Hướng Đi Mới, bài 21

Luca 14:28–30

Ai trong các ngươi muốn xây một cái tháp mà trước hết không ngồi tính phí tổn để biết mình có đủ tiền hoàn thành nó chăng? Nếu không, khi đã xây nền rồi mà lại không làm xong được thì mọi người thấy, sẽ chê cười và nói rằng: ‘Người nầy khởi công xây cất mà không thể hoàn tất được!’

Trước khi chính thức tiến hành làm một việc gì quan trọng, người ta đều chuẩn bị sẵn sàng để tránh tình trạng bị thất bại. Công tác chứng đạo truyền giáo không phải là thứ việc chỉ cần sửa soạn qua loa như nhiều nhà thờ trước nay vẫn làm, nhưng là một công tác đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ càng liên quan tới khả năng trình bày bằng lời nói nhằm thuyết phục người chưa tin, và sử dụng các bằng cớ xác thực để chứng minh lời mình nói là đúng; cho nên, người muốn truyền giáo phải chuẩn bị rất cẩn thận trước khi thực sự tiến hành công tác truyền giáo. Điều đáng mừng là để trình bày chân lý cứu rỗi của Đức Chúa Trời một cách chính xác, chúng ta chỉ cần học để nắm vững các chi tiết căn bản một lần là có thể sử dụng suốt đời. Chúng ta phải chuẩn bị những thứ gì?

Muốn bạn hữu hay người thân tiếp nhận lẽ thật, tức là ơn cứu rỗi miễn phí của Đức Chúa Trời, thì người làm chứng phải hiểu rõ, nắm vững và biết chắc ơn cứu rỗi mình đang có là thật; vì nó ra từ Đấng Tạo Hóa có thật đầy lòng nhân từ. Bằng chứng không thể chối cãi sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là cõi thiên nhiên có sờ sờ trước mắt mọi người. Lợi thế ấy là bằng cớ không cần phải chứng minh sự chính xác của niềm tin rằng Ngài hiện hữu (Rôma 1:20) “Những gì về Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, tức là quyền năng đời đời và thần tính của Ngài, thì ngay từ buổi sáng thế người ta đã nhận thức rõ ràng khi quan sát các tạo vật của Ngài; cho nên họ không thể bào chữa được.” Điều mà chúng ta cần phải chứng minh là Kinh Thánh chính xác và thần diệu; để căn cứ vào đó chúng ta có thể xác định ấy là Lời của Đức Chúa Trời tự bày tỏ, và cũng chứng minh rằng Đức Chúa Jesus là Đức Chúa Trời.

Tính thống nhất trong mọi sứ điệp của Kinh Thánh từ đầu đến cuối, do khoảng 40 tác giả viết ra trong một khoảng thời gian kéo dài 1,600 năm, là một điều thần diệu. Không có bất cứ sách nào khác trên thế gian được nhiều người viết cách nhau những quãng thời gian dài có được một cốt lõi rành mạch, thống nhất chặt chẽ như Kinh Thánh. Mặc dù đa số tín đồ Do-thái-giáo thời Đức Chúa Jesus còn tại thế không tin Ngài, nhưng toàn thể Kinh Thánh Tân Ước về Đức Chúa Jesus đã không trái ngược, mà còn phù hợp với các lời tiên tri chép về Ngài trong Cựu Ước. Người ta gọi đó là sợi chỉ đỏ về ơn cứu rỗi đáng tin của Đức Chúa Trời xuyên suốt 1600 năm qua quyển Kinh Thánh.

Điều kế tiếp mà người chứng đạo phải biết chắc và nắm vững là ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chết của Đức Chúa Jesus chuộc tội cho cả nhân loại là chuyện có thật, không phải lý thuyết bịa đặt như các tôn giáo thế gian. Lấy bằng cớ gì để chứng minh việc đó là thật? – Trước hết, Ngài là một nhân vật có thật trong lịch sử; sự giáng sinh của Ngài là thần kỳ; sự chết hy sinh trên thập tự giá của Ngài đã được sử gia thế tục Josephus ghi chép lại; Ngài đã sống lại là sự thật, và mọi kẻ phủ nhận Ngài phục sinh đều không thể chứng minh Ngài đã chết luôn. Nhưng bằng cớ vững vàng hơn hết là những đời sống của mọi người thật lòng tin Ngài đều được biến đổi cách kỳ diệu.

Tới vấn đề nầy thì người chứng đạo phải trưng dẫn bằng cớ cụ thể; nhất là chính mình đã được đổi mới con người bề trong như thế nào. Tính cách đáng tin của mọi lời chứng phải luôn luôn đặt trên sự thật cụ thể có thể kiểm chứng được. Nếu muốn người ta tin rằng Chúa có quyền biến đổi lòng người, thì chúng ta phải trưng ra ít nhất một bằng cớ cụ thể; nếu bằng cớ ấy là cuộc đời của chính mình thì hiệu quả sẽ rất mạnh. Ví dụ sứ đồ Phaolô làm chứng khi đang bị tù, và vì các quan nghe ông nói đã biết rõ quá khứ ông, nên họ xác nhận ông không phải người xấu (Công vụ 26:31) “Khi ra về, họ nói với nhau: ‘Người nầy chẳng làm điều gì đáng chết hoặc đáng bỏ tù cả.’

