Lễ Ngũ Tuần 2021

Công vụ 2:1–13

Đức Thánh Linh giáng lâm tại Jerusalem, thành lập Hội Thánh của Đức Chúa Jesus Christ, vào ngày lễ Ngũ Tuần đầu tiên sau khi Đức Chúa Jesus sống lại và về trời, tức là gần 2000 năm trước. Hội Thánh ấy chẳng những tồn tại mà còn phát triển thành tôn giáo có số tín đồ đông nhất thế giới. Ngũ Tuần tức là năm mươi ngày tính từ mốc thời gian Lễ Vượt Qua của người Do-thái được tính theo âm lịch; cho nên, theo dương lịch thì nó không có ngày nhất định hàng năm. Sở dĩ ngày ấy được gọi là sinh nhật của Hội Thánh vì qua bài giảng của Phierơ, đã có 3,000 người quyết định tin Chúa, chịu báp têm và gia nhập Hội Thánh nội trong ngày ấy.

Sự giáng lâm của Đức Thánh Linh đã đảo ngược thái độ run rẩy sợ hãi của các môn đồ trước kia từng đi theo Đức Chúa Jesus. Biến cố đáng lưu ý ấy xác nhận Ngài là tác nhân tạo ra lòng bạo dạn trong tâm tính của mấy tay đánh cá nhát gan ở xứ Galille. Chỉ 53 ngày trước đó, Phierơ sợ cả đến cô tớ gái trong nhà thầy tế lễ thượng phẩm Caiphe, nên chối rằng: “Tôi không hề biết người ấy” (Mathiơ 26:72). Bây giờ, đứng trước mặt đám đông đã từng cuồng nộ đòi: “Đóng đinh hắn trên cây thập tự!” (Mathiơ 27:23), thì Phierơ lại hùng hồn công bố rằng người mà gần hai tháng trước bị họ đòi phải bị giết chết trên thập tự giá, chính là “Con của Đức Chúa Trời.” Từ thái độ khiếp đảm tới bạo dạn không còn sợ hãi nữa, thì phải có một biến cố vô cùng đặc biệt.

Hiện tượng ấy không phải vì Phierơ với mười một sứ đồ kia thay đổi ý kiến, mà Phierơ và họ đã được biến đổi thành tấm lòng khác, tâm tính khác khi họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Phierơ giải thích cho những người Do-thái-giáo hiểu những gì họ đang thấy và nghe. Ông nói rõ rằng Đức Chúa Trời đã khiến Đức Chúa Jesus sống lại “tất cả chúng tôi đều làm nhân chứng về điều đó. Vậy sau khi đã được tôn cao ở bên phải Đức Chúa Trời và đã nhận lãnh lời hứa về Đức Thánh Linh từ nơi Cha, Ngài đổ Đức Thánh Linh ra như anh em đang thấy và nghe” (Công vụ 2:32b–33). Lễ Ngũ Tuần đánh dấu ngày khai sinh của Hội Thánh, tức là ngày Tin Mừng về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời bắt đầu được giảng rao ra khắp thế giới, bắt đầu từ thành Jerusalem (Công vụ 1:8).

Đức Thánh Linh đã giáng lâm để ban quyền năng đặc biệt, gọi là sự xức dầu, trên những người tin nhận Đức Chúa Jesus là Con của Đức Chúa Trời, tức là Đức Chúa Trời trong thể xác loài người. Sứ đồ Phierơ nói với dân Israel tại thành Jerusalem: “Vì thế, cả nhà Israel hãy biết chắc chắn rằng Đức Chúa Jesus nầy, Đấng mà anh em đã đóng đinh trên thập tự giá, đã được Đức Chúa Trời tôn làm Chúa và Đấng Christ” (2:36), tức là Đấng Messiah mà từ đời tổ tiên của họ vẫn mong chờ sẽ đến thế gian. Ngài đã đến, nhưng họ không nhận biết, lại mượn tay quân La mã độc ác đóng đinh trên thập tự giá, giết chết đi. Ngài đã sống lại vinh quang và đã về trời. Những người Israel được nghe bài giảng hôm ấy đau khổ quá, vì họ thấy phép lạ về ngôn ngữ xác nhận lời giảng ấy là thật.

Khi nghe điều ấy, lòng đau như cắt, họ liền hỏi Phierơ và các sứ đồ khác rằng: ‘Các anh ơi, chúng tôi phải làm gì đây?’ Phierơ trả lời: ‘Hãy ăn năn, mỗi người phải nhân danh Đức Chúa Jesus nhận báptêm để được tha tội mình, rồi sẽ nhận lãnh quà tặng là Đức Thánh Linh’” (2:37–38). Từ ngày đó cho tới nay, nguyên tắc nhận lãnh Đức Thánh Linh chưa bao giờ thay đổi. Điều kiện đầu tiên là phải thật lòng tin Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa duy nhất trên toàn vũ trụ. Người Do-thái-giáo chân chính nào cũng đạt được điều kiện đòi hỏi nầy. Tức là họ không tin một thần linh vớ vẩn nào khác. Họ cũng không tham dự vào bất cứ hình thức thờ cúng nào của ngoại giáo, không bị ô uế vì có dính líu vào những việc bị Chúa cấm, như bói toán, thờ hình tượng, vv.

