Hướng Đi Mới, bài 22

Thi Thiên 142:1–3

Tôi cất tiếng kêu cầu Đức Giê-hô-va; Tôi cất tiếng cầu khẩn Đức Giê-hô-va. Tôi tuôn đổ nỗi thở than của tôi trước Ngài, trình bày cảnh gian nan của tôi. Khi tâm linh con mỏi mòn, thì Chúa biết rõ đường lối con.

Tương giao là trò chuyện thân mật với Chúa. Những người tin thờ thần thánh đều ước ao có thể tiếp xúc với thần của họ. Đối với con cái Chúa thì điều thuận lợi hơn hết là họ có thể chuyện trò tiếp xúc với Ngài bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, hoàn cảnh nào đều được cả. Tuy vậy, số tín hữu thực hiện sự tương giao thường xuyên với Chúa thì không đông lắm. Có lẽ đó là lý do khiến nhiều tín hữu không thể chứng đạo về Chúa bằng sức mạnh của sự tin quyết (1Têsalônica 1:5) “Vì Tin Lành chúng tôi đã truyền cho anh em không chỉ bằng lời nói, nhưng cũng bằng quyền năng, bằng Đức Thánh Linh và niềm xác tín sâu xa nữa.” Rồi quyền phép của Tin Lành càng ngày càng trở nên hiếm hoi, bởi vì nhiều giáo hội đã loại trừ Đức Thánh Linh khỏi vai trò lãnh đạo điều khiển các hoạt động đức tin của họ. Để có thể bắt đầu truyền giáo đầy hiệu quả, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại các bí quyết tương giao với Chúa.

Có rất nhiều điều trong xã hội ngày nay là giả dối chứ không thật, không REAL; trong đó có rất nhiều lời cầu nguyện của tín đồ Tin Lành. Bởi vì khi chúng ta cầu nguyện mà chẳng biết Chúa có nghe hay không, thì khó có những lời nài xin xuất phát từ lòng chân thành. Chúng ta không thể mong công việc nhà Chúa có kết quả khi những điều mình làm trước mặt mọi người ở nhà thờ hay trong chỗ riêng tư với Chúa không phải là sự thành tâm. Hãy nhớ lại rằng Chúa đòi hỏi và rất thích tấm lòng chân thành (Luca 18:13–14) “Còn người thu thuế đứng xa xa, thậm chí không dám ngước mắt lên trời, chỉ đấm ngực thưa: ‘Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót con, vì con là một tội nhân!’ Ta bảo các con, người nầy trở về nhà mình, được xưng công chính chứ không phải người kia.” Sự chân thành thờ phượng và phục vụ bằng cả thân hồn linh là thức hương thơm ngát bay lên tới Ngai Trời (Thi Thiên 141:2) “Nguyện lời cầu nguyện con như hương thơm dâng lên trước Chúa, và tay con giơ lên như tế lễ buổi chiều!” Vì vậy, trước mặt Chúa hãy tự xét xem các lãnh vực phục vụ, dâng hiến, giúp đỡ người khác, của mình chân thành tới đâu?

Từ khi được trang bị những sự hiểu biết mới về vấn đề truyền giáo, trong lòng mình có bị cáo trách gì không? Có cảm thấy xấu hổ vì mình chưa kết quả gì hết không? Có quyết định trong lòng sẽ chân thành luyện tập khả năng chia sẻ Tin Mừng hay chưa? Có thể một số người còn ngần ngại chưa chịu dấn thân vì nhận biết mình yếu kém. Hêbơrơ 4:15–16Vì chúng ta không có một thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thông sự yếu đuối chúng ta, nhưng có một thầy tế lễ bị cám dỗ đủ mọi cách như chúng ta, song chẳng phạm tội. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ân điển, để nhận được sự thương xót và tìm được ân điển giúp đỡ chúng ta kịp thời;” cho biết Đức Chúa Jesus cảm thông sự yếu đuối của chúng ta. Nghĩa là Ngài hài lòng khi chúng ta thành thật nhận ra các nhược điểm, khuyết điểm của mình và chân thành xin Ngài ban ơn sửa đổi. Bởi vì Chúa ghét những người kiêu căng hợm hĩnh, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường (Giacơ 4:6) “Kinh Thánh nói: Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân điển cho người khiêm nhường.” Vì vậy, ai chân thành ước ao được phục vụ Chúa trong khả năng và địa vị mình đang có, chắc chắn Chúa sẽ tiếp nhận.

Bí quyết tìm ra mấu chốt của đời sống tâm linh được nghe tiếng Chúa phán và trò chuyện với mình thường xuyên ấy là sự vâng lời Ngài. Tất cả các mệnh lệnh Chúa truyền để chúng ta áp dụng đều nằm trong Kinh Thánh Tân Ước. Có người nói rằng họ chờ mệnh lệnh Chúa phán qua tâm trí thì họ sẽ vâng lời khi biết rõ mình phải làm gì. Nếu các mệnh lệnh đã chép rành rành trong Kinh Thánh mà còn không vâng lời được, thì làm sao có thể nghe những sự chỉ dẫn không rõ ràng trong tâm trí? Rất nhiều khi chúng ta không rõ nguồn nào đang nói với trí não mình. Tiếng nói chúng ta thường nghe nhất là nhân linh mình nói theo ý thích hay sự ham muốn riêng. Phải có kinh nghiệm tương giao sâu nhiệm với Chúa mới được Đức Thánh Linh chỉ dẫn mà không lầm lẫn.

