Chúa Nhật, May 11th, 2014

Mother’s Day


Mác 7:24–30

Tình người mẹ yêu thương con cái mình luôn luôn làm xúc động lòng của những người làm con. Ai được sinh ra đời cũng có một người mẹ. Tình mẹ yêu con là tình yêu hy sinh không bến bờ.

Chỉ khi nào người con lớn lên, lập gia đình, sinh con cái và nuôi nấng chúng tới khi lớn khôn thì mới hiểu được nỗi khổ cực của vai trò làm mẹ; nhất là làm mẹ trong thời đại xã hội chưa khai phóng, bối cảnh kinh tế, văn hoá còn nhiều thiếu thốn và quan điểm đời sống còn vô số điều cấm kỵ, hẹp hòi.

Những bà mẹ vui sướng và hạnh phúc biết bao khi con cái khôn lớn, khoẻ mạnh, vui vẻ, hiếu thảo, và thịnh vượng. Ít có bậc cha mẹ nào trông mong con cái mình sẽ báo đáp công ơn yêu thương và nuôi dưỡng. Họ chỉ mong cho con được đầy đủ và hạnh phúc là đã mãn nguyện. Trái lại, lòng cha mẹ sầu khổ biết bao khi con mình bị tật bệnh, hoạn nạn, khổ sở, túng quẫn, vv.

Trong chuyện tích nầy, bà mẹ người Hy-lạp, sinh quán ở Phoenicia thuộc Sy-ri có lẽ đã nghe danh tiếng của Đức Chúa Giêxu và ao ước có ngày được thấy Chúa tới thăm quê hương của bà.

Tyre và Sidon nằm ở phía tây bắc của xứ Ga-li-lê; bây giờ thuộc nước Li-băng. Nếu chúng ta không để ý là cộng đồng Do-thái ở đó không đông, thì dễ sinh ra thắc mắc tại sao Chúa có tinh thần dân tộc hẹp hòi, và tại sao lời nói của Ngài có vẻ quá tàn nhẫn đối với người đàn bà khổ đau vì đứa con gái bị quỷ ám.

Nếu Ngài đến thế gian chỉ để cứu người Do-thái, thì việc Ngài tới vùng Tyre và Sidon là không ích lợi bao nhiêu. Nhưng vì Đức Chúa Trời vẫn luôn có chương trình định trước cho mỗi người; cho nên, người phụ nữ ở Tyre được gặp Đức Chúa Giêxu không phải là tình cờ. Nghĩa là Ngài đến đó để bà có cơ hội xin Chúa trừ quỷ cho con mình.

Chúng ta biết lòng người mẹ không muốn thấy con mình bị quỷ hành hạ, nhưng các thầy pháp đều bất lực trước quyền lực của thế giới tối tăm. Vì một khi quỉ đã tìm được lối nhập vào người nào, thì chỉ uy quyền cao hơn trong linh giới mới đuổi con quỷ đó ra được.

Người bị quỷ nhập thì khác với người sống dưới quyền lực của thế giới tối tăm nhưng chưa bị nhập. Người bị quỷ nhập không làm chủ được hành động của mình. Quỷ sẽ điều khiển thân thể của người đó để thực hiện các ý định của nó.

Vì quỷ là tà linh hay uế linh thuộc về linh giới, khi nó nhập vào người nào thì nó làm chủ phần linh và xác của người bị nhập, người ấy chẳng còn lý trí, ý chí, hay cảm xúc của con người bình thường nữa; chứng tỏ cả phần hồn của người đó đã bị tê liệt.

Khi quan sát người bị quỷ nhập, chúng ta sẽ hiểu những gì đang diễn ra bên trong người nầy. Mọi việc, từ lời nói, giọng nói cho đến hành vi cử chỉ đều khác lạ, không phải con người mà mọi người vẫn biết. Người ấy chỉ trở lại bình thường sau khi quỷ bị trục xuất.

Vì lý do nào quỷ có thể nhập người? Không phải quỷ muốn nhập ai cũng được. Khi nào cửa linh hồn của một người mở ra bởi một số lý do, thì lũ quỷ mới có lối nhập vô và chiếm hữu người ấy được. Bị quỉ ám ảnh là tình trạng khác và nhẹ hơn bị quỷ nhập hay chiếm hữu.

Cô con gái của bà mẹ người Hy-lạp có lẽ đã bị quỷ nhập vì gia đình thờ cúng hình tượng và tà thần; hoặc cô vô tình có dính líu tới những tập tục cúng thờ của người ngoại bang bị Đức Chúa Trời kinh tởm.

Dân ngoại ở Ca-na-an biết họ bị người Do-thái khinh bỉ; tuy vậy bà mẹ nầy vẫn hy vọng con mình sẽ được Đức Chúa Giêxu giải thoát khỏi quỷ dữ. Khi nghe nói có Đức Chúa Giêxu đến gần nhà mình, tình yêu thương con lớn hơn mọi điều sợ hãi. Đức tin của bà phải mãnh liệt lắm mới khiến bà dám đến phủ phục dưới chân Đức Chúa Giêxu (25).

Bà xin Ngài đuổi quỷ ra khỏi con gái mình. Đức Chúa Giêxu bảo bà: ‘Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì lấy bánh của con cái mà ném cho chó ăn là điều không phải lẽ.’ Nhưng bà thưa rằng: ‘Lạy Chúa, đúng là vậy, nhưng mấy con chó dưới bàn vẫn được ăn những miếng bánh vụn của con cái” (26–28).

Suy nghĩ về các lời đối đáp ở chỗ nầy sẽ giúp chúng ta thấy được tình yêu con của người mẹ bao la biết bao.

