Chúa Nhật, September 22nd, 2013

Các Vấn Đề Quan Trọng, 03


Thi Thiên 50:16–23

Trước khi sự nguyền rủa xảy ra, thậm chí tín hữu đã nói những lời chết chóc sơ khởi chống lại tín hữu khác. Có thể người ấy nói những “lời độc ác và điêu ngoa” trước khi miệng nói ra lời “nguyền rủa, giả dối và đe doạ” (Thi Thiên 10:7). Nhiều người vẫn thường phát ngôn cách bừa bãi mà không dè hậu quả của chúng là “lời nói bừa bãi khác nào nhát gươm đâm” (Châm-ngôn 12:18a). Kinh-thánh có nói đến một số diễn tiến xảy ra trước khi lời nguyền rủa được phát ngôn. Chúng là những tội lỗi về lời nói thường dẫn đến sự nguyền rủa: “Cay đắng, phẫn nộ, tức giận, la lối, lăng mạ, cùng mọi điều hiểm độc” (Êphêsô 4:31); “lưỡi nói điều ác, môi nói lời xảo quyệt” (1Phierơ 3:10); “cãi vã, ghen tị, nóng giận, ích kỷ, nói xấu, ngồi lê đôi mách, kiêu căng” (2Côrinhtô 12:20). Ngoài ra, còn có lời nói giả hình, vu khống, hợm hĩnh, phóng đại, và các lời nói có tính cách lừa bịp.

 

Mỗi khi một người đã quyết định nói lời vu khống anh em mình trong Chúa, thì đã bước đến tử lộ không thể trở lui. Nhất là các vị lãnh đạo được tín hữu tôn trọng mà vu khống người khác vì ganh tị, ghen ghét, nghi ngờ, và ích kỷ, thì không cách nào rút lời nói mà chẳng bị xấu hổ. Vì thế, càng lún sâu vào sự ganh ghét, thù oán chừng nào, thì càng nói làm sao cho thoả mãn lòng mình. Nguyền rủa chỉ là bước kế tiếp phải thực hiện chứ không dừng lại được. Chúa cảnh giác dân Do-thái qua tiên tri Giêrêmi: “Không ai nói sự thật. Chúng luyện tập lưỡi mình nói dối, miệt mài làm điều ác” (Giêrêmi 9:5). Trong khi đó, không con cái Chúa nào ngờ có người tệ hại đến mức đó; tệ hại tới chỗ không còn kiểm soát nổi lời nói của mình, và cũng không biết chúng gây tổn thương nặng nề cho thân thể của Chúa; chỉ cốt thoả mãn sự tức giận, ganh ghét đối với người khác.

 

Hễ Hội-thánh nào có các tín hữu sống theo tánh xác thịt (Galati 5:16–21), là người ôm ấp trong lòng những cách thức tội lỗi chống nghịch anh em khác, như thù ghét, tranh chấp, chia rẽ, thì các lời nguyền rủa sẽ sớm xảy ra. Hễ khi nào các thành phần trong hồn chúng ta, như lý trí, ý chí, và cảm xúc của mình, nuôi dưỡng các ý nghĩ xấu, các cảm nghĩ tai hại, rồi thực hiện ý muốn chống lại người khác theo các cách thức không thánh thiện – thì đó là hành động tín hữu nguyền rủa tín hữu khác. Phần hồn trong chúng ta rất hăng hái tham dự việc nguyền rủa, vì nó chứa đựng cảm xúc, nó điều khiển ước muốn được nổi danh, được người ta khen ngợi, và muốn nắm quyền lãnh đạo, khiến người khác phải làm theo ý mình. Hành động nguyền rủa, hạ thấp người bị ganh ghét, sẽ tạo cho phần hồn một cảm giác sung sướng, vì cái tôi được vuốt ve; nó dụ dỗ phần hồn, biến hồn thành đồng minh gần gũi, bởi vì cả hồn lẫn nguyền rủa đều được lợi.

