Bài Học Cuối Năm 2023

Rôma 1:16–17

Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì đây là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, trước là người Do Thái, sau là người Hi Lạp. Vì trong Tin Lành nầy, sự công chính của Đức Chúa Trời được bày tỏ từ đức tin đến đức tin.

Ngoài lý do nhút nhát hoặc không nắm vững những điều phải trình bày, một trong các lý do chính nữa khiến nhiều tín hữu không dám chứng đạo cho người quen biết, bạn bè, là họ không dám chắc họ đã đặt niềm tin đúng chỗ, không sai trật. Sứ đồ Phaolô đã khẳng định rằng: “Tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì đây là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin.” Chữ ‘hổ thẹn‘ ở đây có nghĩa là cảm thấy xấu hổ vì tin điều sai trật. Do không hổ thẹn, nên Phaolô hy sinh cả cuộc đời để rao truyền những sự thật mà chính Đức Chúa Jesus đã mặc khải cho ông (Galati 1:11–12) “Thưa anh em, tôi muốn anh em biết rằng Tin Lành mà tôi đã công bố không đến từ loài người đâu; vì tôi không nhận và cũng không học Tin Lành đó từ một người nào, nhưng bởi sự mặc khải của Đức Chúa Jêsus Christ.” Không có gì phải xấu hổ khi làm nhiệm vụ rao truyền các sự thật cho những người chưa biết.

Nếu một người học cao, hiểu rộng, và đã từng kịch liệt chống trả Tin Lành như ông Phaolô phải hoàn toàn thay đổi lập trường vì đã đặt lòng tin vào phúc âm của Đức Chúa Jesus, thì chúng ta cũng có thể đặt lòng tin vào Tin Lành mà Ngài đã mang từ trời đến cho chúng ta. Chúng ta có thể biết chắc mình đã không đặt niềm tin sai chỗ “Kinh Thánh nói: ‘Người nào tin Ngài sẽ không bị hổ thẹn’” (Rôma 10:11). Tại sao chúng ta biết chắc điều chúng ta tin là thật? Vì Thánh Linh của Đức Chúa Jesus, Đấng đã cảm ứng các vị tiên tri viết ra các sự mặc khải họ nhận được, Đấng ấy không hề thay đổi (Hêbơrơ 13:8) “Đức Chúa Jêsus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi.” Những gì có thật hàng ngàn năm trước, thì ngày nay vẫn là thật và đúng.

Một đời sống không hổ thẹn về Tin Lành là đời sống như thế nào? Người nào không dám rao truyền Tin Lành ấy qua cách sống, cũng không áp dụng điều mình tin, thì chắc rằng người ấy đang hổ thẹn về tín ngưỡng của họ. Ông Giăng Baptist rao giảng cho dân Judah rằng: “Vậy, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn” (Mathiơ 3:8). Sự chiều chuộng những ước muốn của xác thịt và lòng khao khát các thú vui thế gian, hoặc ương ngạnh bất tuân các tiêu chuẩn của Kinh Thánh, là hành vi bộc lộ sự thật trong lòng của người chưa thật tin ơn cứu rỗi của Chúa; vì trước mặt người ta thì xưng rằng mình ăn năn tội lỗi cũ, nhưng người ngoài không thấy kết quả của sự ăn năn ấy đâu hết.

Sứ đồ Phierơ khuyên mọi người tin Chúa hãy kiêng cữ những dục vọng xác thịt, vì nó chống nghịch với linh hồn (1Phierơ 2:11) “Thưa anh em yêu dấu, anh em như người khách lạ, kẻ tha hương; tôi khuyên nài anh em phải cữ kiêng những dục vọng xác thịt, là điều chống nghịch với linh hồn.” Dục vọng xác thịt không phải chỉ là tình dục bất chính, nó bao gồm rất nhiều thứ, ví dụ sự tham lam tiền bạc, mơ ước danh vọng hão huyền, khoe khoang điều không có thật, hay tự ái và dễ nổi giận, ganh ghét, keo kiệt từ chối giúp đỡ sự túng thiếu của anh chị em trong Chúa, và nhiều tánh xấu khác. (Galati 5:19–21a) “Công việc của xác thịt thật rõ ràng, đó là: Gian dâm, ô uế, buông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, gây gổ, ghen ghét, giận dữ, ích kỷ, bất bình, phe đảng, ganh tị, say sưa, chè chén, và những việc tương tự khác.

Tác giả Thi Thiên 1:1 mô tả vài khía cạnh của người xưng là con cái Chúa mà hổ thẹn về Tin Lành là những người vi phạm những điều bị Chúa lên án. “Phước cho người nào chẳng đi theo mưu kế của kẻ ác, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng.