Tuy nhiên, một yếu tố cực kỳ quan trọng của Kinh Thánh mà không ai bác bỏ nổi ấy là sự ứng nghiệm kỳ diệu của những lời tiên tri công bố từ nhiều ngàn năm trước về việc người Israel bị tan lạc khắp thế gian sẽ trở về tái lập quốc gia của họ vào thời cuối cùng của thế giới. Bất cứ ai muốn làm công tác chứng đạo đều phải học kỹ vấn đề nầy; bởi vì đứng trước một sự thật rành rành không thể chối cãi, người chưa tin mới biết kính trọng Kinh Thánh và Lời Chúa trong đó. Mọi người đều công nhận chỉ có Đấng Thần Linh mới nói trước được những việc nhiều ngàn năm sau sẽ xảy ra.

Nếu người chứng đạo không thể chứng minh Kinh Thánh là thần diệu và đáng tin, thì mọi lời chứng khác khó làm cho người ta nhận ra ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus là có thật và đáng tin cậy. Vì vậy, hãy chú trọng đặc biệt tới sự chứng minh Kinh Thánh là lời từ Đức Chúa Trời ban xuống cho nhân loại. Trong phần nầy, hãy học thuộc lòng từng chữ của những câu Kinh Thánh được trưng dẫn. Trăm nghe không bằng một thấy. Khi thân hữu được chính mắt đọc các câu Kinh Thánh, thì tác động của lời chứng dễ đem đến nhiều hiệu quả hơn là chỉ nghe. Đừng coi thường sự thuộc lòng từng chữ trong các câu Kinh Thánh được trưng dẫn; vì nhớ sai, suy diễn sai sẽ dẫn tới việc phát biểu sai, giải nghĩa sai rất là tai hại (Thi Thiên 119:11) “Con giấu lời Chúa trong lòng con để con không phạm tội cùng Chúa.

Sau khi nói về ơn cứu rỗi của Chúa và tính cách chính xác thần diệu của Kinh Thánh, thì bước tiếp theo là trình bày sự thưởng phạt công minh của Đức Chúa Trời (Rôma 2:6–8) “Vì Ngài sẽ báo ứng cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.  Ai kiên tâm làm lành, tìm kiếm vinh quang, tôn trọng và bất tử thì Ngài ban cho sự sống đời đời. Còn ai ích kỷ, không vâng phục chân lý, mà vâng phục sự bất chính thì chuốc lấy sự giận dữ và cơn thịnh nộ.” Người chứng đạo phải biết trưng dẫn những câu Kinh Thánh nói về người được thưởng ở thiên đàng và kẻ bị phạt ở hỏa ngục (Giăng 5:24, 28–29) “Thật, Ta bảo thật các ngươi, ai nghe lời Ta và tin Đấng đã sai Ta thì được sự sống đời đời và không bị phán xét, nhưng vượt khỏi sự chết mà vào sự sống. … 28-29 Đừng kinh ngạc về điều nầy, vì giờ sắp đến, khi tất cả những người ở trong mồ mả sẽ nghe tiếng Ngài và bước ra; ai đã làm điều lành thì sống lại để được sống, ai đã làm điều dữ thì sống lại để bị phán xét.

Đừng ai quên rằng Lời Đức Chúa Trời là “gươm của Thánh Linh,” vũ khí dùng để tấn công (Êphêsô 6:17) “Hãy đội mũ của sự cứu rỗi và cầm gươm của Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời.” Cho nên, học Kinh Thánh là một phần vô cùng quan trọng trong tiến trình chuẩn bị công tác truyền giáo. – Một phương diện quan trọng nữa là củng cố mối tương giao thân mật với Chúa trong những giờ ở riêng với Ngài. Mấu chốt của sự thành công trong thánh vụ truyền giáo hay bất cứ linh vụ nào đều dựa trên yếu tố cực kỳ quan trọng nầy.

Điều cuối cùng là phải biết chắc mình có Chúa trong lòng để cậy uy quyền Ngài mà trói buộc, đánh bại các thế lực tối tăm, tháo bỏ xiềng xích của chúng trên các đối tượng mà chúng ta muốn giải thoát và đem họ về cho Chúa (Mác 3:27) “Không ai có thể vào nhà một người có sức mạnh để cướp tài sản mà không lo trói người ấy trước; phải trói người đó lại, rồi mới cướp nhà người được.” Rất nhiều khi cuộc truyền giáo thất bại vì không quan tâm tới phương diện ít được các giáo phái truyền thống để ý nầy. Chúng ta đều biết truyền giáo là chiến tranh chống lại các thế lực tối tăm để giành giựt nhiều linh hồn ra khỏi nhà tù của chúng. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị mọi mặt để khi tiến hành truyền giáo thì sẽ thành công.

HuongDiMoi21.docx

MS CTB