Thư Hê-bơ-rơ, bài 16
Hê-bơ-rơ 10:19–25
Nội dung của thư Hê-bơ-rơ có hai phần khá rõ. Phần thứ nhất từ đầu thư đến 10:18 là giáo lý quan trọng về vai trò tối thượng của Đức Chúa Giêxu, cách khải thị mới của Đức Chúa Trời cho thế gian; Quyền tối thượng của Ngài trên Môi-se, A-rôn về công tác tế lễ tối cao ở Nơi Chí Thánh trên trời.
Việc Ngài mở đường cho mọi người tin được vào Nơi Chí Thánh có sự hiện diện cực thánh của Đức Chúa Trời, vì Ngài đã làm Sinh-tế trọn vẹn chuộc tội cho nhân loại;
Ngài là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm theo phẩm trật Mên-chi-xê-đéc để làm Đấng Thừa Hành của Nơi Chí Thánh trên trời, và là Đấng Trung Bảo của Giao-ước mới trong lòng tín hữu.
Từ câu 10:19 trở đi, là phần thứ nhì của thư, trình bày về sự thực hành các giáo lý đã nói tới ở phần trước; trong đó, tác giả đề cập tới trách nhiệm của tín hữu là phải mở lòng để nhận lãnh ơn cứu rỗi trọn vẹn đã được Đức Chúa Giêxu thực hiện.
Tác giả kêu gọi: “Vậy, thưa anh em, vì nhờ huyết Đức Chúa Giêxu, chúng ta được dạn dĩ vào nơi chí thánh, vì Ngài đã mở cho chúng ta con đường mới và sống qua bức màn, tức là thân xác Ngài, và vì chúng ta có một Thầy Tế-lễ lớn cai trị nhà Đức Chúa Trời, nên hãy đến gần Chúa, với tấm lòng chân thật, một đức tin vững chắc, bởi lòng đã được tẩy sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể đã được rửa bằng nước tinh khiết” (19–22).
Lời kêu gọi nầy nói lên các phước hạnh lớn mà mọi con cái thật của Chúa đều có:
Phước hạnh thứ nhất là Đức Chúa Giêxu đã dùng sự chết của Ngài mở đường vào Nơi Chí Thánh, để con cái Ngài từ nay có thể bước vào sự thờ phượng mới, đạt đến đời sống thuộc linh trưởng thành. Phước hạnh nầy là kết quả sự thống khổ mà Đức Chúa Giêxu đã phải chịu.
Quyền của con dân Chúa được vào Nơi Chí Thánh là vấn đề nổi bật quan trọng nhất mà thư Hê-bơ-rơ đã đem đến. Hiểu biết rằng mình có quyền vào Nơi Chí Thánh và có những phước hạnh cặp theo là nhu cầu bức thiết nhất mà mỗi con cái Chúa cần phải ý thức.
Bởi vì có vào nơi đó, chúng ta mới nhận lãnh được ơn cứu rỗi toàn hảo trọn vẹn mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho chúng ta.
Mối tương giao thờ phượng mới nầy đem phước hạnh kế tiếp là, nhờ Huyết Đức Chúa Giêxu, con dân Ngài được dạn dĩ tương giao thân mật với Đức Chúa Trời trong Nơi Chí Thánh (19). Dạn dĩ là tính chất cần thiết của mối tương giao với Chúa trong đời sống thờ phượng Ngài.
Nguyên nhân chính khiến nhiều tín hữu có tâm trạng không dám bước vào Nơi Chí Thánh, là vì họ không biết Đức Chúa Trời quý trọng Huyết của Đức Chúa Giêxu đến mức nào; cho nên, họ không có ý thức gì về quyền năng vô địch của Huyết ấy đã thực hiện để giúp họ có đặc quyền vào chốn đó.
