Ngày Chúa Tái Lâm, bài 14
Êsai 7:14
“Vì vậy, chính Chúa sẽ ban cho các ngươi một dấu lạ: Nầy, một trinh nữ sẽ mang thai, sinh một con trai và đặt tên là Emmanuel.”
Chúng ta đang vào mùa Giáng Sinh ở Tây Phương mỗi tháng 12 hàng năm. Mặc dù ngày nay phần đông tín hữu đều biết ngày Chúa giáng sinh không trúng vào một đêm đông lạnh lẽo. Nhưng khi cả thế giới mừng Chúa Giáng Sinh vào mùa đông, thì dù chúng ta có muốn cử hành lễ vào mùa thu cho đúng ngày cũng hơi bị lạc điệu. Vì vậy, Lễ Giáng Sinh nhằm mùa nào trong năm trở thành không quan trọng nữa, mà điều quan trọng mỗi chúng ta đều phải nắm vững là mình có mối liên hệ như thế nào với Đấng đã giáng sinh năm xưa? Và tại sao Ngài phải sinh ra bởi một trinh nữ?
Sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus khác hẳn và vượt lên cao xa tít so với mọi thứ truyền thuyết về đản sinh của người trần gian. Mọi người trên thế giới đều phải được sinh bởi người nữ; quy luật ấy đã được Đức Chúa Trời thiết lập khi Ngài tạo dựng vạn vật trong vũ trụ và loài người trên trái đất. Những truyền thuyết về các nhân vật đã ra đời cách thần kỳ đều là chuyện được kể lại và xuất hiện sau sự kiện ấy nhiều thế kỷ. Ví dụ, sách sớm nhất về sự đản sinh của ông Thích Ca Mâu Ni (Siddhartha Gautama) xuất hiện khoảng thế kỷ 1 BC, nghĩa là khoảng 400 năm sau khi ông ấy đã qua đời người ta mới viết về ông và những lời dạy của ông. Còn sách vở về lịch sử của Muhammad, giáo chủ Hồi giáo thì xuất hiện khoảng từ 250 tới 300 năm sau khi ông ta đã qua đời.
Trong khi đó, sứ đồ Mathiơ và bác sĩ Luca ghi chép sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus chỉ vài chục năm sau khi Ngài thăng thiên. Đặc biệt sách Luca là một bản tường trình tỉ mỉ thánh vụ của Đức Chúa Jesus khi bác sĩ Luca tập hợp tất cả các chi tiết mà ông phỏng vấn các nhân chứng đang sống đã chứng kiến sự giáng sinh, thánh vụ, sự chết, sự sống lại, và sự thăng thiên của Ngài. Cho nên, câu chuyện trinh nữ Mary được Đức Chúa Trời mượn dạ con để sinh Thần Nhân Jesus thì không phải là chuyện truyền kỳ bịa đặt, mà do những người đương thời chứng kiến sự thật thuật lại, kể cả bà Mary là người trong cuộc. Vì thế, dân ngoại giáo và giới vô thần rất khó công kích và bịa chuyện gièm pha, vu khống, hay phỉ báng chuyện tích giáng sinh của Đức Chúa Jesus.
Tính chất độc đáo của chuyện tích giáng sinh là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời đã nhập thể hoàn toàn làm một người. Tại sao Ngài phải được sinh ra bởi một trinh nữ? Sở dĩ Đức Chúa Trời chọn điều đó là vì Thần Nhân ấy được sinh ra phải thánh khiết và vô tội. Vì một số người chưa hiểu đặc tính Con Thánh không bị ô nhiễm và không bị di truyền bởi tội lỗi của người mẹ, nên họ đặt ra lý thuyết thần học “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội,” tức là bà Mary không bị thừa hưởng tội lỗi của tổ tiên; rồi sau đó bà vẫn là trinh nữ trọn đời. Không một chỗ nào trong Kinh Thánh hậu thuẫn hai giáo lý đó. Vì thế, chúng ta sẽ không bàn tới những chuyện người ta bịa đặt ra để biện hộ việc tạc hình tượng để thờ kính của họ. Bởi vì ai quỳ cầu khẩn một hình tượng là thờ kính hình tượng ấy.
Trong Kinh Thánh Tân Ước, chỉ có hai sách phúc âm Mathiơ và Luca tường thuật các chuyện tích giáng sinh. Cả hai sách đều xác nhận Đức Chúa Jesus được sinh ra bởi một trinh nữ. Phúc âm Luca chép đầy đủ và rõ ràng nhất về việc nầy (Luca 1:26–31, 34–35) “Vào tháng thứ sáu, Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gabriel đến thành Nazareth, thuộc miền Ga-li-lê, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người nam tên là Joseph, thuộc dòng vua David. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri. Thiên sứ đến gặp cô và nói: ‘Hỡi người được ơn, chúc mừng cô! Chúa ở cùng cô!‘ Nhưng Ma-ri rất bối rối về những lời nầy và tự hỏi lời chào ấy có nghĩa gì. Thiên sứ tiếp: ‘Hỡi Ma-ri, đừng sợ vì cô đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, cô sẽ mang thai, sinh một con trai và đặt tên là JÊSUS. ….. 34-35 Ma-ri thưa với thiên sứ: ‘Tôi chưa ăn ở với người nam nào thì làm sao có được điều đó?‘ Thiên sứ đáp: ‘Đức Thánh Linh sẽ ngự trên cô, và quyền năng của Đấng Chí Cao sẽ phủ che cô; cho nên con thánh sinh ra sẽ được gọi là Con Đức Chúa Trời.‘”
Nếu bà Mary không kể chuyện cho ông Luca nghe thì không ai biết rõ chi tiết cuộc gặp gỡ giữa trinh nữ Mary với thiên sứ Gabriel. Sự kiện Đức Thánh Linh ngự trên Mary và tạo dựng một bào thai trong dạ con của trinh nữ nầy là yếu tố vô cùng quan trọng cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa Đức Thánh Linh với sự thánh khiết của Hài Nhi Jesus – Nghĩa là Đức Thánh Linh làm cho Con Trẻ do Mary sinh ra phải vô cùng thánh thiện (Luca 1:35) “Thiên sứ đáp: ‘Đức Thánh Linh sẽ ngự trên cô, và quyền năng của Đấng Chí Cao sẽ phủ che cô; cho nên con thánh sinh ra sẽ được gọi là Con Đức Chúa Trời.‘” Khi chúng ta suy gẫm sự kiện nầy thì mới hiểu đức thánh khiết của Chúa.
