Chúa Nhật, June 10th, 2012

Các Vấn Đề Tâm Linh, 28

Cầu Nguyện Đột Phá

1Samuên 1:1–20

 

Vào những lúc phải đối diện với các vấn nạn hầu như không vượt qua nổi, chúng ta mới chợt nhớ ra rằng chỉ có sự can thiệp siêu nhiên của Chúa mới có thể giúp chúng ta thoát ra khỏi những hoàn cảnh nguy nan. Đó là những lúc tình thế giống như cánh cửa đang đóng chặt trước mắt, hay bức tường chắn lối thoát thân, mà muốn phá nó vỡ tung, chúng ta cần đến một phép lạ thần kỳ. Hoặc có lúc chúng ta cần sự đáp lời cho một nhu cầu bức thiết, hay nhận thấy một tai hoạ sắp đến, chúng ta cần biết cách cầu nguyện đột phá. Trong những hoàn cảnh tương tự như vừa nói, khi mà những lời cầu nguyện bình thường của chúng ta không làm dịch chuyển nổi các trở ngại quá lớn, chúng ta cần loại cầu nguyện đột phá.

Cầu nguyện đột phá là loại cầu nguyện cần phải thực hiện khi chúng ta hết sức cần có các sự biến chuyển hay thay đổi quan trọng trong cuộc sống hoặc đời mình. Ví dụ cần phải dời chỗ ở vì lý do sức khoẻ hay an ninh, hoặc để thuận lợi hơn cho đời sống tâm linh; hay các lời hứa của Chúa đã lâu không thấy xảy ra, hoặc phải thường xuyên chống đỡ với những lời nói xấu từ người khác, những tình cảnh vô cùng khó chịu do người ngoài gây ra. Cần phải có một sự chuyển biến, một sự đảo ngược hoàn cảnh trong những lúc như vậy. Cầu nguyện đột phá cần phải có sự tham dự của toàn thể thân, hồn, linh, sức lực, thời gian và lòng nhiệt thành. Nó là loại cầu nguyện sống chết, phải đạt cho bằng được. Loại cầu nguyện nầy không thể thực hiện trong sự thản nhiên, cẩu thả, tâm trí lang thang từ chuyện nọ xọ chuyện kia, mà là khi cầu nguyện hầu như không còn biết những gì đang diễn ra chung quanh mình. Vì biết rằng chỉ có Chúa mới tạo được bước đột phá.

Cầu nguyện đột phá không phải là trực diện chống ma quỷ trong chiến tranh linh giới, nhưng là dâng những lời khẩn nài lên Đấng đang cầm quyền tể trị mọi việc, có toàn quyền tạo những sự chuyển biến cho chúng ta. Đây không phải là dấu hiệu của sự kém thiếu đức tin, mà là trình bày hết nỗi lòng. Trong sự cầu nguyện nầy có thể bao gồm cả nước mắt, lời than khóc và nỗi sầu khổ của linh hồn. Như Đức Chúa Giêxu cầu nguyện ở vườn Ghếtsêmanê trong đêm Ngài bị phản nộp, Ngài cầu nguyện trong nỗi thống khổ đến nỗi “mồ hôi toát ra như những giọt máu, rơi xuống đất” (Luca 22:44), hay trường hợp bà Hanna “với tâm hồn cực kỳ sầu khổ, vừa cầu nguyện vừa khóc lóc đắng cay trước mặt Chúa” (10); bà không biết thầy tế lễ Êli đang quan sát mình, nên khi bị hỏi, bà thưa: “Vì quá sầu khổ và phiền muộn nên tôi mới cầu nguyện lâu như vậy” (16).

