Đời Sống trong Thánh Linh, bài 22

Dân Số Ký 12:5–8

Bất cứ người nào thật lòng tin Chúa và có mối tương giao với Ngài đều mong mỏi được nghe tiếng Ngài cách rõ ràng như mặt đối mặt. Những vị tiên tri đời xưa có thể nghe tiếng Chúa là những người thật hiếm trong nhân loại. Bởi vì đối với một số người mà Đức Chúa Trời chọn để trao thông điệp nào đó, thì Ngài phải dùng hình ảnh người để hiện ra với họ, mà Kinh Thánh Cựu Ước gọi là Thiên Sứ của Đức Jehovah. Vợ của Manoah được thiên sứ hiện đến báo tin mà không biết người đó là ai (Quan Xét 13:2–3) “Có một người ở Zorah thuộc chi tộc Đan, tên là Manoah. Vợ ông hiếm muộn, không có con. Thiên sứ của Đức Giêhôva hiện đến với nàng và nói: Nầy, ngươi vốn hiếm muộn, không có con, nhưng ngươi sẽ thụ thai và sinh một bé trai.” (Quan Xét 13:6–8) “Người đàn bà đi thuật lại với chồng: Một người của Đức Chúa Trời đã đến với tôi, diện mạo người ấy rất đáng sợ, giống như diện mạo thiên sứ của Đức Chúa Trời. Tôi không dám hỏi người ấy từ đâu đến, và người ấy cũng không cho biết tên. Nhưng người ấy có nói với tôi: ‘Nầy, ngươi sẽ thụ thai và sinh một bé trai. Vậy bây giờ, chớ uống rượu hay thức uống có men, và cũng đừng ăn vật gì không tinh sạch, vì đứa bé đó sẽ làm người Na-zi-rê của Đức Chúa Trời từ trong lòng mẹ cho đến ngày qua đời.’ Manoah cầu nguyện với Đức Giêhôva rằng: Lạy Chúa! Xin Chúa cho người của Đức Chúa Trời mà Chúa đã sai xuống, lại đến với chúng con, để dạy chúng con phải làm gì cho đứa bé sẽ sinh ra!

Lúc vị thiên sứ trở lại một lần nữa, họ nhận ra ấy là Đức Chúa Trời khi họ thấy Ngài bay lên trong ngọn lửa (Quan Xét 13:15–22) “Bấy giờ, Manoah thưa với thiên sứ của Đức Giêhôva: Xin cho phép chúng tôi được cầm ông lại để dọn cho ông một con dê con. Thiên sứ của Đức Giêhôva nói với Manoah rằng: Dù ngươi cầm Ta lại, Ta cũng không ăn thức ăn của ngươi được. Nhưng nếu ngươi muốn thì hãy làm một tế lễ thiêu dâng lên Đức Giêhôva. Manoah vốn không biết đó là thiên sứ của Đức Giêhôva. Manoah lại thưa với thiên sứ của Đức Giêhôva rằng: Danh ông là gì, để chúng tôi tôn trọng ông khi lời ông phán được ứng nghiệm? Thiên sứ của Đức Giêhôva đáp: Sao ngươi hỏi danh ta? Danh ta rất diệu kỳ. Manoah bắt con dê con cùng với tế lễ chay, và dâng lên cho Đức Giêhôva trên tảng đá. Thiên sứ thi hành một việc lạ lùng trước sự chứng kiến của Manoah và vợ ông. Khi ngọn lửa từ bàn thờ bay lên trời thì thiên sứ của Đức Giêhôva cũng bay lên trong ngọn lửa ấy. Thấy vậy, Manoah và vợ sấp mặt xuống đất. Thiên sứ của Đức Giêhôva không còn hiện đến cùng Manoah và vợ người nữa. Manoah nhận biết đó là thiên sứ của Đức Giêhôva. Ông nói với vợ: Chắc chúng ta sẽ chết, vì đã thấy Đức Chúa Trời!” Đây là một trường hợp thật đặc biệt, bởi vì người trần gian được thiên sứ hiện ra để trò chuyện hay báo tin là sự kiện rất hiếm hoi.