Các yếu tố thần thánh khác đã chứng minh Đức Chúa Jesus giáng sinh qua trinh nữ Mary vốn đã được Đức Chúa Trời dự trù từ trước khi sáng lập thế giới (Êsai 7:14) (Khải Huyền 13:8) “Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế.” Chúa cũng thông báo nơi Đấng Christ sẽ được sinh ra là Bethlehem, xứ Judea (Michê 5:1) “Hỡi Betlehem Ephrata, ngươi ở trong hàng nghìn Judah là nhỏ lắm, nhưng từ nơi ngươi, một Đấng cai trị trên Israel sẽ được sinh ra; nguồn gốc của Ngài từ đời xưa, từ trước vô cùng,” mặc dù quê hương của bà Mary là thành Nazareth, xứ Galilee. Trong sách phúc âm do sứ đồ Mathiơ viết, ông cũng tường thuật việc bà Mary mang thai Đức Chúa Jesus là do quyền phép của Đức Thánh Linh, vì lúc ông Joseph nghe tin trinh nữ Mary đã hứa hôn với mình đang mang thai, thì ông phân vân, không biết nên cư xử như thế nào, thì thiên sứ hiện đến với ông trong chiêm bao để báo cho ông biết rằng cái thai ấy là bởi Đức Thánh Linh (Mathiơ 1:19–21) “Joseph, chồng nàng là người công chính, không muốn bêu xấu nàng nên định âm thầm từ hôn. Đang khi Joseph ngẫm nghĩ về việc nầy thì một thiên sứ của Chúa hiện đến với ông trong giấc chiêm bao và truyền rằng: “Hỡi Joseph con dòng David, ngươi chớ ngại cưới Ma-ri làm vợ, vì thai mà nàng đang mang đó là bởi Đức Thánh Linh. Nàng sẽ sinh một con trai; ngươi hãy đặt tên là Jêsus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.” Việc nầy cũng do Joseph thuật lại cho Mathiơ.
Việc Đức Chúa Jesus được sinh ra bởi một trinh nữ có liên quan vô cùng mật thiết tới chương trình cứu rỗi của Đức Chúa trời dành cho loài người. Chúng ta đều biết Adam là thủy tổ của nhân loại. Tuy bà Mary cũng từ dòng giống Adam mà có, nhưng Đức Chúa Jesus không thuộc dòng dõi con người đầu tiên là Adam; Ngài là Adam sau cùng, tức là Người ban sự sống vĩnh cửu cho những ai tin Ngài (1Côrinhtô 15:45) “Như có lời chép:‘Người đầu tiên là Adam đã trở nên một hữu thể sống, nhưng Adam sau cùng là thần linh ban sự sống.” Không có sự giáng sinh bởi một trinh nữ thì không thể có sự chuộc tội chung cho toàn thể nhân loại. Sự giáng sinh ấy là sự can thiệp trực tiếp của Đức Chúa Trời vào số phận vĩnh cửu của loài người. Đấng Christ phải hoàn toàn là một người, Ngài phải vô tội tuyệt đối, Ngài phải là Người và thánh thì mới thánh hóa được chúng ta (Hêbơrơ 2:11a) “Vì Đấng thánh hóa và những người được thánh hóa đều bởi một Cha mà ra.”
Vì Thần Nhân Jesus do một trinh nữ sinh ra, nên nguồn gốc của Ngài không phải từ loài người. Mọi con người xác thịt đều phải có cha và mẹ xác thịt, nhưng Cha của Đức Chúa Jesus không phải thuộc loài xác thịt. Cho nên, nguồn gốc của Ngài là từ trước vô cùng, vì Ngài là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời (Michê 5:1; Giăng 1:1) “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở với Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.” Vì Ngài là Đức Chúa Trời, nên danh hiệu của Ngài khi đến thế gian là Emmanuel, Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta (Mathiơ 1:23) “Nầy, một trinh nữ sẽ mang thai, và sinh một con trai, rồi người ta sẽ đặt tên con trai ấy là Emmanuel.” Chỉ một mình Emmanuel mới cứu rỗi được cả nhân loại. Chỉ Người Trời mới thực hiện được việc đó. Cho nên, tất cả các giáo chủ thuộc loài người đều không thể cứu được ai hết, vì chính họ không cứu được họ khỏi sự chết.
Sinh ra bởi trinh nữ là sáng kiến cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời. Ơn cứu rỗi ấy là món quà tặng và là cách thức Đức Chúa Trời thực hiện một cách hiệu quả. Chúng ta có thể tin cậy hoàn toàn vào thiện ý và chương trình hoàn hảo của Ngài về một ơn cứu rỗi vĩnh viễn.
NgayChuaTaiLam14.docx
MS CTB