớt hình phạt vì tội lỗi của người mua, hay tội lỗi của người thân người mua, trong vài trường hợp thì tội hoàn toàn được tha.

Ngày 31 tháng Mười, 1517, ông Martin Luther gắn bản văn 95 luận đề rất nổi tiếng của mình lên bảng thông cáo của đại học Wittenburg, trên cửa trước nhà thờ Wittenburg Castle. 95 luận đề nầy chính thức phản đối giới lãnh đạo giáo hội về việc bán bùa xá tội và tóm tắt giáo lý Kinh Thánh về việc tín hữu được xưng công chính bởi ân sủng của Đức Chúa Trời nhờ vào đức tin của tín hữu mà thôi. Hành động gắn bản 95 luận đề lên cửa nhà thờ là thời điểm định mệnh trong lịch sử Hội Thánh, vì hành động ấy đã dẫn tới sự khai sinh giáo hội Tin Lành không lâu về sau. Sự thách thức của linh mục Martin Luther bị xem như mối đe dọa tới uy quyền của giáo hoàng. Vì thế Hội đồng Hồng Y ở Rome cảnh cáo Martin Luther và đòi ông phải rút lại lập trường của mình. Nhưng Luther thách họ chứng minh bằng Kinh Thánh bất cứ điểm sai nào trong 95 luận đề. Họ không làm được.

Tháng Giêng 1521, Luther bị giáo hoàng dứt phép thông công và phải ứng hầu trước hội đồng Diet of Worms để bị xử án. Ở đây, ông cũng từ chối rút lại lập trường, bởi vì không ai trưng được bằng chứng Kinh Thánh nào chống lại 95 luận đề. Ông bị kết án là tà giáo. Nhưng ông được tiểu vương Frederick the Wise tổ chức bắt cóc đem về lâu đài Wartburg. Ở đó ông dịch Kinh Thánh Tân Ước từ tiếng Hy-lạp sang tiếng Đức. Khi Tân Ước tiếng Đức được in ra và phổ biến rộng rãi, giáo dân đã được Lời Chúa mở mắt. Luther liều chết trở lại giảng dạy tại nhà thờ Wittenburg Castle và các khu vực phụ cận. Thoát thân một cách thần kỳ khỏi tay những kẻ lùng bắt, Luther tổ chức trường học, soạn các bản chỉ dẫn cho mục sư, giáo sư, và ông cũng sáng tác nhiều bài thánh ca.

Phong trào cải cách ở Đức lan ra ngay lập tức, và những cuộc cải cách ở các nước khác không liên quan gì tới Martin Luther cũng nổi lên. Vào năm 1519, các bài giảng của Huldrych Zwingli làm dấy lên tinh thần cải cách ở Thụy sĩ, ông Zwingli thiết lập chế độ thần quyền Cơ-đốc ở Zurich. Khi các ý tưởng của Martin Luther ảnh hưởng tới nước Pháp, thì ở đó có Jean Calvin, một người Pháp thuộc nhóm những người không đồng ý với các việc làm và chủ thuyết của giáo hội La-mã; người đã từ chối tiếp tục nhận học bổng đại học của giáo hội Pháp, phải lánh sang một thành phố Tin Lành và trung tâm đại học Basel, bắc Thụy sĩ. Năm 1536, Jean Calvin xuất bản quyển “Nguyên Tắc Đại Cương Cơ-Đốc-Giáo.” Ông được mời đến Geneva để giúp tổ chức Cộng Hòa Tin Lành Geneva. Nơi ấy trở thành trung tâm Tin Lành Âu Châu, thành lập giáo hội Presbyterian (Trưởng Lão) ở Scotland, phong trào Thanh Giáo ở Anh và giáo hội Cải cách Hòa Lan.

Vậy, 95 luận đề của Martin Luther được xem như ngọn lửa làm cháy lan phong trào cải cách, nhưng phương diện giáo lý và thần học của 95 luận đề ấy như thế nào mà đã làm thành hình phong trào cải cách, rồi thành hình giáo hội Tin Lành tách ra khỏi công giáo La mã tới tận ngày nay? Nếu chỉ cần tóm tắt các điểm chính của 95 luận đề ấy, thì nó được gọi là “Năm Cột Trụ” tức là năm nền tảng của giáo lý phong trào cải cách. Theo tiếng La-tinh là năm ‘Solas,’ nghĩa là ‘chỉ có’ (only hay alone). Năm cột trụ ấy là: Chỉ có Kinh-thánh, chỉ có Đấng Christ, chỉ bởi đức tin, chỉ nhờ ân điển, và chỉ vì vinh quang của Đức Chúa Trời (Sola Scriptura, Solus Christus, Sola Fide, Sola Gratia, Soli Deo Gloria). Năm cột trụ nầy hoàn toàn xung khắc với thần học và cách hành đạo của Công giáo.

