Chúa Nhật, January 1st, 2012
Bài Giảng VBC, 2012Jan01
Biến Hoá Nhờ Tâm Trí Đổi Mới
Rôma 12:1–3, 9–18
Nhiều tín hữu rất muốn nói về đức tin của mình cho người thân quen chưa tin Chúa nhưng thường lúng túng không biết phải nói làm sao. Có lẽ vì chưa biết cách nói. Thật ra, nan đề không phải là cách nói thuần thục, trôi chảy, hợp lý, có tính cách thuyết phục đối với người nghe, bởi vì vẫn thường có những cuộc huấn luyện về việc nầy cho bất cứ tín hữu nào muốn tham gia; nhưng nan đề là nguyên nhân nào đã cản trở những người có lòng muốn người thân mình tin Chúa không chịu học hoặc không siêng năng tham dự các cuộc huấn luyện. Nhiều người từ khi tin Chúa đến nay chưa bao giờ có khả năng làm chứng về đức tin của mình cho người khác, mà lòng vẫn bình yên, không áy náy, vẫn cảm thấy sự yếu kém tâm linh là điều bình thường. Bên dưới bề mặt thiếu sót ấy tiềm ẩn một nan đề lớn là chưa được biến hoá nhờ tâm trí đổi mới.
Kinh Thánh nói rõ ràng là mọi tín hữu đều phải đồng hoá với Đức Chúa Giêxu trong sự chết và sự sống lại của Ngài để đủ điều kiện tiếp nhận ơn tái sinh, thánh hoá, và sự sống đời đời. Đây là điều kiện căn bản để tiếp nhận ơn cứu độ. Tín hữu phải quyết định hoặc là không muốn tội lỗi tức là tâm tánh cũ, các ham muốn phàm tục cũ, phải bị loại trừ khỏi lòng mình; hoặc là đồng hoá với sự chết của Đức Chúa Giêxu bằng mọi giá. Chứng cớ về một đời sống cũ trong ta đã thực sự “bị đóng đinh với Chúa” (Rôma 6:6), là lòng vâng lời Chúa trong ta diễn ra cách dễ dàng kỳ diệu. Nó phải xảy ra như vậy bởi vì ai đã đồng chết và sống lại với Đức Chúa Giêxu thì sự sống của Đức Chúa Trời bắt đầu giúp sức cho con cái Ngài thể hiện sự sống mới ấy. Người có ơn khải thị của Đức Thánh Linh thường được biết sự thật bề trong của một số người, lớp vỏ trình diễn bên ngoài ở Hội Thánh không che giấu được họ.
Vì thế, trong buổi nhóm đầu năm mới nầy, tôi kêu gọi tất cả thành viên của Hội Thánh VBC và qúy con cái Chúa đang cùng học hỏi trên internet, hãy cùng nhau xem xét mệnh lệnh biến hoá nhờ tâm trí đổi mới là gì và phải làm chi để hoàn thành mệnh lệnh nầy. Để hiểu vấn đề nêu ra, chúng ta phải hiểu biến hoá là gì, biến hoá cái gì, hay là cái gì cần phải được biến hoá?
Biến hoá có nghĩa là thay đổi, biến sang một hình trạng, phẩm chất khác. Vì là biến hoá nhờ tâm trí đổi mới, nên sự thay đổi ấy liên quan tới toàn thể những việc làm do tâm trí điều khiển bao gồm cách sống, lập trường, điều ưa thích, tư tưởng, tánh tình, thói quen. Kinh Thánh luôn luôn có giải đáp cho mọi nan đề tâm linh của những ai muốn bước theo sự chỉ dẫn của Chúa. Câu Rôma 12:2 là một mệnh lệnh, không phải lời khuyên để chọn lựa làm theo hay không. Để có thể biến hoá thì trước hết “đừng đồng hoá với đời” hay “đừng làm theo đời nầy.” Nghĩa là đừng bắt chước làm theo những ham muốn xấu mà đa số người thế gian vẫn làm (1Phierơ 4:3–4).
Kế đến là “biến hoá nhờ tâm trí đổi mới.” Những ai cho rằng mình biết rồi, thì sự biến hoá nhờ tâm trí đổi mới bảo rằng: “Đừng nghĩ quá cao về mình” (3), nghĩa là tánh tự phụ, tự cao tự đại, thuộc về tâm trí chưa được đổi mới. Vì mục đích sự biến hoá nhờ sự đổi mới của tâm trí là giúp cho tín hữu có thể thực hiện và vận dụng các ân tứ Chúa ban theo đúng ý muốn của Đức Chúa Trời; cho nên, phải trừ bỏ sự tự mãn trước đã. Những tín hữu có tài năng mà tâm trí chưa được đổi mới sẽ phí phạm các tài năng ấy cho những mục đích sai trật. Đến cuối đời, những thành tích đáng lẽ sẽ được khen thưởng ở cõi trời, lại là các nguyên nhân khiến mình bị khổ hình.
Những câu 9–18 chứa các chữ phải hoặc hãy, là những mệnh lệnh vừa làm thước đo, vừa là cách thức giải quyết những mặt cần phải được biến đổi. Khi Lời Chúa nêu ra nan đề thì cũng đưa ra cách thức giải quyết các nan đề đó. Vậy, các mệnh lệnh trong phân đoạn nầy chính là các mặt cần phải được biến hoá, cũng là cách thức áp dụng để được biến hoá. Tuy nhiên, trước đó tâm trí của chúng ta đã phải đổi mới theo các mệnh lệnh nầy để có thể tiến hành sự thay đổi tánh tình.
