Thư 2Têsalônica, bài 4

Các Trường Hợp Khó Xử
2Têsalônica 3:1–18

Sứ đồ Phaolô vẫn luôn nhớ tới tín hữu ở Têsalônica trong khi cầu nguyện. Bây giờ ông xin họ nhớ đến ông mà cầu thay. Tình hiệp thông giữa con dân Chúa không phải chỉ là cầu nguyện tập thể hoặc với nhau, nhưng còn là cầu nguyện cho nhau trong mọi cảnh ngộ. Như thế, dù cách xa nhau, mọi con cái Chúa đều có thể gặp nhau tại ngai ân điển của Đức Chúa Trời. nhờ đó, anh chị em nào cũng có thể nhận được tình yêu thương nhân hậu của anh chị em trong đức tin. Cầu nguyện cho các mục sư là nhiệm vụ của mỗi tín hữu, nhất là cho mục sư dẫn dắt mình. Mục sư luôn luôn cần sự cầu thay của con dân Chúa, vì trách nhiệm thường xuyên quá nặng, vì nhu cầu phải được Chúa bảo vệ an toàn khi kẻ thù tấn công. Tuy nhiên, lý do mà Phaolô yêu cầu con dân Chúa cầu nguyện cho ông và đoàn truyền giáo là “để đạo Chúa được phổ biến nhanh chóng, và được tôn vinh” (1). Đối với Phaolô, việc Đức Chúa Trời được tôn vinh và Vương-quốc Ngài tấn tới, là mối quan tâm hàng đầu của ông. Điều ấy cũng phải là mối quan tâm của chúng ta nữa.
Lý do thứ nhì mà Phaolô cần cầu thay là: “Cũng cầu nguyện cho chúng tôi tránh khỏi những người xấu, những người độc ác” (2). Những người truyền giảng tin mừng cần phải được an toàn; trong khi đó, những kẻ thù của tin mừng là những người độc ác một cách vô lý. Những kẻ bắt bớ niềm tin của người khác với mình, là những người có tư tưởng lố bịch, bỉ ổi, lúc nào cũng muốn áp đặt tư tưởng của mình trên người khác. Phaolô không chỉ nói về những người vô thần, nhưng còn là những kẻ vô luân, vô đạo đức, xảo quyệt. Họ là những người thích làm điều xấu mà không muốn bị đạo đức của chân lý lên án. Vì thế, Phaolô nói “vì không phải ai cũng có đức tin” (2), là những người không tin vào phúc âm của Chúa. Không thể đặt lòng tin cậy của chúng ta vào mấy người không biết kính sợ Chúa nầy; vì khi có cơ hội, họ sẽ làm hại chúng ta cách không ngờ. Có khi những người mà chúng ta xem là bạn, lại nguy hiểm hơn những kẻ thù nghịch Chúa ra mặt.
Phaolô khuyến khích họ hãy tin cậy ân điển của Đức Chúa Trời khi cầu nguyện, vì “Chúa là Đấng thành tín, Ngài sẽ cho anh em được vững mạnh và bảo vệ anh em khỏi kẻ ác” (3). Kẻ ác nói ở đây không phải chỉ là tội lỗi mà còn là những điều thuộc về thế tục. Nếu không được Chúa gìn giữ, chúng ta sẽ bị sa bại nhanh chóng. Ngài sẽ gìn giữ vì Ngài “là Đấng thành tín” đối với mọi lời hứa của Ngài. Phaolô nói ông hi vọng vững vàng như thế, vì “trong Chúa, chúng tôi tin chắc anh em đang làm và sẽ tiếp tục làm những điều chúng tôi dặn bảo” (4). Nhờ sự bảo vệ của Chúa, chúng ta có thể tránh khỏi tội lỗi, những sự cám dỗ của cuộc sống thế tục, và các sự tấn công của những kẻ thù nghịch với chân lý Đức Chúa Trời. “Và chúng ta xin điều gì, thì Ngài cho điều ấy, vì chúng ta vâng giữ các điều răn Ngài và làm những điều đẹp ý Ngài” (1Giăng 3:22).
Vị sứ đồ cầu nguyện rằng: “Cầu Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em theo đuổi tình yêu thương của Đức Chúa Trời và đức kiên nhẫn của Đấng Christ” (5). Sau đó ông truyền lệnh: “Nhân danh Đức Chúa Giêxu Christ, Chúa chúng ta, chúng tôi truyền cho anh em phải tránh xa người anh em nào vô kỷ luật, không theo đúng các huấn thị chúng tôi truyền” (6). Trước đây, ông đã khen sự vâng lời của họ, bày tỏ lòng tin cậy họ; bây giờ ông truyền lệnh và chỉ thị họ điều cần làm. Bất cứ Hội Thánh nào cũng có vài người không sống theo lời dạy của phúc âm, và bị kể là vô kỷ luật như: “Chúng tôi nghe trong anh em có vài người sống vô kỷ luật, không hề làm việc, nhưng thích xen vào việc người khác” (11). Tính lười biếng là nguồn gốc của nếp sống vô kỷ luật. Có ý cho rằng vì họ tin ngày Chúa trở lại rất gần, nên không cần làm việc gì hết. Đầy tớ nào biết rõ chủ mình sắp về, thì lại càng làm việc chăm chỉ hơn để được chủ khen thưởng. Ở đây, người đã lười lại thích xen vào việc người khác, gây ra nhiều lộn xộn, bị quở trách là đúng.