Hanna không có con vì bị hiếm muộn. Bà biết rằng không ai trên thế gian có thể giúp bà, chỉ có Chúa mới mở dạ con của bà cho bà có khả năng thai nghén. Vào thời mà đàn bà bị hiếm muộn là một nỗi nhục không sao tẩy rửa được, vì xã hội xem đó là người bị Đức Chúa Trời nguyền rủa, thì ngoài sự cầu nguyện bằng tấm lòng vô cùng sầu khổ cộng với những giọt nước mắt đắng cay, những người đàn bà tội nghiệp ấy không có cách nào khác. Dù Hanna biết mình được chồng yêu thương nhiều hơn, nhưng tình yêu ấy đã không giúp được bà mang thai. Thầy tế lễ Êli cũng hoàn toàn không giúp gì được. Bà biết rằng mình phải đến với Chúa để trình bày nỗi lòng. Khi chúng ta cần một sự đột phá siêu nhiên, đừng tìm lời khuyên hay chỉ dẫn từ loài người. Hãy cầu nguyện với Chúa bằng tất cả lòng nhiệt thành cho vấn nạn trước mắt. Sau khi được chúc phước, Hanna “ra về, ăn uống, và nét mặt không còn buồn rầu nữa” (18).

Quan xét Samson bị nàng kỹ nữ Đalila trách móc, giận hờn vì đã không chịu tiết lộ bí mật về sức mạnh thần kỳ của mình. Hết chịu nổi, ông nói hết sự thật nên bị người Philistin bắt trói, móc mắt, và bị buộc phải xay cối trong ngục (Quan Xét 16:19–21). Khi bị dẫn ra làm trò mua vui cho kẻ thù mình ca tụng thần của họ, Samson nhớ đến Đức Chúa Trời mà ông đã phản bội, “Samson cầu nguyện với Chúa, ‘Lạy Chúa Hằng Hữu, xin Ngài nhớ đến con. Đức Chúa Trời ôi, xin cho con có sức mạnh chỉ một lần nữa thôi, để con báo thù dân Philistin vì đôi mắt con” (Quan Xét 16:28). Lời cầu nguyện ngắn ngủi nhưng thống thiết ấy của Samson đã được nhậm, sức lực ông đã trở lại. Ông dùng sức ấy xô ngã hai trụ chính chống đỡ sân thượng và mái đền, làm chết hết tất cả những người đang ở trong đền, kể cả ông nữa (Quan Xét 16:30).

Chúng ta có thể cảm nhận được nỗi bi thương cùng cực của một tấm lòng ăn năn và bí lối vì đã phạm tội khinh lờn: “Lạy Chúa Hằng Hữu, xin Ngài nhớ đến con.” Samson từng là một vị anh hùng cái thế mà mọi kẻ thù đều kinh sợ. Bây giờ, sức mạnh thần kỳ không còn, hai mắt đã bị mù, đang bị làm tù binh và quân thù vây quanh chế giễu nhiếc móc. Samson nhớ lại rằng Chúa đã lập giao ước với ông từ khi ông còn trong lòng mẹ (Quan Xét 13:2–5). Là một người Naxirê của Chúa, ông không muốn bị chết dần mòn trong cảnh nhục nhã và đui mù. Chính vì tội lỗi của ông mà kẻ thù đang gào thét ca tụng thần của chúng. Đúng lúc ấy, ông biết rằng chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể ban cho ông một lối thoát, một bước đột phá mà kẻ thù không thể hiểu nổi: Ông muốn hồi phục sức lực thần kỳ chỉ một lần nữa thôi, để mọi kẻ thù cùng người đàn bà nham hiểm phải chết chung với ông, khi ông xô gãy hai cột chính cho đền đổ sập xuống.

