Thư Hê-bơ-rơ, bài 20

Hê-bơ-rơ 11:8–12

Kinh-thánh cho biết ông Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời gọi là bạn của Ngài (Ê-sai 41:8; Gia-cơ 2:23), do đức tin mà ông đã biểu lộ qua đời sống của ông trong mọi điều Chúa phán dạy.

So với tất cả các anh hùng đức tin thời Cựu-ước, Áp-ra-ham là một gương vượt trội hơn hết về đức tin vào Lời Đức Chúa Trời đã phán hứa và nhận lãnh được những điều hứa ấy trong đời ông. Cùng với Hê-nóc và Nô-ê, ông cũng được Chúa kể là công chính nhờ đức tin.

Tuy vậy, không ai trong nhân loại được người ta tôn kính bằng Áp-ra-ham. Những người theo Cơ-đốc-giáo, Do-thái-giáo và Hồi-giáo đều xem Áp-ra-ham là tổ phụ đức tin của họ.

Trong một bài học kỳ trước, tác giả nói rằng: “Áp-ra-ham kiên nhẫn chờ đợi, và đã nhận được điều Chúa hứa” (6:15). Vậy, chúng ta hãy cùng nhau xem xét bí quyết nào đã giúp Áp-ra-ham nhận được kết quả của đức tin.

Trước hết là lời giải thích của sứ đồ Phao-lô trong thư gửi cho tín hữu ở Rô-ma: “Kinh-thánh nói gì? ‘Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và ông được kể là công chính.’ Với người làm việc, tiền lương không kể là ân huệ, nhưng coi như nợ. Còn người nào không làm việc, nhưng tin nơi Chúa là Đấng xưng công chính kẻ có tội, thì nhờ đức tin, người ấy được kể là công chính”(Rô-ma 4:3–5).

Xem tiếp phân tích của sứ đồ Phao-lô, thì việc được xưng công chính chỉ bởi đức tin là rõ ràng hơn: “Ông được kể là công chính khi nào? Khi ông đã chịu cắt bì hay chưa chịu? – Không phải khi ông đã chịu cắt bì rồi, nhưng khi ông chưa chịu. Và, ông nhận lễ cắt bì như một dấu hiệu, một con dấu chứng nhận sự công chính bởi đức tin mà ông có khi chưa cắt bì” (Rô-ma 4:10–11).

Thế nhưng, Áp-ra-ham biểu lộ đức tin của ông ra sao? Tác giả nói: “Bởi đức tin, Áp-ra-ham đã vâng lời khi được Chúa kêu gọi đi đến nơi ông sẽ nhận làm cơ nghiệp. Ông ra đi mà không biết mình đi đâu” (8).

Áp-ra-ham đã lập một quyết định vô cùng khó khăn đối với lý trí của con người. Đi mà không biết mình đi đâu khi được Chúa kêu gọi, thì quyết định ấy đòi hỏi một quyết tâm vâng lời Đấng kêu gọi, dù phải đối diện với vô số điều bất định trên đường đi.

Theo suy nghĩ bình thường của loài người thì người ta chỉ có thể tin và vâng theo một lời hứa nào đó, khi họ thấy trước hoặc biết chắc điều đã hứa cho mình là có thật hay rất cụ thể mà mắt có thể thấy, hoặc có sự chỉ dẫn nào đó về hướng đi. Áp-ra-ham thì ra đi theo tiếng gọi mà chẳng có sự chỉ dẫn nào.

Khi tin chắc vào các lời hứa có vẻ mơ hồ chưa thấy trước, thì lòng của Áp-ra-ham phải được thuyết phục bởi ý nghĩa tiếng kêu gọi của Đức Chúa Trời là Ngài muốn ông làm gì và đức tin của ông phải nắm chắc điều chi.

