Thư 2Têsalônica, bài 2
2Têsalônica 2:1–7
Hai câu đầu ngụ ý rằng đã có một số người ở Têsalônica hiểu lầm ý của sứ đồ Phaolô qua lá thư ông gửi cho họ trước đây về việc trở lại của Đức Chúa Giêxu Christ, do họ nghĩ rằng sự tái lâm của Ngài là trong tương lai rất gần. Cũng có thể là một số người trong vòng họ do “linh cảm giả mạo,” cho rằng họ biết một vài điều mầu nhiệm, hoặc có người nói đã nghe Phaolô nói trong “một lời giảng, hoặc một lá thư giả mạo thư của chúng tôi, bảo rằng ngày Chúa đã đến” (2). Hai câu nầy là lời sứ đồ Phaolô cẩn thận chấn chỉnh các sai lầm trên để ngăn chận không cho loại tin tức giả mạo phổ biến thêm ra. Gương nầy là bài học cho chúng ta phải biết chấn chỉnh những tin hay lời nói sai trật có hại cho người nghe. Dĩ nhiên là nếu tin đồn sai trật nói rằng từ chính mình đưa ra, thì càng phải cải chính và sửa lại cho đúng. Những người để tâm thù nghịch hoặc hãm hại chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội tạo ra sự thiệt hại hay tai hoạ nếu không bị ngăn chặn kịp thời.
Vì đề tài tận thế và sự tái lâm của Đức Chúa Giêxu luôn luôn thu hút sự chú ý đặc biệt từ vô số người nghe; cho nên, đã có không biết bao nhiêu lời dự đoán, lời khẳng định trong 2000 năm qua, mà tất cả đều sai trật. Phaolô khuyên là: “Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ bằng cách nào”
(3). Bởi vì trước khi Đức Chúa Giêxu trở lại và tận thế, thì “phải có cuộc bội đạo xảy ra trước, và
phải có người phạm pháp là đứa con của sự huỷ diệt xuất hiện” (3b). Chắc chắn là Đức Chúa Giê -xu sẽ trở lại để đoán xét thế gian, nhưng thời điểm hay khi nào Ngài sẽ trở lại, là bí ẩn mà nhiều người muốn biết. Vì Phaolô cho biết nhiều dấu hiệu sẽ xảy ra trước ngày Chúa trở lại, mà các tác giả khác ít hoặc không nhắc tới, thì các điều đó chứng minh chính Đức Chúa Giêxu dạy ông cách riêng tư; do đó, những điều ông tiết lộ là rất quan trọng và chính xác hơn mọi lời đồn đoán khác.
Câu “phải có cuộc bội đạo xảy ra trước”(3a) nói về một sự bội đạo tổng quát, không thể hiểu theo hình thức tổ chức nhưng hiểu theo các vấn đề tâm linh và tôn giáo, đi lạc khỏi giáo lý chính thống lành mạnh, sai trật về cách tổ chức thờ phượng và tổ chức Hội Thánh. Vì Phaolô nói đây là cuộc bội đạo, nên nó có tính cách rất trầm trọng, không còn đi theo sự dạy dỗ chân chính của lời Chúa trong Kinh Thánh. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến khoảng thời gian cuối cùng của sự bội đạo đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước. Chỉ cần so sánh các diễn biến của lịch sử Hội Thánh với các giáo lý căn bản mà Kinh Thánh đã đưa ra cách rành mạch, người ta nhận ra sự bội đạo đã bắt đầu khi Hội Thánh khởi sự tôn kính hình tượng, kêu cầu các thánh đã qua đời, rồi hạ thấp vai trò trung bảo duy nhất giữa Đức Chúa Trời và loài người của Đức Chúa Giêxu, tôn một người khác lên vai trò tối cao, khiến cho tín đồ của cả một giáo hội lớn đi sai lạc trong sự thờ phượng, không còn cần được tái sanh bởi đức tin, nhưng chỉ qua các hành động công đức, hay đi xem lễ.