Trước hết là phải yêu thương chân thành, ghét bỏ điều ác, gắn bó điều thiện (9). Yêu thương chân thành là hết lòng thương mến nhau với tình huynh đệ và biết tôn kính nhau (10). Xã hội thành thị Âu Mỹ đã in đậm cách sống tách biệt, đèn nhà ai nấy rạng. Con cái Chúa may mắn hơn người đời là có cơ hội gặp nhau mỗi tuần ở nhà thờ, nhưng chẳng mấy ai biết những khó khăn của nhau. Chúng ta đã tập thói xấu quá thờ ơ với anh chị em trong đức tin. Vậy, nếu cần tập tành tình yêu thương chân thành thì phải bắt đầu tham dự các nhóm học Kinh Thánh hoặc Tổ Tình Thương do Hội Thánh tổ chức để quen thân nhau và được chỉ dẫn cách làm chứng đạo.
Ai dám cãi mệnh lệnh Kinh Thánh rằng “Hãy siêng năng, đừng lười biếng, hãy có tinh thần hăng say hầu việc Chúa” (11). Một tâm trí được đổi mới nhìn mọi việc dưới một nhãn quan khác hẳn quan niệm cũ, vì đang “cùng ngồi trong các nơi trên trời với Đấng Christ” (Êphêsô 2:6); nhãn quan của Đức Chúa Trời muốn cứu độ nhân loại. Vậy, nếu lâu nay ai chưa siêng năng mà muốn đổi mới tâm trí để có thể biến hoá, thì hãy ăn năn, bắt đầu dành thì giờ trong tuần để tham dự học Kinh Thánh, sinh hoạt ở các tổ tình thương để được hướng dẫn cách thức gần gũi với Chúa.
Để thay đổi cách ứng xử theo tâm trí đã đổi mới thì “Hãy vui mừng trong niềm hi vọng, kiên nhẫn lúc gặp hoạn nạn, bền lòng cầu nguyện” (12). Hoạn nạn là điều không thể tránh (Gi. 16:33b), nhưng chúng ta có sự bình an hoàn toàn (Gi.14:27), trong ân điển Chúa chúng ta tràn trề hi vọng (Rôma 5:2–5); vì thế, một tinh thần vững vàng, không nao núng trước nghịch cảnh chính là phương cách và vấn đề mà một tâm trí đổi mới cần phải có và phải rèn luyện để thay đổi cách ứng xử, dù cho bất cứ hoàn cảnh nào xảy ra. Được như vậy, tín hữu mới có khả năng cầu nguyện bền bỉ. Rồi Tương trợ các thánh đồ và ân cần tiếp khách là phương diện khác cần phải được đổi mới (13).
Theo tâm lý bình thường thì đối xử thân thiện với người thù nghịch với mình là điều rất khó. Nhưng mệnh lệnh kế tiếp là “hãy chúc phước cho người bắt bớ anh em, hãy chúc phước, đừng nguyền rủa” (14). Chúc phước, chúc bình an là cách tốt nhất để hoá giải hận thù và đánh bại mưu kế của ma quỷ (Luca 10:5–6; Rôma 16:20). Nếu mục đích tin Chúa của chúng ta là để được lên thiên đàng, thì ta đã đi chệch hướng. Vì mục tiêu là sống và cư xử sao cho Chúa được vinh danh.
Hoà mình cảm thông với láng giềng, đoàn kết và khiêm tốn là vẻ đẹp tuyệt mỹ của Tin Lành mà những nền văn hoá ích kỷ của Đông phương không thể sánh nổi (15–16). Còn sự hiền lành hoà thuận, không lấy ác báo ác, chỉ làm điều chính đáng, cũng là những đức tính đẹp đẽ mà tâm trí đã đổi mới của nhiều thế hệ con cái Chúa hun đúc thành phương châm cư xử và hành động trong xã hội Cơ-đốc-giáo khắp nơi, đã làm cho đạo Chúa nổi tiếng về đức bác ái lâu nay.
Những anh chị em nào chưa trải qua kinh nghiệm đổi mới tâm trí, thì không thể thực hiện nổi những mệnh lệnh trên. Sự đổi mới tâm trí chỉ diễn ra khi chúng ta thấu hiểu được cái giá mà Đức Chúa Trời phải trả trên cây thập tự để giải thoát chúng ta ra khỏi án phạt của tội lỗi, chuộc chúng ta ra khỏi quyền lực của tội lỗi, và đặt chúng ta vào một địa vị vinh diệu mà không một ai, kể cả thiên sứ trên thiên đàng hoặc người trong nhân loại có thể nghĩ đến. Căn bản để nhận được sự tha tội, sự tái sanh, sự thánh hoá đều đặt trên nền tảng thập tự giá của Đức Chúa Giêxu Christ. Chúng ta phải ăn năn tội lỗi mình trên nền tảng ấy thì mới nhận được đổi mới.
Mục đích giáng sinh và chịu chết của Đức Chúa Giêxu không phải để đem một đám người bạc nhược, lười biếng lên thiên đàng. Ngài đã đến, hi sinh chịu chết và sống lại, để chúng ta có cơ hội được đồng hoá với Đấng Christ trong sự chết và sự sống lại của Ngài. Từ địa vị đó, chúng ta mới có thể được đổi mới qua tiến trình thánh hoá của Đức Thánh Linh. Không hợp nhất với Đấng Christ, chúng ta không thể nào nhận được sự thánh hoà (Gi.15:5). Mệnh lệnh của Kinh Thánh: “Đừng đồng hoá với đời” và hãy “biến hoá nhờ tâm trí đổi mới” bắt mỗi người phải lập sự lựa chọn: đứng bên nầy vâng lời thi hành, hoặc đứng bên kia quyết từ chối không thực hiện. Bước qua năm mới, hãy lập quyết định nào đem chúng ta đến sự sống vĩnh cửu.
BienHoaNhoTamTriDoiMoi.docx
Rev. Dr. CTB