Ngày Chúa Tái Lâm, bài 08

Khải Huyền 6:12–17

Khi Chiên Con mở ấn thứ sáu, tôi thấy một cơn động đất lớn; mặt trời trở nên tối như tấm vải lông đen, mặt trăng trở nên đỏ như máu, các vì sao trên trời rơi xuống đất như những trái xanh từ cây vả rụng xuống trong cơn gió mạnh. Bầu trời biến mất như quyển sách cuốn lại, tất cả các núi, các đảo đều bị dời khỏi chỗ mình. Các vua trên đất, những người có địa vị cao, các tướng lĩnh, những người giàu có, những kẻ quyền thế, các nô lệ, những người tự do đều trốn trong các hang và giữa các tảng đá trên núi. Họ nói với núi và các tảng đá rằng: Hãy đổ xuống trên chúng tôi và giấu chúng tôi khỏi mặt của Đấng ngồi trên ngai và khỏi cơn thịnh nộ của Chiên Con; vì ngày thịnh nộ lớn của các Đấng ấy đã đến, ai có thể đứng nổi?

Là những người thật lòng tiếp nhận Đức Chúa Jesus làm Chúa và Chủ của mình, tất cả đều có chung một niềm tin vào ba điều: 1) Sẽ tới một giai đoạn mà thế gian phải trải qua cơn đại nạn kinh khiếp chưa từng có. 2) Sau cơn đại nạn đó, Đức Chúa Jesus sẽ trở lại để thiết lập Vương quốc một ngàn năm bình an trên trái đất. 3) Tất cả mọi người nào tin Chúa đều sẽ được biến hóa thành bất tử và đem đi (Giăng 14:1–3) “Lòng các con đừng bối rối. Hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin Ta nữa. Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở; nếu không phải vậy, sao Ta lại nói với các con rằng Ta đi chuẩn bị cho các con một chỗ? Khi Ta đi và đã chuẩn bị chỗ cho các con rồi, Ta sẽ trở lại đem các con đi với Ta, để Ta ở đâu thì các con cũng ở đó.

(1Côrinhtô 15:51–52) “Nầy, tôi tỏ cho anh em một sự mầu nhiệm: Chúng ta sẽ không ngủ hết, nhưng tất cả sẽ được biến hóa trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, vào lúc tiếng kèn cuối cùng. Vì kèn sẽ thổi, người chết sẽ sống lại, không còn hư nát nữa, và chúng ta sẽ được biến hóa.

(1Têsalônica 4:16–17) “Vì khi có hiệu lệnh ban ra, với tiếng gọi của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời thì chính Chúa từ trên trời sẽ giáng lâm. Bấy giờ, những người chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước tiên. Kế đến, chúng ta là người đang sống mà còn ở lại sẽ cùng được cất lên với những người ấy trong đám mây để gặp Chúa tại không trung, và chúng ta sẽ ở với Chúa mãi mãi.

Câu hỏi còn lại là sự đem đi ấy diễn ra vào thời điểm nào? Nó liên quan ra sao tới Cơn Đại Nạn và sự Tái Lâm của Đấng Christ?

Đối với những người tin lời sứ đồ Phaolô viết về việc Hội Thánh sẽ được cất lên khỏi thế gian, thì có ba ý kiến khác nhau về thời điểm. Ba ý kiến ấy được gọi là ba trường phái. Phái nào cũng dùng một số câu Kinh Thánh hỗ trợ quan điểm của họ. Để biết ý kiến nào đúng và hợp lý, chúng ta sẽ suy xét và loại bỏ những lập luận không hợp lý. Rồi để giúp cho người theo dõi vấn đề nầy một cách dễ hiểu, bài học sẽ phân tích trước ý kiến nào có ít câu Kinh Thánh hỗ trợ và ít được ủng hộ, rồi theo thứ tự phân tích ý kiến có nhiều lời hỗ trợ hơn. Thật ra, mỗi trường phái đều nêu lên rất nhiều lập luận chứng minh điều họ tin là đúng hơn hết. Vì vậy họ bài bác các ý kiến nào khác với cách họ lý luận. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét các lập luận của cả ba trường phái.

Phái Trung Đại Nạn sẽ được bàn tới trước tiên, bởi vì lập luận của phái nầy có một số nhược điểm khó bênh vực. Trung đại nạn chủ trương rằng Hội Thánh sẽ chịu các tai họa tự nhiên, nhưng sẽ được rước đi trước cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Họ nêu Khải Huyền 11:3 nói về hai chứng nhân của Chúa mặc áo vải sô và nói tiên tri trong 1260 ngày tức ba năm rưỡi, để lập luận rằng Hội Thánh vẫn còn trên đất nên mới có hai chứng nhân của Đức Chúa Trời “Ta sẽ cho hai chứng nhân của Ta mặc áo vải sô và nói tiên tri trong một nghìn hai trăm sáu mươi ngày.

