Sách Công Vụ, bài 45

stpaulcondemned

Công Vụ 25:1–27; 26:1–11

Nghỉ ngơi ba ngày sau khi nhậm chức, Porcius Festus, từ Caesarea lên Giê-ru-sa-lem để gặp nhóm người lãnh đạo dân tộc ở vùng đất mà ông ta được hoàng đế La-mã uỷ nhiệm cai trị.

Nhóm người lãnh đạo dân Giu-đa mang lòng thù ghét thật sâu đậm đối với Phao-lô, đã không bỏ lỡ cơ hội xin viên tổng đốc mới giải giao Phao-lô về Giê-ru-sa-lem để họ “mai phục giết ông dọc đường” (1–3).

Có lẽ Festus đã được Felix thông báo âm mưu lúc trước của người Giu-đa, nên ông ta trả lời rằng Phao-lô đang bị giam tại Caesarea, mà chính ông cũng sắp về đó. Còn người nào có khả năng tố cáo, hãy đi xuống Caesarea mà tố cáo. “Festus ở lại Giê-ru-sa-lem chừng tám tới mười ngày, rồi trở về Caesarea. Hôm sau, ông ra ngồi toà và ra lệnh đem Phao-lô đến” (4–6).

Một lần nữa, những người Do-thái lại nặn ra đủ thứ tội nặng gán cho Phao-lô, nhưng lần nầy cũng chẳng có chứng cớ gì hết (7).

Khi Phao-lô biện hộ rằng mình chẳng phạm lỗi gì, Festus nghĩ ra một mưu độc: “Ông muốn lên Giê-ru-sa-lem để tôi xét xử vụ nầy không?” (8–9). Phao-lô không dễ bị mắc mưu: “Tôi đứng trước toà án của Caesar, tôi phải được xét xử trước toà đó…tôi chẳng có lỗi gì với người Do-thái cả” (10).

Phao-lô biết toà án Festus được yểm trợ bởi thẩm quyền của Caesar, mà vì là một công dân La-mã, ông có quyền khiếu nại lên hoàng đế La-mã. Ông nói rõ lý do cho viên tổng đốc gian xảo biết rằng chẳng phải ông sợ chết, nhưng vì những điều họ cáo kiện ông đều là dối trá, không có bằng chứng, thì không ai được giao nạp ông cho họ cả (11).

Festus bị đuối lý, rồi sau khi thảo luận với các cố vấn và thấy mình chẳng có cách giải quyết nào khác nên phải tuyên bố: “Ông đã kháng cáo lên Caesar, ông sẽ đến trước Caesar” (12).

Hai người thuộc dòng quý tộc đến thăm Festus là vua chư hầu Agrippa II, con trai Agrippa I, chắt của Hê-rốt đại đế, và người em goá chồng Bernice.

Lãnh thổ Agrippa II cai trị ở phía bắc xứ Ga-li-lê và vùng Lysanius phía tây tây bắc của Damas. Ông ta là vua cuối cùng của dòng Hê-rốt.

Vì họ ở lại lâu ngày nên Festus đem vụ Phao-lô trình với vua” (13–14), cũng để nhờ Hê-rốt góp ý kiến về lý do nào chính đáng giải Phao-lô lên Caesar.

Festus thuật sơ qua việc người Do-thái tố cáo Phao-lô và việc xét xử của ông ta. Việc ông ta từ chối không giải Phao-lô về xử ở Giê-ru-sa-lem như người Do-thái mong mỏi, vì “người Rô-ma không có lệ giao nạp một người nào, trước khi cho bị cáo đối chất với nguyên cáo, để bị cáo có cơ hội tự biện hộ” (15–16).

Việc ông ta ngạc nhiên khi những lời người Do-thái tố cáo Phao-lô không phải những tội ác như ông ta vẫn tưởng (17–18), mà là điều theo ý ông ta là mê tín “về tôn giáo của họ, và về một Người tên là Giêxu đã chết, nhưng Phao-lô quả quyết vẫn còn sống” (19).

Về việc hỏi Phao-lô có muốn đi Giê-ru-sa-lem để được xét xử không (20), thì Festus không dám nói thật là ông ta muốn làm vừa lòng người Do-thái, mà nói rằng mình “đang phân vân không biết nên tra xét làm sao.

Ông cũng kể về việc “Phao-lô kháng cáo, yêu cầu được giữ lại để hoàng đế phân xử, nên tôi ra lệnh giam đương sự cho đến ngày giải lên Caesar” (21).

Lâu nay Agrippa II rất muốn có dịp nghe Phao-lô giảng, cũng như trước đây Hê-rốt Antipas tìm dịp gặp Đức Chúa Giêxu (Luca 9:9; 23:8). “Agrippa nói với Festus: ‘Ta cũng muốn nghe người ấy!’ Festus đáp: ‘Ngày mai vua sẽ nghe.’ Hôm sau vua Agrippa và bà Bernice long trọng đến sảnh đường, cùng các sĩ quan và các nhà lãnh đạo thành phố. Festus ra lệnh đem Phao-lô vào ” (22–23).

