Sách Công Vụ, bài 43

 savior-appears-paul-prison

Công Vụ 22:1–30; 23:1–11

Trong lần nói chuyện đầu tiên với quần chúng Do-thái ở Giê-ru-sa-lem, Phao-lô kể lại biến cố gặp Đức Chúa Giêxu làm thay đổi quan điểm, cuộc đời và cả vận mệnh của ông; như đã được Luca tường thuật đầy đủ ở Công Vụ 9:1–30; một biến cố đã xảy ra khoảng 25 năm trước, tính tới ngày dân Do-thái hung hăng bắt và đánh đập ông (1–19).

Người đọc Kinh-thánh cần nhớ rõ rằng trong số người đang đứng nghe Phao-lô nói, có cả những người Do-thái đã tin Đức Chúa Giêxu là Đấng Mết-si-a, tức là thành viên của Hội-thánh Giê-ru-sa-lem, chen lẫn những người chưa tin Ngài.

Mặc dù có lẽ họ không tham dự vào việc đánh đập Phao-lô, nhưng cũng không ra tay ngăn cản trong lúc đồng bào Do-thái của họ hùng hổ đối xử tàn bạo với một anh em trong Chúa.

Nguyên nhân nào khiến họ hành xử như vậy? Có phải vì họ là một nhóm thiểu số trong đám đông? Theo lời các trưởng lão của Hội-thánh tại Giê-ru-sa-lem thì số tín đồ người Do-thái đã lên tới mấy vạn người, và đa số những người đó đang có mặt ở Giê-ru-sa-lem.

Có thể họ không đồng quan điểm với Phao-lô về việc truyền giáo cho dân ngoại; cũng có thể họ muốn giữ sự hoà thuận với người Do-thái chưa tin đạo, nên không công khai đứng ra bảo vệ chính nghĩa.

Bởi vì xưa nay khi một cộng đồng thiểu số sống với môi trường thù nghịch chung quanh mình trong vài thập kỷ, thì họ không còn thấy những sự khác biệt sâu sắc về niềm tin là quan trọng nữa, nhưng muốn giữ sự thoải mái của đời sống không bị châm chọc hay bắt bớ.

Cũng có thể các trưởng lão của Hội-thánh tại Giê-ru-sa-lem thấy rằng nếu họ đứng với Phao lô và bênh vực công tác của ông, thì sẽ rước lấy hiểm hoạ bị người Do-thái kịch liệt chống đối và bắt bớ Hội-thánh.

Do đó, họ thấy rằng sự bảo toàn lực lượng của Hội-thánh là quan trọng hơn sự tử đạo của một người. Hoặc họ tin rằng Đức Chúa Trời có phương cách giải cứu Phao-lô ra khỏi tay của người Giu-đa.

Người Do-thái chỉ kiên nhẫn nghe Phao-lô kể chuyện tới chỗ ông tán thành việc giết Ê-tiên và còn đứng giữ áo xống của những người ném đá vào Ê-tiên nữa (20).

Nhưng họ nổi cơn cuồng nộ khi nghe Phao-lô kể Chúa phán: “Hãy đi! Ta sai con đến với các dân ngoại ở nơi xa xôi” (21). Bởi vì đối với người Do-thái, thì việc truyền bá Do-thái-giáo cho người ngoại bang là tốt, không có gì trở ngại. Nhưng làm cho người ngoại bang trở thành Cơ-đốc-nhân, mà trước hết không bắt họ theo Do-thái-giáo, là một điều đáng kinh tởm.

Đối với họ, điều đó chẳng khác gì xem người Do-thái và dân ngoại là bình đẳng, đều phải đến Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giêxu với cùng một điều kiện y như nhau; làm cho người Do-thái chẳng hơn gì ai cả. Ý tưởng đó khiến họ chịu không nổi; bởi vì họ luôn tự hào là một dân được Đức Chúa Trời tuyển chọn giữa thế gian.

