Thư Hê-bơ-rơ, bài 21

Hê-bơ-rơ 11:13–26

Trước khi tới câu 13 nầy, tác giả đã bảy lần xác nhận “bởi đức tin,” các tổ phụ đã nêu những gương siêu phàm. “Chết trong đức tin” có nghĩa là những người được nêu gương “đã sống bằng đức tin cho tới ngày qua đời.

Lời hứa mà họ chưa nhận được là vùng đất làm sản nghiệp để lại cho dòng dõi mai sau. “Nhưng từ đàng xa, họ trông thấy và chào mừng những điều đó, tự xưng là kiều dân và lữ khách trên đất” (13). Điều mà họ trông đợi thì không phải là lời hứa, nhưng là điều được hứa; tức là một sản nghiệp ở quê hương trên trời, quý báu hơn sản nghiệp trong cõi vật chất nầy.

Từ đàng xa” nói về khoảng cách thời gian chứ không phải là khoảng cách không gian; bởi vì Áp-ra-ham “trông đợi một thành có nền móng vững bền, do Đức Chúa Trời vẽ kiểu và xây cất” (10). Sự thấy bởi đức tin khiến họ vui mừng đón tiếp điều được hứa, dù chưa nhận được.

Từ đời Áp-ra-ham đến đời Gia-cốp đều là những người giàu có, nhưng họ vẫn sống như kiều dân; bởi vì họ chưa nhận được đất đai làm sản nghiệp như lời hứa của Chúa.

Những người nói như thế chứng tỏ họ đang tìm kiếm một quê hương, vì nếu còn nhớ đến quê cũ là nơi họ từ đó ra đi, thì cũng có dịp trở về. Nhưng họ mong ước một quê hương tốt hơn: quê hương trên trời. Vì thế Đức Chúa Trời không thẹn khi được gọi là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã chuẩn bị cho họ một thành” (14–16).

Nếu muốn trở về quê cũ, thì từ đời Áp-ra-ham đến đời Gia-cốp đều có thể thực hiện dễ dàng; bởi vì quãng đường từ Ca-na-an về tới Ur thì không quá xa xôi. Nhưng Áp-ra-ham nhất quyết không trở lại quê cũ. Kinh-thánh tường thuật:

Người đầy tớ thưa: ‘…tôi có được đưa con trai ông về xứ mà ông từ đó ra đi không?’ Áp-ra-ham nói: ‘Không, đừng bao giờ đưa con ta về xứ đó. … … Dù thế nào ngươi cũng không được đưa con ta về đó” (Sáng-thế 24:5–6, 8).

Khoảng một trăm năm sau, sau khi Gia-cốp trở về quê Pha-đan A-ram để chạy trốn anh mình, rồi cưới vợ và sinh con cái ở đó, thì thiên sứ của Đức Chúa Trời hiện ra với ông trong chiêm bao bảo ông: “Bây giờ, con hãy đứng dậy, rời khỏi xứ nầy và trở về quê cha đất tổ của mình” (Sáng-thế 31:13); tức là trở về xứ Ca-na-an, gặp lại cha mình là Y-sác “tại thành Ki-ri-át A-ra-ba, tức là Hếp-rôn. Đây là nơi Áp-ra-ham và Y-sác đã từng tạm cư” (Sáng-thế 35:27).

Bài học về đức tin của các thánh tổ ngày xưa dạy chúng ta ngày nay hãy nhớ rằng, vì quê hương của chúng ta ở trên trời không thuộc về trần gian, hãy nhắm mục đích cuối cùng của mọi con dân nước Trời là được vào Nơi Chí Thánh để sống trong sự hiện diện của Cha trên trời.

Muốn như thế, mỗi tín hữu cần phải biết sống bởi đức tin; nghĩa là không để cho của cải vật chất trần gian trói buộc mình.

Lập trường và thái độ sống của Áp-ra-ham trên đất Ca-na-an là bằng chứng về đức tin mãnh liệt của ông. Nhưng Đức Chúa Trời lại thử thách đức tin của Áp-ra-ham để đưa ông lên một mức cao hơn: Ngài bảo ông phải đem đứa con trai yêu quý do bà Sa-ra sinh cho ông, người sẽ thừa kế ông theo lời Chúa hứa, lên một hòn núi kia ở Mô-ri-a để làm lễ vật dâng cho Ngài (Sáng-thế 22:2).

Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng hiến Y-sác khi Chúa thử nghiệm ông. Dù ông đã nhận được lời hứa, vẫn hiến dâng con trai độc nhất của mình; về người con nầy, Đức Chúa Trời đã phán với ông: ‘Từ Y-sác sẽ ra một dòng dõi mang tên ngươi’” (17–18).

Sự vâng lời bởi đức tin lần nầy là khó khăn hơn hết đối với Áp-ra-ham, nhưng ông đã chiến thắng thử nghiệm nầy, sẵn sàng vâng lời vì ông tin rằng Đức Chúa Trời Toàn Năng “có quyền khiến người chết sống lại, và có thể nói, ông nhận lại con mình từ cõi chết” (19).

Đây là bằng chứng đức tin mạnh mẽ và hùng hồn nhất của Áp-ra-ham vào thiện ý Đức Chúa Trời đối với ông. Vì thế, “Đức Giê-hô-va phán:

Vì con đã làm điều nầy, không tiếc con mình, dù là đứa con duy nhất của con, nên Ta lấy chính mình mà thề rằng, Ta sẽ ban phước dồi dào cho con, làm cho dòng dõi con đông như sao trên trời, nhiều như cát biển, và dòng dõi con sẽ chiếm được cổng thành quân địch. Tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ nhờ dòng dõi con mà được phước  vì con đã vâng lời Ta’” (Sáng-thế 22:16–18).

