Thư Hê-bơ-rơ, bài 26

faith-hope-love-sky

Hê-bơ-rơ 13:1–8

Phần cuối của thư Hê-bơ rơ nói tới ba đề tài lớn: Đức-tin (đ.11); bền bỉ trên thiên trình (đ.12); và những điều thực tiễn (đ.13).

Những điều thực tiễn để áp dụng trong cuộc sống đạo và đời sống đức tin, thì liên quan tới nhiều lãnh vực. Bốn câu đầu của đoạn cuối nầy chỉ dẫn người đọc cách thức thể hiện tình thương yêu chân thật của một Cơ-đốc nhân.

Trước hết là phải biết giữ tình yêu thương huynh đệ (1). Có nghĩa là phải cư xử với anh chị em tín hữu khác như là anh chị em ruột thịt.

Trong xã hội mà lòng người đầy tính vị kỷ như hiện nay, thì lời nhắc nhở về tình yêu thương huynh đệ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta. Bởi vì Hội-thánh hiện nay bị phân hoá trầm trọng bởi tinh thần giáo phái phe đảng, tinh thần cục bộ và lòng tị hiềm ganh ghét quá đáng.

Lời nhắc nhở nầy rất quan trọng, vì tình yêu thương là cốt lõi Phúc-âm của Đức Chúa Trời. Tình yêu thương không điều kiện của đạo Chúa nâng Phúc-âm vượt xa và cao vời vợi so với mọi thứ tôn giáo hay lý tưởng do loài người đặt ra.

Cho nên, nếu ai tự nhận mình là môn đồ của Đức Chúa Giêxu, nhưng luôn luôn tranh cạnh và xa cách với nhiều môn đồ khác của Ngài, thì hành vi ấy phản lại dấu hiệu mà Đức Chúa Giêxu đã cho biết:

Nếu các con yêu thương nhau, thì bởi đó, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đồ Ta” (Giăng 13:35).

Ngài cũng truyền một mệnh lệnh cao quý cho mọi môn đồ Ngài: “Các con hãy yêu thương nhau, như Ta đã yêu các con” (Giăng 15:12).

Như vậy, tình yêu thương huynh đệ là thuốc thử để nhận biết ai là môn đồ chân thật của Chúa.

Chính tình yêu thương huynh đệ thúc đẩy con cái Chúa tiếp đãi khách lạ hay cứu giúp người khó khăn cùng túng. Các tôn giáo đời hô hào rất nhiều về lòng bác ái; nhưng Hội-thánh của Chúa luôn luôn đi đầu và đóng góp nhiều nhất trong việc cứu trợ nạn nhân thiên tai, chiến tranh, nghèo đói, hoặc giải thoát những người bị bán làm nô lệ.

Con cái Chúa ở Hoa-kỳ và các nước lấy đạo lý Cơ-đốc làm căn bản đã mở rộng vòng tay tiếp đón hàng chục triệu người tị nạn từ nhiều dân tộc trên thế giới.

Nhưng mỗi khi họ bị một tai hoạ nào đó, thì các nhóm người thọ ân họ trước kia lại là những người dửng dưng vô ơn hơn hết; chỉ vì nguồn gốc đạo lý hay tôn giáo của họ không đặt nặng tình yêu thương huynh đệ, hoặc tinh thần biết đền ơn đáp nghĩa.

Vì thế, tác giả khuyên: “Đừng quên tiếp đãi khách lạ; có người nhờ lòng hiếu khách đã tiếp đón thiên sứ mà không biết” (2).

Rất có thể nhiều người trong chúng ta đã bị Chúa thử nghiệm về tinh thần bác ái và tình yêu thương huynh đệ, và đã bị thấy là thiếu kém; chỉ vì không có tình yêu thương của Chúa trong lòng, nên từ chối không bố thí hoặc không giúp đỡ người lạ mặt đang cơn túng quẫn.