Nếu trước nay ai chưa quen vâng lời Chúa thì hãy thay đổi thái độ và tập luyện vâng theo tiếng phán dạy của Ngài (1Samuel 15:22) “Đức Giê-hô-va có vui thích về tế lễ thiêu và các sinh tế bằng sự vâng theo tiếng phán của Ngài chăng? Kìa, sự vâng lời tốt hơn sinh tế, sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.” Hãy tập luyện làm cho sự vâng lời Chúa trở thành một thói quen xem như bản tánh vốn có, mặc dù trước đây mình chưa có. Những ai có tâm tình như vậy thì Đức Thánh Linh mới có thể chỉ dẫn được. Tại sao? Bởi vì người nào không vâng lệnh Đức Chúa Trời sẽ bị trừng phạt; mà Đức Thánh Linh không muốn con cái Ngài bị trừng phạt, vì Chúa nhân từ biết người chưa có thói quen vâng lời sẽ không làm theo điều Ngài phán dặn. Cho nên, có chờ đợi bao lâu đi nữa Chúa cũng sẽ không phán với người chưa tập luyện sự vâng lời. Việc nầy giải thích cho câu hỏi của người thắc mắc tại sao họ không nghe được tiếng Chúa phán trong lòng.

Muốn luyện tập sự vâng lời Chúa thì phải có sự khát khao được nghe tiếng Chúa. Đối với các luận điệu của những lý thuyết thần học vô tín không tin Đức Thánh Linh vẫn còn phán với con cái Ngài vào thời nay, thì anh chị em đừng quan tâm tới các thứ lý thuyết vô tín về các vấn đề tâm linh nầy. Nhân đây tôi xin giải thích lý do tại sao có một số khuynh hướng thần học chủ trương Đức Thánh Linh không còn phán hay mặc khải cho Hội Thánh thời nay nữa. Phái đó có tên là thời đại quyền phép siêu nhiên đã chấm dứt. Sở dĩ có lý thuyết nầy là vì vào các thế kỷ 18 và 19 vài thần học gia Tin Lành tìm cách đối phó với tin tức về phép lạ mà họ cho là giả mạo ở các nhà thờ Công giáo La mã. Họ cho rằng các phép lạ siêu nhiên đã hết khi vị sứ đồ cuối cùng qua đời rồi.

Họ biện luận rằng dấu kỳ phép lạ có trong Hội Thánh thời sơ lập là do các sứ đồ đặt tay truyền cho người được hưởng. Khi thời đại sứ đồ qua rồi thì ơn đó không còn nữa. Trong nhóm đó thì có người cho rằng thời kỳ quyền phép tự chấm dứt vì giáo lý của các giáo hội đã lần lần đi lạc. Cũng có một nhóm cổ điển cho rằng các ân tứ như tiếng lạ, nói tiên tri, chữa bệnh đã chấm dứt theo sự chết của các sứ đồ, nhưng thỉnh thoảng Chúa vẫn làm các phép lạ siêu nhiên vào thời nay. Tiếng Anh gọi người theo chủ trương đó là Cessationists, chủ nghĩa ấy gọi là Cessationism. Đối nghịch với chủ trương vừa kể thì nhiều giáo phái tin rằng mọi dấu kỳ phép lạ của Chúa vẫn tiếp diễn suốt lịch sử của Hội Thánh, lúc mạnh, lúc yếu, lúc rộ lên, lúc xẹp xuống, chứ chưa bao giờ hết.

Vì chúng ta tin Kinh Thánh, tin rằng Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời đang lãnh đạo và dẫn dắt Hội Thánh của Ngài, nên chúng ta vẫn tin mọi dấu kỳ phép lạ của Chúa vẫn tồn tại và tiếp diễn giữa Hội Thánh của Ngài. Phải giữ vững lòng tin đó thì mới trông mong được Ngài phán với mình. – Có một lý do khác khiến nhiều người khó tương giao với Chúa. Người ta có thể dành nhiều thời gian cho các chuyện vô bổ, nhưng thì giờ dành cho Chúa thường rất ngắn vì không có tình thân và chẳng biết nói gì. Thông thường thì sau khi nói vài lời tôn vinh, tạ ơn và một số điều cầu xin, người cầu nguyện chẳng còn gì để tiếp tục cuộc trò chuyện. Rất ít người trình dâng lên Chúa các nỗi ước ao và nài xin ơn chăm sóc nhiều anh chị em đang thiếu thốn; cũng rất ít tín hữu trình bày với Chúa tình trạng yếu kém, các nhu cầu, và những nhược điểm mình quan sát thấy trong Hội Thánh.

Hãy nhận biết các nguyên nhân chính khiến mình chưa chịu vâng lời Chúa: Sợ xấu hổ, sợ thua thiệt, hay sợ bị thiếu hụt, vv. Nói tóm lại, chúng ta không tương giao được với Chúa khi chưa xem Ngài là tất cả lẽ sống của đời mình. Mọi người thật lòng tin Chúa đều mong muốn được Đức Thánh Linh xức dầu; nhưng ít người hiểu rằng vâng lời Chúa là bí quyết được Ngài xức dầu và đại dụng, mà thì giờ tương giao lâu dài với Chúa là cái giá chúng ta phải trả để đạt tới một tâm linh vâng lời Chúa trong mọi cảnh ngộ. Hãy biết rõ mình và tập luyện vâng lời để được Chúa thương xót.

HuongDiMoi22.docx

MS CTB