Thời Tận Thế

Khải Huyền 2:18-29

Đức Chúa Giêxu Christ gửi bức thư thứ tư tới một thành phố kỹ nghệ nhỏ nhưng rất thịnh vượng về lãnh vực bói toán, tên là Thiatirơ.  Ở đó người ta tụ tập tại các đền thờ lớn để bói khoa.  Đức Chúa Giêxu xuất hiện cho Hội Thánh nầy trong hình ảnh Đấng có mắt như ngọn lửa và chân như đồng sángNgươi cũng hãy viết thư cho thiên sứ của Hội Thánh Thiatirơ rằng: ‘Nầy là lời phán của Con Đức Chúa Trời, là Đấng mắt như ngọn lửa và chân như đồng sáng.’”  Mắt như ngọn lửa là biểu tượng về việc Chúa nhìn thấu mọi điều trong tư tưởng của Hội Thánh; còn chân như đồng sáng là biểu tượng về Ngài là Đấng phán xét Hội Thánh. 

19-20  “Ta biết công việc ngươi, lòng thương yêu ngươi, đức tin ngươi, sự hầu việc trung tín ngươi, lòng nhịn nhục ngươi, và công việc sau rốt ngươi còn nhiều hơn công việc ban đầu nữa.  Nhưng điều Ta trách ngươi, ấy là ngươi còn dung cho Giêsabên, người nữ ấy xưng mình là tiên tri, dạy dỗ và phỉnh phờ tôi tớ Ta, đặng rủ chúng nó phạm tội tà dâm, và ăn thịt cúng thần tượng.”  Lời khen của Chúa đối với Hội Thánh Thiatirơ là:  Họ đã vì Chúa mà tận tuỵ làm công việc của Hội Thánh, có lòng nhân ái đối với người khác cũng như lòng yêu mến đối với Chúa, tinh thần phục vụ rất cao, có đức tin, và đầy sự nhẫn nại chịu đựng.  Thiatirơ có nghĩa là “tế lễ hằng dâng,” biểu tượng về nghi lễ thờ phượng của giáo hội Công giáo Lamã.  Không ai có thể bác bỏ đức hi sinh phục vụ và lòng yêu thương những người nghèo khổ túng cùng của các nữ tu Công giáo.  Chúa ghi công sự hi sinh của những đầy tớ trung thành ấy.  Giáo hội Công giáo đã dạy dỗ giáo dân về đức tin vào Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giêxu được sinh ra bởi trinh nữ Mary. Nhưng Ngài quở trách họ cách nặng nề vì sự dung dưỡng tinh thần Giêsabel, cũng gọi là ‘linh Giêsabel,’ chính là tà thần ‘nữ vương trên trời‘ trong Giáo hội của họ.

Giêsabel là vợ của Aháp, vua Israel, thời tiên tri Êli (1Vua 18), đã dẫn dụ dân sự của Chúa thờ cúng thần Ba-anh và tìm giết hết thảy các tiên tri của Đức Chúa Trời, huỷ bỏ sự thờ phượng Ngài.  Tinh thần Giêsabel là Hội Thánh Thiatirơ đã để cho ngoại giáo pha trộn vào nếp sinh hoạt của mình, bắt chước cúng thờ hình tượng, phạm điều răn thứ nhì trong 10 điều răn Chúa truyền; hơn nữa đức tin của họ pha trộn mê tín đị đoan.  Họ không còn hoàn toàn trung thành với Chúa, vừa tin Chúa vừa tin vào những điều mê tín dị đoan khác, như bói toán và cúng thờ những người được phong thánh.  Sự tà dâm ở đây không nói về tình dục xác thịt nhưng là  sự ngoại tình trong tâm linh.  Các vua của Giuđa, Israel và dân chúng của họ từ sau thời đại David cho đến lúc quốc gia Dothái bị xoá sổ, bị Đức Chúa Trời liệt vào tội tà dâm khi họ bỏ Chúa quay sang thờ các thần của những dân tộc chung quanh.  Tội tà dâm tâm linh là sự thờ lạy tôn kính hình tượng.

