Theo Dõi Tận Thế, bài 32

Khải Huyền 3:14–22

Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh Laodicea rằng: Đây là lời phán của Đấng A-men, Đấng làm chứng thành tín và chân thật, là cội nguồn công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời: ‘Ta biết các công việc của con; con không lạnh cũng không nóng. Ước gì con nóng hay lạnh thì hơn. Vậy, vì con hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên Ta sẽ nhả con ra khỏi miệng Ta.’ Con nói: ‘Tôi giàu, tôi đã phát đạt rồi, tôi không cần gì nữa.’ Nhưng con không biết rằng mình đang cùng khổ, đáng thương, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ. Vì thế, Ta khuyên con hãy mua vàng đã được thử lửa của Ta để con trở nên giàu có; mua những áo trắng và mặc vào để sự lõa lồ của con không bị lộ ra, và mua thuốc xức mắt xức vào mắt con để con thấy được. Những người Ta yêu thì Ta quở trách, sửa phạt; vậy, hãy sốt sắng và ăn năn đi! Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta. Người nào thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai Ta, như chính Ta đã thắng và ngồi với Cha Ta trên ngai của Ngài. Ai có tai, hãy nghe lời Thánh Linh phán với các Hội Thánh.

Đức Chúa Jesus gửi lá thư thứ bảy cho Hội Thánh ở Laodicea, một thành phố lớn ở Tiểu Á. Nơi nầy giàu, có trường y khoa nổi tiếng và sản xuất thuốc chữa mắt rất công hiệu. Nó cũng là nơi giải trí; vì thế, dân ở đây chỉ tìm lạc thú riêng cho họ. Trước kia họ có hệ thống dẫn nước độc đáo: Một đường dẫn băng tan từ núi xuống, và đường khác từ suối nước nóng cách đấy khoảng 5 dặm. Nhưng khi nước về tới thì chỉ còn hâm hẩm. Đối với Hội Thánh nầy thì Đức Chúa Jesus là “Đấng A-men, Đấng làm chứng thành tín và chân thật, là cội nguồn công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời.” Amen là không dời đổi về mục đích và lời hứa. Ngài đến để, làm chứng về Đức Chúa Trời cách chân thật; Ngài là lý do nguyên thuỷ của cuộc sáng tạo vũ trụ

(Giăng 2:3) “Mọi vật bởi Ngài dựng nên, chẳng vật chi đã được dựng nên mà không bởi Ngài.

(Côlôse 1:16–17) “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được… đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả.  Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài.

Trong các thư gửi sáu Hội Thánh trước, chỗ nào cũng được Chúa khen ngợi về một hoặc vài điểm nào đó; riêng Laodicea đã không nhận được bất cứ lời khen nào, mà chỉ có lời quở trách. Hội Thánh giai đoạn Laodicea không trung thành với Chúa nữa, đã bỏ mục đích ban đầu, trở thành giả hình và đức tin chết. Đức Chúa Jesus quở mục sư và tín hữu Hội Thánh Laodicea về đức tin hâm hẩm chẳng nóng, chẳng lạnh của họ (15–16) “Ta biết các công việc của con; con không lạnh cũng không nóng. Ước gì con nóng hay lạnh thì hơn. Vậy, vì con hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên Ta sẽ nhả con ra khỏi miệng Ta.

Chúa mong họ hoặc là sốt sắng nhiệt thành với Ngài, hoặc là chưa biết gì hết về phúc âm thì còn dễ thuyết phục hơn là có hình thức sốt sắng về công việc của tổ chức, nhưng lạnh nhạt và thờ ơ với phúc âm; hai thứ nầy pha trộn với nhau chẳng ích lợi gì cho nước Chúa. Nguyên văn Chúa nói là Ngài phải mửa họ ra, nghĩa là hoàn toàn bị từ bỏ.

Các thư trước nói rằng Thyatira là đại diện của thời ám thế sẽ bị ném vào đại nạn; Philadelphia, tiêu biểu Hội Thánh truyền giáo sẽ được rước về trời; nhưng Laodicea thì bị Chúa hoàn toàn từ bỏ. Như phần trước đã giải thích, trong bất cứ kiểu Hội Thánh nào cũng có những con cái thật của Chúa; những tín hữu ấy được Chúa kể thuộc về Hội Thánh Philadelphia; nghĩa là mọi con cái thật của Chúa dù đang ở trong bất cứ Hội Thánh nào cũng đều sẽ được đem đi khỏi thế gian để tránh khỏi cơn đại nạn sẽ đến. Cách Chúa nhìn Hội Thánh Laodicea khác hẳn cách họ tự cao về họ. Người ta thường tự đánh giá theo tiêu chuẩn loài người. Mọi người bị Chúa liệt vào nhóm Laodicea phải thấy họ nghèo vì không có gì để nuôi linh hồn mình; mù vì không thấy thực trạng và số phận kinh khiếp ở cõi đời đời; loã lồ vì không có áo công nghĩa của Chúa che đậy.