Đến cách long trọng có nghĩa là vua thì mặc hoàng bào, Bernice mặc trang phục hoàng gia, có đầy đủ nghi lễ, quan quân ăn mặc triều phục tiền hô hậu ủng; chứ không phải lẳng lặng mạnh ai nấy vào sảnh đường. Sảnh đường không phải là nơi làm toà xử án, mà là nơi thích hợp để thực hiện các lễ nghi long trọng

Sau đó, Festus tâu với vua Agrippa và trình bày với toàn thể quan khách có mặt: “Người quý vị thấy đây là người đã bị toàn dân Do-thái tại Giê-ru-sa-lem cũng như tại nơi nầy lớn tiếng kêu xin: ‘Nó không đáng được sống nữa!’ Nhưng tôi xét thấy đương sự chẳng phạm tội gì đáng chết cả, và vì đương sự đã kháng cáo lên hoàng đế, nên tôi quyết định cho giải về Rô-ma. Nhưng vì chưa có gì chắc chắn về đương sự để trình cho chúa tôi, nên tôi đòi đương sự đến hầu quý vị, nhất là ngài, vua Agrippa, để sau khi thẩm vấn, tôi có điều gì để viết sớ. Vì thiết nghĩ, giải nạp phạm nhân mà không nêu tội trạng, thật là phi lý” (24–27).

Một lần nữa trước mặt mọi người danh giá, Festus công nhận Phao-lô chẳng phạm tội ác nào hết. Vậy, việc toàn dân Do-thái đòi giết Phao-lô là không thể chấp nhận được.

Khi Agrippa đồng ý cho Phao-lô tự bào chữa, thì ông đưa tay ra tự biện hộ (26:1). Ông nói rằng ông vui mừng được biện hộ trước mặt Agrippa, vì Agrippa “thông thạo về phong tục cũng như về những quan điểm bất đồng của người Do-thái;” nên ông xin Agrippa kiên nhẫn nghe ông trình bày (26:2–3).

Nghĩa là Agrippa biết rõ tín lý khác nhau giữa phái Pha-ri-si với phái Sa-đu-sê; sự mong đợi Đấng Mết-si-a như thế nào; sự khác nhau giữa Do-thái-giáo với Cơ-đốc-giáo; và phong tục của người Do-thái về những vấn đề nầy ra sao, thì không xa lạ gì đối với Agrippa.

Người xem Kinh thánh cũng cần nên biết về ngân quỹ của đền thờ và những món đầu tư của thầy tế lễ thượng phẩm đều là ở dưới quyền của Agrippa, và ông ta có thể chỉ định người vào chức tế lễ thượng phẩm.

Người La-mã phải hỏi ý kiến cố vấn của Agrippa về các vấn đề liên quan đến tôn giáo. Đây cũng là một lý do khiến Festus muốn Agrippa đánh giá về Phao-lô ra sao.

Trước hết Phao-lô nói về thân thế của mình từ nhỏ đã sống theo tiêu chuẩn của người Pha-ri-si, là môn phái nghiêm ngặt nhất trong Do-thái giáo (26:4–5) (Ga-la-ti 1:13; Phi-líp 3:5–6).

Người Do-thái biết rất rõ về ông từ lúc ông ở sinh ra và lớn lên Tarsus, cũng như khi ông ở Giê-ru-sa-lem. Kế đến ông đề cập tới lý do ông bị người Do-thái thù ghét “vì đặt hi vọng vào lời Đức Chúa Trời hứa với tổ tiên chúng tôi. Mười hai chi tộc cũng vì mong đạt được lời hứa ấy mà ngày đêm hăng hái phục vụ Đức Chúa Trời. Chính vì hi vọng đó mà tôi bị người Do-thái tố cáo” (26:6–7).

Niềm hi vọng vào lời hứa của Đức Chúa Trời mà Phao-lô nói đó là Đức Chúa Trời có quyền làm cho người chết sống lại. Mà Đấng đã được Đức Chúa Trời làm cho sống lại từ kẻ chết để lời hứa của Đức Chúa Trời đã được ứng nghiệm, là Đức Chúa Giêxu, Đấng Mết-si-a, Đấng sống lại đầu tiên bởi quyền phép của Đức Chúa Trời, là trái đầu mùa của sự sống lại, mở đường cho mọi người thuộc về Ngài cũng sẽ được sống lại với Ngài.

Cho nên, người Do-thái thuộc phái Sa-đu-sê căm tức điều đó, vì họ không tin sẽ có sự sống lại. Người phái Pha-ri-si mặc dù tin có sự sống lại ngày sau, nhưng họ không chịu công nhận Đức Chúa Giêxu đã sống lại. Vì nếu họ tin như thế thì phải chấp nhận Ngài là Đấng Mết-si-a đã đến; cho nên họ cũng chống và thù ghét Phao-lô.

Mục đích của Phao-lô nói về sự sống lại không phải chỉ nhắm vào Agrippa, mà còn nhắm tới Festus, các sĩ quan cao cấp, cũng như mọi người đang có mặt trong sảnh đường, là những người thuộc về dân ngoại không tin sẽ có sự sống lại.

Có thể Agrippa cũng không tin điều đó, vì ông ta đồng minh với người Sa-đu-sê chống lại sự phục sinh của Đấng Christ và sự sống lại tổng quát ngày sau.

Phao-lô không bao giờ bỏ lỡ cơ hội trình bày chân lý của Đức Chúa Trời cho bất cứ ai chịu nghe ông nói (26:8).

Ông xác nhận một lần nữa rằng trước đây ông cũng nghĩ như họ; chẳng những thế, ông hung hăng trong việc chống lại danh Giêxu, người Na-xa-rét (26:9), bằng việc bắt giam các thánh đồ và bỏ phiếu tán thành xử tử họ, do quyền hạn đã được các thầy trưởng tế trao cho ông. Những việc đó đều xảy ra tại Giê-ru-sa-lem (26:10).

Ông kể tiếp: “Tôi thường hành hạ họ trong các nhà hội, cưỡng ép họ phải nói xúc phạm đến Chúa. Căm giận đến cực điểm, tôi truy nã họ đến tận các thành phố nước ngoài” (26:11). Phao-lô kể lại những việc ông đã chống đạo, để ai cũng thấy sự tương phản rõ ràng về việc ông quy đạo.

SachCongVu45.docx

Rev. Dr. CTB