Sách Công Vụ, bài 39
Công Vụ 20:1–16
Sứ đồ Phao-lô chẳng khi nào đánh mất ước vọng mở mang Nước Chúa ở một vùng đất mới, khai phá những cánh đồng mới. Mặc dù chương trình tương lai trong ước muốn của ông là thăm viếng thành phố Rô-ma, nhưng đó chỉ là một trạm nghỉ chân mà ông muốn ghé qua trên đường đi tới cánh đồng kế tiếp: Nước Tây-ban-nha:
“Nhưng hiện nay, không còn nơi nào trong các vùng nầy cho tôi truyền giảng nữa; lại vì từ bao năm nay, tôi vẫn mong mỏi đến thăm anh em, nên tôi hi vọng sẽ ghé thăm anh em khi nào tôi đi Tây-ban-nha, và sẽ được anh em tiễn tôi qua đó, sau khi được ở lại với anh em ít lâu cho thoả lòng” (Rô-ma 15:23–24).
Trước khi rời Ê-phê-sô về Giê-ru-sa-lem, “Phao-lô triệu tập các môn đồ lại, khích lệ họ rồi từ biệt, lên đường đi Ma-xê-đoan. Ông đi khắp miền trong xứ đó, dùng nhiều lời khuyến khích anh em, rồi đến Hy-lạp. Ở Hy-lạp được ba tháng” (1–3).
Qua các lời tường thuật nầy, người đọc tưởng rằng Phao-lô sẽ đi thẳng tới Phi-líp, xứ Ma-xê-đoan, vì Lu-ca không kể lại chặng dừng chân tại Troas của ông. Nhưng chúng ta khám phá chi tiết nầy trong thư Phao-lô viết cho Hội-thánh tại Cô-rinh-tô: “Khi tôi đến Troas truyền giảng Tin-lành của Đấng Christ, Chúa đã mở cửa cho tôi. Vì không gặp Tít, người anh em của tôi, nên tôi chẳng an tâm, đành từ giã anh em ở đó, qua xứ Ma-xê-đoan” (2Cô-rinh-tô 2:2, 3).
Lần ghé Troas nầy không phải là lần Phao-lô thấy khải tượng một người Ma-xê-đoan nài nỉ ông đến giúp đỡ họ (Công Vụ 16:7-10); bởi vì trong lần đó Phao-lô chưa dừng lại để truyền giảng cho người dân ở thành phố cảng Troas. Lần nầy ông ở lại truyền giảng cho họ trước khi qua Ma-xê-đoan, vì Chúa đã mở cửa cho ông tại Troas.
Điều rất đáng ngạc nhiên là trong cả sách Công-Vụ, Luca không đề cập chút gì về Tít, vừa là môn đồ, vừa là con tinh thần của Phao-lô (Tít 1:4). Nghĩa là Lu-ca có định ý không nhắc đến Tít.
Rời Troas đi Ma-xê-đoan, có lẽ Phao-lô ghé lại Phi-líp một thời gian khá lâu. Trước đó, ông đã sai Ti-mô-thê và Ê-rát qua Ma-xê-đoan khi ông còn nán lại Ê-phê-sô (Công Vụ 19:22).
Sở dĩ chúng ta đoán ông lưu lại Phi-líp lâu ngày vì ông viết thư 2Cô-rinh-tô tại đó, và vì ông nói cho tín hữu ở Rô-ma biết về các việc Chúa dùng ông làm tại xứ Y-ly-ri (Rô-ma 18–19), một tỉnh nằm về phía Bắc của Ma-xê-đoan, là phần lớn lãnh thổ của nước Nam-Tư sau nầy.
Luca không ký thuật chút gì về việc Tin-lành đến xứ Y-ly-ri; cũng không có tài liệu nào khác nói tới. Các học giả Kinh-thánh tin rằng Phao-lô lưu lại Phi-líp khoảng một năm rưỡi để làm bàn đạp truyền giáo cho xứ Y-ly-ri.
