Chúa Nhật, July 1st, 2012
Các Vấn Đề Tâm Linh (29)
Cầu Nguyện Giải Thoát
2Các Vua 19:16–19
Vua Êxêchia và cả thành Giêrusalem đang lâm vào tình cảnh tuyệt vọng, không chống chọi nổi đạo quân thù quá hùng mạnh. Đứng trước những lời đe doạ và phỉ báng của Rápsakê, tướng đạo binh Asiri của đại đế Sanchêríp (2Vua 18:13–23; 28–33), vua Êxêchia và người Giuđa phải lập sự lựa chọn: hoặc đầu hàng kẻ thù, hoặc tin cậy Đức Chúa Trời và cầu xin Ngài thương xót giải cứu cho (19:1–4). Sanchêríp lại sai sứ giả đem thư đến đe doạ và dụ hàng (19:8–13). Vua Êxêchia liền cầu nguyện xin Chúa giải cứu (19:14–19). Đức Chúa Trời đã đáp lời cầu nguyện của Êxêchia vượt quá điều ông mong ước (19:32–37). Như vậy, vua Êxêchia đã cầu nguyện xin Đức Chúa Trời giải cứu nước Giuđa khỏi tay kẻ thù, và lời cầu nguyện của ông đã được đáp ứng.
Tuy vậy, loại cầu nguyện giải thoát không phải chỉ có ý nghĩa xin được cứu thoát khỏi hiểm nguy. Chữ giải thoát tự nó nói lên ý nghĩa. Cầu nguyện giải thoát là dùng sự cầu nguyện để cứu, giải phóng một ai đó ra khỏi vòng cương toả hay trói buộc của một thế lực xấu hay tối tăm. Khi ai nhận ra mình đang bị một hay nhiều thứ tội lỗi trói buộc, hoặc những thói quen xấu, những lãnh vực yếu đuối riêng tư cản trở hay giới hạn chúng ta tiến bước thảnh thơi trên đường theo Chúa của mình, thì người đó cần được cầu nguyện giải thoát. Chúng ta cũng cần sự cầu nguyện giải thoát khi bị thế giới tối tăm sử dụng các sứ giả của satan, hay anh chị em đồng đức tin, hoặc dùng chính những người thân trong gia đình tấn công chúng ta về mặt thể chất hay tâm linh. Sự tấn công ấy xảy ra khi chúng ta bị hiểu lầm, vu khống, kiện cáo, hay nói xấu, vv., chúng ta phải cầu nguyện, kêu xin Đức Chúa Trời giải thoát mình.
Khi nói về cầu nguyện giải thoát, chúng ta thường nghĩ tới các thứ quỷ. Thật ra, cầu nguyện giải thoát không chỉ liên quan đến quỷ. Là tín hữu, chúng ta có thể cần được giải thoát khỏi nhiều điều khác. Khi xưa, vua David viết: “Chúa là nơi trú ẩn của con; Chúa bảo vệ con khỏi cơn gian truân; Chúa lấy bài ca giải cứu mà bao phủ con” (Thi Thiên 32:7); ông lại nói “Người công chính gặp nhiều tai hoạ; nhưng Đức Giêhôva luôn luôn giải cứu người”(Thi thiên 34: 19). Một lãnh vực mà chúng ta cần được giải thoát cấp bách nhất là khuynh hướng phạm tội nằm sẵn trong bản tánh xác thịt của chúng ta. Như Phaolô đã giải thích: “Chúng ta biết rằng luật pháp là thiêng liêng, nhưng tôi là người xác thịt đã bị bán cho tội lỗi. Tôi không hiểu điều mình làm. Vì tôi không làm điều mình muốn mà lại làm điều mình ghét” (Rôma 7:14–15).