Đức Chúa Trời dựng nên loài người có thể chất hoạt động ở cõi hữu hình và có tâm linh liên lạc được với cõi vô hình. Sau khi con người đầu tiên là A-đam sa ngã và loài người, là dòng dõi ông, bị làm nô lệ cho tội lỗi, khiến cho mối liên hệ tâm linh giữa loài người với Đức Chúa Trời bị gián đoạn, thì người ta chỉ còn hoạt động và tin vào những gì mắt có thể thấy được ở cõi hữu hình của thế gian.

Đức Chúa Trời muốn cứu nhân loại thoát khỏi quyền lực của tội lỗi; cho nên Ngài chọn Áp-ra-ham, một người Ngài thấy có đức tin mạnh mẽ, để thực hiện một kế hoạch lâu dài, đầy sự khôn ngoan tột đỉnh của Ngài.

Để luyện tập Áp-ra-ham biết chú tâm vào Đấng có thể ban hạnh phúc và sự sống, Đức Chúa Trời bảo ông phải dứt khoát lìa bỏ quê hương, mà ông quen thuộc, và những người gần gũi trong gia đình, mà ông có thể nhờ cậy đến khi gặp khó khăn: “Hãy ra khỏi quê hương, bà con thân tộc và nhà cha của con để đi đến vùng đất Ta sẽ chỉ cho con” (Sáng-thế 12:1).

Ngài muốn ông phải dứt khoát không còn nương cậy vào cõi thể chất mắt thấy, mà dùng đức tin nương cậy vào Đức Chúa Trời, để qua dòng dõi đức tin của ông, Ngài sẽ thiết lập một chương trình cứu độ loài người, giúp đem họ trở lại mối tương giao với Ngài đã bị tội lỗi làm cho gián đoạn.

Chìa khoá để người ta có thể đạt được hạnh phúc đó là đức tin. Áp-ra-ham đã nhờ đức tin đáp ứng tiếng gọi của Chúa; đức tin ấy giúp ông thấy từ xa vùng đất mà Chúa hứa, và còn thấy được Chúa luôn ở gần bên ông.

Lời hứa của Đức Chúa Trời luôn luôn đi kèm theo sự kêu gọi của Ngài. Đức tin chân thật dựa trên lời hứa sẽ tạo ra năng lực giúp cho người nghe thành thật vâng theo tiếng gọi.

Sự vâng lời Chúa gọi hay sự vâng theo tiếng gọi của Chúa chính là bí quyết đạt đến những kết quả rực rỡ của đức tin. Vì sự vâng lời là bản chất của đức tin. Người không có đức tin thì không thể nào vâng lời dạy dỗ hay mệnh lệnh của Chúa.

Bản chất vâng lời của đức tin giúp cho chúng ta có đủ năng lực lìa bỏ tất cả những điều mắt thấy ở cõi thể chất, mà chăm chú vào cõi vô hình, là nơi chúng ta từ đó ra. Vì thế cho nên tác giả viết: “Bởi đức tin, Áp-ra-ham đã vâng lời…Chúa kêu gọi” (8).

Sự vâng lời do đức tin của Áp-ra-ham là yếu tố then chốt trong chương trình cứu độ loài người của Đức Chúa Trời, mà chúng ta thấy qua gương sống của Đức Chúa Giêxu.

Chương trình cứu độ ấy đặt nền tảng trên sự vâng lời tuyệt đối của Đức Chúa Giêxu; vì “dù là Con Đức Chúa Trời, Ngài cũng phải học tập vâng lời qua những nỗi thống khổ Ngài phải chịu. Sau khi đã đạt đến mức trọn vẹn, Ngài trở nên nguổn cứu rỗi đời đời cho tất cả những ai vâng lời Ngài” (Hê-bơ-rơ 5:8–9).

Như thế, sự vâng lời là bí quyết để chúng ta có sức sống của đức tin, và nhờ đó, đức tin lớn mạnh vững chắc do sự vâng lời là yếu tố duy nhất có thể dẫn chúng ta bước vào Nơi Chí Thánh một cách suôn sẻ. Bởi vì mục tiêu cuối cùng của mỗi người tin là được vào Nơi Chí Thánh của Đức Chúa Trời để tương giao với Ngài.