a) Họ lại nêu Mathiơ 24:21–22 nói về những người được chọn sẽ được cứu nhờ các ngày tai họa được rút ngắn: “Vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ lúc sáng thế đến bây giờ chưa từng có, và về sau cũng chẳng bao giờ có như vậy. Nếu những ngày ấy không rút ngắn thì chẳng có một người nào được cứu; nhưng vì những người được chọn nên những ngày ấy sẽ được rút ngắn.” Tuy nhiên, chữ được cứu trong câu 22 có nghĩa là được sống sót qua các tai họa, không phải là được cứu rỗi. Vì nếu là con cái thật của Chúa thì dù bị chết cũng không hư mất. Tuy nhiên, phái nầy cho rằng câu ‘những người được chọn‘ là nói về Hội Thánh phải trải qua ba năm rưỡi chịu đựng các thiên tai.

b) Họ cho rằng những tai họa khi bảy ấn mở ra và tai họa của sáu tiếng kèn đầu tiên là những thiên tai, chưa phải là sự phán xét của Chúa. Cho nên, Hội Thánh không cần phải vắng mặt trong nửa đầu của bảy năm đại nạn. Nghĩa là trong bảy năm đại nạn thì ba năm rưỡi đầu là các thiên tai rất nặng; ba năm rưỡi sau là các tai họa khủng khiếp từ cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời khi tiếng kèn thứ bảy khởi đầu ba năm rưỡi đại nạn còn lại. Họ lại cho rằng tiếng kèn thứ bảy (Khải Huyền 11:15) với các tiếng kèn ở (Mathiơ 24:31) “Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn vang dội để tụ họp những người được chọn ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy đến tận phương trời kia.

(1Têsalônica 4:16) “Vì khi có hiệu lệnh ban ra, với tiếng gọi của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời thì chính Chúa từ trên trời sẽ giáng lâm. Bấy giờ, những người chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước tiên.” và (1Côrinhtô 15:52) “Trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, vào lúc tiếng kèn cuối cùng. Vì kèn sẽ thổi, người chết sẽ sống lại, không còn hư nát nữa, và chúng ta sẽ được biến hóa,” chỉ là một, không phải là các tiếng kèn khác nhau ở mỗi giai đoạn. Tuy nhiên, lập luận nầy không vững; bởi vì tiếng kèn thứ bảy ra hiệu cho tai họa đổ xuống, không phải là tiếng kèn cuối cùng (1Côrinhtô 15:51–52) “Nầy, tôi tỏ cho anh em một sự mầu nhiệm: Chúng ta sẽ không ngủ hết, nhưng tất cả sẽ được biến hóa trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, vào lúc tiếng kèn cuối cùng. Vì kèn sẽ thổi, người chết sẽ sống lại, không còn hư nát nữa, và chúng ta sẽ được biến hóa.

c) Lập luận chính kế tiếp là lời Đức Chúa Jesus phán “Ngay sau những ngày hoạn nạn đó, … Con Người sẽ lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà đến” (Mathiơ 24:29–30), tức là nói về thời điểm từ tai họa thiên nhiên sẽ chuyển sang các tai họa do cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Lúc ấy Đức Chúa Jesus sẽ trở lại tiếp rước Hội Thánh của Ngài; do đó, giữa cơn đại nạn Hội Thánh sẽ được cất đi để không phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Nhược điểm của lập luận nầy là Đức Chúa Jesus công khai trở lại để đoán xét thế gian, mà các thiên sứ vẫn phải đổ bảy bát thịnh nộ xuống đất, rồi “Đấng THÀNH TÍN và CHÂN THẬT sẽ phán xét và chiến đấu trong sự công chính” sẽ diễn ra khi nào? (Khải Huyền 19:11). Hơn nữa, Đức Chúa Jesus đã tiết lộ kể cả thiên sứ trên trời hay là Con chẳng ai biết được ngày và giờ (Mathiơ 24:36) “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, cả thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, chỉ một mình Cha biết mà thôi.” Vậy, làm sao ai tính được?