Không ai có thể tự mình giải thoát khỏi bản ngã ưa phạm tội; bởi “tôi không làm điều thiện mình muốn, mà lại làm điều ác mình không muốn. Nếu tôi làm điều mình không muốn thì không phải là tôi, mà chính tội lỗi trong tôi làm điều đó” (Rôma 7:19–20). Con người khốn khổ kêu than vì không biết ai có thể giải thoát mình khỏi tình trạng tuyệt vọng đó. Phaolô ca ngợi Đức Chúa Trời vì ông và mọi người tin đều được Đức Chúa Giêxu Christ giải thoát khỏi bản ngã ưa phạm tội của họ. Nếu chúng ta muốn sự cầu nguyện giải thoát đưa đến hiệu quả trong hoàn cảnh nầy, thì người cầu nguyện xin được giải thoát phải có lòng thật sự đau khổ vì tình trạng của mình, và phải có lòng tin chắc rằng sự chết hi sinh của Đức Chúa Giêxu có đủ hiệu lực để giải thoát chúng ta ra khỏi bất cứ gông cùm nào của tội lỗi.
Vua David có nhiều kẻ thù trong đời của ông. Mà kẻ thù nguy hiểm nhất là vua Saulơ đang tìm mọi cách giết ông, vì vị vua nầy nổi cơn ganh ghét khi nghe những thiếu nữ Israel múa hát ca tụng công trạng lẫy lừng của David nhiều hơn Saulơ. Chúng ta có thể học những bài cầu nguyện của David trong Thi-thiên 7: “Lạy Giêhôva Đức Chúa Trời của con, con nương náu mình nơi Ngài; xin cứu con khỏi mọi kẻ truy đuổi con, và giải thoát con, kẻo chúng xé con như sư tử xé mồi, và phân thây con ra từng mảnh mà không ai giải cứu. … nếu con đã … nhúng tay vào việc bất chính; nếu con lấy ác trả cho người sống hoà thuận với con và cướp bóc kẻ thù con vô cớ, thì con đáng bị kẻ thù đuổi kịp, giày đạp mạng sống con dưới đất, và vùi dập danh dự con trong tro bụi. Lạy Đức Giêhôva, xin trỗi dậy và nổi giận; xin chống lại cơn giận hoảng của kẻ thù con. Xin thức dậy mà giúp đỡ con.” (1–6). Trong Kinh-thánh có rất nhiều bài cầu nguyện như những lời cầu xin của David. Chúng ta chỉ cần tìm xem và áp dụng cho mình khi cần thiết.
Chúng ta rất cần được giải thoát khỏi những sự cáo kiện, cáo buộc vô lý, vô cớ, hoặc sai trật. Trong cuộc đời của chúng ta sẽ có những lúc mình bị cáo buộc sai trật từ những người mà chúng ta không ngờ tới. Vua David than thở về loại đối xử nầy: “Nếu là kẻ thù sỉ nhục con, con có thể chịu được; nếu là kẻ ghét con, kiêu căng chống đối con, con cũng có thể tránh mặt hắn. Nhưng kẻ ấy lại chính là kẻ ngang hàng với con, bạn đồng nghiệp con, bạn thân của con. Là người từng trò chuyện thân mật với con, và chúng con đã cùng đi với đoàn người đến nhà Đức Chúa Trời.” (Thi-Thiên 55:12–14). Hoặc như có chép: “Tất cả đồng minh của ngươi đã đuổi ngươi đến tận biên giới. Những bạn bè của ngươi thì đánh lừa và áp đảo ngươi; còn những kẻ ăn bánh ngươi thì gài bẫy ngươi, nhưng ngươi sẽ chẳng dò biết được.” (Áp-đia 1:7).