Phái cải cách tin rằng 1. Kinh-thánh là thẩm quyền tối hậu, đầy đủ và rõ ràng (2Timôthê 3:16) “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính, để người của Đức Chúa Trời được toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” La mã dựa trên ba điều: Kinh-thánh, truyền thống giáo hội và các phẩm trật chức sắc của giáo hội.

2. Chỉ do Christ mà chúng ta được cứu, vì chỉ Ngài mới thực hiện mọi điều cho ta mà thôi (Galati 2:20) “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong thể xác, tức là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi.” La mã dạy rằng: Ngoài Đấng Christ ra, để được cứu rỗi, giáo dân phải nhận đủ bảy phép bí tích: Rửa tội, thêm sức, mình Thánh Chúa, giải tội, xức dầu thánh, truyền chức thánh, và phép hôn phối. Nhưng ơn cứu rỗi trong Kinh-thánh không đòi hỏi các điều do truyền thống giáo hội đặt ra.

3. Kinh-thánh dạy: ‘Chỉ bởi đức tin’ vào Đức Chúa Trời và sự chuộc tội đã hoàn tất của Đức Chúa Jesus thì người ta được xưng công chính (Rôma 4:4-5) “Đối với người làm việc, tiền công không được kể là ân huệ, nhưng phải kể là nợ; còn với người không làm việc, nhưng tin vào Đấng xưng công chính cho người có tội thì đức tin của người ấy được kể là công chính.” La-mã chủ trương đức tin vào Chúa và ân điển Ngài chưa đủ, mà phải thực hiện hết bảy phép bí tích thì mới nhận được ơn cứu rỗi nửa chừng (vì sau khi chết phải vào ngục luyện tội).

4. Cột trụ kế tiếp chỉ nhờ ân điển là quà tặng miễn phí, không ai nhờ công trạng gì để được ban món quà ấy (Êphêsô 2:8–9) “Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em để không ai có thể tự hào.” Vì vậy, đạo của Chúa được gọi là Tin Mừng. Công giáo La-mã cho rằng Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, phải nhờ Mẹ là đấng đồng công cứu chuộc với Đức Chúa Jesus, rồi giáo dân cũng phải nhờ các việc công đức thì mới thoát hay giảm thời gian ở ngục luyện tội, mặc dù không chỗ nào trong Kinh Thánh dạy như vậy.

5. Sola thứ năm công bố mọi việc Đức Chúa Trời đã thực hiện cùng mọi việc tín hữu làm trong sự sống đạo đều chỉ vì vinh quang của Đức Chúa Trời (soli Deo Gloria); một mình Ngài mới đáng hưởng vinh quang, vì vinh quang thuộc về Ngài (Thi Thiên 19:1) “Các tầng trời rao truyền vinh quang của Đức Chúa Trời, bầu trời bày tỏ công việc tay Ngài làm.” Vinh quang của Đức Chúa Trời là động lực trung tâm của ơn cứu độ, không nhằm cải thiện đời sống người ta. Giáo hội La-mã chẳng những kính mà còn tôn vinh, dâng vinh quang cho Đức Mẹ, giáo hoàng và các thánh, nhờ họ cầu bầu cho tín đồ. La mã lý luận rằng Chúa không bao giờ bị giảm vinh quang, nên tôn ‘Đức Mẹ Nhân Từ, Đấng Cực Thánh’ (Giáo lý Công giáo [CCC] 2677); ‘chúng ta không có cách nào tốt hơn nhìn lên Đức Mẹ’ (CCC 972); ‘Không ai có thể tới với Chúa Kitô mà không qua Mẹ’ (Giáo hoàng Leo 13).

Tóm lại, người ta được xưng công chính trước mặt Đức Chúa Trời chỉ nhờ ân điển, chỉ trên nền tảng huyết và sự công nghĩa của Đấng Christ, chỉ bởi đức tin làm phương tiện, để chỉ vì vinh quang của Đức Chúa Trời, do chỉ bởi thẩm quyền tối hậu của Kinh-Thánh đã dạy. Năm cột trụ đức tin nầy xung khắc với những giáo lý và giáo điều của giáo hội công giáo La-mã đã đặt ra nhằm buộc giáo dân phải ở dưới thẩm quyền của giáo hội chứ không phải thẩm quyền của Đấng Christ. Vì các lý do đó, phong trào cải cách ra đời tạo thành một thời kỳ gọi là Hội Thánh Sardis.

TheoDoiTanThe27.docx

Rev. Dr. CTB