Phước hạnh thứ ba là Đức Chúa Giêxu đã mở con đường mới và sống vào Nơi Chí Thánh để con dân Ngài có thể đi theo Ngài vào nơi Đức Chúa Trời hiện diện và hiệp thông với Chúa Toàn Năng.
Tác giả giải thích: “Ngài đã mở cho chúng ta con đường mới và sống qua bức màn, tức là thân xác Ngài” (20). Như vậy, bức màn ngăn cách giữa Đức Chúa Trời với loài người là thân thể xác thịt, tức là bản tánh nhân loại ở dưới quyền tội lỗi. Nói như vậy không phải ngụ ý rằng thân thể của Đức Chúa Giêxu là thân thể tội lỗi, nhưng để trình bày sự thật là Ngài đã gánh tất cả tội lỗi của nhân loại trên thân thể Ngài, để thân thể ấy nhận sự trừng phạt thay cho chúng ta:
“Vì con cái đều chung phần huyết nhục, nên chính Đức Chúa Giêxu cũng chịu phần huyết nhục, hầu cho qua sự chết, Ngài có thể tiêu diệt kẻ nắm quyền sự chết, là ác quỷ” (Hêb. 2:14)
“Đức Chúa Trời sai Con Ngài làm sinh tế chuộc tội, mang lấy thể xác giống như thể xác tội lỗi, và Ngài xử phạt tội lỗi trong thể xác” (Rôma 8:3).
Đức Chúa Giêxu xé bức màn nghĩa là hoàn toàn dâng hiến thân thể, tức là mạng sống và mọi ý muốn riêng của Ngài cho Đức Chúa Trời để bị đóng đinh trên cây thập tự. Ngài đã nếm trải sự chết, dùng Huyết mình xé bức màn. Sau khi sống lại, Ngài vào thẳng Nơi Chí Thánh, ngồi bên hữu Đấng Tôn Nghiêm.
Đi trên con đường ngang qua bức màn là đi trên con đường tận hiến và chịu chết. Ngoài con đường ấy, không có cách nào khác để tiêu diệt tội lỗi; cho nên, ai muốn tiếp nhận kết quả của sự cứu rỗi, người ấy phải bước trên con đường Đức Chúa Giêxu đã đi, là trao hết bản tánh xác thịt đang điều khiển thân thể mình cho Chúa để Ngài tiêu diệt bản tánh tội lỗi đó trong chúng ta.
Bản ngã con người cũ của chúng ta phải bị tiêu diệt, thì sự tái sinh mới xảy ra. Vì thế, con người mới sẽ sống động trên con đường mới vào Nơi Chí Thánh.
Phước hạnh thứ tư là: “Chúng ta có một Thầy tế lễ lớn quản trị nhà Đức Chúa Trời” (21). Ấy là Đấng sẵn sàng tiếp đón từng cá nhân con cái Ngài và phân phát cho họ mọi điều họ được thừa kế.
Mặc dù Đức Chúa Giêxu đã làm xong mọi việc, nhưng Ngài phải thi hành vai trò Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm quản trị cả nhà Đức Chúa Trời, để đem sự cứu rỗi hoàn toàn vào tâm linh và cuộc sống của chúng ta. Bởi vì chỉ có Ngài mới đem được sự sống ở Nơi Chí Thánh vào lòng con dân Ngài để giải thoát phần hồn của họ khỏi quyền lực của tội lỗi.
Cứu Chúa yêu quý của chúng ta giữ vai trò Đấng quản trị nhà Đức Chúa Trời để đem những người thuộc về Ngài vào đó trình diện Đức Chúa Cha. Ngài cũng giúp chúng ta quen thuộc và thích hợp với môi trường và cách sống thánh khiết của quê hương mới dưới quyền quản trị của Thầy Tế Lễ Lớn ấy.