Tiên tri Êli sống vào thời nước Do-thái đã bị chia đôi. Đức Chúa Trời sai ông đến gặp Aháp, vua Israel để thông báo về cơn hạn hán lâu dài sắp tới (1Các Vua 17:1). Năm hạn hán thứ ba, Chúa lại sai ông hãy đi gặp Aháp, vì Chúa sẽ cho mưa trở lại (1Các Vua 18:1). Êli vâng lời Chúa đi gặp Aháp, một vị vua đã bỏ Đức Chúa Trời, đi thờ thần Ba-anh. Ông thách thức Aháp hãy đem bốn trăm năm chục tiên tri của Ba-anh và bốn trăm tiên tri của Asêra, là những tiên tri thờ tà thần lâu nay vẫn được hoàng hậu Giêsabên cấp dưỡng, cùng triệu tập toàn dân Israel lên trên núi Cạt-mên để một mình ông thách đấu với họ, nhằm chứng tỏ Đức Chúa Trời hay Ba-anh là thần có thật (1Các Vua 18:19). Tình hình hoàn toàn không sáng sủa đối với Êli, vì khi ông kêu gọi dân Israel ăn năn trở lại thờ phượng Đức Chúa Trời, thì không một ai đáp ứng:

Êli đến trước toàn dân và nói, ‘các ngươi cứ khập khiễng đi hàng hai cho đến chừng nào? Nếu Đức Giêhôva là Đức Chúa Trời, hãy theo Ngài; còn nếu Ba-anh là Đức Chúa Trời, hãy theo hắn.’ Nhưng dân chúng lặng thinh” (1Các Vua 18:21).

Êli đang phải đối diện với một đoàn dân ù lì mà cơ may đem họ ăn năn trở lại với Đức Chúa Trời hầu như không có. Khả năng và uy tín của ông không thể làm nổi. Chỉ có một bước đột phá từ Đức Chúa Trời đến mới giải quyết được tình trạng bế tắc của ông. Đối với một dân tộc đã bao năm xa Chúa và thờ cúng tà thần, thì chỉ có phép lạ hay dấu kỳ siêu nhiên mới đem họ trở lại thờ kính Đức Chúa Trời chân thật. Êli thách các tiên tri Ba-anh: “Các ông hãy kêu cầu danh thần của các ông, còn tôi, tôi sẽ kêu cầu Danh Chúa. Vị thần nào đáp lời bằng lửa, vị đó chính là Đức Chúa Trời. Toàn thể dân chúng hiện diện nói, ‘Đề nghị rất hữu lý!’” (1Các Vua 18: 24). Sau khi lũ tiên tri của Ba-anh đã làm đủ trò và hoàn toàn thất bại, Êli gọi toàn dân đến gần xem ông sửa lại bàn thờ, sắp củi, đặt xác con vật tế lễ lên, tưới nước (1Vua 18:30–35). Ông cầu nguyện rằng:

Lạy Chúa, Đức Chúa Trời của Ápraham, Ysác và Israel. Hôm nay xin Ngài cho mọi người biết rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời của Israel, và con đây là đầy tớ Ngài, và con làm mọi sự nầy là do Ngài phán bảo. Lạy Chúa, xin nhậm lời con, để dân nầy biết rằng chính Ngài là Đức Chúa Trời, Đức Giêhôva ôi, và Ngài sẽ làm cho lòng dân nầy quay trở lại” (1Vua 18:36–37).

Lời cầu nguyện đã được nhậm bằng lửa từ trời, đoàn dân phải quỳ xuống tung hô “Giêhôva là Đức Chúa Trời!” Đó là một bài cầu nguyện đột phá làm chuyển đổi tình thế hoàn toàn. Sau đó Êli lại cầu nguyện cho mưa xuống bằng cách “sấp mặt xuống đất giữa hai đầu gối” (42). Sau bảy lần người đầy tớ của ông đi lên đỉnh núi nhìn về hướng biển, cụm mây lớn bằng bàn tay đã biến thành mây đen giăng kín bầu trời, gió nổi lên và mưa tuôn xuống sau ba năm rưỡi hạn hán (45). Tất cả đều do lời cầu nguyện đột phá của Êli. Lời cầu nguyện đột phá sẽ chuyển đổi hoàn cảnh.

VanDeTamLinh28.docx

Rev. Dr. CTB