21Ta đã cho nó thì giờ để ăn năn, mà nó chẳng muốn ăn năn điều tà dâm nó.”  Thì giờ để ăn năn là những cơ hội Chúa tạo ra để những người lãnh đạo Hội Thánh và giáo hữu sửa lại các hành vi sai trật của họ.  Thiatirơ là thời kỳ trùng hợp với giai đoạn lịch sử của Hội Thánh từ năm 590 tới 1517 AD, các sử gia gọi là thời ám thế (dark age).  Những lời kêu gọi cải tổ Hội Thánh, trở về với Lời Chúa đều đã bị giáo hội thời ấy dập tắt trong biển máu. Trong khoảng mười thế kỷ ấy, tất cả những người đứng lên kêu gọi cải tổ đều bị khai trừ và xử tử bằng cực hình, mọi giáo hữu bình thường đều bị cấm không được xem Lời Chúa.

22Nầy, Ta quăng nó trên giường đau đớn, và phàm kẻ nào phạm tội tà dâm với nó, mà không ăn năn việc làm của nó, thì Ta cũng quăng vào tai nạn lớn.” nghĩa là sẽ có 1 phần của Hội Thánh ấy phải trải qua cơn đại nạn, không phải chỉ là những người thuộc giáo hội nầy hoặc giáo hội nọ, nhưng bất cứ tín hữu nào bị Chúa kể là phạm tội tà dâm thuộc linh mà không chịu ăn năn.  Nghĩa là những người có dính líu vào sự thờ cúng hình tượng và cầu xin sự cứu giúp từ những người được giáo hội phong thánh thay vì kêu cầu sự giải cứu từ Đức Chúa Trời toàn năng, mặc dù đã được Chúa ban cho nhiều cơ hội để hiểu biết rằng Chúa ghét việc ấy, mà vẫn không chịu ăn năn từ bỏ sự hành đạo của mình.  Câu 23Ta sẽ đánh chết con cái nó; và mọi Hội Thánh sẽ rõ Ta là Đấng dò xét lòng dạ loài người, và Ta sẽ tuỳ công việc của mỗi người trong các ngươi mà báo lại.”  Như vậy, những ai bị phạt sẽ không thể oán trách về án dành cho mình.

24-25Nhưng, với các ngươi là kẻ khác ở tại Thiatirơ, chưa từng nhận lấy đạo đó và chưa biết điều sâu hiểm của quỷ satan, như chúng vẫn nói, thì Ta phán dặn rằng Ta không gán cho các ngươi gánh nặng khác.  Duy các ngươi khá bền giữ những điều mình đã có, cho tới chừng Ta đến.”  Đấng làm Đầu Hội Thánh biết rõ nơi sâu thẳm của tâm linh con người.  Cho nên, nếu chỉ căn cứ trên sự dính líu của người nào đó với giáo hội của họ mà phán định sẽ chịu chung án phạt, thì không đúng theo ý nghĩa lời Chúa phán ở đây.  Giữa người thành tâm nhưng bị lừa gạt khác với giới người khư khư bênh vực sự sai trật của giáo hội mình vì tính cố chấp.  Chúa dặn người thành tâm phải giữ vững những điều mình đã học được cho đến ngày Chúa trở lại.  Đây là chỗ đầu tiên trong 7 thư, Đức Chúa Giêxu nói đến sự trở lại của Ngài.

