Chúa Nhật, December 25th, 2011

Các Vấn Đề Tâm Linh, 07

Huyền Nhiệm Chương Trình Giáng Sinh

Giăng 16:7–8

Ý chí của loài người là một sức mạnh vô hình có khả năng đạt tới muôn vàn điều kỳ diệu từ trí tưởng tượng thành hiện thực trong cuộc sống. Những phát kiến, phát minh, sáng chế, các công trình xây dựng, thăm dò khám phá, khai thác tài nguyên, sản xuất hàng hoá, vv, đều là các thành tựu đáng kinh ngạc của ý chí loài người. Tất cả những thành tựu ấy đều phải phát xuất bằng sự tin tưởng rằng có thể biến những điều tưởng tượng hoặc các niềm mong muốn đó thành hiện thực. Bởi vì không ai chịu khó đổ công sức, tiền của vào những công việc họ mà họ tin là không có hoặc không thể thực hiện được. Lòng tin là yếu tố cần thiết để có quyết tâm tiến tới. Nhưng sự tin tưởng hay lòng tin phải bắt nguồn từ ý chí của tâm trí.

Trong lãnh vực niềm tin tôn giáo cũng vậy. Lòng tin chỉ đến từ ý chí muốn tin. Lý luận vững chắc cũng không thuyết phục được lòng tin. Đối với tâm trí hay nghi ngờ, dễ bị lung lạc, thì lòng tin không thể nào chắc chắn. Tiến sĩ Oswald Chambers nói rằng: “Niềm tin không phải là kết quả của một hành động trí tuệ, nhưng là kết quả của hành động thuộc ý chí.” Như vậy, niềm tin trong lòng người chỉ có thể được thay đổi khi nào ý chí thay đổi. Sự quyết chí thay đổi các hành vi lầm lỗi hay những hành động sai trái được gọi là sự hối cải. Người làm chuyện sai trái không thể nào hối cải nếu không có ai dạy hoặc chỉ cho người đó biết những việc người đó đã làm là sai trái, tội lỗi. Bởi vì các tiêu chuẩn về đúng hay sai, phải hay trái của một người hay một nhóm người nào đó, thì tuỳ thuộc vào nhân sinh quan của xã hội hay bối cảnh sinh hoạt của người trong xã hội ấy.

Ví dụ như học sinh tiểu học, trung học Hoa Kỳ hiện thời đang là nạn nhân của các nhóm tả phái có thế lực chính trị và tài chánh trong xã hội Mỹ qua chủ trương xoá bỏ nhận thức đúng sai trong việc thực hành đồng tính luyến ái. Các nhóm ấy đã mua chuộc được giới chính trị gia xếp tính dục đồng giới vào lãnh vực dân quyền. Dần dà nhiều học khu trên khắp nước Mỹ biên soạn sách giáo khoa từ lớp năm trở lên truyền bá lối sống đồng tính luyến ái cho trẻ con Mỹ. Nhiều thế hệ trẻ không còn phân biệt được đúng, sai, tốt, xấu trong lãnh vực tình dục. Trước đây vài nhóm khác đã hoàn toàn thành công trong việc làm cho bạo lực và tình dục bừa bãi trở thành lối sống được chấp nhận trong giới trẻ ở Hoa Kỳ qua phim ảnh và âm nhạc khuyến khích bạo lực, nhân danh quyền tự do ngôn luận của Tu Chính Án Thứ Nhất Hiến Pháp.

Hơn thế nữa, các nhóm tả phái chủ trương vô thần, hoặc các thế lực tôn giáo khác, lâu nay đã vận động thành công trong việc tạo một tư tưởng và thành kiến rằng, mọi sự biểu lộ hoặc phát biểu niềm tin Cơ-đốc-giáo ở chỗ công cộng là sai, phạm pháp và phải bị tuyệt đối cấm; còn những tôn giáo khác thì không có gì sai trật. Nói chung là, những thay đổi quan điểm đúng sai của xã hội Mỹ đã ảnh hưởng sâu đậm và hoàn toàn đảo ngược niềm tin của các thế hệ trước. Thế thì, đứng trước một tình trạng đen tối như vậy những người có ý thức về đạo đức nhưng không có những hi vọng đến từ một niềm tin vững chắc cảm thấy rất là ngã lòng, tuyệt vọng. Họ không biết có một quyền phép siêu nhiên bên ngoài cõi nhân loại có thể can thiệp, đảo ngược tình trạng tưởng chừng vô vọng ấy.

Kinh Thánh và kinh nghiệm của những người thật lòng theo Chúa cho biết rằng chỉ có quyền phép của Thánh Linh Đức Chúa Trời mới có thể thuyết phục thế gian về tội lỗi, vì Ngài là Đấng đến để cáo trách loài người về tội lỗi (Giăng 16:8). Mặc dù người Do-Thái được ban cho luật pháp thánh từ thiên đàng, là luật pháp khiến cho người ta biết tội lỗi trước khi Đức Chúa Giêxu giáng sinh khoảng 1500 năm, nhưng không phải mọi người trên thế gian đều biết rõ luật pháp ấy, ngoại trừ những người theo Do-thái-giáo. Sở dĩ Đức Thánh Linh phải thuyết phục thế gian về tội lỗi, vì sự cáo trách tội lỗi là khởi đầu sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, là Đấng mà người ta phạm tội với.