Sự bội đạo tiếp diễn trong các giáo hội “có tiếng là sống nhưng đã chết” (Khải Huyền 3:1c). Sự thánh khiết và công chính của Đức Chúa Trời bị loại trừ, đề dành chỗ cho những cảm thông trắc ẩn lối sống truỵ lạc, dâm dật, hoàn toàn phục vụ thú tính của con người. Nếu có cuộc bội đạo đột ngột, bỗng nhiên thay đổi hoàn toàn các nguyên tắc chân chính của Kinh Thánh, sẽ gặp phản ứng chống trả kịch liệt từ giáo dân. Nhưng sự bội đạo tiệm tiến trải qua nhiều thế kỷ, đã không gây ra sự chú ý từ đám đông. Đặc tính đó của cuộc bội đạo đã tạo nên một môi trường rất lý tưởng cho “người phạm pháp là đứa con của sự huỷ diệt xuất hiện” (3b), mà Hội Thánh xưa nay vẫn gọi tên là ‘Anti-Christ,’ tức là kẻ chống trả Đấng Christ. Hoa Kỳ là nơi rất dễ thấy sự đổi thay nầy trong thời hiện tại hơn Âu châu, nơi đã bội đạo từ lâu. Từ một nước được thành lập trên nền tảng niềm tin và đạo đức Cơ-đốc-giáo, tồn tại trong suốt 200 năm, vững vàng trên phương châm “Tin Cậy Thiên Chúa” (In God We Trust). Nhưng ngày nay đã dần dần bỏ hết những gì liên quan tới Đấng đã giúp cho Hoa Kỳ trở nên hùng cường nhất thế giới.
Những nét đặc trưng của ‘người phạm pháp,’ tức kẻ chống Đấng Christ là: “Nó chống đối và tôn mình lớn hơn tất cả những gì được gọi là thần, những gì được người ta thờ phượng” (4), điều mô tả nầy rất khớp với chủ nghĩa vô thần của thuyết tiến hoá hiện đang làm bá chủ nền giáo dục nước Mỹ. Giới khoa học vô thần cười nhạo những người còn tin vào Đức Chúa Trời toàn năng; họ giải thích các dấu kỳ phép lạ quá rõ ràng, mà họ không chối bỏ nổi, chỉ là những chuyện tình cờ. Điều đáng để ý là các thế lực nầy chỉ chăm chú chống lại Đức Chúa Giêxu Christ và con dân Ngài, chứ không chống các thứ tôn giáo nhảm nhí đông-phương hoặc các tín ngưỡng tân phái có nguồn gốc mù mờ. Bởi vì chỉ có Đức Chúa Trời là chân thần được loài người thờ phượng; các sự thờ kính của những người thuộc các tôn giáo khác chỉ là mê tín, không phải thờ phượng thật.
Chi tiết tiếp theo về anti-Christ là “thậm chí nó vào ngồi trong đền của Đức Chúa Trời và tự xưng là Đức Chúa Trời” (4b), là một điểm đặc biệt nữa để chúng ta nhận biết hắn là ai. Hiện nay thì đền thờ Đức Chúa Trời chưa được xây dựng lại; nghĩa là khi chúng ta quan sát thấy chi tiết về kẻ chống Chúa chưa ứng nghiệm, thì người đó chưa xuất hiện (các nhóm có tinh thần chống giáo hội Công-giáo thì cho rằng anti-Christ chính là chức vụ giáo hoàng, vì tự xưng là đức thánh cha, danh xưng của Đức Chúa Trời. Điều nầy không chính xác, vì kẻ chống Chúa sẽ tự tôn mình lớn hơn những gì được gọi là thần). Người Do-thái đã sắm sẵn tất cả vật liệu xây dựng đền thờ theo kiểu mẫu ngày xưa. Họ chỉ còn chờ cơ hội thuận lợi triệt hạ đền hồi giáo Al Aqsa ở Giêrusalem để xây lại đền thờ Đức Chúa Trời trên nền cũ của nó. Khi việc đó chưa xảy ra, thì người bị gọi là anti-Christ chưa xuất hiện. Nhưng sân khấu chuẩn bị cho sự xuất hiện của hắn đã sẵn sàng.