Và trong thời gian ở Ma-xê-đoan lần nầy, chắc chắn Phao-lô đã trở lại thăm viếng Hội thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca và Berea, vì “ông đi khắp miền trong xứ đó” (2). Mặc dù Luca không nhắc gì đến Tít, nhưng Tít đã tới Cô-rinh-tô theo sự điều động của Phao lô trong lúc ông đang ở xứ Ma-xê-đoan (2Cô-rinh-tô 7:5–7).
Nếu việc không nhắc đến Tít là định ý của Luca, thì chúng ta đoán Tít đã cùng với Phao-lô truyền giáo ở xứ Y-ly-ri; cho nên Luca cũng không nói gì tới việc mở mang Tin-lành ở Y-ly-ri trong suốt sách Công Vụ.
Rời xứ Ma-xê-đoan, Phao-lô trở lại thăm Cô-rinh-tô thuộc xứ A-chai của Hy-lạp và ở đó ba tháng. Có lẽ Ti-mô-thê và Ê-rát cũng tháp tùng ông trong chuyến về thăm viếng các Hội-thánh xứ Hy-lạp.
“Phao-lô sửa soạn đi tàu về Sy-ri, nhưng vì người Do-thái lập mưu hại ông, nên ông quyết định đi đường bộ qua Ma-xê-đoan mà về” (3). Đi trên một chuyến tàu đầy người Do-thái rắp tâm thủ tiêu Phao-lô thì quá nguy hiểm. Trước đây, họ bị thất bại khi định lợi dụng tổng trấn Ga-li-ôn (Công Vụ 18:12–16), nên lần nầy họ lập mưu khác. Một bản Tân-ước cổ khác ghi rằng Đức Thánh Linh bảo ông đi về qua ngả Ma-xê-đoan.
Trở lại Phi-líp lần nầy, có bảy người lãnh đạo các Hội-thánh xứ Ma-xê-đoan đi qua Troas trước và chờ tại đó, trong khi Phao-lô và Lu-ca ở lại Phi-líp (4–5). Sở dĩ người ta nhận ra chi tiết nầy vì Lu-ca chuyển sự xưng hô ở ngôi thứ nhất thành ‘chúng tôi’ để nói về các hoạt động kế tiếp của Phao-lô. Cũng chi tiết ấy cho thấy lâu nay Lu-ca ở lại Phi-líp (6).
Bảy ngày ở Troas (6), là kỳ họp giữa các vị lãnh đạo Ma-xê-đoan với người thầy Phao-lô của họ. Với một người năng nổ như Phao-lô, ông sẽ tận dụng thì giờ và cơ hội để truyền đạt và huấn luyện càng nhiều càng tốt.
“Ngày thứ nhất trong tuần lễ, chúng tôi họp nhau dự lễ bẻ bánh” (7). Theo chi tiết nầy, thì cho tới năm 57 A.D., Chúa Nhật đã là ngày thờ phượng chính thức của các Hội-thánh thời ấy, mặc dù Thứ Bảy là ngày thờ phượng của Do-thái-giáo.
Sự thay đổi ngày thờ phượng từ Thứ Bảy sang Chúa Nhật từ thời đó phần lớn do thông lệ và ý kiến chung chứ không phải do mệnh lệnh nào từ Kinh-thánh bắt buộc. Con dân Chúa thời ấy đổi ngày thờ phượng sang Chúa Nhật, thay vì Thứ Bảy, là để kỷ niệm và tôn kính ngày Đức Chúa Giêxu phục sinh.
Chứng cớ về buổi nhóm chung của Hội-thánh vào Chúa Nhật cũng tìm thấy ở 1Cô-rinh-tô 16:2. Và ngày thứ nhất trong tuần lễ được các thánh đồ gọi là “Ngày của Chúa” (Didache 14:1).
Lý do cần phải nói rõ việc nhóm thờ phượng vào Chúa Nhật không phải là một quy định của Kinh-thánh, để giúp làm sáng tỏ những thông lệ của Hội-thánh ngày nay. Bởi vì nhiều niềm tin và cách hành đạo của Hội-thánh cũng chẳng có những quy định bắt buộc của Kinh-thánh. Ví dụ như giáo lý “Ba Ngôi,” vấn đề giải phóng nô lệ, đuổi quỷ ra khỏi tín hữu, xây dựng nhà thờ, tiến hành cuộc chiến linh giới, hoặc hướng dẫn người mới tin cầu nguyện tiếp nhận Chúa, vv, đều chẳng có mệnh lệnh nào ghi trong Kinh-thánh. Nhưng không điều nào trong các điều đó trái ngược Kinh-thánh cả. Chúng ta thực hiện chúng theo ý nghĩa chung của Kinh-thánh và ý muốn của Chúa.