Điều kiện thứ nhì là phải ăn năn tội lỗi để được Đức Chúa Trời tha tội bằng huyết chuộc tội của Đức Chúa Jesus đã đổ ra rồi, và Ngài đã đem huyết ấy dâng trong Đền Thờ thật ở thiên đàng, theo quy định của luật pháp: “Sau đó, A-rôn giết con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội cho dân chúng, rồi đem máu vào phía trong bức màn, và cũng dùng máu nó rảy phía đông của nắp thi ân, nghĩa là phía trước nắp thi ân, như đã dùng máu con bò vậy” (Lêviký 16:15). Tác giả thư Hêbơrơ giải thích rõ vấn đề nầy “Nhưng khi Đấng Christ đã đến như một thầy tế lễ thượng phẩm của những điều tốt đẹp sau nầy, thì qua đền thờ lớn hơn và toàn hảo hơn — không do tay người làm nên, nghĩa là không thuộc về những vật của đời nầy — Ngài đã bước vào nơi Chí Thánh một lần đủ cả, không dùng máu dê đực và bò con, nhưng dùng chính huyết mình để đem đến sự cứu chuộc đời đời cho chúng ta” (Hêbơrơ 9:11–12).

Đức Chúa Jesus đã thực hiện việc ấy vào lúc nào? Vào buổi sáng Ngài phục sinh, khi bà Mary Magdalene nhận ra Ngài, mừng quá định ôm chân Ngài, thì Ngài ngăn lại: “Đừng chạm đến Ta, vì Ta chưa lên với Cha! Nhưng hãy đi đến với anh em Ta, bảo họ rằng: Ta đang lên với Cha Ta và Cha các con, với Đức Chúa Trời Ta và Đức Chúa Trời các con” (Giăng 20:17). Quyền năng từ Đức Chúa Trời bảo quản huyết thánh của Đức Chúa Jesus, để khi Ngài sống lại thì đem huyết ấy dâng trên bàn thờ trong Đền Thờ thật ở trên trời. Để thực sự được tha tội, thì phải tiếp nhận ơn chuộc tội của Đức Chúa Jesus đã thực hiện, bằng tấm lòng trải qua sự đau đớn của quyết tâm ăn năn tội mình đã phạm. Như người Israel: “Khi nghe điều ấy, lòng đau như cắt, họ liền hỏi Phierơ và các sứ đồ khác rằng: ‘Các anh ơi, chúng tôi phải làm gì đây?’” (Công vụ 2:37).

Điều kiện thứ ba là “mỗi người phải nhân danh Đức Chúa Jesus nhận báptêm để được tha tội mình, rồi sẽ nhận lãnh quà tặng là Đức Thánh Linh’” (Công vụ 2:38). Như vậy, sứ đồ Phierơ đã giãi bày và giải thích các bước cần phải có để được nhận lãnh quà tặng Đức Thánh Linh từ Đức Chúa Trời. Sở dĩ rất nhiều tín hữu trong các Hội Thánh ngày nay, nhất là các Hội Thánh của người Việt ở hải ngoại, đã không nhận được Đức Thánh Linh, vì không đáp ứng đủ các điều kiện cần phải có như sứ đồ Phierơ đã trình bày. Chúng ta phải can đảm thành thật nhìn nhận hiện trạng đau khổ của đời sống tâm linh trong rất nhiều tín hữu là: thật lòng tin Chúa nhưng chưa bao giờ được nhận lãnh Đức Thánh Linh; thay vì tìm cách che giấu, biện hộ bằng lý luận rằng tín đồ đương nhiên có Đức Thánh Linh. Bởi vì nếu đó là thật, thì tâm linh đại đa số tín hữu đâu bị bạc nhược như hiện nay!

Làm sao biết các tân tín hữu trong ngày ấy có nhận được Đức Thánh Linh như sứ đồ Phierơ hứa hay không? “Vì lời hứa đó dành cho anh em, cho con cháu anh em, và cho tất cả mọi người ở xa, tức là tất cả những người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ kêu gọi. Phi-e-rơ lại lấy nhiều lời làm chứng mà thúc giục họ rằng: ‘Anh em hãy cứu lấy mình thoát khỏi thế hệ gian tà nầy!’ Vậy, những người tiếp nhận lời đó đều nhận báp-têm, và trong ngày ấy, có độ ba nghìn người thêm vào Hội Thánh.” (Công vụ 2:39–41). Sứ đồ Phaolô cho biết rằng Đức Thánh Linh cai trị trong lòng ai thì Ngài làm cho tâm linh người ấy kết quả: “Nhưng trái của Thánh Linh là: Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ” (Galati 5:22)

Hãy xem xét cách sống và cư xử giữa họ với nhau, thì chúng ta có thể nhận ra kết quả mà Đức Thánh Linh hành động trong lòng họ. Vậy, những người Do-thái tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban qua ơn chuộc tội của Đức Chúa Jesus, bởi lời giảng của Phierơ nếu có nhận được Đức Thánh Linh thì sẽ bộc lộ ra trong cách sống của họ. Kinh Thánh chép: “Ngày nào họ cũng chuyên tâm đến đền thờ; và từ nhà nầy đến nhà khác, họ bẻ bánh và dùng bữa cùng nhau với lòng vui vẻ, chân thành, ca ngợi Đức Chúa Trời và được ơn trước mặt mọi người. Mỗi ngày, Chúa thêm số người được cứu vào Hội Thánh” (Công vụ 2:46–47).

Hôm nay kỷ niệm Lễ Ngũ Tuần, chúng ta xem lại gương của các tín hữu thời sơ lập của Hội Thánh, để thấy họ đã thật nhận được Đức Thánh Linh; rồi qua cách sống giữa họ với nhau, những láng giềng chưa tin quan sát họ và hài lòng về họ. Nhờ đó, mỗi ngày đều có thêm người tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa và gia nhập Hội Thánh. Cầu xin Đức Thánh Linh tuôn đổ trên tất cả con cái Chúa có mặt ở đây, cũng như anh chị em ở xa đều nhận được sự xức dầu của Ngài.

LễNgũTuần2021.docx

Rev. Dr. CTB