Nghe Phao-lô nói đến đó, dân chúng nổi lên gào thét: “Hãy trừ hạng người như thế khỏi mặt đất! Nó không đáng sống nữa! Họ reo hò, ném áo, hất tung bụi đất lên trời” (22–23).

Viên sĩ quan chỉ huy hoặc là không hiểu tiếng Hê-bơ-rơ, hay là không biết cách suy nghĩ của người Do-thái về người ngoại bang; cho nên “ra lệnh đem Phao-lô vào đồn, bảo dùng roi tra khảo cho biết tại sao dân chúng reo hò chống đối ông như thế” (24).

Nhưng viên sĩ quan ấy “lo sợ khi biết người bị mình bắt trói là công dân Rô-ma” (25–29). Lý do nào khiến Phao-lô xưng mình là công dân Rô-ma, mà trong một hoàn cảnh tương tự trước đây ở thành phố Phi-líp, xứ Ma-xê-đoan, ông đã không tiết lộ quốc tịch Rô-ma của mình khi bị đánh đòn? (Công Vụ 16:22–23).

Chúng ta có thể đoán rằng lúc ở Phi-líp, Phao-lô có mối liên hệ thân thiết với các tín hữu nòng cốt của Hội-thánh mới thành lập. Nếu ông cậy quốc tịch La-mã để không bị bách hại, mà các tân tín hữu có thể không có quốc tịch ấy, thì sẽ không làm gương tốt cho họ.

Ở Giê-ru-sa-lem thì ông không có mối liên hệ với các tín hữu như ở Phi-líp; cho nên, sử dụng quốc tịch Rô-ma để tránh đòn vọt, sẽ chẳng ảnh hưởng gì tới tâm tình của tín hữu ở đó.

Từ thời đế quốc La-mã ngày xưa đến thế kỷ 20 cận đại, dân ở các nước bị các đế quốc đô hộ có thể dùng tiền để mua quốc tịch. Viên sĩ quan Claudius Lysias đã tốn nhiều tiền mới mua được quốc tịch La-mã, còn Phao-lô thì hưởng quyền lợi ấy từ khi sinh ra (28).

Những người chuẩn bị tra khảo ông lập tức rút lui (29), chứng tỏ luật pháp La-mã ngày đó hết sức nghiêm minh trong việc bảo vệ công dân của họ.

Hôm sau, muốn biết chắc tại sao người Do-thái tố cáo Phao-lô, vị chỉ huy mở trói cho ông, triệu tập các thầy trưởng tế và cả hội đồng, rồi đem Phao-lô xuống, để trước mặt họ”(30). Thông thường thì hội đồng hàng tỉnh của người Do-thái có thẩm quyền tư vấn và pháp lý. Nhưng hội đồng Sanhedrin ở Giê-ru-sa-lem là có thẩm quyền tối cao về việc đạo.

Đứng trước hội đồng Sanhedrin, “Phao-lô nhìn thẳng vào hội đồng, nói: ‘Thưa quý anh em, tôi đã sống trước mặt Đức Chúa Trời với một lương tâm trong sạch cho đến ngày nay’” (23:1). Vì “thầy tế lễ thượng phẩm A-na-nia ra lệnh cho những người đứng gần Phao-lô vả miệng ông” một cách trái luật nên bị Phao lô gọi là “bức tường quét vôi trắng” (23:2–3); có nghĩa hoặc là vách mộ bia bề ngoài quét vôi sạch sẽ, nhưng bên trong chứa xác chết hôi thối dơ bẩn; hoặc là vách tường trông có vẻ vững chắc, nhưng bị gió xô đổ sập. Cả hai ý nghĩa đều ngụ ý là đạo đức giả. Mặc dù mắng như thế, nhưng khi biết là thầy tế lễ thượng phẩm, thì Phao-lô vội nhận lỗi (3–5).

Vào thời Đức Chúa Giêxu ở thế gian và thời Hội-thánh sơ lập, thì chức vụ tế lễ thượng phẩm và các chức vụ lãnh đạo lẫn công việc phục vụ trong đền thờ đều do phái Sa-đu-sê của chi tộc Lê –vi nắm giữ. Nhưng việc dạy đạo, diễn giải luật pháp cho dân chúng, thì do người Lê-vi phái Pha -ri-si đảm nhiệm.