 

Nguyền rủa dùng hồn làm bệ phóng quả đạn huỷ diệt của nó; hồn thì tìm được ống dẫn để xả ra thứ cảm xúc ganh tị, thù ghét và những ý nghĩ tức tối tội lỗi trong lòng. Hễ Cơ-đốc-nhân mang một tấm lòng ác và không hành xử theo tình yêu thương của Đức Chúa Trời, thì sẽ có nguyền rủa xảy ra. Vì vậy, sứ đồ Phaolô khuyên: “Chúng ta hãy thanh tẩy chính mình khỏi mọi vết nhơ của thể xác và tâm linh, cũng hãy làm cho sự thánh hoá được trọn vẹn trong niềm kính sợ Đức Chúa Trời” (2Côrinhtô 7:1). Nguyền rủa sẽ thành hình và hoành hành khi chúng ta để cho mình bị nhiễm bẩn cả thân, hồn và linh. Sự ô nhiễm đó xảy ra, đối với người chưa thật sự kinh nghiệm sự thăm viếng của Chúa, nghĩa là khi xác thịt chưa chịu bị đóng đinh (Galati 2:20), trí não của hồn chưa được thánh hoá, và tâm linh chưa được đầy dẫy Đức Thánh Linh.

 

Nhưng cũng có một số người đã trải qua sự thăm viếng của Đức Thánh Linh và kinh nghiệm sự xức dầu đặc biệt, vì thiếu cảnh giác, cũng không kềm chế tánh say mê danh vọng, đã sa chước cám dỗ của ma quỷ, toan tính hãm hại hay liên tiếp nói những lời công kích người khác, tạo tiền đề cho những lời nguyền rủa thành hình dần. Rồi tới một thời điểm chín mùi, sự nguyền rủa phát tác không sao ngăn chận được. Thiệt hại xảy ra, tình hiệp nhất đổ vỡ rất khó hàn gắn.

 

Làm thế nào mà một Cơ-đốc-nhân có thể nguyền rủa một tín hữu khác, là người cũng mang hình ảnh Đấng Christ trong lòng như mình? Sứ đồ Phaolô cảnh cáo: “Nếu anh em cắn nuốt nhau, hãy coi chừng kẻo anh em tiêu diệt nhau” (Galati 5:15). Đây là lời Đức Thánh Linh cảnh báo mọi tín hữu về các sự nguyền rủa xảy ra trong Hội-thánh. ‘Cắn nuốt’ không mang nghĩa đen là ăn thịt người khác, nhưng có nghĩa là cố ý hạ thấp hay phá huỷ danh dự hoặc thánh vụ của một tín hữu bị mình ghét. Cố ý là có suy tính trong lòng. Vì vậy, nó diễn tiến bằng việc nói những lời chứng dối nghịch người kia. Kế đó tìm cách ngấm ngầm hãm hại đối tượng bằng sự nói xấu sau lưng, phao tin đồn hiểm ác để người đó bị các anh chị em tín hữu khác nhìn hay tiếp xúc với sự ngại ngùng, e dè. Sau đó nói lời dối trá để cô lập và ly gián người ấy với những người vẫn thân thiết với họ.

 

Những cách thức nầy đều xảy ra tương tự nhau ở mọi nơi. Chứng dối là khi chỉ biết một nửa câu chuyện rồi phao truyền lung tung như thể mình có mặt tại chỗ. Thật ra chỉ là nghe nói lại, tin tức đã bị xào nấu. Kế đó là dùng ảnh hưởng của mình phát tán tin đồn, những ý kiến suy diễn có thêm mắm muối. Nghe ngóng rồi phổ biến thêm thông tin bịa đặt như thể chúng là các sự kiện có thật. Kéo bè kéo cánh, thu nhận thêm bất cứ đồng minh nào đang bất đồng ý kiến với người kia, chẳng cần biết đúng hay sai, miễn là họ sẵn sàng đứng về phe mình. Hết sức nỗ lực để ly gián và cô lập càng nhiều càng tốt. Trong khi đó xử sự theo kiểu hai mặt, ăn nói hai lời và sống giả hình. Tất cả những việc kể trên dù xảy ra giữa các tín hữu với nhau, hoặc do tín hữu khơi mào nhưng được mục sư hỗ trợ, hoặc nẩy sinh do các mục sư tranh chấp, đều là tội lỗi bị Chúa nhờm tởm.

