Theo Dõi Tận Thế, bài 58

Khải Huyền 19:1–10

Sau khi Babylon vĩ đại, kẻ bị gọi là ‘đại kỹ nữ’ hay ‘đại dâm phụ,’ bị đoán phạt, cả thiên đàng lên tiếng vui mừng ca ngợi Đức Chúa Trời: “Sau đó, tôi nghe ở trên trời như có tiếng lớn của một đoàn người đông đảo nói rằng: Halêlugia! Sự cứu chuộc, vinh quang và quyền năng thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta” (1). Những cư dân thiên đàng bao gồm vô vàn thiên thần, thiên binh, và vô số thánh đồ lâu nay đang trông mong thấy tên đại kỹ nữ bị trừng phạt. Không phải vì họ thiếu tình yêu thương, nhưng vì Đức Chúa Trời đã nhân từ ban cho vô số cơ hội và chờ đợi đại kỹ nữ ăn năn, mà nó cứ mê đắm trong tội ác; cho nên, Đức Chúa Trời rất chính trực khi phán xét nó.

Thiên đàng xác nhận: “Vì những sự phán xét của Ngài là chân thật và công minh. Ngài đã phán xét đại kỹ nữ, kẻ đã dùng sự dâm loạn của mình làm hư hỏng đất; và Ngài đã báo thù về máu của các đầy tớ Ngài do kỹ nữ ấy làm đổ ra. Họ nói lần thứ hai: ‘Halêlugia! Khói của nó bay lên đời đời” (2–3). Lại có tiếng từ ngôi Đức Chúa Trời bảo rằng hết thảy những ai kính sợ Ngài, cả nhỏ lẫn lớn, hãy khen ngợi Ngài vì Ngài đã báo trả cách công bằng (4–5). Sự nhận định Hoa Kỳ ngày nay là Babylon vĩ đại, khiến nhiều người bối rối. Bởi vì theo nhãn quan thế giới thì từ ngày lập quốc, nền đạo đức Cơ-đốc-giáo-Do-thái (Judeo-Christianity) là nền tảng của hiến pháp và luật pháp xã hội Hoa Kỳ; Mỹ là biểu tượng của đạo Tin Lành. Hội Thánh của Chúa tại Hoa Kỳ đã gửi giáo sĩ đi truyền giáo ở hải ngoại nhiều nhất so với các Hội Thánh ở mọi nước khác.

Nhưng, cách thiên đàng nhìn không giống như thế gian. Chúa phân ranh giới rạch ròi giữa Hội Thánh của Ngài với giới cầm quyền thế tục. Hội Thánh của Chúa tại Mỹ so với giới tư bản độc ác đứng sau lưng các thế lực chính trị và xã hội Hoa Kỳ, là hai thế lực hoàn toàn khác nhau như tối với sáng. Hơn nữa, hiện trạng Hội Thánh của Chúa tại Mỹ đã bị suy yếu trầm trọng bởi tình trạng chia rẽ, đố kỵ giữa các hệ phái; thái độ kiêu căng hợm hĩnh của các giáo hội cổ điển, tình trạng bát nháo về thần học trong vòng các hệ phái ân tứ Đức Thánh Linh, tạo cơ hội cho các lực lượng thế tục có thể dần dần loại bỏ được ảnh hưởng của Hội Thánh đối với công chúng Mỹ. Bất cứ điều gì tiêu biểu cho Cơ-đốc-giáo đều bị kiện cáo, chống đối dữ dội để ủng hộ cho mọi thứ thế lực chống lại đạo của Chúa. Vì thế, Hội Thánh thật của Chúa không phải là một phần của Babylon vĩ đại.

Rồi tôi nghe có tiếng như tiếng của một đoàn người đông đảo, như tiếng của nhiều dòng nước, như tiếng sấm lớn, nói rằng: Halêlugia! Vì Chúa là Đức Chúa Trời Toàn Năng của chúng ta trị vì” (6). Toàn thể thiên đàng ca ngợi Đức Chúa Trời vì Ngài đã đánh tan mọi thế lực ác trên thế gian và cầm quyền cai trị. Nếu chúng ta nhớ lại các thế lực ác đã dám cả gan tranh chiến với Chiên Con và Hội Thánh của Ngài (17:14) thì biết tại sao thiên đàng mừng rỡ reo hò. Vì từ nhiều thế kỷ, các thế lực ác đã lộng hành trên thế gian hầu như không ai trị được chúng. Bây giờ, chúng đã sụp đổ tan tành, và thế giới thấy quyền cai trị của Đức Chúa Trời Toàn Năng được bày tỏ ra.

Thiên đàng lại lên tiếng công bố lễ cưới của Chiên Con đã đến và vợ Ngài đã chuẩn bị mình sẵn sàng (7). Ai là vợ của Chiên Con đã được sửa soạn? Êphêsô 5:25–26, 32 nói rằng mối liên hệ giữa Đức Chúa Jesus Christ với Hội Thánh của Ngài là chồng và vợ. Thế thì nàng dâu trinh khiết đang được sửa soạn trên thiên đàng là Hội Thánh đã được đem đi khỏi thế gian. Sửa soạn thì cần phải có thời gian; nghĩa là đang khi bảy năm đại nạn đổ xuống thế gian, thì thiên đàng đã sửa soạn cho Hội Thánh “nhằm trình diện trước mặt Ngài một Hội Thánh vinh hiển, không vết, không nhăn, không gì giống như vậy, nhưng thánh sạch và toàn hảo” (Êphêsô 5:27).