Thời nay, vẫn có nhiều vụ thiên sứ hiện ra cứu giúp con cái Chúa thoát khỏi các trường hợp nguy hiểm đặc biệt như đã làm trong thời Phierơ bị Herod bắt để xử án (Công vụ 12:6–10) “Nhưng, ngay trong đêm trước khi Herod đưa Phierơ ra xử, Phierơ đang ngủ giữa hai tên lính, bị xích bằng hai xiềng và có lính canh giữ trước cửa ngục. Thình lình, một thiên sứ của Chúa xuất hiện, và ánh sáng chiếu trong ngục tối. Thiên sứ đập vào sườn Phierơ đánh thức ông và nói: Hãy mau trỗi dậy. Xiềng liền rớt ra khỏi tay ông. Thiên sứ bảo: Hãy nịt lưng và mang dép vào. Phierơ làm theo. Thiên sứ lại tiếp: Hãy mặc áo ngoài và theo ta. Phierơ bước ra theo mà không biết rằng điều thiên sứ làm đó là thật, cứ tưởng là mình thấy khải tượng. Khi qua khỏi vọng canh thứ nhất, rồi vọng canh thứ hai, họ đến cổng sắt dẫn vào thành phố. Cổng đó tự động mở ra trước mặt hai người và họ vượt qua, ra ngoài đường phố; thiên sứ lập tức lìa Phierơ.

Tuy nhiên, trong lãnh vực tương giao với Chúa, chúng ta không tập trung chú trọng vào việc mong mỏi thiên sứ hiện ra báo tin hay giải cứu như thời xưa; nhưng sẽ đặt trọng tâm vào sự tương giao trò chuyện với Đức Thánh Linh trong đời sống mỗi ngày. Điều rất rõ ràng là Đức Thánh Linh chỉ chuyện trò với người có mối tương giao với Ngài. Trong loạt bài “Luyện Tập Nghe Tiếng Chúa” khoảng thời gian nầy năm trước, chúng ta đã học lời phán của Đức Chúa Jesus “Ta là người chăn nhân lành. Ta biết chiên Ta, và chiên Ta biết Ta; cũng như Cha biết Ta, và Ta biết Cha vậy” (Giăng 10:14–15a).

Qua câu trên, Đức Chúa Jesus nói rằng người tin Ngài phải biết Ngài như Ngài biết Đức Chúa Cha vậy. Mặc dù trình độ biết Chúa đến mức đó là khó, nhưng chúng ta phải hiểu sự biết ấy trong bối cảnh bầy chiên quen với bóng dáng, tiếng nói và tánh tình của người chăn. Bầy chiên thân mật với người chăn “Người canh gác mở cửa và chiên nghe tiếng người chăn. Người chăn gọi tên chiên mình và dẫn ra ngoài. Khi đã đem chiên ra hết thì người chăn đi trước, chiên theo sau vì chiên quen tiếng người chăn. Chiên không theo người lạ, trái lại, chúng bỏ chạy vì chiên không quen tiếng người lạ” (Giăng 10:3–5). Chúng ta chỉ có thể tương giao thân mật với Chúa qua mối liên hệ yêu thương với Ngài. Việc nầy không khó, vì càng gần gũi thì càng yêu mến Chúa nhiều hơn.

Tương giao không phải chỉ một phía lên tiếng mà cả hai phía đều nói và nghe tiếng của nhau. Đức Chúa Jesus truyền đạt ý muốn của Ngài qua sự hiệp thông giữa chúng ta với Đức Thánh Linh. Ai yêu mến Chúa, người đó sẽ nghe tiếng Ngài và hiểu ý muốn của Ngài. Chúng ta được dạy phải hợp nhất với Đức Chúa Jesus qua phép báp-têm để được đồng chết và đồng sống lại với Ngài. Đây mới chỉ là bước đầu, chưa phải là mục tiêu cuối cùng trong chương trình của Đức Chúa Trời. Điều Ngài mong đợi là con cái Ngài tương giao với Ngài. Tương giao sẽ trở thành hiệp thông. Hãy hiểu câu (Giăng 15:4) “Hãy cứ ở trong Ta thì Ta sẽ ở trong các con. Như cành nho, nếu không ở trong cây nho thì tự nó không thể ra quả được. Nếu các con không cứ ở trong Ta thì cũng như vậy.