 

Có một số nơi, và đối với một số tín hữu, cắn nuốt anh chị em tín hữu khác là cách sống, hay cách xử sự bình thường của họ. Bất cứ một sự tấn công tai hại nào, thường là bằng lời nói, nhắm vào các anh chị em tín hữu khác, kể cả những lời nói xấu, lời nguyền rủa, đều bị xem là cắn nuốt anh chị em mình trong Chúa. Việc nầy có thể là giữa cá nhân nầy với cá nhân kia, hoặc giữa một nhóm bè đảng chống nghịch một cá nhân hay một nhóm khác. Như vậy, những người có lối hành xử như đã mô tả có phải là Cơ-đốc-nhân hay không? Câu trả lời là: Đúng, họ là những người tin nhận Đức Chúa Giêxu Christ và hứa nguyện bước đi theo Ngài; nhưng về mặt con người xác thịt họ vẫn có thể bị thúc giục và điều khiển bởi thứ uế linh kiêu căng còn nán lại trong lòng họ.

 

Trong sự nguyền rủa thì cả lòng và tâm trí cộng tác chặt chẽ với nhau. Bởi vì để nguyền rủa thì tâm trí phải suy nghĩ, và nguyền rủa bắt đầu từ bộ óc. Cũng thế, sự rủa sả bắt đầu từ phản ứng của cảm xúc, một hoạt động của tấm lòng. Vì thế nguyền rủa không phải chỉ là phản ứng xấu đối với người mình không ưa. Nó hơn thế nữa. Nó vượt lên trên sự xung khắc cá nhân, hay sự không đồng ý chẳng kềm chế nổi. Nó có nguồn gốc ganh ghét hay thù hận sâu xa đã bị ôm ấp lâu ngày; bây giờ lớn dần lên và cưu mang trong lòng. Rồi tới một thời điểm những thứ đó phát lộ ra thành lời nói. Thông thường thì vũ khí được các tín hữu lựa chọn để tấn công nhau là lời nói. Lời Kinh thánh chép: “Kẻ nói (lời) chứng dối chống lại người lân cận mình khác nào một cái dùi cui, một cây gươm, một mũi tên nhọn” (Châm-ngôn 25:18). Vì vậy, lời nguyền rủa không phải là vô hại.

 

Đức Chúa Giêxu dạy trong ‘Bài Giảng Trên Núi’: “Các con đã nghe lời phán dạy cho người xưa rằng: ‘Chớ giết người; nếu ai giết người thì phải bị toà án xét xử.’ Nhưng Ta bảo các con: Ai giận anh em mình cũng đáng bị toà án xét xử; ai mắng anh em mình là ‘ngu xuẩn’ thì đáng bị Hội-đồng Công-luận xét xử; ai mắng anh em mình là khùng điên thì đáng bị lửa địa ngục hình phạt(Mathiơ 5:21–22). Như vậy, Chúa cho biết chữ ‘khùng điên’ (Raca) là một lời nguyền rủa quá nặng đối với anh em trong Chúa với nhau. Một tín hữu đi tới chỗ nguyền rủa người khác do nghĩ rằng sự tức giận và ghét bỏ của mình có thể chấp nhận được; và những cách trả thù của mình vẫn có thể biện minh được. Chắc rằng những sự trả đũa của mình đối với người mình ghét sẽ được Đức Chúa Trời chấp nhận. Với tâm lý suy nghĩ như vậy, việc tiến tới hành động nói ra lời nguyền rủa chỉ là thời gian mà thôi. Chúng ta hãy suy xét và giữ mình về vấn đề nầy trước mặt Chúa.

VanDeQuanTrong03.docx  (Sách tham khảo: Breaking Christian Curses, của Dennis Cramer)

Rev. Dr. CTB