Sách Công Vụ, bài 40
Công Vụ 20:17–38
“Từ Mi-lê, Phaolô nhắn tin sang Ê-phê-sô, mời các trưởng lão của Hội-thánh đến gặp ông” (17). Với uy quyền của một sứ đồ, người sáng lập, giáo sư đào tạo, và người thầy cố vấn của tất cả những người lãnh đạo Hội-thánh tại Ê-phê-sô, lệnh triệu tập của sứ đồ Phao-lô có thẩm quyền rất lớn, khiến mọi người đều phải vâng phục.
Có ba từ ngữ đặc biệt được dùng ở câu 17 và 28 để chỉ về cùng một nhóm người mà Phao-lô đã huấn luyện họ:
Trưởng lão = presbyteros (elders) là những người cai quản và điều hành Hội-thánh;
Người chăm sóc = episkopos (overseers), thường gọi là giám mục, người chỉ huy một số mục sư;
Người chăn dắt = poimen (pastor), tức là mục sư.
Những người nầy là hàng lãnh đạo của Hội-thánh địa phương, khác với các chấp sự (deacons).
Vào thời ấy người ta đi bộ từ thành phố nầy đến thành phố khác. Từ Ê-phê-sô tới Mi-lê mất hai ngày đi bộ. Lu-ca không ghi rõ có bao nhiêu người từ Ê-phê-sô đã tới dự cuộc họp cấp lãnh đạo nầy.
Các Hội-thánh của Chúa ở mọi nơi từ thế kỷ đầu sau công nguyên cho tới thế kỷ thứ ba đều chưa có chỗ nào xây cất nhà thờ. Tất cả đều nhóm họp thờ phượng Chúa và học đạo ở các tư gia (20). Cho nên, phải có nhiều điểm nhóm tư gia tại Ê-phê-sô; và do đó, có nhiều mục sư, giám mục và trưởng lão là những người lãnh đạo các nhóm tư gia đã tới dự cuộc họp nầy.
Tới đầu thế kỷ thứ tư, hoàng đế La-mã Constantine mới xây dựng giáo đường đầu tiên của Hội-thánh.
Vì thế, một số nhà giải kinh cũng như một số học giả Kinh-thánh tin rằng các nhóm tư gia ấy không có cơ hội nhóm chung một chỗ, vì không nhà nào đủ rộng để chứa nhiều trăm tín hữu đến nhóm họp chung với nhau; và những người lãnh đạo của từng nhóm thường chỉ coi sóc vài chục người mà thôi. Khi có thêm người tin Chúa trong một nhóm, thì nhóm ấy nhân lên thành hai hay ba nhóm. Họ vẫn tích cực truyền giáo và giữ tình hiệp thông mật thiết giữa các nhóm với nhau. Vì lúc đó, dù sao Hội-thánh của Chúa vẫn còn là thiểu số ở một thành phố lớn như Ê-phê-sô.
Bài giảng của Phao-lô cho các vị lãnh đạo được Lu-ca ghi chép rất là vắn tắt. Toàn bài giảng được Lu-ca tóm tắt, nếu đọc lớn tiếng và chậm rãi, chỉ cần hai phút là xong.
Mặc dù ngày nay rất khó biết rõ những gì đã xảy ra khoảng gần 20 thế kỷ trước đây, nhưng khi nghiên cứu những lời của Phao-lô được Lu-ca ghi chép lại, chúng ta có thể suy đoán cuộc họp ngày đó không phải chỉ ngắn ngủi vài phút.