(17–18) “Con nói: ‘Tôi giàu, tôi đã phát đạt rồi, tôi không cần gì nữa.’ Nhưng con không biết rằng mình đang cùng khổ, đáng thương, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ. Vì thế, Ta khuyên con hãy mua vàng đã được thử lửa của Ta để con trở nên giàu có; mua những áo trắng và mặc vào để sự lõa lồ của con không bị lộ ra, và mua thuốc xức mắt xức vào mắt con để con thấy được.

Đức Chúa Jesus khuyên họ hãy mua vàng đã thử lửa của Ngài nghĩa là từ bỏ những gì trong lòng đang chiếm hết chỗ của sự giàu có thật, là sự hiểu biết lời Chúa bổ dưỡng nuôi sống linh hồn, là điều chỉ tìm được trong Đức Chúa Jesus mà thôi. Mua áo trắng là cổi bỏ sự công nghĩa riêng mà Đức Chúa Trời xem như thứ giẻ rách dơ bẩn, rồi tiếp nhận sự tẩy sạch của huyết Chúa, nhận lấy sự xưng nghĩa và thánh khiết mà Đức Chúa Jesus đã thực hiện làm áo trắng công nghĩa che đậy con người ô uế của mình. Mua thuốc xức mắt nghĩa là bỏ sự khôn ngoan riêng để nhờ Đức Thánh Linh làm cho sáng mắt thuộc linh đã mù loà, hầu hiểu được Lời Chúa và thấy được kho tàng quý báu về các ân tứ và quyền năng của Chúa Thánh Linh ban cho mọi con cái Ngài.

Chúa đưa ra ba cách chữa trị tình trạng hâm hẩm. Thứ nhất, bị quở trách sửa trị; hãy vui mừng khi bị Chúa sửa trị (Hêbơrơ 12:5–6) “Hỡi con, chớ dễ ngươi sự sửa phạt của Chúa, và khi Chúa trách chớ ngã lòng. Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con thì cho roi cho vọt,” vì điều đó chứng tỏ Ngài yêu thương và quan tâm. Thứ nhì, hãy sốt sắng, nghĩa là hãy thoát khỏi tình trạng hâm hẩm. Thứ ba, hãy ăn nănmở lòng mình ra, vì Ngài đang gõ cửa lòng của từng người và từng Hội Thánh. Hãy nhớ lại ở đoạn đầu, ông Giăng thấy Chúa bước đi giữa các Hội Thánh của Ngài; nhưng tới giai đoạn Laodicea thì Hội Thánh đã đẩy Ngài ra đứng bên ngoài các sinh hoạt của họ, đến nỗi Ngài phải gõ cửa đòi vào trở lại.

Chúa cho họ thấy họ không biết tình trạng thuộc linh của họ là đang cùng khổ, đáng thương, nghèo ngặt, đui mù, và loã lồ. Chúa khuyên họ mua vàng đã thử lửa là đức tin đã luyện lọc; áo trắng là sự xưng công nghĩa qua huyết hi sinh của Ngài; thuốc xức mắt là sự hiểu biết lời Chúa qua kinh nghiệm quyền năng của Thánh Linh, để nhận biết các hoạt động trong linh giới, để được bước vào môi trường kỳ thú của phép lạ và việc siêu nhiên. Chúa hứa kẻ nào thắng sẽ được cùng ngồi trên ngai của Ngài để cai trị cả vũ trụ. Chúng ta hãy mở cửa cho Đấng đang gõ cửa để Chúa vào làm Chủ lòng mình và làm Đấng cai trị Hội Thánh của Ngài.