Đức Thánh Linh thuyết phục nhân gian về tội lỗi bằng cách khuấy động lương tâm của tội nhân và đem họ đến đối diện với sự thánh khiết của một Đức Chúa Trời chí thánh. Những sự trục trặc trong mối liên hệ với những người chung quanh, mặc dù có thể khiến lòng người ta khó chịu phần nào, nhưng sẽ không khiến họ cảm thấy rất là bất an, lo sợ, như khi mối liên hệ giữa họ với Đức Chúa Trời bị cắt đứt. Khi vua Đavít bị cáo trách về tội tà dâm và giết người, đã than thở như sau “Vì tôi nhận biết các vi phạm tôi, tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi; tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ một mình Ngài thôi” (Thi Thiên 51:3–4).

Đức Thánh Linh, Ngôi Ba của Đức Chúa Trời, chỉ thể hiện và thi hành công tác của Ngài ở thế gian sau khi Đức Chúa Giêxu đã giáng sinh, làm xong công tác chuộc tội cho loài người, và trở về nơi ở của Ngài khi trước. Nghĩa là sự giáng sinh của Đức Chúa Giêxu mở đường cho Đức Thánh Linh đến hành động trong lòng người ở thế gian. Đức Chúa Trời phải có phương cách tha tội cho người ta trước khi Đức Thánh Linh có thể cáo trách họ về tội lỗi và dẫn họ đến sự ăn năn để được tha tội. Phương cách đó là Đức Chúa Giêxu xuống thế gian làm một người vô tội để chịu hình phạt thay thế chỗ của mọi tội nhân trong lịch sử thế gian.

Căn bản của ơn cứu độ và cứu chuộc của đạo Chúa là sự loài người ăn năn tội. Tuy vậy, nếu không có sự khuấy động, thuyết phục cáo trách về tội lỗi từ Đức Thánh Linh đến với lòng người, thì người ta không biết ăn năn tội lỗi của họ. Không ăn năn thì chưa nhận được sự tha tội, vì thế Đức Chúa Giêxu phải trút bỏ hình thể Đức Chúa Trời, lìa sự bình đẳng của Ngài với Đức Chúa Cha, giáng sinh làm một người của nhân loại, là bậc thấp kém hơn nhiều so với địa vị các thiên sứ trên thiên đàng, để loài người có cơ hội được tha tội.

Không phải người ta ăn năn tội lỗi khi họ quyết định chọn sự ăn năn – Người ta không chọn lựa sự ăn năn do họ tự ý quyết định. Ăn năn là một món quà từ Đức Chúa Trời do sự khuấy động thúc giục của Đức Thánh Linh. Nhưng sự ăn năn tự mình nó không đưa người ta đến sự cứu rỗi. Vì nếu chỉ cần ăn năn là được cứu rỗi, thì những người tu hành đều đạt được. Đức Chúa Giêxu đã phải giáng sinh để mở mắt cho nhân loại biết phải ăn năn như thế nào, ăn năn trên căn bản nào mới đạt được ơn cứu độ. Nếu người ta không cần sự chết cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu mà vẫn có thể tìm được hạnh phúc vĩnh cửu ở thiên đàng, thì Đức Chúa Giêxu không cần giáng sinh làm người. Ngài phải đến bởi vì thứ hạnh phúc mà người ta tưởng rằng họ đang có chỉ là mong manh và hời hợt bên ngoài; như người ta vẫn nói: “Đời là bể khổ” hoặc “Ở đời buồn nhiều hơn vui!”

Đức Chúa Giêxu đã giáng sinh để mở đường cho Đức Thánh Linh đến cáo trách tội lỗi trong người ta, khiến lòng họ đau đớn, thống hối khi nhận biết vì tội lỗi của chính mình mà Đấng Chí Thánh phải mang hình thể thấp kém của nhân loại, chịu chết nhục nhã trên thập tự giá; dù sau khi sống lại trong sự vinh quang và trở về trời, Ngài vẫn làm Con Người trong một hình thể đã được biến hoá thành bất hoại, bất tử.

Sự giáng sinh của Đức Chúa Giêxu chỉ là một khởi đầu của chương trình cứu độ và chuộc nhân loại ra khỏi xiềng xích tội lỗi của ma vương. Khi Đức Thánh Linh hành động, thuyết phục, và người ta ăn năn tội, tiếp nhận sự tha tội, lòng được tẩy sạch hết mọi tội lỗi, thì Ngài mới làm cho người ấy được ban cho một tâm linh mới, gọi là sự tái sinh, tạo điều kiện cho Đấng Thánh từ thiên đàng có thể đến cư ngụ trong lòng và biến đổi người ấy ngày một mới hơn, gọi là sự thánh hoá đời sống của tín đồ. Ma quỷ bị mất hết quyền lực của hắn trên những người nầy.

Năm nay, khi chúng ta kỷ niệm lễ giáng sinh của Đức Chúa Giêxu, hãy hiểu biết những điều đầy hạnh phúc nầy để biết ơn Đấng đã soạn thảo chương trình cứu chuộc chúng ta từ trước khi sáng tạo thế giới. Biết ơn Đấng đã sẵn lòng trút bỏ hình thể Đức Chúa Trời, xuống thế làm người để Đức Thánh Linh có thể hành động thánh hoá lòng người, phá huỷ công việc của ma vuơng ở thế gian. Chương trình của Đức Chúa Trời thật là khôn ngoan tuyệt với biết bao!

VanDeTamLinh07.docx

Rev. Dr. CTB