Về mệnh lệnh tránh xa người vô kỷ luật thì không phải là thực hiện cách máy móc. Theo tục lệ của Hội Thánh và lời dạy của Đức Chúa Giêxu, thì việc đối xử với người phạm lỗi có ba giai đoạn. Trước hết là phải có đủ bằng chứng về người đang sống cách bậy bạ, vô kỷ luật; thứ nhì là quở trách người đó trong tình thân thiện để họ biết ăn năn lầm lỗi trước khi áp dụng biện pháp kỷ luật, là giai đoạn cuối cùng (Math 18:15-17). Phaolô nói rằng: “Chính anh em biết điều anh em phải làm, đó là noi gương chúng tôi. Vì khi ở với anh em, chúng tôi không hề sống vô kỷ luật. Chúng tôi không ăn nhờ người khác, nhưng đêm ngày làm lụng khó nhọc để không phiền luỵ ai cả”(7-8). Sứ đồ Phaolô làm gương bằng hành động và cách sống, nên ông có thể nói cách mạnh mẽ; vì thế, ông nói rõ: “Không phải chúng tôi không có quyền đòi anh em báo đáp, nhưng muốn làm gương cho anh em noi theo. Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã khuyến cáo: ai không chịu làm việc cũng không nên ăn ” (9–10). Bởi vì đã có những người sống vô kỷ luật (11), không chịu làm việc kiếm sống, mà chỉ chực ăn nhờ người khác, nên ông đưa ra một lệnh nữa: “Nhân danh Đức Chúa Giêxu Christ, chúng tôi truyền lệnh và khuyên bảo những người như thế phải yên lặng làm việc và ăn bánh do tay mình làm ra” (12). Tự mình làm việc để nuôi mình là quy luật chung của xã hội loài người. Đó cũng là niềm hãnh diện của mỗi người có thể làm việc để cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho mình và gia đình. Trong mệnh lệnh trên có một chi tiết khá bất thường là những người ăn không ngồi rồi phải “yên lặng làm việc.” Nếu làm việc là sự tương phản với không làm việc, thì yên lặng tương phản với chuyện ồn ào xen vào việc của người khác. Phải có tinh thần kỷ luật cao độ mới có thể hăng hái làm việc mà giữ được miệng mồm mình yên lặng. Điều nầy có nghĩa là tích cực trong công việc mình làm nhưng phải yên lặng về chuyện của người khác. Đối với những người đàng hoàng khác thì Phaolô khuyên giục họ “hãy làm việc lành, đừng nản lòng” (13). Nghĩa là hãy tiếp tục tiến bước và phát triển thịnh vượng. Chúa sẽ ở cùng anh chị em trong khi anh chị em tiếp tục theo Ngài. Bất cứ anh chị em làm công việc gì mình thấy là tốt, thì cứ bền lòng trong việc ấy cho đến tận cùng. Đừng bao giờ bỏ cuộc hay nửa chừng thối chí, vì chúng ta sẽ được nghỉ ngơi khi đến nước thiên đàng. – Về sự đối xử với những người bậy bạ lười biếng, thì Phaolô dặn dò: “Nếu có ai không vâng theo lời chúng tôi viết trong thư nầy, hãy để ý
và đừng giao thiệp với họ để họ biết xấu hổ” (14). Mục đích của biện pháp áp dụng kỷ luật không giao thiệp chỉ nhằm mục đích làm cho họ biết xấu hổ, chứ không nhằm mục đích loại trừ ai. Việc nầy thật ra rất khó xử; bởi vì một mặt thì không giao thiệp để khiến cho người có lỗi biết xấu hổ mà lo đi làm việc tạo miếng ăn cho mình. Mặt khác thì phải giữ làm sao cho người ấy đừng bị quá nhục nhã mà thối lui không theo Chúa nữa. Vì Phaolô cũng dặn: “Tuy nhiên, đừng coi họ là kẻ thù, nhưng hãy khuyên răn họ như khuyên răn anh em” (15). Như vậy, sự không giao thiệp có nghĩa là không thân thiện để người lười biếng đừng hiểu lầm tình yêu thương hay lợi dụng lòng tốt của anh chị em khác. Mục tiêu của biện pháp kỷ luật nầy là khiến cho người có lỗi biết tội của họ; rằng cả Hội Thánh đều nhận ra chân tướng của người ấy, nhưng không bị ai xem là kẻ thù, mà vẫn là anh chị em trong Chúa. Tuy nhiên, phải biết yên lặng làm việc. Kết luận của bức thư là Phaolô cầu xin Đức Chúa Trời bình an ban sự bình an cho tín hữu ở Têsalônica. “Cầu xin chính Chúa bình an cho anh em được bình an trong mọi việc, mọi hoàn cảnh” (16). Sự bình an của Chúa bình an là rất quan trọng đối với cuộc sống và môi trường quanh ta; nhất là bình an trong mọi việc, mọi hoàn cảnh. Vì sự bình an của Chúa bình an sẽ làm tiêu tan quyền lực độc ác cũng như mọi âm mưu sâu hiểm của chúng. Phaolô cũng không quên chúc cho người Têsalônica “hằng hưởng được ân điển của Đức Chúa Giêxu Christ, Chúa chúng ta” (18), vì bình an phải có ân điển đi trước mới là bình an thật. Sứ đồ Phaolô thường đọc thư cho người khác viết. Đến cuối thư, ông mới chính tay viết vài lời chào thăm. Ở đây ông nói: “Chính tay tôi, Phaolô, viết lời nầy chào thăm anh em. Đây là chữ tôi ký trong mỗi bức thư. Đó là cách tôi viết” (17). Cũng là cách mà vị sứ đồ bày tỏ tình yêu đậm đà của ông đối với các anh chị em thân yêu của mình trong đức tin. Ông đã làm gương trong mọi việc và mọi trường hợp.

2Tesalonica04.docx Rev. Dr. CTB