Chúa Nhật, May 18th, 2014
Các Vấn Đề Quan Trọng, 30
2Phi-e-rơ 1:3–11
Đức Chúa Giêxu trong địa vị Con Người vô tội đã chịu chết thay cho cả nhân loại, để bất cứ ai tin Ngài đều nhận được sự tha tội (Hê-bơ-rơ 9:15).
Trong thân thể Con Người, Ngài đã sống lại để ban sự sống vĩnh cửu cho những người tội đã được tha. Bởi vì bất cứ ai đã tiếp nhận Ngài chết thay cho mình và sẵn sàng hợp nhất với Ngài trong sự chết của Ngài, thì người ấy cũng sẽ nhận được sự sống của một tâm linh mới phù hợp với cõi thần thánh trên trời, vì Đức Chúa Giêxu đã phục sinh (Rô-ma 6:4–5).
Sau đó vẫn với vai trò Con Người, Ngài trở về thiên đàng để mở lối cho nhân loại từ nay có thể vào cõi thiên đàng qua thập tự giá, vừa là cái cổng, vừa là con đường dẫn đến cõi ấy (Hê-bơ-rơ 2:17; 4:16).
Sự mở lối ấy rất là quan trọng, vì từ ngàn xưa không người trần tục nào tìm được đường lên thiên đàng; bây giờ, con đường ấy rộng mở qua Đức Chúa Giêxu.
Sự hiểu biết nầy giải quyết được điểm khó khăn nhất của loài người xưa nay là: Mọi vĩ nhân đều bị hoàn toàn bế tắc trong việc đi tìm con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu; cũng không ai có thể tự giải thoát khỏi xiềng xích của tội lỗi, và không ai tránh được số phận hư vong vĩnh viễn. Bởi vì đó là những lãnh vực mà không người nào trong nhân loại có thể làm được.
Hơn thế nữa, do tâm tánh, tư tưởng, quan điểm, và bản chất của loài người ở trần gian không phù hợp với sự thánh khiết của cõi thiên đàng; cho nên, tâm linh chúng ta phải được sanh lại mới được vào đó (Giăng 3:3). Nhưng, cũng không ai trong nhân loại tự làm được việc ấy, phải nhờ quyền phép Đức Thánh Linh thực hiện trong lòng người tin (Giăng 3:4–5).
Tuy nhiên, Kinh-thánh cho biết thêm là tín hữu phải có lòng được thánh hoá mới được thấy Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 12:14).
Đây cũng là việc mà loài người không thể tự thực hiện được. Đức Chúa Giêxu phải ban Đức Thánh Linh vào lòng người tin để thi hành việc cứu và thánh hoá linh và hồn của người. Vì thế cho nên, Đức Thánh Linh phải hành động trong lòng người tin để thực hiện ba công tác: Tái sanh, cứu và thánh hoá. Cả ba việc nầy đều nằm trong ơn cứu độ của Ngài.
Mặc dù tất cả chúng ta đều không có khả năng thực hiện được ba công tác ấy, và chỉ cần lòng tin để được tái sanh và cứu chuộc, nhưng chúng ta vẫn phải cộng tác với Đức Thánh Linh trong tiến trình thánh hoá; nghĩa là biến đổi phần hồn từ tâm tánh xác thịt thành bản chất thánh thiện.
Vì lý do ấy, sứ đồ Phao-lô khuyên rằng: “Hãy lấy lòng sợ sệt run rẩy mà hoàn tất sự cứu rỗi của chính mình” (Philíp 2:12b).
Như đã nói ở trên, chúng ta không có khả năng làm những việc mà chỉ Đức Chúa Trời mới có thể làm; ngược lại, Đức Chúa Trời sẽ không thay thế chúng ta để làm những việc chúng ta có khả năng thực hiện. Việc đó là “hoàn tất sự cứu rỗi của chính mình” bởi một tấm “lòng sợ sệt và run rẩy.”
Chúng ta thường có rất nhiều sự thắc mắc khi thấy một tín hữu nào đó vốn được nhiều anh chị em khác xem như là một thánh nhân, nhưng lại có thể sa vào một tội lỗi tầm thường như người chưa từng có Chúa trong đời sống; vì chúng ta nghĩ rằng Đức Chúa Trời phải bảo vệ người ấy khỏi phạm tội. Suy nghĩ đó là sai lầm, vì Chúa không bắt buộc ai sống chính trực trước mặt Ngài; chính chúng ta phải hoàn tất sự cứu rỗi mà Ngài đã ban vào lòng ta.
Tuy nhiên, tất cả tín hữu đều nhận biết việc đó là vô cùng khó. Vì nếu thật sự nó là dễ dàng, thì đại đa số tín đồ Cơ-đốc-giáo ngày nay đều sống trong sự thánh thiện, làm gương sáng cho thế giới quanh mình, và chúng ta không bị sống trong một xã hội càng ngày càng băng hoại, suy đồi tới mức tột cùng như chúng ta đang thấy.
Nguyên do nào đã tạo nên sự khác biệt, hết sức tương phản giữa nếp sống đạo của đa số tín hữu trong Hội-thánh thời sơ lập so với nếp sống đạo của đa số tín hữu ngày nay?
Để có thể tìm ra nguyên nhân của vấn đề, chúng ta hãy xem xét những việc đã diễn ra tiếp theo sau ngày Đức Chúa Giêxu trở về trời. Trước đó, Ngài phán cho các môn đồ biết rằng họ sẽ nhận được quyền phép khi được báp têm bằng Đức Thánh Linh (Công Vụ 1:5, 8).