Tận dụng thì giờ ít ỏi còn lại, Phao-lô “giảng luôn cho đến nửa đêm” trong một phòng họp ở trên lầu có thắp nhiều đèn (7–8). Hình như chuyện ngủ gục trong khi nghe giảng rất thường xảy ra trong bất cứ buổi nhóm nào.
Buổi nhóm và giảng dạy ghi ở chỗ nầy là buổi nhóm chung cho mọi tín hữu của Hội-thánh Troas non trẻ. Nó bắt đầu từ sáng Chúa Nhật cho tới nửa đêm. Vì vậy, cậu thanh niên Ơ-tích không thức nổi. Có lẽ phòng nhóm không đủ chỗ ngồi cho mọi người dự nhóm nên cậu phải ngồi trên ngưỡng cửa sổ tầng thứ ba; cho nên, cậu ngã nhào xuống đất và chết (9).
“Phao-lô đi xuống, sấp người ôm xác cậu và nói: ‘Đừng bối rối, linh hồn còn ở trong cậu!’ Ông trở lên, bẻ bánh ăn, và tiếp tục giảng dạy cho đến tảng sáng mới lên đường. Người ta đem cậu về, được an ủi lắm vì cậu sống” (10–12).
Trong Kinh-thánh Cựu-ước lẫn Tân-ước có ghi chín trường hợp người chết được sống lại. Đây là trường hợp chót. Ngày nay, những tín hữu thật lòng tin Chúa thì vẫn tin rằng Chúa vẫn khiến người sống lại từ cõi chết. Nhưng một số phái nghi ngờ và không tin điều đó, kể cả quyền phép chữa bệnh. Họ muốn có thể giải thích mọi việc theo quan điểm và lý luận của khoa học thực nghiệm, chứ họ không tin Đức Chúa Trời vẫn thi thố những việc siêu nhiên trong thế giới ngày nay.
“Phao-lô muốn đi đường bộ, nên xếp đặt cho chúng tôi đi tàu qua A-sốt trước, rồi chờ ông tại đó” (13). Không ai biết vì lý do gì Phao-lô đi bằng đường bộ đến A-sốt, thay vì đi tàu chung với đoàn của ông; vì đi bộ lâu hơn và rất mệt nhọc. Có thể Đức Thánh Linh bày tỏ cho ông biết ông không nên đi tàu. Hoặc ông cần thì giờ đi riêng một mình để suy gẫm những điều sâu nhiệm mà Chúa chỉ dẫn ông. Dù vì bất cứ lý do gì, Phao-lô đã gặp lại đoàn của mình tại A-sốt, cùng họ “xuống tàu đi tới Mi-ty-len” (14).
Tàu chạy ba ngày qua đảo Chi-ô, Sa-mô, rồi tới Mi-lê (15). Lý do Phao-lô không muốn mất thì giờ tại Ê-phê-sô là vì ông muốn dành thời gian hội họp những người lãnh đạo Hội-thánh mà ông đã dày công huấn luyện (16), tức là những trưởng lão của Hội-thánh Ê-phê-sô; bởi vì nếu ông ghé lại Ê-phê-sô, thì ông phải dành thời gian giảng dạy cho tất cả. Mà chắc chắn có nhiều tín hữu vẫn mong muốn gặp lại người thầy của họ.
Lu-ca ghi lại lý do ông vội vàng là “vì ông vội đi, để nếu được, sẽ về đến Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Ngũ-tuần” (16).
Tất cả các ký thuật những bài giảng của Phao-lô trước đây đều là giảng cho người chưa tin Chúa, dù người dân thường hoặc những người có chức quyền. Phần tiếp theo là bài giảng duy nhất cho những người lãnh đạo Hội-thánh.
SachCongVu39.docx
Rev. Dr. CTB