Có lẽ nhiều người đàn bà thời nay nghe nói như vậy sẽ nổi tam bành đáp lại nặng lời. Nhưng người mẹ nầy vẫn nhẫn nhục chịu đựng sự thử thách của lời nói có vẻ lăng mạ người chẳng may bị sinh ra trong một dân tộc bị rủa sả. Bà biết địa vị của dân ngoại bang trong mắt của người Do-thái là không đáng để giao thiệp.

Câu nói nhẫn nhịn của người mẹ đau khổ ấy ẩn chứa một đức tin mãnh liệt vào quyền phép tối thượng của Đức Chúa Giêxu. Bà tin rằng con bà chỉ cần hứng được một vài mảnh vụn ơn phước rơi rớt từ Chúa ban ra cho dân Do-thái thôi, thì cũng đủ cứu con gái bà khỏi nanh vuốt của quỷ dữ. Phát biểu ấy cũng công khai xưng nhận Đức Chúa Trời là Chúa và Chủ của nhân loại, dù trong đó bà và con mình bị xem không đáng giá chi.

Đức tin của bà được đền đáp xứng đáng. Đức Chúa Giêxu công nhận đức tin của bà là rất lớn và Ngài phán: “Con về đi! Bởi lời con vừa nói mà quỷ đã ra khỏi con gái con rồi” (29). Người mẹ nghe lời đó mừng rỡ biết bao! Một đức tin hết sức giản dị với lời nói có thái độ khiêm tốn, chân thành, đã làm cho con gái bà được giải thoát khỏi quỷ dữ.

Nếu chẳng bởi thái độ khiêm nhường cộng với đức tin mạnh mẽ, thì người mẹ nầy vẫn tiếp tục đau khổ; còn đứa con thì vẫn bị ma quỷ hành hạ không biết tới bao giờ.

Câu chuyện nầy chẳng những nói về tình yêu thương bao la của người mẹ dành cho đứa con khốn khổ, mà còn là bài học về đức tin nữa.

Có lẽ phụ nữ nầy đã nhiều lần nghe thuật lại về danh tiếng chữa bệnh và trừ quỷ của Đức Chúa Giêxu. Có thể là những người quen biết với bà từng tới vùng Ga-li-lê hoặc xứ Giu-đê trong các chuyến đi giao dịch mua bán và nghe người ta bàn tán về quyền phép chữa bệnh của Ngài.

Cũng có thể vài người trong số họ đã từng chứng kiến hoặc được Ngài chữa bệnh cho rồi trở về quê kể lại. Những câu chuyện ấy đến tai người phụ nữ nầy và tạo nên một niềm hi-vọng.

Bây giờ nghe người ta nói Đức Chúa Giêxu đang ở trong nhà kia, thì bà bỏ hết các việc đang làm để chạy đi tìm Chúa. Cuối cùng bà được mãn nguyện.

Lòng mẹ ngày xưa và ngày nay vẫn có cùng một bản chất, nhưng nhiều phụ nữ thời nay chỉ muốn được thoả mãn mọi điều ao ước về vật chất trong đời sống tạm bợ ở thế gian.

Một nhóm người khác thì tệ hơn vì chỉ nhắm vào sự thoả mãn nhục dục. Những người đạo đức và còn luơng tri đều ngán ngẩm trước một xã hội mà người dân sẵn sàng chà đạp nhau, cướp bóc của nhau để hưởng miễn phí vài món rất tầm thường.

Tuy rằng ở đâu cũng có những người mẹ mang tâm hồn cao thượng, đặt hạnh phúc của con trên hạnh phúc bản thân; nhưng ngày nay rất khó thấy những bậc nữ lưu có gương đức tin chói loà như người đàn bà Ca-na-an gốc Hy-lạp nói tới ở đây.

Những phụ nữ ngày nay đã là con cái Chúa và đang giữ vai trò của những người mẹ cần phải suy gẫm về chuyện tích nầy.

Chúng ta ngày nay là quá may mắn và hạnh phúc hơn người phụ nữ ở xứ Ca-na-an khi xưa. Quý bà ở đây chẳng những được sống trong thời đại văn minh, lại còn cư trú trên một đất nước giàu sang và hùng cường nhất thế giới. Về mặt vật chất, thì đầy đủ và sung túc với vô số tiện nghi gấp bội thời khốn khó ngày trước.

Nhưng về mặt tâm linh thì sao? Chúng ta có quen biết thân mật với Đấng cầm quyền ở cõi thiên đàng không? Có đương nhiên hưởng mọi quyền lợi chỉ dành cho con cái Chúa không?

Hãy duy trì mối liên hệ quý báu với Chúa, mà người chưa tin đều ao ước. Ăn bánh nguyên vẫn quý hơn nhiều so với các mẩu bánh vụn.

Người nào thấy mình chưa ở vào địa vị được Chúa xem là con cái Ngài thì phải gấp rút thay đổi tình trạng của mình cáng sớm càng tốt.

Thời ấy, người phụ nữ Ca-na-an muốn trở thành một phụ nữ Do-thái là không thể thực hiện được; ngoại trừ người đó được một người Do-thái cưới về làm vợ.

Ngày nay, bất cứ ai muốn trở thành con cái Chúa đều có thể thực hiện một cách dễ dàng; bởi vì Đức Chúa Giêxu Christ đã dùng sinh mạng Ngài xoá bỏ hàng rào ngăn cách, để bất cứ ai cũng có thể tin nhận Ngài là Đức Chúa Trời đã xuống trần làm người, gọi là Ngôi Lời nhập thể, tin rằng Ngài đã chịu chết thay cho tội lỗi của mọi người, ăn năn tội và tiếp nhận Ngài làm Chúa Cứu Thế của đời mình, thì người ấy được tha tội và hưởng mọi quyền lợi của con cái Chúa.

DucTinNguoiMe14.docx

Rev. Dr. CTB