Gương đức tin nầy cũng nhắc lại cho chúng ta bài học về điều kiện để nhận được sự sống mới từ Chúa ban cho; tức là người nào thật lòng tin Chúa sẽ hiến dâng chính mình, để cho con người thật bên trong của mình phải bị đóng đinh trên cây thập tự, đồng chết với Đức Chúa Giêxu. Nhờ đó chúng ta được sống lại với Ngài. Trên căn bản ấy, Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta đức tin và tri thức sâu nhiệm về linh giới.

Ai không chịu hiến dâng cái tôi của mình cho nó chết đi, thì người ấy sẽ chẳng bao giờ nhận được sự tái sinh, và hoàn toàn vô ích cho Nước Chúa. Vì Đức Thánh Linh không thể tác động để thánh hoá lòng của người chưa muốn đổi mới.

Những người như thế cũng sẽ chẳng bao giờ có đủ đức tin để vượt qua những thử thách trong đời. Một người có quyết tâm mạnh mẽ dâng hiến bản thân mình cho Chúa, thì sẽ biết thêm về quyền năng của Chúa và nhận được hạnh phúc từ đức tin đem đến.

Ai sẵn lòng dâng cho Đức Chúa Trời điều tốt nhất mình có, thì Ngài sẽ ban thưởng bội phần hơn và niềm vui mừng tràn đầy hơn. Áp-ra-ham đã “nhận lại con mình từ cõi chết” (19).

Chắc chắn rằng kinh nghiệm quyền năng và thần diệu trên núi ở vùng đất Mô-ri-a đã giúp Y-sác thừa kế đức tin của cha mình. Có lẽ ông đã thường xuyên nghiền ngẫm về chuyện ấy để thấy sự thành tín của Đức Chúa Trời đối với cha của ông. Vì lẽ đó ông tin chắc lời hứa của Chúa cho chính ông sẽ được thành tựu qua các con mình.

Cho nên “bởi đức tin, Y-sác chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau, nói về những việc tương lai” (20); trong các lời chúc tiên tri ấy, Y-sác cầu sự thịnh vượng và chiến thắng cho dòng dõi của Gia-cốp, là dân tộc Israel sau nầy; nhưng lời chúc cho Ê-sau thì không được như Gia-cốp. Bởi đức tin, Y-sác nói chính xác tương lai các con của ông.

Bởi đức tin, Gia-cốp khi gần qua đời, chúc phước cho hai con trai của Giô-sép, và tựa trên cây gậy thờ lạy Chúa” (21; Sáng-thế 48:15–20).

Gia-cốp cũng đã được nghe Chúa phán hứa qua khải tượng trong chiêm bao, được gặp gỡ thiên sứ của Đức Chúa Trời trong những năm đời gian truân của ông; vì thế, đức tin của Gia-cốp được thành hình, tăng trưởng, lớn mạnh, và vững vàng trong tâm linh ông, một người biết kính sợ và yêu mến Đức Chúa Trời của ông nội, cha và chính mình.

Những lời chúc tiên tri của Gia-cốp cho hai cháu nội, mà ông đặt chúng ngang hàng với các con của ông, và những lời chúc tiên tri cho từng người con (Sáng-thế 49:1–27) đều đã ứng nghiệm.

Cuộc đời trôi nổi đầy tủi nhục rồi vô cùng vinh quang của Giô-sép cũng đã tạo nên một đức tin vững vàng vào Chúa. Hơn nữa, Giô-sép đã kinh nghiệm về ơn tiên tri từ lúc niên thiếu, rồi ơn giải mộng tiên tri trong thời bị vu oan và cầm tù tại Ai-cập.

Ông tin chắc Chúa sẽ thăm viếng dân Ngài để đem họ về miền đất hứa; do đó, ông muốn hài cốt mình sẽ được đem về miền quê phước hạnh của dân sự Đức Chúa Trời (22; Sáng-thế 50:24–25).

Đức tin của cha mẹ Môi-se bị thử thách trong một hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt. Nhưng họ đã tin cậy Chúa, không sợ lệnh vua, giấu giếm nuôi con trai sơ sinh của mình trong ba tháng (23).

Mỗi gương đức tin trong cuộc đời ly kỳ của từng vị tổ phụ dân Do-thái đều là bài học bổ ích cho mỗi con dân Chúa ngày nay.

Bởi đức tin, Môi-se khi khôn lớn không nhận danh hiệu con trai công chúa Pha-ra-ôn, ông thà chịu ngược đãi cùng con dân Đức Chúa Trời, hơn là tạm hưởng vui thú của tội lỗi; ông coi sự sỉ nhục của Đấng Christ là quý giá hơn các kho tàng của Ai-cập, vì ông chăm nhìn phần thưởng” (24–26).

Một người có lập trường và thái độ như Môi-se sẵn sàng đứng về phía đồng bào của mình đang bị hành hạ, từ chối ngôi quyền lực và cảnh sống nhung lụa trong triều đình vua Ai-cập, phải có một đức tin vững vàng vào Chúa của mình mới làm được.

Chính vì thế, Môi-se được Đức Chúa Trời dùng làm lãnh tụ và vị cứu tinh của dân Do-thái, giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ tại Ai-cập, lên đường về miền đất hứa.

Cũng nhờ đức tin đó mà ông được Chúa ban cho nhiều ơn lạ kỳ để thực hiện các phép lạ kinh thiên động địa trong bốn mươi năm từ Ai-cập, trải qua các hoang mạc ghê rợn, cho đến tận ranh giới của miền đất Ca-na-an.

ThuHeboro21.docx

Rev. Dr. CTB