Bây giờ, đã hiểu biết và nắm vững ý nghĩa của các phước hạnh Chúa đem đến cho chúng ta qua sự chết, chôn và sống lại của Đức Chúa Giêxu, thì mệnh lệnh khuyên giục của Kinh-thánh là:
“Hãy đến gần Chúa, với tấm lòng chân thật, một đức tin vững chắc, bởi lòng được tẩy sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể đã được rửa bằng nước tinh khiết. … … Hãy giữ vững hi vọng mình đã tuyên xưng, không nao núng, vì Đấng đã hứa với chúng ta là thành tín” (22–23).
Những lời nhắc nhở nầy trình bày các dấu hiệu của người thờ phượng thật sẽ bày tỏ ra. Nghĩa là những đặc tính mà chúng ta phải có để có thể đến gần Đức Chúa Trời:
Thứ nhất là lòng chân thật, vì Đức Chúa Trời nhìn thấu tận nơi thẳm sâu nhất của lòng người ta. Người có lòng không thành thật chẳng thể đứng nổi trước ánh sáng chân lý.
Thư Hêbơrơ cho biết các hình thức thờ phượng, tế lễ thời Đền-tạm và Đền Thờ sau đó đều là ‘hình bóng’ những việc thật ở trên trời (8:5; 10:1). Như vậy ý nghĩa chữ ‘chân thật’ khi chúng ta đến gần Đức Chúa Trời sâu nhiệm hơn chữ ‘thật’ thông thường, lòng của chúng ta phải hoàn toàn thành thật.
Thứ nhì là phải có đức tin vững chắc, tức là phải đầy dẫy đức tin vào những gì Đức Chúa Giêxu đã hoàn thành, và mọi lời hứa vĩ đại từ Đức Chúa Trời. Đức tin không phải là cảm xúc mà là sự quyết lòng tin.
Dấu hiệu thứ ba là “lòng được tẩy sạch khỏi lương tâm xấu” bởi Huyết của Đức Chúa Giêxu (9:14). Mọi con dân Chúa đều kinh nghiệm sự tẩy sạch nầy một cách thực tiễn, bởi sự biến đổi đột ngột từ tâm tánh tội lỗi sang tấm lòng không muốn phạm hay dính líu vào các hành vi không thật thà và ô uế. Họ không nấn ná ở khu vực hành lang, nhưng dạn dĩ tiến thẳng vào Nơi Chí Thánh.
Dấu hiệu thứ tư là “thân thể đã được rửa bằng nước tinh khiết” (22b). Tức là mỗi hành động của thân thể tín hữu đều được Lời Chúa rửa cho tinh sạch, vì họ chuyên cần ghi nhớ và vận dụng Lời trong mọi việc của đời sống thường ngày, mà mọi người chung quanh đều nhận thấy được.
Trình độ thuộc linh trưởng thành của tín hữu đã đến gần Đức Chúa Trời được biểu lộ qua sự “giữ vững hi vọng mình đã tuyên xưng” (23). Vì hi vọng là bằng chứng của đức tin. “Đức tin là sự bảo đảm cho những điều ta hi vọng” (11:1); đức tin biết chắc “Đấng đã hứa với chúng ta là thành tín.”
Sau khi đến gần Chúa bằng đức tin và giữ vững hi vọng mình đã tuyên xưng, chúng ta lưu ý đến nhau, khích lệ nhau sống trong tình yêu thương và làm các việc lành (24). Đấy là tâm tình và thái độ của người biết rõ mình là chi thể của cùng một thân thể nên lưu ý đến các chi thể khác.
Xao lãng, bỏ sự nhóm lại là dấu hiệu tâm linh sa sút của nhiều người. Vì thế, lời nhắc nhở về việc “đừng bỏ các buổi nhóm họp như một số người quen làm” (25), là sự nhắc nhở đầy ích lợi và quan trọng.
Những người có thói quen lơ là với các buổi nhóm họp thì dễ bị sa bại hơn những tín hữu siêng năng. Bởi vì họ không nuôi dưỡng chính mình bằng Lời Chúa.
ThuHeboro16. Docx
Rev. Dr. CTB