Mối tương giao bị tội lỗi cắt đứt khi xưa, nay nhờ sự vâng lời bởi đức tin của Áp-ra-ham dẫn tới sự Nhập Thể của Ngôi Lời vâng lệnh Đức Chúa Cha, đã nối lại mối tương giao cực kỳ cao cả ấy cho chúng ta ngày nay.

Bởi đức tin, ông kiều ngụ trên đất hứa như sống trên đất khách quê người, và sống trong lều trại….vì ông trông đợi một thành có nền móng vững bền, do Đức Chúa Trời vẽ kiểu và xây cất” (9–10).

Đức tin của Áp-ra-ham đã giúp ông nối lại mối tương giao với Đức Chúa Trời, và là yếu tố nối lại mối liên hệ giữa cõi thể chất với cõi vô hình; cho nên, ông lìa bỏ xứ Ur, sau đó đi khỏi Ha-ran để tới Ca-na-an là miền đất hứa.

Từ khi được nghe tiếng gọi của Chúa, ông bắt đầu sống như một kiều dân trên đất, vì ông chăm chú vào Nước Trời vô hình và Chúa là Chủ nước ấy. Tất cả những ai tin Chúa đều được Ngài kêu gọi bước vào Nơi Chí Thánh.

Người có đức tin sẽ vâng lời, người không vâng lời thì không có đức tin, bị vật chất làm cho bạc nhược và mù loà.

Sa-ra cười thầm khi nghe lóm Lời Chúa nói với Áp-ra-ham rằng bà sẽ sinh một con trai (Sáng –thế 18:9–12); nhưng sau đó đức tin của bà tăng trưởng, bà “dù đã quá tuổi, cũng có sức để mang thai, vì bà tin Đấng đã hứa là thành tín” (11).

Sự thành tín của Đức Chúa Trời là nền tảng mà Sa-ra nương cậy. Bà biết thân thể già nua của mình đã cằn cỗi, không thể thụ thai như lẽ thường; tuy vậy, bà yên lặng đặt lòng tin và niềm hi vọng của bà vào Chúa. Do đó, dù chỉ sinh được một trai, bà vẫn trở thành tổ mẫu của hàng trăm triệu người trên đất (12).

Các từ ngữ ước lệ (đã định ý nghĩa chung)đông như sao trên trời, như cát bãi biển, không thể nào đếm được,” dùng để nói số nhiều trên hàng triệu (Việt ngữ: ‘hàng hà sa số’).

Đức tin của Áp-ra-ham và Sa-ra bị thử thách rất lâu dài. Khi Đức Chúa Trời hứa sẽ ban cho họ có con cái và dòng dõi họ sẽ thành một dân lớn, thì Áp-ra-ham đã được 75 tuổi. Lời hứa được hoàn thành khi ông đã 100 tuổi.

Hai mươi lăm năm của đời người là một thời gian khá dài; nó trở thành dài đằng đẳng đối với tâm lý mong chờ thành quả của lời hứa. Sự kiên nhẫn chờ đợi là hoa trái của tinh thần vâng lời và trông cậy; mà vâng lời và trông cậy là bản chất của đức tin.

Nhiều tín hữu bị thất bại trong đời sống tâm linh mặc dù rất hăng say phục vụ Hội-thánh, rất siêng năng học Kinh-thánh và cầu nguyện. Nguyên nhân là họ không vận dụng đức tin để chờ đợi và vâng lời Chúa, mà cứ cố gắng thực hiện phần việc chỉ có Đức Chúa Trời mới làm được; họ muốn giúp Chúa hoàn thành lời hứa của Ngài.

Hãy noi theo gương đức tin kiên nhẫn chờ đợi của Áp-ra-ham và Sa-ra; hiểu biết sự bất năng của mình và nhờ cậy hoàn toàn vào quyền phép của Đức Chúa Trời. Ngài sẽ không chậm trễ hoàn thành lời Ngài đã hứa cho người nào tin.

ThuHeboro20.docx

Rev. Dr. CTB