Thư Hê-bơ-rơ, bài 19
Hê-bơ-rơ 11:4–7
Trong các bài học trước, hai chữ ‘sinh-tế’ và ‘dâng hiến’ được sử dụng nhiều lần, khi tác giả mô tả công tác chuộc tội nhân loại của Đức Chúa Giêxu.
“Ngài dâng hiến chính mình làm Sinh-tế không tì vết cho Đức Chúa Trời” (9:14); “Đấng Christ, sau khi dâng một Sinh-tế chuộc tội có hiệu lực đời đời” (10:12).
Tác giả dùng hình ảnh và ý nghĩa đó để dẫn tới gương đức tin của A-bên: “Bởi đức tin, A-bên dâng cho Đức Chúa Trời một sinh tế…” (4).
Đến chỗ nầy, Kinh-thánh mới giải thích lý do tại sao vào thời luật pháp chưa được ban bố, các nghi lễ về thờ phượng và tế tự chưa được truyền dạy cho loài người, mà lễ vật của A-bên được Đức Chúa Trời nhậm, còn lễ vật bằng thổ sản của Ca-in không được nhậm.
Trước tiên, lễ vật của A-bên là một con thú có huyết đổ ra để ông được tha tội. Nhờ đâu A-bên hiểu nguyên tắc dâng hiến sinh tế có đổ huyết để được tha tội, thì chưa thấy bằng chứng nào nói đến. Nhưng khi tác giả viết: “Bởi đức tin, A-bên dâng…,” thì chúng ta hiểu lý do chính yếu khiến lễ vật của ông được nhậm là vì ông dâng hiến sinh tế bởi đức tin.
“Và nhờ sinh tế nầy ông được chứng nhận là người công chính, Đức Chúa Trời chấp nhận lễ vật của ông; và nhờ đức tin, dù đã chết, A-bên vẫn còn nói” (4b).
Việc A-bên đã chết nhưng vẫn còn nói, là tác giả trích dẫn từ Lời Đức Chúa Trời phán với Ca-in: “Con đã làm điều gì vậy? Tiếng của máu em con từ dưới đất đã kêu thấu đến Ta” (Sáng-thế 4:10); không phải là xác chết mở miệng nói theo nghĩa đen.
Vậy thì, hai lý do để lễ vật của A-bên được nhậm là dâng hiến sinh tế đổ huyết chuộc tội, và dâng hiến lễ vật ấy bằng đức tin. Suy gẫm gương nầy, chúng ta thấy người có đức tin nhờ Sinh-tế chuộc tội mà được đến gần Đức Chúa Trời.
Như thế, việc Đức Chúa Giêxu dâng hiến chính Ngài làm Sinh-tế chuộc tội, đã giúp cho chúng ta có thể đến gần và tương giao trực tiếp với Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, để đạt tới nơi đó, người muốn đến với Chúa phải tin Đức Chúa Giêxu dâng hiến thân thể của Ngài không chỉ bao quát cho toàn nhân loại, nhưng cũng cho mỗi cá nhân tín hữu có đức tin; để người đó được Đức Chúa Trời tiếp nhận là người công chính, được Đức Thánh Linh làm chứng rằng người đó đã trở thành con cái của Đức Chúa Trời.
Nhưng, chỉ những ai đã thực sự liên hiệp với Đức Chúa Giêxu trong sự chết của Ngài, tức là dự phần vào tinh thần dâng hiến chính thân mình của Chúa, thì mới có thể nhờ đức tin tới gần và tương giao trực tiếp với Đức Chúa Trời.
Nếu chúng ta vẫn còn mang tâm tánh xác thịt, chưa kinh nghiệm việc đồng chết với Chúa là thế nào, thì chưa thể có đức tin để đến gần Đức Chúa Trời mà tương giao với Ngài.
Phương cách duy nhất giải thoát người tin Chúa ra khỏi tội lỗi và xác thịt là tự nguyện hiến dâng thân thể mình để cùng chết với Đức Chúa Giêxu (Rô-ma 6:5).
Ai đã có thể tin rằng Đức Chúa Giêxu đã chết thay cho mình, thì đức tin của người ấy mới tăng trưởng và biết rõ Chúa là Đầu của Hội-thánh. Ai chịu đồng chết với Đầu mới được làm chi thể của Đầu ấy.
Chẳng những phải dâng hiến bởi đức tin, chúng ta cũng phải sống bằng đức tin. Gương sống của Hê-nóc là điển hình cho điều nầy: “Bởi đức tin, Hê-nóc được cất lên, không thấy cái chết,… Trước khi được cất lên, ông được chứng nhận là sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nếu không có đức tin, thì không thể nào làm đẹp lòng Đức Chúa Trời” (5–6).
Đức tin như thế nào mới sống đẹp lòng Chúa? Câu trả lời là: “Vì người nào đến với Đức Chúa Trời phải tin Ngài hiện hữu, và Ngài ban thưởng cho ai hết lòng tìm kiếm Ngài” (6b). Hết lòng tìm kiếm là khát khao mong ước sẽ được gặp Chúa, và niềm mong ước đó là căn bản của đức tin.
Vì có rất nhiều người dù biết Đức Chúa Trời là có thật, nhưng đối với họ sự hiện hữu ấy chỉ là điều không đáng quan tâm, không có chút ảnh hưởng nào trên linh hồn của họ cả.
Trái lại, người có đức tin và tìm cầu Chúa đều thấy có bàn tay của Ngài trong mọi sự vật, sự việc và biến cố của đời sống. Những người ấy luôn luôn ý thức về sự hiện diện của Chúa, nên họ sống trong ý thức ấy. Do đó, họ hành động sao để được cùng đi với Ngài, sinh hoạt với Ngài. Họ tin Đức Chúa Trời sẽ dùng nhiều cách bày tỏ sự chăm sóc và hiện diện của Ngài cho họ thấy, rồi Ngài sẽ ban thưởng cho đức tin của họ.