26-29Kẻ nào thắng, và giữ các việc của Ta cho đến cuối cùng, Ta sẽ ban cho quyền trị các nước: Kẻ đó sẽ cai trị bằng một cây gậy sắt, và sẽ phá tan các nước như đồ gốm, khác nào chính Ta đã nhận quyền cai trị đó nơi Cha Ta.  Ta sẽ cho kẻ ấy ngôi sao mai.  Ai có tai hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh!” Chúa hứa ban quyền cai trị thế giới cho ai giữ vững công việc của Đức Chúa Giêxu đã làm là: rao truyền tin mừng, chữa bệnh và đuổi quỷ, cho tới khi Ngài trở lại.  Vài nhà giải kinh cho rằng Sao Mai có nghĩa là sự trở lại của Đức Chúa Giêxu,  người được ban cho Sao Mai là người được hưởng phước của ngày Chúa trở lại.

Ý nghĩa tiên tri của phần nầy khá rõ ràng.  Thiatirơ = Tế lễ hằng dâng là sự thực hành của tổ chức Hội Thánh sau khi trở thành quốc giáo, nặng về thế tục, lìa bỏ đức tin thật, bỏ lời Chúa, bỏ sự ca ngợi và cầu nguyện tương giao, thay vào đó là kinh nhật tụng, nghi thức và tế lễ.  Đức tin nơi sự hi sinh đã hoàn tất của Đức Chúa Giêxu bị huỷ bỏ, thêm vào đó là sự dạy dỗ về việc công đức đổi lấy sự cứu rỗi.  Tín hữu đi xem lễ chỉ đứng bàng quan xem thầy tu dâng tế lễ, chứ không tích cực tham gia sự thờ phượng.  Điều nhờm tởm nhất của giáo hội thời ám thế đã phạm là việc bán ‘bùa xá tội‘ để gây quỹ xây đại thánh đường Pedro tại Rôma.  Với giấy phép của giáo hoàng, thầy tu Johann Tetzel đi khắp Âu châu dụ dỗ người ta mua bùa xá tội để thân nhân đã chết được mau ra khỏi ngục luyện tội; món quà cứu rỗi của Chúa đã bị biến thành món hàng mua bán đổi chác, làm cho Hội Thánh trở nên cực kỳ bại hoại.  Có thời chức vụ giáo hoàng đã bán cho người bỏ thầu giá cao nhất.  Nhưng giáo hội Lamã cũng đã sinh ra nhiều gương thánh thiện xuất chúng.

Trong Kinh Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã tuyệt đối cấm việc tạc tượng cho bất cứ ai trên trời, dưới đất, trong biển. Nhưng hình tượng được đưa dần vào chỗ thờ phượng trở thành vật được tôn kính thờ lạy.  Giáo hội của giai đoạn ấy cũng thu nhập đủ loại thần tượng của rợ hung nô xâm lấn Âu châu.  Lời cảnh cáo nghiêm khắc của Đấng có mắt như ngọn lửa và chân như đồng sáng là Ngài không chấp nhận những điều đó.  Ngài gọi ấy là tội tà dâm và ăn thịt cúng thần tượng. Thời nay giáo hội Lamã vẫn chưa nhận ra sự bại hoại nầy; nhân danh hội nhập văn hoá, họ đã du nhập thói tục thờ cúng tổ tiên của người ngoại đạo để nhóm người nầy dễ quy đạo. Tinh thần sẵn sàng thoả hiệp đã làm hư hỏng đời sống tâm linh của nhiều thế hệ tín hữu. Sự mê tín, thoả hiệp với thế tục qua những buổi gọi là ca nhạc văn nghệ, lối sống dâm dật ham mê của cải vật chất, thờ ơ với Lời Chúa, nếp sống tâm linh hoàn toàn bại hoại, là tình trạng vẫn còn kéo dài.  Chúa đòi hỏi mọi người tự xưng là con cái Ngài, nhưng có dính líu vào sự lên án nói trên phải ăn năn ngay lập tức, không phải là từ từ cải tổ theo thời gian.  Lời cảnh cáo của Chúa rất nghiêm trọng. A-men.

KhaiHuyen07.doc

Rev. Dr. CTB