Nếu Hội Thánh vẫn còn ở trần gian để chịu nạn chung với mọi người thì lấy thời gian đâu để được sửa soạn. Hơn nữa từ cuối đoạn 3 đến chỗ nầy, chữ Hội Thánh không được nhắc đến, bây giờ mới lại được nói tới. “Nàng đã được ban cho áo bằng vải gai mịn sáng chói và tinh khiết để mặc vào! (vải gai mịn là những việc công chính của các thánh đồ)” (8). Áo bằng vải gai mịn sáng chói và tinh khiết được giải nghĩa là các việc công chính của thánh dân của Chúa khi họ còn ở thế gian. Các việc ấy bao gồm lòng cung kính và vui mừng thờ phượng Chúa, tinh thần truyền giáo hăng say, những hành vi thanh sạch, và các hành động theo đức nhân ái Chúa đã dạy.

Vị thiên sứ bảo ông Giăng: “Hãy viết: Phước cho những người dự tiệc cưới Chiên Con!” Rồi xác nhận: “Đây là những lời chân thật của Đức Chúa Trời“(9). Khi ông Giăng phủ phục dưới chân thiên sứ vinh quang để thờ lạy, thì bị vị thiên sứ cản lại. Không một thiên sứ nào thuộc về Chúa sẽ chấp nhận sự thờ lạy của loài người. Thiên sứ dạy rằng: “Đừng làm như vậy, ta là bạn đồng lao với ngươi và các anh em ngươi, là những người giữ lời chứng của Đức Chúa Jêsus. Hãy thờ lạy Đức Chúa Trời. Vì lời chứng của Đức Chúa Jêsus là tinh thần của lời tiên tri” (10). Nghĩa là nếu tín hữu thờ lạy bất cứ ai khác đều là sai và phạm tội phản nghịch Đức Chúa Trời. Hãy rất cẩn thận về sự thờ kính của mình để xứng đáng với tình yêu và sự ban cho của Cha chúng ta trên trời.

Hãy xem các câu Kinh Thánh nhắc lại lý do chứng minh Hội Thánh phải được rước đi trước cơn đại nạn: 1) Hội Thánh không bị trải qua sự phán xét (Rôma 8:1); 2) Chúa đưa người công nghĩa của Ngài tới chỗ an toàn trước khi Ngài giáng tai hoạ. Nô-ê được vào tàu trước khi nước lụt (Sáng Thế 7:1); Lót tới nơi an toàn trước khi lửa diêm sinh đổ xuống (Sáng thế 19:21–22); 3) Đức Chúa Jesus xác nhận môn đồ thật của Ngài sẽ không bị trải qua cơn đại nạn (Luca 21:36; 1Têsalônica 5:9; Khải Huyền 3:10); 4) Chữ Hội Thánh được nhắc tới luôn trong các đoạn 1 tới 3 của sách Khải Huyền, nhưng từ đoạn 4 tới 19 thì chữ Hội Thánh không được nhắc đến nữa; thay vào đó là chữ thánh đồ.

Các phần của Kinh Thánh nói về sự trở lại của Đức Chúa Jesus chia thành hai loại. Loại 1 nói rằng Ngài sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm trong ban đêm trước cơn đại nạn để rước Hội Thánh là nàng dâu của Ngài đi và chuẩn bị đám cưới, người trần gian không biết chi được (Mathiơ 24:42, 44; 1Têsa-lônica 5:2, 4; Khải Huyền 3:3; 16:15). Loại 2 nói rằng Ngài sẽ đến công khai mọi mắt đều trông thấy vào cuối cơn đại nạn để thiết lập vương quốc 1,000 năm bình an của Ngài trên đất (Mathiơ 25:31; Mac 13:26; Luca 21:27; Khải Huyền 1:7). Nếu không phân biệt hai cách xuất hiện nầy thành hai biến cố riêng rẽ thì rất khó giải thích việc trở lại của Chúa một cách hợp lý.

Người ta thường lầm lẫn sự tái lâm trong vinh quang của Chúa với lần Ngài đến tiếp rước Hội Thánh. Đối với mọi người không có chút hi vọng nào về việc họ sẽ được Chúa “giữ khỏi giờ thử thách, là giờ sắp đến trong khắp thế gian, để thử nghiệm những người sống trên đất” (Khải 3:10b) thì thường gộp hai lần đến của Chúa thành một. Sự hiểu biết về hai lần đến của Đức Chúa Jesus Christ là hết sức quan trọng, vì nó nắn đúc một tư tưởng mạnh mẽ chỉ đạo niềm hi vọng, nó hướng dẫn chúng ta về cách suy nghĩ cùng hành động của chúng ta trong sự hầu việc Chúa, nó cũng làm cho chúng ta vững vàng khi phải đối phó hoặc đối xử với mọi diễn biến của thời cuộc.

Các tiên tri thời Cựu Ước chỉ được biết lần trở lại vinh quang của Chúa, họ không biết gì về Hội Thánh vì Hội Thánh chưa thành hình vào thời họ sống. Lời dạy về sự rước Hội Thánh đi chỉ xuất hiện ở trong Kinh Thánh Tân Ước. Phần tiếp theo của đoạn 19 là bài học hào hứng tuyệt điểm của Hội Thánh Chúa, sự kiện mà mọi con dân Chúa hằng mong đợi từ hơn hai ngàn năm qua: Sự tái lâm vinh quang của Đức Chúa Jesus Christ để thiết lập Vương quốc Ngài trên đất. Mọi tiên tri thời Cựu Ước lẫn Tân Ước đều hướng về biến cố trọng đại nhất ấy.

TheoDoiTanThe58.docx

Rev. Dr. CTB