Phần thưởng cho đức tin của những người hết lòng trông mong, tìm cầu Chúa, là một điều chắc chắn sẽ đến. Bởi vì Đức Chúa Trời đã chứng minh Ngài là Đấng thành tín. Việc “Hê-nóc được cất lên, không thấy cái chết,” là biểu tượng cho phần thưởng về sự sống đời đời trong ơn cứu rỗi của Chúa cho mọi người tin vào thời Tân Ước.
Một phước hạnh nữa của người có đức tin là được Đức Chúa Trời chứng nhận Ngài hài lòng về họ (4–5). Ngày nay, Chúa vẫn tiếp tục chứng nhận đức tin của những người thành thật tin Ngài qua Đức Thánh Linh. Sự hiện diện đầy dẫy của Đức Thánh Linh trong đời sống là bằng cớ xác nhận đức tin của chúng ta.
Đức Thánh Linh ngự vào lòng để làm chứng rằng Đức Chúa Giêxu đã vinh quang trở về trời, đã xé bức màn che ngăn lối vào Nơi Chí Thánh, đã mở đường cho con dân Ngài được đi thẳng vào nơi ấy, đã hoàn thành trọn vẹn công cuộc cứu rỗi, làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm ở Nơi Chí Thánh, đang ngồi bên phải Đức Chúa Trời để cầu thay và biện hộ cho tất cả những ai tin Ngài bằng đức tin thành thật.
Vậy, người có đức tin sẽ được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Hay nói cách khác, được đầy dẫy Đức Thánh Linh là bằng chứng của người có đức tin mạnh mẽ.
Đức tin của A-bên đã khiến ông được chứng nhận là người công chính, gốc rễ của điều kiện được đến gần Đức Chúa Trời. Đức tin của Hê-nóc chiến thắng sự chết, thường xuyên sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, vì được đồng đi với Ngài; giống như thân và các nhánh cây lớn lên từ nền tảng của gốc rễ.
Thời Nô-ê thì, “bởi đức tin, Nô-ê được Đức Chúa Trời chỉ dạy những điều chưa thấy, và với lòng kính sợ Chúa, ông đóng một chiếc tàu để cứu gia đình mình” (7a). Ấy là Nô-ê thực hiện công việc của đức tin, tức là làm các việc lành. Điều đó giống như quả sinh ra, chỉ là điều tất yếu, từ sức sống của gốc rễ chảy qua thân và các nhánh của cây.
Chúng ta phải hiểu đức tin là giác quan tâm linh nhận thức được sự hiện diện và các đặc tính vô hình của Đức Chúa Trời. Vì thế, người có lòng tin, kính sợ Chúa, nghe Lời Ngài dạy thì tin, và thấy trước tương lai. Thế thì, đức tin dẫn đến lòng kính sợ Chúa; lòng kính sợ Chúa đưa đến sự sốt sắng làm việc lành.
Thời Nô-ê đóng chiếc tàu để cứu gia đình mình, thì trên cả thế gian chưa ai nghe hoặc kinh nghiệm gì về sự kiện nước lụt. Cũng không ai mường tượng ra việc cả thế gian sẽ bị cơn lụt tiêu diệt, và cũng chẳng ai biết chiếc tàu có thể cứu mạng được một số người. Nhưng đức tin của Nô-ê giúp ông thấy trước tương lai, biết được kết quả sự đoán phạt của Chúa đối với thế gian tội lỗi và hư hoại.
Sự hiểu biết và thấy trước, nhờ đức tin, đã giúp ông có thể kiên trì đóng một chiếc tàu, mà thời gian đóng tàu dài cả thế kỷ, trước sự chê bai, nhạo báng của tất cả những người ở quanh gia đình ông.
Người có đức tin thật sẽ chân thành nghe Lời Chúa phán dạy, sẵn sàng vâng lời và dâng hiến cả cuộc đời mình để thực hành những lời phán dạy ấy.
Nhờ đức tin, Nô-ê đã vâng lời Chúa đóng chiếc tàu để cứu gia đình mình; “như vậy, ông đã kết tội thế gian, và nhờ đức tin ông thừa hưởng sự công chính” (7b).
Người sống bằng đức tin thì hoàn toàn khác với người không có đức tin. Vì người sống bằng đức tin là những người thuộc về Đức Chúa Trời và sống theo các nguyên tắc thiên đàng. Trong khi đó, người không có đức tin thì thuộc về thế gian, sống trong thế gian và chỉ chăm chú những việc của cõi trần.
Đời sống đức tin là đời sống đi ngược lại tội lỗi xấu xa của thế gian, và vì thế cách sống ấy kết tội thế gian. Nếu ai trong một cộng đồng của những người chuyên làm điều sai trái mà cũng làm y như họ, thì không ai cảm thấy tội lỗi hoặc sai trái. Nhưng nếu người đó sống thánh thiện khác hẳn mọi người chung quanh, thì cách sống của người ấy đã kết tội cả cộng đồng đó vậy.
Bởi đức tin, A-bên dâng một sinh tế, được Đức Chúa Trời vui lòng nhậm của lễ, thì ông qua sự chết đến với sự sống vĩnh cửu.
Bởi đức tin, Hê-nóc hết lòng tìm kiếm, khát khao và mong ước sẽ được gặp Chúa, nên ông được đồng đi với Đức Chúa Trời.
Nô-ê thì vâng lời Chúa đóng chiếc tàu để cứu cả gia đình và đem phước hạnh cho ngàn đời sau.
Mọi điều ấy là kết quả của đức tin.
ThuHeboro19.docx
Rev. Dr. CTB