Laodicea là giai đoạn lịch sử của Hội Thánh kể từ đầu thế kỷ 20 kéo dài tới ngày đại nạn đổ xuống thế gian. Laodicea có nghĩa là “quyền của tín hữu.” Đây là thời kỳ mà tín hữu bình thường cho rằng mình được soi sáng giỏi hơn người chăn bầy, rồi có quyền chọn lựa hoặc phế bỏ mục sư theo ý thích. Người ta rất hăng hái bênh vực hệ phái hoặc giáo hội của họ, nhưng rất lạnh nhạt với Đấng làm Đầu Hội Thánh. Các trường thần học dạy cách chẻ nhỏ những chữ trong Kinh Thánh để giải nghĩa cho cao siêu, dạy về Phúc Âm của Chúa nhưng không có chút quyền năng nào của phúc âm ấy. Từ 1905 trở đi, nhiều thứ thần học lý trí bắt đầu dùng lý luận lịch sử, khoa học và triết học phê phán Kinh Thánh; không còn tin phép lạ siêu nhiên. Tình trạng tâm linh của tín hữu và giáo phẩm sa bại. Hội Thánh trở thành câu lạc bộ xã hội. Người ta tới nhà thờ để giao tiếp với bạn bè.

Vào thời kỳ lịch sử của Hội Thánh theo ý nghĩa thư nầy thì ‘thuyết tiến hoá’ đang làm bá chủ ở hầu hết các trường đại học, phủ nhận Đức Chúa Trời, và làm lung lay đức tin của rất nhiều người vốn tin Kinh Thánh nhưng chưa biết cách phản bác. Một số giáo hội chưa bao giờ dạy Chúa có thể đến thăm Hội Thánh, nên nghiêng về cách giải thích Kinh Thánh sao cho phù hợp với thuyết tiến hoá. Nhưng tác giả của cuộc sáng tạo, là Đấng Amen, luôn luôn bày tỏ về Ngài cách thành tín chân thật từ khi sáng thế đến nay. Những chi hội ấy rất tự phụ, tự mãn và kịch liệt bác bỏ mọi việc siêu nhiên; họ rất xa lạ với lời giảng Chúa hiện diện trong giờ thờ phượng; vì thế, tín hữu không có đức tin và bi quan về mọi thứ phép lạ. Những thái độ vô tín như vậy làm sao mà Chúa không từ bỏ?

Đức Chúa Jesus kể bảy ẩn dụ về nước thiên đàng trong Mathiơ 13 khi Ngài dạy dỗ đoàn dân và các môn đồ. Nhưng Chúa chỉ giải nghĩa ba ẩn dụ, còn 4 ẩn dụ kia Ngài không giải thích. Nhưng các thần học gia nhận thấy ý nghĩa của bảy ẩn dụ ấy đi cặp theo bảy thư chúng ta đang học. 

Đầu tiên là ẩn dụ gieo giống (Mathiơ 13:3–9) “Ngài dùng ẩn dụ để nói với họ nhiều điều. Ngài phán: “Có một người đi ra gieo giống. Trong khi gieo, một số hạt rơi dọc đường, chim đến ăn hết. Một số hạt khác rơi trên đất đá, chỉ có ít đất thịt, bị lấp không sâu, liền mọc lên. Nhưng khi mặt trời mọc lên, bị nắng thiêu đốt thì chúng chết khô vì không có rễ. Một số khác rơi giữa bụi gai, gai mọc lên làm cho chúng nghẹt ngòi. Một số khác nữa rơi trên chỗ đất tốt nên kết quả: hạt được một trăm, hạt được sáu chục, hạt ba chục. Ai có tai, hãy lắng nghe!” trùng hợp với giai đoạn truyền giáo huy hoàng của Hội Thánh Êphêsô.

Thứ nhì là ẩn dụ lúa mì với cỏ lùng (Mathiơ 13:24–30) “Đức Chúa Jêsus phán với họ một ẩn dụ khác:Vương quốc thiên đàng ví như một người gieo giống tốt trong đồng ruộng mình. Nhưng lúc mọi người đang ngủ thì kẻ thù của người ấy đến, gieo cỏ lùng vào giữa lúa rồi đi. Khi lúa mọc lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Các đầy tớ của chủ nhà đến trình rằng: ‘Thưa chủ, chẳng phải chủ đã gieo giống tốt trong đồng ruộng của chủ sao? Vậy, cỏ lùng do đâu mà có?’ Chủ đáp: ‘Một kẻ thù đã làm điều ấy.’ Các đầy tớ thưa rằng: ‘Vậy chủ có muốn chúng tôi nhổ cỏ đó không?’ Chủ đáp: ‘Không nên, e khi nhổ cỏ lùng, các ngươi nhổ lầm cả lúa chăng. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt; khi vào vụ gặt, ta sẽ dặn thợ gặt thu gom cỏ lùng trước, bó lại từng bó rồi đốt đi; còn lúa thì thu trữ vào kho của ta.’” Ẩn dụ nầy khớp với giai đoạn Hội Thánh Smyrna làm tiêu biểu, lúc các hột giống gian ác đầu tiên gieo vào giữa lúa mì thật, gây ra thời kỳ Hội Thánh bị bách hại.