Nếu hoán đổi các chữ “cứ ở trong Ta” bằng các chữ “duy trì hiệp thông với Ta” thì sẽ dễ hiểu hơn. Hiệp thông nghĩa là truyền đạt hoặc trao cho nhau những ý nghĩ hay cảm xúc thân ái, đặc biệt là khi sự trao đổi ấy diễn ra trong cõi tâm linh. Nếu chúng ta theo đuổi sự tương giao với Chúa thì điều ấy sẽ khiến cho sự hợp nhất với Ngài trở nên sinh động và thật. Chúa không còn là một Đấng mơ hồ hay xa vời ngoài trí tưởng tượng, mối dây hợp nhất với Ngài trở nên rất thực hữu. Chúng ta biết chắc Ngài có thật vì mối dây hiệp thông ấy là thật. Nhiều người rất muốn đời sống có kết quả cho Chúa, nhưng họ bị thất bại chỉ vì họ thiếu hiệp thông với Ngài: “Như cành nho, nếu không hiệp thông với cây nho thì tự nó không thể ra quả được.” Thiếu hiệp thông, không kết quả.

Nếu các con duy trì đời sống hiệp thông với Ta và lời Ta ở trong lòng các con, hãy cầu xin bất cứ điều gì mình muốn, các con sẽ nhận được điều đó. Bởi điều nầy Cha Ta được tôn vinh, ấy là các con kết quả nhiều và trở nên môn đồ Ta” (Giăng 15:7–8). Duy trì đời sống hiệp thông là tương giao với Chúa qua sự nghiền ngẫm lời Kinh Thánh và dâng lên Ngài những tâm tình ước muốn tốt lành trong tâm linh mình. Sức sống sung mãn của Chúa không thể đến trong những người chỉ tìm Ngài vào mỗi Chúa Nhật. Những cuộc hôn nhân mà giữa hai người cư xử với nhau cách lợt lạt vào một giờ định sẵn trong tuần thì không thể có hạnh phúc. Tương giao và hiệp thông với Đức Chúa Jesus là mệnh lệnh của Đức Chúa Trời “Đức Chúa Trời là Đấng thành tín; Ngài đã gọi anh em vào sự tương giao với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta” (1Côrinhtô 1:9).

Trước kia anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em là ánh sáng. Hãy bước đi như các con của ánh sáng; vì trái của ánh sáng là mọi điều nhân từ, công chính và chân thật” (Êphêsô 5:8–9). Vì những người thật lòng tin tác giả tạo nên ánh sáng và là bạn đồng hành với Ngài thì lòng và tâm linh người ấy phải có khả năng phát ra ánh sáng của Đức Chúa Trời. Sự phát sáng như thế nào? Phải phô bày được đức nhân từ thiện hảo của Ngài và sống ngay thẳng, thiện lương, công chính. Những gì mình nói hay làm phải là sự thật. Ai thực hiện điều đó là người đang đồng hành và hiệp thông với Đức Chúa Trời. Những người chung quanh sẽ chịu ảnh hưởng bởi ánh sáng thiện hảo của Vương quốc thiên đàng. Chúng ta chỉ thực sự được làm người cộng tác với Chúa từ giai đoạn nầy trở đi. Bởi vì qua chúng ta, người thế gian có cách nhìn khác về Đức Chúa Trời.

Sự nhân lành của Chúa dẫn người chưa tin đến sự ăn năn, không phải khả năng hùng biện hay lời chứng hấp dẫn của chúng ta. Ánh sáng của Chúa tạo nên hai ảnh hưởng song song trên đời tín đồ. Trước tiên, ánh sáng Ngài giải thoát chúng ta khỏi những hậu quả của thời kỳ còn ở trong bóng tối và bị tánh nết hư hoại trói buộc; kế đến, ánh sáng ấy từ trong người tin chiếu ra trong hình thức nhân lành, chính trực và sự thật. Các nguồn lực mạnh mẽ ấy tỏa ra qua chúng ta những năng lực đặc biệt của Đức Chúa Trời. (1Phierơ 2:9) “Nhưng anh em là dòng giống được tuyển chọn, là chức tế lễ hoàng gia, là dân tộc thánh, là dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời, để anh em rao truyền công đức vĩ đại của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đưa vào vùng ánh sáng diệu kỳ của Ngài.

Hạnh phúc tuyệt vời của mối tương giao với Chúa là được cùng Ngài truyền đạt cho nhau các ý nghĩ và cảm xúc thân ái. Để Ngài có thể bày tỏ chính Ngài cho thế gian qua chúng ta. Hãy luyện tập sự tương giao để hiệp thông với Cha trên trời; anh chị em sẽ bắt đầu cuộc phiêu lưu đầy kỳ thú mà Ngài sẽ dắt dẫn suốt cõi đời đời cho những ai đặt sự hiệp thông với Ngài làm ưu tiên cao nhất.

DoiSongtrongThanhLinh22.docx

Rev. Dr. CTB