Theo ý nghĩa của lời khuyên nầy, chúng ta cần phải hết sức nhạy bén và cảnh giác đối với những người mình gặp cách tình cờ. Bởi vì Đấng thử lòng người vẫn dùng các thiên sứ đi thử nghiệm con cái Ngài trong các việc hết sức thực tế, để xem họ yêu tiền bạc đến mức nào.

Trong cảnh đời no ấm, đầy đủ và tiện nghi thoải mái, số tín hữu lo tưởng đến các anh chị em đang bị lao tù hay bị ngược đãi thì không nhiều (3). Nếu có vài người động lòng trắc ẩn khi nghe về cảnh khổ của anh chị em trong Chúa, và mở lòng ra giúp đỡ họ, thì lòng trắc ẩn ấy sớm bị mệt mỏi sau một thời gian.

Bởi vì căn nguyên của hành động từ thiện không phải là tình yêu huynh đệ sâu nặng, mà chỉ là mối cảm xúc nhất thời không bền vững.

Chúng ta hãy suy gẫm về vị trí mình là một phần chi thể của đồng một thân thể; mà trong một thân thể thì “các chi thể đều lo lắng cho nhau. Nếu một chi thể đau đớn, tất cả các chi thể cùng đau đớn; nếu một chi thể được tôn trọng, tất cá các chi thể cùng vui mừng” (1Côrinhtô 12:25–26).

Hiểu điều đó, chúng ta dễ cảm thông và trợ giúp những anh chị em đang bị lao tù, ngược đãi, nhục hình, giết chóc vì đức tin giống như chúng ta đang có.

Tác giả nói đến lãnh vực khác của tình yêu nhân loại, là tình nghĩa vợ chồng trong hôn nhân: “Mọi người phải tôn trọng hôn nhân; đừng làm ô uế loan phòng, vì Đức Chúa Trời sẽ xét đoán người gian dâm, ngoại tình” (4).

Trong một cộng đồng nhỏ có mối liên hệ chặt chẽ, thì người ta kềm chế những tội liên quan tới sự ham muốn tình dục, vì sợ bị dư luận trong cộng đồng lên án. Nhưng ở một xã hội lỏng lẻo, đạo đức suy đồi như hiện nay, thì con cái Chúa càng phải cẩn thận, không thể bắt chước cách sống truỵ lạc, lang chạ như người vô đạo đức.

Chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về việc làm của mình, chứ không phải đối với luật pháp thế tục. Đừng dựa vào sự hợp pháp của luật pháp thế tục mà cho rằng nó hợp pháp đối với Chúa. Vì thế, chẳng phải chỉ là sự gian dâm, ngoại tình, mà còn là những hành động quá dâm ô trong phòng ngủ nữa.

Đừng tham tiền, hãy bằng lòng với những gì mình có. Vì chính Chúa có phán: ‘Ta sẽ không bao giờ lìa con, cũng chẳng bỏ con.’ Như vậy, chúng ta có thể mạnh dạn mà nói: ‘Chúa là Đấng giúp đỡ tôi; tôi chẳng sợ; loài người làm gì tôi được?’” (5–6).

Lời khuyên bây giờ đề cập tới một lãnh vực mà vô số người bị vấp ngã. Tiền bạc tự nó không có gì là xấu ác cả. Mọi người đều cần có tiền bạc để sinh sống. Nhưng “sự tham tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều gian ác; có người vì tham tiền mà mất đức tin, chịu nhiều nỗi khổ đau xâu xé tâm can” (1Ti-mô-thê 6:10).

Các nỗi mơ ước giàu có tiền bạc xưa nay vẫn là nguyên do khiến đời sống đức tin tín đồ bị sa sút trầm trọng. Bởi vì nó thúc đẩy người ta làm nhiều điều bất chính, gian dối và ác độc để có nhiều tiền bạc.