Thứ ba là ẩn dụ hột cải (Mathiơ 13:31–32) “Ngài phán với họ một ẩn dụ khác: Vương quốc thiên đàng giống như một hạt cải người kia đem gieo ngoài đồng. Hạt ấy nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi mọc lên thì lại lớn nhất trong các loại rau, và trở thành cây đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành nó.” Ẩn dụ nầy nói về sự phát triển rất bất thường của Hội Thánh vào thời kỳ Pergamum, một giáo hội được nhà nước của Constantine đại đế đỡ đầu.

Thứ tư là ẩn dụ về men (Mathiơ 13:33) Ngài phán với họ một ẩn dụ khác: “Vương quốc thiên đàng giống như men mà người phụ nữ kia lấy ủ vào ba đấu bột cho đến chừng bột dậy cả lên.” Ẩn dụ nầy nêu lên thời đại bại hoại mà tiêu biểu là Hội Thánh Thiatirơ, khi chất men giáo lý sai trật đi theo sự hành đạo lầm lạc pha trộn sự mê tín dị đoan của ngoại giáo vào sự dạy dỗ của Hội Thánh; men thường tượng trưng cho sự ác.

Thứ năm là ẩn dụ kho báu giấu trong ruộng (Mathiơ 13:44) “Vương quốc thiên đàng ví như kho báu chôn giấu trong một đồng ruộng. Một người kia tìm được thì giấu đi, vui mừng đem bán mọi thứ mình có, để mua đồng ruộng ấy.” Ẩn dụ nầy khớp với giai đoạn Hội Thánh Sardis của giáo hội cải cách, khi chân lý ‘được xưng công nghĩa bởi đức tin‘ bị giấu kín hơn một ngàn năm được tái khám phá, và Kinh Thánh được phổ biến rộng rãi; đặc biệt là tái khám phá về chương trình và mục đích của Đức Chúa Trời cho quốc gia Israel cũng diễn ra vào giai đoạn nầy.

Thứ sáu là ẩn dụ viên ngọc vô giá (Mathiơ 13:45–46) “Vương quốc thiên đàng lại giống như một thương gia đi tìm ngọc trai quý; khi đã tìm được một viên ngọc trai quý hiếm, người ấy liền đi bán mọi thứ mình có để mua viên ngọc ấy.” Ẩn dụ nầy nói tiên tri về Hội Thánh Philadelphia, Hội Thánh thật của Đấng Christ.

Thứ bảy là ẩn dụ lưới cá (Mathiơ 13:47–50) “”, Vương quốc thiên đàng cũng giống như một cái lưới thả xuống biển, bắt đủ mọi thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bờ rồi ngồi xuống chọn loại cá tốt cho vào rổ, còn loại xấu thì vứt bỏ. Đến ngày tận thế cũng vậy, các thiên sứ sẽ đến, tách biệt kẻ ác khỏi những người công chính, và ném kẻ ác vào lò lửa; ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng,là hình ảnh Đức Chúa Trời phán xét vào ngày tận thế, khi Ngài phân chia người được cứu ra khỏi kẻ bị hư vong, giai đoạn cuối của thời đại Hội Thánh là thời kỳ mô tả trong thư của Đức Chúa Jesus Christ gửi cho Hội Thánh Laodicea.

Nhìn vào toàn cảnh của Hội Thánh chung hiện nay trên thế giới và Hội Thánh Việt Nam nói riêng, thì tình trạng bạc nhược, nguội lạnh, và thờ ơ của đa số người xưng là tín hữu là không thể chối cãi được. Hiện trạng nầy tượng trưng tình trạng của thời đại Hội Thánh Laodicea. Đức Chúa Jesus không còn bước đi giữa các Hội Thánh, mà đã bị đẩy ra ngoài. Đoạn 3 của sách Khải Huyền chấm dứt bằng hình ảnh Đức Chúa Jesus đứng ngoài cửa mà gõ. Nhưng đoạn 4 bắt đầu bằng một cái cửa mở ra trên trời. Như vậy thư gửi cho Laodicea báo hiệu sẽ tới lúc chấm dứt thời đại Hội Thánh của Đức Chúa Jesus Christ trên mặt đất. Lúc đó tín hữu tham dự các hoạt động thiên đàng.

TheoDoiTanThe32.docx

Rev. Dr. CTB