Hơn nữa, đây là bài giảng lần đầu tiên cho những người hầu việc Chúa được ghi lại thành văn tự của Hội-thánh thời sơ lập. Dựa trên những điều Lu-ca ghi chép tóm tắt về bài giảng, chúng ta nhận thấy nội dung bài giảng của Phao-lô có bốn phần, mà mỗi phần đều là quan trọng đối với những người lãnh đạo Hội-thánh ở mọi thời đại:
1. Sự phấn đấu gìn giữ tấm lòng của một người phục vụ (18–21). Lúc ở Ê-phê-sô khoảng hơn ba năm hoạt động truyền giáo, thành lập Hội-thánh, đào tạo người lãnh đạo, Phao-lô viết thư đầu tiên cho Hội-thánh tại Cô-rinh-tô. Trong đó ông thành thật tự xét lòng mình và không thấy điều gì sai trật: “Riêng phần tôi, dù có bị anh em hay toà án loài người xét xử, cũng không quan hệ gì. Chính tôi cũng không tự xét xử. Vì lương tâm không cáo trách tôi điều gì. Nhưng không phải vì thế mà tôi được coi là công chính. Chúa là Đấng xét xử tôi” (1Cô-rinh-tô 4:3–4). Rồi ông khuyên họ: “Tôi khuyên anh em bắt chước tôi” (4:16), tức là bắt chước tâm tình của ông tự xem mình chỉ là một người nô lệ của Đức Chúa Giêxu.
Tâm tình ấy giúp cho những ai phục vụ Chúa và anh chị em mình giữ được thái độ khiêm nhu, cùng biết rằng có lúc thành công mà cũng có lúc thất bại.
2. Biết cái giá phải trả của địa vị môn đồ (22–27). Một môn đồ chân thật luôn luôn vâng phục mệnh lệnh của thầy mình. Phao-lô được Đức Thánh Linh cho biết trước rằng những rắc rối, hoạn nạn của ông chẳng những chưa hết, mà chúng còn chờ đợi ông ở Giê-ru-sa-lem.
Ông biết cái giá ông phải trả để giữ vẹn địa vị một môn đồ của Đức Chúa Giêxu là rất cao: “Đến thành phố nào, Đức Thánh Linh cũng dạy tôi rằng lao tù và gian khổ đang đón chờ tôi” (23).
Môn đồ của Chúa không được Ngài dẫn đến chỗ giàu sang, chức tước, sức khoẻ sung mãn, hay hạnh phúc theo như ước muốn bình thường của người đời. Phao lô được biết Chúa sẽ dẫn ông đến lao tù và gian khổ, ông sẵn sàng chấp nhận.
Nói ra tâm tình mình, Phao-lô muốn nhắn nhủ các mục sư rằng họ phải tính cái giá phải trả khi chấp nhận nhiệm vụ lãnh đạo trong Hội-thánh, vì họ là môn đồ của Chúa. Lãnh đạo một Hội-thánh không phải là dễ dàng. Đối với một số người thì cái giả phải trả đôi khi là chính mạng sống của họ: “Nhưng tôi chẳng quý trọng mạng sống mình” (24).
Cái giá Phao-lô phải trả để trung thành với chức vụ sứ đồ là quá cao, nhưng với ông: “Miễn sao chạy cho xong cuộc đua, và nhiệm vụ Đức Chúa Giêxu uỷ thác cho tôi, là công bố tin mừng về ân điển của Đức Chúa Trời” (24).
Ông sẽ không được gặp lại những học trò thân yêu của ông nữa: “Bây giờ tôi biết là trong tất cả anh em, những người đã được tôi đến truyền giảng nước Đức Chúa Trời cho, sẽ không còn ai thấy mặt tôi nữa” (25).
Điều làm cho Phao-lô vững lòng là: “Hôm nay tôi xác nhận với anh em, tôi vô tội về máu của tất cả mọi người. Vì tôi không hề bỏ qua việc công bố tất cả ý chỉ của Đức Chúa Trời cho anh em” (26-27).
Như vậy thì người môn đồ của Chúa còn phải chịu trách nhiệm về sự hiểu biết tất cả ý chỉ của Đức Chúa Trời và truyền đạt mọi ý chỉ ấy cho tất cả người mà Chúa giao cho chăn dắt.