Phaolô nhắc lại: “Khi tôi còn ở với anh em, tôi đã nói đến những điều nầy rồi, anh em không nhớ sao?” (5). Vào thời sứ đồ Phaolô còn sống, trong lòng các con cái Chúa vẫn luôn có nỗi ước mong được thấy Đức Chúa Giêxu trở lại thế gian. Vào thời điểm hai thư Têsalônica được viết thì các sách phúc âm kể lại những chuyện tích và lời giảng dạy của Đức Chúa Giêxu chưa được viết hay chưa được phổ biến. Vì vậy lời Đức Chúa Giêxu phán: “Tin-lành nầy về nước Trời sẽ được truyền giảng khắp thế giới để làm chứng cho muôn dân, bấy giờ ngày cuối cùng mới đến” (Mathiơ 24:14), thì có lẽ tín hữu ở Têsalônica chưa được biết. Sự không biết là nguyên nhân làm cho họ bị “dao động tinh thần,…hốt hoảng bởi một linh cảm giả mạo,…một lời giảng, một lá thư giả mạo … bảo rằng ngày của Chúa đã đến” (2). Người thời nay có đầy đủ Tân Ước, thì dễ biết rõ hơn.
Một chi tiết nữa rất quan trọng giúp chúng ta có thể nhận định tình hình cách chính xác, sáng suốt: “Anh em biết quyền gì đang ngăn cản nó, khiến nó chỉ được xuất hiện đúng kỳ” (6). Các tác giả giải kinh cổ điển đã bị lầm lẫn về chữ ‘quyền’ ở đây khi cho rằng đó là hoàng đế La-mã đang ngăn trở quyền hành của giám mục thành La-mã, không cho phát triển cực đại. Nhưng vào thời đại chúng ta đang sống, đã qua gần 2000 năm, lịch sử đã chứng minh nhận định ấy là sai. Bởi vì dù đã có một số giáo hoàng xấu lộng quyền, vẫn không khớp với các mô tả rõ về kẻ chống Chúa. Con người tội ác bị kể là anti-Christ là “do satan hành động,…có đủ mọi thứ quyền phép, dấu lạ và phép mầu giả dối” (9). Nhưng chưa có vị giáo hoàng nào có đủ mọi thứ quyền phép, dấu lạ, và phép mầu giả dối như lời Phaolô mô tả ở đây.
Chữ ‘quyền’ cũng được dịch là ‘Đấng.’ Câu “huyền nhiệm của kẻ phạm pháp” cũng dịch là ‘huyền nhiệm của kẻ tội ác đã bắt đầu hành động rồi’ (7); nghĩa là bí ẩn của tội ác nầy đã bắt đầu lộ ra. Vào thời Phaolô, mặc dù phúc âm được rao giảng với quyền phép, Đức Thánh Linh và sức mạnh của niềm tin vững chắc, sự chống trả của phái bất khả tri và phái vô thần đã bắt đầu diễn ra quyết liệt. Tuy vậy, ‘kẻ phạm pháp’ cho đến ngày nay vẫn chưa thể xuất hiện, vì ‘Đấng ngăn trở’ hắn, là Đức Thánh Linh, vẫn còn ngự trong Hội Thánh ở trần gian. Chính Đức Thánh Linh đang ngăn cản không cho satan dấy tên anti-Christ lên vũ đài thế giới: “nhưng quyền ngăn cản nó vẫn còn đó.” Ngày nào Đức Thánh Linh rời khỏi thế gian: “cho đến lúc quyền ấy được cất đi” (7), thì satan mới được tự do lộng hành qua tên anti-Christ. Đây cũng là lý luận của phái ‘tiền đại nạn’ tin rằng vì Đức Thánh Linh sẽ được đem về trời, thì Ngài cũng sẽ đem Hội Thánh của Ngài theo về trời. Ngài không bao giờ lìa bỏ Hội Thánh mà Ngài đã thành lập, nuôi dưỡng và bảo vệ.
2Tesalonica02.docx Rev. Dr. CTB