Thư 2Têsalônica, bài 3
Hãy Đứng Vững
2Têsalônica 2:8–17
Sứ đồ Phaolô công bố sự suy tàn và sụp đổ của kẻ chống Chúa, cũng gọi là kẻ phạm pháp và kẻ tội ác: “Bấy giờ kẻ phạm pháp sẽ xuất hiện, và Chúa sẽ lấy hơi thở từ miệng Ngài diệt trừ nó, hào quang cuả sự hiện diện Ngài sẽ tiêu huỷ nó” (8). Lý do mà kẻ nầy bị diệt trừ và tiêu huỷ vì hắn thiết lập quyền lực loài người để cạnh tranh và chống lại quyền tể trị và quyền phép của Đức Chúa Giêxu Christ. Khi hắn bị vạch trần là người tội ác, thì sự thật nầy sẽ bị phơi ra cho toàn thế giới đều thấy, là điềm báo trước, cũng là phương tiện đưa hắn tới chỗ bại liệt. Phaolô bảo đảm với người Têsalônica rằng chính Đức Chúa Giêxu sẽ tiêu trừ và huỷ diệt hắn. “Hơi thở từ miệng Ngài” có ý nghĩa là “Thần Linh của miệng Ngài,” tức là lời ra lệnh, Lời trong sạch từ Đức Chúa Trời có Thánh Linh Ngài kèm theo sẽ phanh phui sự bí ẩn của tội ác; làm cho quyền lực của tên antichrist bị tiêu trừ mất; đến đúng kỳ hạn thì nó sẽ bị huỷ diệt hoàn toàn. Và đó chính là sự vinh quang khi Đấng Christ quang lâm trong ánh sáng chói loà của Ngài.
Phaolô mô tả thêm về quyền cai trị của kẻ tội ác nầy là “do satan hành động,” nên “kẻ đó có đủ mọi thứ quyền phép, dấu lạ, và phép mầu giả dối” (9). Nghĩa là sự xuất hiện của hắn, cách cai trị và làm việc là theo gương mẫu của satan, kẻ thù lớn nhất của mọi linh hồn người, kẻ thù quyết liệt chống chân lý trong Đức Chúa Giêxu và mọi tín đồ trung thành của Ngài. Đó là quyền cai trị đạt được bằng cách sử dụng nhiều cách thức lừa dối trắng trợn, quỷ quyệt và tinh vi; mà thời nay chúng ta vẫn thấy các chính trị gia của các gian đảng đang áp dụng trong các mùa bầu cử, hay để đạt được một mục đích chính trị nào đó. Các mánh khoé nầy đã được các tầng lớp giáo gian dùng lừa gạt giáo dân từ nhiều thế kỷ qua, mà sứ đồ Phaolô gọi là: “Mọi mưu chước quỷ quyệt để lừa dối những người hư vong” (10). Mọi sự lợi dụng Danh Chúa để lừa dối tín hữu, mưu cầu lợi ích riêng tư hay tìm kiếm danh vọng đều là bất kính và phạm thượng.
Trong số đó có lắm kẻ thiết lập giáo lý sai trật lừa mị nhiều người. Những người bị lừa dối là những người “không chịu tiếp nhận chân lý, không yêu chuộng chân lý để được cứu rỗi” (10b). Vì có thể họ nghe chân lý, nhưng không yêu mến sự thật ấy, không thể nhận giáo lý lành mạnh, nên dễ bị lừa dối bởi các thứ giáo lý giả nguỵ. Khi nghe bất cứ ai giảng dạy về bất cứ thứ gì, nếu vấn đề ấy được trình bày không đúng với ý nghĩa lời Kinh Thánh trích dẫn để chứng minh, thì chúng ta phải xem xét Lời Chúa và đặt câu hỏi tại sao người ta lại nói như vậy, nhằm đạt được mục tiêu gì? Nhằm mục đích gì? Bổn phận của mỗi tín hữu là “yêu chuộng chân lý để được cứu rỗi;” nếu không, sẽ bị “Đức Chúa Trời cho một quyền lực làm cho họ lầm lạc, để họ tin điều dối trá” (11). Chúng ta dễ bị sa vào nguy cơ nầy; bởi vì chung quanh chúng ta đang có vô số người tự xưng là con dân Chúa, nhưng chẳng biết bao nhiêu về Lời Ngài, cũng chẳng yêu mến chân lý mà chuộng điều bất chính. Không ai trong chúng ta muốn bị kể là “tất cả những ai không tin chân lý, nhưng ham thích điều bất chính đều bị kết tội” (12).