3. Cẩn thận về những kẻ giả mạo (28–31). Những người hầu việc Chúa cách trung thành phải trang bị cho mình một phẩm chất nữa là, có khả năng phân biệt anh em thật với anh em giả trong Hội-thánh. Bởi vì ma quỷ không chỉ tấn công từ bên ngoài bằng những điều dối trá, chúng sẽ tấn công từ bên trong bằng những anh em giả hiệu, là những người tìm lợi riêng, chăm chú vào danh vọng, hơn là ích lợi của bầy chiên hay sự phát triển của Vương-quốc Đức Chúa Trời.
Phao-lô ân cần dặn dò các học trò của ông: “Anh em hãy giữ mình và bầy chiên mà Đức Thánh Linh đã giao cho anh em chăm sóc, để chăn dắt Hội-thánh của Đức Chúa Trời mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình. Vì tôi biết sau khi tôi đi, sẽ có muông sói tàn bạo trà trộn vào, chẳng tiếc gì bầy chiên.” (28-29).
Làm sao nhận diện những kẻ nầy? Những ai lợi dụng tình thương yêu và tiền bạc của tín hữu để củng cố địa vị, phô trương thanh thế, mà không chăm chú vào sự trang bị tất cả những sự hiểu biết cần thiết cho đời sống tâm linh của tín hữu, thì thuộc vào hạng đó.
Một dấu hiệu nữa khá rõ ràng để mọi người biết và nhận diện những kẻ giả mạo là: “Trong anh em cũng sẽ có người đứng ra nói lời xuyên tạc, để lôi cuốn môn đồ” (30). Xuyên tạc để gây chia rẽ, tạo nghi ngờ và ác cảm là thủ đoạn ngàn đời của những người muốn lôi kéo môn đồ về với họ.
Các mục sư cần biết nhận diện loại người ấy để giữ mình và bảo vệ bầy chiên: “Vậy anh em hãy đề cao cảnh giác, đừng quên tôi đã đổ nước mắt khuyên bảo mọi người, ngày cũng như đêm trong suốt ba năm” (31).
4. Nguyên tắc xây dựng Hội-thánh tự lập (32–35). “Đức Chúa Trời và đạo ân điển của Ngài” (32) là Đấng và đường lối mà chúng ta có thể nương cậy. Đồng thời Phao-lô chỉ dẫn cho các môn đồ của ông nhớ lại nguyên tắc xây dựng Hội-thánh tự lập và tự túc, khi ông huấn luyện họ suốt 3 năm tại trường Ti-ra-nu.
Người lãnh đạo không được tham lam mà còn phải làm gương là không trở thành gánh nặng nuôi dưỡng của Hội-thánh (33–34). “Tôi đã chứng tỏ cho anh em biết, phải làm lụng khó nhọc như thế để giúp đỡ người yếu đuối, và phải ghi nhớ lời Đức Chúa Giêxu ‘cho có phước hơn là nhận’” (35).
Một Hội-thánh mới thành lập mà phải nuôi dưỡng cả gia đình của mục sư, thì nguồn tài chính bị kém thiếu, không thực hiện được những việc cần phải làm. Nhưng nếu người hầu việc Chúa có thể tự túc, không là gánh nặng tài chính, thì Hội-thánh sẽ sớm tự lập.
Cảnh chia tay thật là cảm động, vì các học trò của Phao-lô biết chắc là họ sẽ không có cơ hội gặp lại người thầy đã sinh họ ra trong Đấng Christ (36–38). Họ đã biết các ân tứ của Phao-lô. Ông chẳng những là một sứ đồ mà còn là một tiên tri với những sự khải thị chính xác. Họ cũng rõ ông luôn luôn thành thật trong lời nói, chẳng khi nào ông nói điều không thật để trấn an người khác.
SachCongVu40.docx
Rev. Dr. CTB