Lập luận của phái hậu đại nạn dựa trên Khải Huyền 18:4 nói rằng lúc ấy dân Ngài, tức là Hội Thánh vẫn còn ở thành Babylon vĩ đại “Rồi tôi nghe một tiếng khác đến từ trời, bảo rằng: Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn! Kẻo các con tham gia vào tội lỗi của nó, và cùng chịu chung tai họa với nó chăng.’” Vì sau khi tai hoạ cuối cùng đổ xuống đất, Chúa vẫn gọi dân Ngài ra khỏi thành phố tội lỗi ấy; như vậy, Hội Thánh vẫn ở thế gian suốt đại nạn. Nan đề chỗ nầy là chữ “dân Ta” nói về ai? Hội Thánh Tân Ước hay là người Do-thái? Nếu ‘dân Ta‘ là con dân Chúa trong Hội Thánh thì ý nầy sẽ phải trả lời câu hỏi: Nếu mọi tín đồ trung kiên với Chúa đều đã chịu bị tử đạo, vậy những ai còn lại trong Hội Thánh của Chúa nếu không phải là những người vì sợ bị giết mà thờ lạy kẻ chống Chúa? (Khải Huyền 13:8,15) “Tất cả những người sống trên mặt đất sẽ thờ lạy nó, tức là những người không có tên ghi trong sách sự sống của Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế … 15 Nó cũng được phép ban hơi thở cho tượng con thú để tượng ấy nói được, và khiến bất cứ ai không thờ lạy tượng con thú ấy đều phải bị giết chết.” Hơn nữa, ý nghĩa của nhóm chữ ra khỏi Babylon mang nghĩa bóng, không phải nghĩa đen. Bởi vì nếu đúng thành Babylon vĩ đại đã bị nhận diện là thế lực chống nghịch Chúa ở Hoa Kỳ, thì tín đồ sẽ chạy đi đâu ra khỏi nước Mỹ?

Chẳng lẽ Chúa sẽ rước những tâm linh hèn nhát chối bỏ Ngài về làm nàng dâu của Đức Chúa Jesus? Hơn nữa, Chúa đâu đối xử con cái trung thành với Ngài giống như cách Ngài trừng phạt tội nhân? Thứ tự của các biến cố trong sách Khải Huyền không đơn giản như cách người ta nghĩ. Bởi vì, nếu biết bao tai họa đổ xuống thế gian đã làm cho khoảng ba phần tư người bị chết, thì còn bao nhiêu người còn sống trong Babylon vĩ đại? Vậy, chữ ‘dân ta‘ ở chỗ nầy có lẽ là người Do-thái chứ không phải nói về Hội Thánh. Nếu phải trình bày hết về những lập luận của từng trường phái và những câu Kinh Thánh họ trích dẫn để hỗ trợ cho lý thuyết của họ thì rất dài, và anh chị em tín hữu chẳng những không thể nhớ hết mà còn bị rối trí.

Thuyết hậu đại nạn quên rằng đại nạn chỉ có thể diễn ra và người đại tội chỉ có thể xuất hiện khi Đức Thánh Linh không còn trên đất (2Têsalônica 2:7) “Vì thế lực bí ẩn của tội ác đã và đang hoành hành; nhưng Đấng đang cầm giữ nó vẫn hành động cho đến khi Người được cất đi.” Sau khi Đức Chúa Jesus thăng thiên, Đức Thánh Linh xuống thế gian để thành lập và điều khiển Hội Thánh của Ngài cho tới lúc tận thế. Nếu Đức Thánh Linh về trời chẳng lẽ Ngài bỏ Hội Thánh lại cho kẻ thù hành hại? Nếu Ngài phải đi thì cũng sẽ đem Hội Thánh theo Ngài. Khi Hội Thánh còn là sự sáng của thế gian, nghĩa là Đức Thánh Linh vẫn còn ở với Hội Thánh, thì sự lừa dối của Satan chưa thể đạt tới cực điểm. Một lý do khác, trong cơn đại nạn ai muốn trở thành tín đồ của Đức Chúa Jesus thì chỉ có một lối duy nhất là người ấy phải chịu tử đạo. Lúc ấy tổ chức Hội Thánh vẫn còn, nhưng chỉ gồm các kẻ phản Chúa.

Như vậy, chẳng lẽ Đức Chúa Jesus sẽ trở lại thế gian để tiếp rước những tín đồ đã sống đạo cách hèn nhát mà còn sống sót trong tổ chức Hội Thánh trải qua suốt cơn đại nạn, vì những người trung tín đã bị giết hết rồi? Tuy vậy, có một sự kiện rất khó giải thích đối với phái chủ trương hậu đại nạn: Ấy là Lễ Cưới của Chiên Con, tức là Đức Chúa Jesus, phải diễn ra trên thiên đàng trước khi Ngài cùng các đạo binh thánh đồ trở lại đoán phạt thế gian (Khải 19:7) “Chúng ta hãy vui mừng hớn hở, hãy tôn vinh Ngài, vì lễ cưới Chiên Con đã đến và Vợ Ngài đã chuẩn bị mình sẵn sàng.” Như vậy, nếu Hội Thánh phải chịu đủ thứ bầm giập sau cơn đại nạn, thì làm thế nào Nàng Dâu chuẩn bị mình sẵn sàng cho Lễ Cưới? Có một sự đồng thuận nữa ở cả ba phái là Hội Thánh sẽ cùng với Đức Chúa Jesus trở lại cai trị thế gian một ngàn năm bình an. Vậy, Hội Thánh được cất lên ở thời điểm nào là hợp lý nhất?

Chúng ta sẽ xem xét thuyết Tiền Đại Nạn trong bài học kỳ tới.

NgayChuaTaiLam08.docx

MS CTB