Mọi việc đều thay đổi sau khi điều Chúa phán trước đã xảy ra. Rồi từ một nhóm môn đồ nhỏ chừng 120 người của thế kỷ thứ nhất ra đi truyền giáo, đạo của Chúa do họ rao truyền đến nay đã thành tôn giáo lớn mạnh nhất thế giới, mặc dù họ chỉ dùng tình yêu thương, các biện pháp ôn hoà nhân ái để truyền giáo.
Và mặc dù vô số người ở tất cả các thời đại, vương triều, thể chế chính trị và các dân tộc đã thay nhau bắt bớ, cấm đoán, bách hại bằng mọi thủ đoạn tàn độc, dã man, bỉ ổi, và hèn hạ nhất mà chúng nghĩ ra được, thì Hội-thánh vẫn phát triển bởi công lao một số ít người đã nhận lãnh quyền phép của Đức Thánh Linh để sống đạo và truyền giáo một cách hiệu quả.
Đức Chúa Trời là Đấng đã dựng nên loài người, nên Ngài biết rõ khả năng của chúng ta làm được những gì và không làm được điều chi. Vì thế, Ngài biết chúng ta cần sự giúp đỡ để hoàn tất sự cứu rỗi của chúng ta bằng quyền phép thánh hoá của Đức Thánh Linh.
Nói cách khác, Ngài đã trang bị cho mọi con cái thật của Ngài bằng phép báp têm Đức Thánh Linh, để họ có thể tiếp tục tiến trình thánh hoá đời sống. Vì thế, tín hữu nào cũng cần phải được Đức Chúa Giêxu ban phép báp têm bằng Đức Thánh Linh.
Hiệu quả của phép báp têm ấy là giúp những người tin nào muốn thật lòng hoàn tất sự cứu rỗi sẽ vượt thắng bản chất xác thịt của con người cũ, quyết tâm mặc vào “con người mới, là người đã được tạo theo hình ảnh của Đức Chúa Trời trong sự công chính và thánh khiết của chân lý” (Ê-phê-sô 4:24b). Vì nếu không có sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh, chẳng ai có thể thành công trên bước đường thánh hoá.
Đức Thánh Linh giúp đỡ các con cái Chúa biểu lộ sự sống của Đức Chúa Giêxu qua thân thể của họ (2Cô-rinh-tô 4:10).
Mặc dù chúng ta không cần phải cố gắng gì hết, chỉ quyết định tin, để đạt được ơn cứu độ của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta phải hành động cách nào đó để bày tỏ ra ơn cứu rỗi ấy.
Sự chứng tỏ rằng mình đang nỗ lực hoàn tất sự cứu rỗi sẽ bộc lộ qua lời nói, cách suy nghĩ, những phản ứng của cảm xúc trong ta.
Người nào cho rằng mình đã nhận ơn cứu rỗi và biết chắc mình sẽ về thiên đàng, nhưng nếu ai hỏi thăm thì vẫn than van khổ sở, là một người hay càu nhàu cằn nhằn, bất cứ việc gì cũng làm theo ý riêng, nếu công việc không xảy ra theo ý muốn thì sẽ bất mãn, huỷ bỏ lời hứa, không màng tới lợi ích chung nữa, thì không có bằng chứng nào cho thấy người ấy đã được cứu và đang bước đi mạnh mẽ trên tiến trình thánh hoá.
Nói rằng Đức Thánh Linh giúp đỡ ta trên tiến trình thánh hoá, thì không có nghĩa rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta thói quen tốt hay các đức tính, phẩm hạnh cao quý.
Chính chúng ta phải biết luyện tập thói quen tốt, lập quyết định về đạo đức để thay đổi tâm tính; mặc dù điều đó vô cùng khó khăn ở giai đoạn đầu.
Nếu đã quyết định đi theo ý Chúa, thì đừng bao giờ tính toán rồi đổi ý kiến. “Anh em phải cố gắng hết sức để thêm cho đức tin mình lòng nhân đức, thêm cho nhân đức sự tri thức, thêm cho tri thức tính tiết chế, thêm cho tiết chế tính kiên nhẫn, thêm cho kiên nhẫn lòng tin kính, thêm cho tin kính tình huynh đệ, thêm cho tình huynh đệ tình yêu thương. Vì nếu anh em có những điều nầy và có dư dật, thì sẽ không sợ mình thiếu hiệu năng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Chúa chúng ta là Đức Chúa Giêxu Christ” (2Phierơ 1:5–8).
Thêm có nghĩa là chúng ta phải tập luyện những đức tính cần phải có để chúng trở thành thói quen giống như bản tính của mình vốn có vậy.
Nhưng để đạt đến tình trạng đó, chúng ta phải lập quyết định khởi sự thực hiện ngay lập tức chứ không chần chờ hay đợi khi thuận tiện. Quyết định có nghĩa là thực hiện liền và không đổi ý nữa.
Muốn như thế chúng ta phải làm cho việc thay đổi quyết định là không thể thực hiện được; giống như người xưa đi qua cầu rồi đốt cầu để không thể trở lại đường cũ. Vì nếu lối xưa còn đó, nó vẫn cám dỗ người ta quay trở về chỗ cũ.
Hãy tập lắng nghe tiếng Chúa một cách cẩn thận trong mọi việc. Tập thói quen tìm biết Ngài muốn nói gì với mình rồi làm theo.
Nếu chúng ta biết tìm cầu Chúa khi gặp khủng hoảng, thì biết rằng thói quen đã thành hình.
Hãy khởi sự từ tình trạng hiện nay, đừng đợi tới tương lai chưa đạt đến.
Hãy tập thêm để hoàn tất sự cứu rỗi mình bằng sự sợ sệt run rẩy, anh chị em sẽ thành công.
VanDeQuanTrong30.docx
Rev. Dr. CTB