Và thành phần của hội-đồng Sanhedrin gồm có cả hai phái Sa-đu-sê lẫn Pha-ri-si kết hợp. “Phái Sa-đu-sê chủ trương không có sự sống lại, không có thiên sứ hay thần linhgì hết. Còn phái Pha-ri-si thừa nhận cả” (8).

Vì biết sự bất đồng sâu sắc về tín lý không thể hoà hợp giữa một bên tin có thần thánh, thiên sứ hiện hữu, và sự sống lại ngày sau, với một bên không tin các việc đó là thật, Phao-lô khai thác sự bất đồng ấy bằng cách khơi sự bất đồng ý kiến đó ra: “Thưa anh em, tôi thuộc phái Pha-ri-si, con của người Pha-ri-si. Tôi bị xét xử là vì niềm hi vọng của chúng ta, vì sự sống lại của người chết!” (6). Hơn nữa, điều ông nói là sự thật về niềm tin của ông.

Chiến thuật ấy đem đến kết quả lập tức: “Ông vừa nói xong, phái Pha-ri-si và phái Sa-đu-sê nổi lên tranh cãi nhau, và hội đồng chia làm hai phe” (7). Trước đó vài phút, Phao-lô là đối tượng thù nghịch của cả hai phái, nhưng khi ông nêu lên niềm tin của phái Pha-ri-si, có lẽ lâu nay bị phái Sa-đu-sê dùng quyền lực đè nén, thì phe Pha-ri-si thấy Phao-lô vừa là đồng tộc với họ, vừa là nạn nhân của cường quyền.

Họ bắt đầu to tiếng. Mấy thầy dạy luật phái Pha-ri-si đứng lên phản đối dữ dội: ‘Chúng tôi nhận thấy ông nầy chẳng có lỗi gì cả. Biết đâu thần linh hoặc thiên sứ đã nói với ông ta?” (9).

Ở đây, chúng ta thấy những người cùng phái sẵn sàng bênh vực nhau. Sự khác biệt niềm tin có lẽ bị trấn áp để giữ lễ nghi ở đền thờ được trang nghiêm, và có lẽ chưa khi nào phái Pha-ri-si có cơ hội tranh luận công khai ở giữa tập thể một buổi họp của hội đồng Sanhedrin. Bây giờ khi sự việc đã nổ ra, thì hố cách biệt càng bị đào sâu bởi sự tranh cãi đầy hăng hái của cả hai phe; chẳng ai chịu nhường ai.

Thế mới biết, một niềm tin hay tín lý lâu đời từ các thế hệ trước truyền lại, thì các thế hệ đi sau luôn xem là chân lý bất di bất dịch, chẳng chịu bình tâm xem xét đúng sai.

Cuộc tranh chấp càng dữ dội. Vị chỉ huy sợ Phao-lô bị họ phân thây, nên ra lệnh cho lính xuống kéo ông ra khỏi đám người đó, đem về đồn” (10).

Có lẽ Phao-lô rất mệt mỏi sau khi bị trải qua hết biến động nầy đến biến động khác, mặc dù lời tiên tri đã báo trước cho ông rằng gian khổ và lao tù chờ đón ông tại Giê-ru-sa-lem, thì bây giờ đang ứng nghiệm.

Nhưng trong lúc vô cùng cô đơn và buồn bã thì “đêm ấy, Chúa đến đứng bên Phao-lô, phán: ‘Hãy vững lòng! Con đã làm chứng cho Ta tại Giê-ru-sa-lem thế nào, con cũng phải làm chứng tại Rô-ma thế ấy’” (11). Niềm an ủi từ chính Đức Chúa Giêxu là vô bờ, vì Ngài nắm vững mọi diễn biến của tình hình.

SachCongVu43.docx

Rev. Dr. CTB