Chịu đựng những sự tấn công, cáo kiện, vu khống, phỉ báng từ các kẻ thù, thì không khó gì. Nhưng khi những điều ấy đến từ bạn bè thân thiết hoặc người rất thân yêu, chúng ta cảm thấy bị phản bội, và nỗi đau khổ trong lòng thật khó chịu đựng nổi. Chỉ có sự minh oan đến từ Chúa mới có thể làm lòng chúng ta thấy bình yên trong những hoàn cảnh như vậy. Cho nên, lời cầu nguyện phải dâng lên Đức Chúa Trời để Ngài giải quyết. Trong khi đó, chúng ta phải có tinh thần và thái độ của người tin cậy Chúa hoàn toàn: “Chúa là Đức Giêhôva sẽ giúp đỡ ta, nên ta không bị xấu hổ; vì vậy, ta làm cho mặt ta cứng như đá, vì biết rằng mình chẳng có điều gì phải hổ thẹn. Đấng xưng công chính cho ta đã đến gần. Ai tranh tụng với ta? Hãy cùng ta đứng lên! Ai là kẻ đối địch với ta? Hãy lại gần ta! Thật, Chúa là Đức Giêhôva sẽ giúp đỡ ta. Ai định tội ta được? Nầy, tất cả chúng sẽ cũ mòn như chiếc áo và bị mối ăn.” (Êsai 50: 7–9).
Cầu nguyện giải thoát cũng được áp dụng trong các trường hợp cần được Chúa giải cứu khỏi các khổ nạn và sự chết nữa. Lời thổ lộ của Phaolô cho tín hữu ở Côrinhtô là một ví dụ rõ ràng về vấn đề nầy: “Thưa anh em, tôi không muốn anh em không biết những hoạn nạn mà chúng tôi đã trải qua tại Tiểu Á. Chúng tôi bị đè nén quá mức, quá sức chịu đựng, đến nỗi không còn hi vọng sống. Chúng tôi cảm thấy như mình đã phải nhận án tử hình; nhưng điều nầy đã khiến chúng tôi không còn nhờ cậy vào chính mình nữa, mà tin cậy nơi Đức Chúa Trời, Đấng khiến kẻ chết sống lại. Chính Ngài đã giải cứu chúng tôi khỏi cái chết khủng khiếp như thế; Ngài đang giải cứu chúng tôi, và chúng tôi hi vọng Ngài sẽ tiếp tục giải cứu chúng tôi. Anh em cũng hãy hỗ trợ chúng tôi bằng lời cầu nguyện, để nhờ lời cầu nguyện của nhiều người mà chúng tôi nhận được ơn, và qua đó, nhiều người sẽ vì chúng tôi mà dâng lời cảm tạ.” (2Côrinhtô 1:8–11).
Khi kẻ thù lập mưu thâm độc hãm hại hoặc trừ diệt con dân Chúa, chỉ có loại cầu nguyện xin Chúa giải thoát mới giải quyết được vấn đề. Người Giuđa đã kinh nghiệm việc nầy trong lịch sử của họ (Êxơtê 3:12–4:3). Hoàng hậu Esther đã yêu cầu dân Giuđa hãy cùng bà kiêng ăn cầu nguyện xin sự giải cứu đến: “Xin triệu tập tất cả người Do-thái ở Su-sơ lại, rồi hãy vì con mà kiêng ăn trong ba ngày đêm, đừng ăn uống gì hết. Con và các nữ tỳ của con cũng sẽ kiêng ăn nữa. Sau đó, con sẽ vào chầu vua là việc trái luật pháp; nhưng nếu phải chết thì con chết. Mạc-đô-chê đi ra và làm theo mọi điều bà Esther đã yêu cầu.” (Êxơtê 4:16–17). Sự giải cứu đã diễn ra cách kỳ diệu. Haman, dòng dõi kẻ thù truyền kiếp của dân Israel, bị thất bại trong âm mưu tàn độc của mình, bị treo cổ trên chính cây mộc hình do hắn ta dựng định dùng để treo cổ Mạc-đô-chê. Bài học dị thường nầy dạy chúng ta rằng hãy làm cho trận đánh của chúng ta trở thành trận đánh của Chúa, thì chẳng có kẻ thù nào đứng nổi trước những lời cầu xin thống thiết của con dân Ngài.
VanDeTamLinh29.docx
Rev. Dr. CTB