Làm thế nào để chứng tỏ cho Chúa biết mình không hổ thẹn về Tin Lành của Ngài? Hãy bắt chước Phaolô! Ông luôn luôn truyền rao Tin Lành. Trước mặt kẻ bắt bớ hay xử án mình, ông cũng rao giảng về Đức Chúa Jesus (Công vụ 23:1) Phao-lô nhìn thẳng lên Hội đồng Công luận và nói: Thưa anh em, trước mặt Đức Chúa Trời, tôi đã sống với cả lương tâm trong sáng cho đến ngày nay.” (24:24–25) Mấy ngày sau, Felix với vợ mình là Drusilla, người Do Thái, đến và sai gọi Phao-lô để nghe ông nói về đức tin trong Đấng Christ Jêsus. Nhưng khi Phao-lô nói về sự công chính, sự tiết độ và sự phán xét tương lai, thì Felix run sợ.” (26:29) “Phao-lô tâu: Dù thời gian dài hay ngắn, tôi cầu xin Đức Chúa Trời rằng không những một mình đức vua mà tất cả những người nghe tôi hôm nay đều trở nên như tôi, ngoại trừ cái xiềng nầy thôi!

Nói điều nầy không có nghĩa là khuyến khích anh chị em tín hữu gặp ai cũng nói, bạ ai cũng nói, hay hoàn cảnh nào cũng nói. Nhưng chúng ta phải làm chứng về Chúa cho những đối tượng mà mình hi vọng sẽ tiếp nhận Tin Mừng của Chúa. Vì trong tương lai gần, chúng ta sẽ nghiên cứu cách thức truyền rao Tin Lành sao cho hữu hiệu.

Sứ đồ Phaolô tuyên bố rằng ông không hổ thẹn về Tin Lành, vì đó là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin. Có người nhấn mạnh vào các dấu lạ như chữa bệnh, trừ quỷ. Mặc dù các phép lạ ấy chứng minh cho quyền năng của Chúa nhưng các việc ấy không nhất thiết khiến người ta tin Chúa. Quyền năng để cứu người tin là quyền phép giải thoát họ khỏi quyền lực của tội lỗi và đem họ vào ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự tái sinh, đổi mới tâm linh chỉ nhờ đức tin mà được. “Vì trong Tin Lành nầy, sự công chính của Đức Chúa Trời được bày tỏ từ đức tin tới đức tin” (Rôma 1:17).

Vì lý do nào Phaolô gọi việc Đức Chúa Trời cứu chuộc nhân loại, bởi đức tin của họ, là sự công chính của Ngài? Vào thời tổ phụ Abraham, khi ông tin lời của Đức Chúa Trời là chân thật, thì ông được kể là công chính (Sáng Thế 15:6) “Abram tin Đức Giê-hô-va, nên Ngài kể ông là người công chính;” nhưng bây giờ, chúng ta được xưng công chính vì tin Ngài lẫn tin vào huyết của Đức Chúa Jesus đã đổ ra chuộc tội cho chúng ta. Lòng tin vào một Tin Lành cho biết Đức Chúa Jesus hi sinh chuộc tội cho nhân loại giúp cho người tin được tha tội, đúng là một chương trình đầy quyền năng của Đức Chúa Trời bày tỏ sự công chính của Ngài. Vì Ngôi Lời của Ngài đã giáng sinh làm người và tình nguyện làm một Sinh Tế chuộc tội theo luật công chính của Cha Ngài.

Tin Lành ấy được gọi là quyền năng của Đức Chúa Trời vì điều kiện đòi hỏi của nó chỉ là đức tin của người tiếp nhận. Sự tiếp nhận một Tin Lành như thế thì không điều gì phải hổ thẹn ngăn trở chúng ta không dám nói về đức tin của mình. Cho nên, đứng trước một năm mới mà chúng ta không thể biết rõ những ngày tháng sẽ đến trong năm mới sẽ ra sao, thì hãy lập một quyết định rõ ràng và vững chắc là sẽ học hỏi cách rao truyền ơn cứu rỗi, mà mình đã nhận được, cho những người mình quen biết, để vừa giúp họ được cứu giống như mình, vừa hoàn thành được đại mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus, vừa bảo đảm cho mình một chỗ đứng được tương giao với Chúa.

Chúng ta sẽ nhìn lại những sự thành công và thất bại của chính mình trong năm qua trong đời sống đức tin và hầu việc Chúa của chúng ta, về vai trò riêng của mình trong Hội Thánh đã đóng góp được gì cho Chúa. Và cũng xem lại lý do khiến công tác truyền giáo của chúng ta bị thất bại. Nếu thấy điều gì còn thiếu sót, hãy góp ý với nhau để thực hiện công việc nhà Chúa được thành công nhiều hơn trong năm mới.

BaiHocCuoiNam2023

Rev. CTB