Suy gẫm kỹ càng về những lời mô tả kẻ chống Chúa và những người bị hắn lừa gạt làm cho lầm lạc, người đọc sẽ thấy mánh khoé của antichrist là dùng “đủ mọi thứ quyền phép, dấu lạ, và phép mầu giả dối, cùng mọi mưu chước quỷ quyệt để lừa dối những người hư vong” (9–10). Đem những gì chúng ta thấy đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của thế giới ngày nay đang kịch liệt chống đối sự hiểu biết Đức Chúa Trời cũng như sự thờ kính Ngài, với những điều mô tả của Kinh Thánh, thì thấy rằng mọi việc diễn ra trong xã hội chúng ta đang sống, đều dọn đường cho sự xuất hiện của tên antichrist. Hắn không thể nào xuất hiện và hoạt động trong một xã hội kính sợ Chúa và tôn trọng chân lý; bởi vì hắn sẽ không lôi kéo được bao nhiêu người. Nhưng, với tâm lý giả dối, tham lam, lừa bịp trắng trợn của khoảng một nửa dân số Hoa Kỳ, một phần không nhỏ khác của dân số trong các nước tân tiến trên thế giới cũng đồng một tâm lý ấy, hoặc trắng trợn hơn, thì sân khấu đã sẵn sàng, cũng gọi là tình hình đã chín mùi, cho satan thực hiện mưu chước của mình. Hắn chỉ cần có số đông người “không chịu tiếp nhận chân lý, không yêu chuộng chân lý để được cứu rỗi;” vì thế antichrist, kẻ chống Chúa, sẽ là “quyền lực làm cho họ lầm lạc, để họ tin điều dối trá,” như chúng ta đang thấy rất nhiều người, tuy tự xưng là con cái Chúa, là các Hội Thánh của Đức Chúa Trời, nhưng hành động hoàn toàn trái ngược. Vì thế, antichrist không phải chỉ thành công trong giới người ngoại đạo và những giới chống đối đạo Chúa một cách điên cuồng, mà hắn cũng sẽ lừa gạt thành công một số đông người thuộc nhiều nhà thờ ngày nay, là những người “không chịu tiếp nhận chân lý, cũng không yêu chuộng chân lý;” họ chỉ quan tâm đến màu da hoặc giới người đồng chủng tộc với họ, bất kể sự thật hay sự công bằng là như thế nào. Con dân Chúa cần được cảnh tỉnh trước những sự thật nầy. Bởi vì chúng ta phải biết ưa chuộng sự thật và công lý, đặt ý muốn và sự thánh khiết của Chúa cao hơn mọi thứ quyền lợi vật chất tầm thường mà kẻ thù vẫn dùng để câu nhử chúng ta vào bẫy của nó. Lý do chúng ta phải hành xử như vậy là vì “từ ban đầu Đức Chúa Trời đã chọn chúng ta, để cứu rỗi chúng ta nhờ Đức Thánh Linh thánh hoá và nhờ niềm tin đặt vào chân lý” (13b). Ngài đã làm như vậy vì chúng ta là những “người được Chúa yêu quý.” Giữa một thời đại mà sự bội đạo lan tràn, đây là những lời đầy an ủi và vui mừng cho mọi linh hồn được kể là thuộc về nhóm tín hữu trung tín với Chúa. Ai làm người lãnh đạo tinh thần của nhóm người nầy thật là có phước vì sự bảo đảm được cứu rỗi. Do đó, Phaolô nói rằng: “Chúng tôi lúc nào cũng phải dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời vì anh em” (13a). Vì được Chúa yêu quý, chọn để cứu rỗi chúng ta, nên Ngài đã “dùng Tin-lành … để kêu gọi chúng ta, cho chúng ta được hưởng vinh quang của Đức Chúa Giê
-xu Christ chúng ta” (14). Đức Chúa Trời dùng Tin-lành để kêu gọi chúng ta ở bề ngoài, nhưng bề trong thì Đức Thánh Linh phải hành động để chúng ta có thể đáp ứng lời kêu gọi đó mà vào hưởng vinh quang của Đức Chúa Giêxu Christ được ban qua sự hạ mình của Ngài (Philíp 2:9-11). Phaolô không nói “vì anh em được chọn để hưởng sự cứu rỗi, nên anh em cứ yên tâm phóng túng,” nhưng nói rằng “hãy đứng vững, hãy giữ gìn các huấn thị chúng tôi đã truyền cho anh em qua lời giảng hoặc qua thư từ” (15). Đức Thánh Linh, Đấng thánh hoá, là sự xức dầu mà chúng ta nhận được, sẽ dạy dỗ chúng ta nếu chúng ta đứng vững và giữ gìn các huấn thị mình đã được học qua các thầy giáo Chúa sai đến giải nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta hiểu. Vào lúc Phaolô viết thư nầy, thì Kinh Thánh Tân Ước chưa thành hình; cho nên, các huấn thị qua lời giảng hoặc qua thư tín từ các sứ đồ là nguồn tài liệu học hỏi chính của mọi tín hữu, được họ rất quý trọng, bảo vệ và sao chép, chuyển cho nhau xem và giữ theo những gì đã được dạy. Về sau, những lá thư ấy được kinh-điển hoá, trở thành một phần chủ yếu của Kinh Thánh Tân Ước. Lời cầu nguyện tha thiết của Phaolô cho tín hữu Têsalônica bày tỏ lòng yêu thương vô cùng của ông đối với họ. Dù biết Đức Chúa Giêxu từ Đức Chúa Trời mà đến, và là Đức Chúa Trời, sứ đồ Phaolô dâng lời cầu nguyện lên “Đức Chúa Giêxu Christ, Chúa chúng ta, và Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta” (16a). Ông ngụ ý rằng tình yêu thương của Đức Chúa Trời là nguồn của mọi điều tốt lành mà chúng ta hi vọng: được lựa chọn, kêu gọi, tha tội, xưng
công chính, thánh hoá và cứu rỗi. Đó là hàm ý của câu “lấy ân điển Ngài ban cho chúng ta sự an ủi đời đời và hi vọng tốt đẹp” (16b). Ơn cứu rỗi vĩnh cửu chính là sự an ủi đời đời. Mọi người dù là tín hữu đã qua đời hay là mới tin Chúa vào thời cuối cùng nầy, đều sẽ chứng kiến sự biến đổi kinh hoàng của cả vũ trụ, cũng như sẽ thấy vô số người bị ném vào hồ lửa đời đời. Qua sự nhận thức đó, thấy mình được ở trong vinh quang là niềm an ủi vô biên. Hiện nay, niềm an ủi ấy về hi vọng một tương lai huy hoàng, sẽ khiến chúng ta “mạnh mẽ để làm các việc tốt, nói các lời lành” (17), để bảo đảm nhân được cơ nghiệp vĩnh cửu, không bao giờ suy tàn của chúng ta.
2Tesalonica03.docx Rev. Dr. CTB