Người hoàn toàn tin cậy Chúa thì sẽ chẳng cần mưu toan, tính toán chạy theo tiền bạc. Vì tin rằng Chúa sẽ bênh vực, giúp đỡ mình trong mọi nhu cầu.

Anh chị em hãy trở lại đặt lòng tin cậy vào lời hứa của Chúa: “Ta sẽ không bao giờ lìa con, cũng chẳng bỏ con,” để trí não được bình an vững vàng giữa phong ba của đời. Tuy nhiên, phải biết chắc mình đang thuộc về Chúa, chứ đừng hi vọng cách mù mờ.

Tín hữu nào thường xuyên giữ mối tương giao thân mật với Chúa mới dám mạnh miệng tuyên bố: “Đức Giê-hô-va bênh vực tôi, tôi chẳng sợ, loài người sẽ làm gì tôi?” (Thi -thiên 18:6).

Bởi vì những người như vậy đã nhiều lần kinh nghiệm về ơn bảo vệ của Chúa và luôn cảm nhận được cách rõ ràng về sự hiện diện của Ngài trong đời sống mình.

Mỗi nhóm tín hữu chân thật của Chúa đều có người của Ngài sai đến để “dìu dắt, truyền dạy lời Đức Chúa Trời” cho họ (7). Trong đời tín hữu, có thể đã được nhiều người dìu dắt, vì hoặc là đã sống ở nhiều nơi, có thể là người chăn bầy được Chúa sai đi nơi khác, hoặc Chúa đem về nhà Ngài, vv.

Dù ở trường hợp nào, hãy suy nghiệm về đời sống, đức tin và kết quả của những người mà mình biết là đầy tớ của Chúa được Ngài sai đến để dạy bảo và uốn nắn nếp sống tâm linh của mình, rồi noi theo gương đức tin của họ (7).

Hội-thánh địa phương nào có người chăn bầy đầy ơn Chúa trong sự giảng dạy lời Ngài, là một Hội-thánh có phước lớn. Bởi vì không phải địa phương nào cũng được chăn dắt bởi người có Thánh-Linh của Chúa.

Nếu tâm linh anh chị em vẫn bị đói khát dù sinh hoạt thường xuyên trong một Hội-thánh nào đó, thì hãy cầu xin Chúa sai người khác đến. Trái lại, nếu no đủ và càng tấn tới trong sự hiểu biết Chúa, thì phải cố gắng đừng để người chăn của mình bỏ đi vì quá chán những con chiên lười.

Hội-thánh có thể bị mất người chăn mà mình yêu mến, nhưng không bao giờ mất Đức Chúa Giêxu. Bởi vì, “Đức Chúa Giêxu Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không bao giờ thay đổi” (8).

Phần trước nói: “Đức Chúa Giêxu, vì tồn tại đời đời, nên giữ chức tế lễ mãi mãi. Do đó, Ngài có thể cứu rỗi trọn vẹn và vĩnh viễn những người nhờ Ngài đến với Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho họ” (7:24–25).

Tình yêu thương, quyền phép, sự bảo vệ, chăn dắt của Ngài đối với bầy chiên thì không bao giờ thay đổi. Sứ đồ Giăng kể lại rằng “Ngài đã yêu thương những người thuộc về Ngài ở thế gian, Ngài vẫn yêu họ cho đến cuối cùng” (Giăng 13:1).

Đức Chúa Giêxu cũng chẳng bao giờ thay đổi về mục đích, chương trình, ý định, và đường lối của Ngài cho Hội-thánh. Có một số người yếu đức tin, hoặc chưa bao giờ dám tin chắc quyền năng vô địch của Ngài, nên đã giảng dạy rằng:

Ngày nay Chúa không còn làm phép lạ nữa; sở dĩ có phép lạ chữa bệnh vào thời Chúa còn ở thế gian, vì lúc đó y khoa chưa tiến bộ. Thời nay đã có thuốc men, bác sĩ giỏi, y khoa tiến bộ; cho nên Chúa đâu cần làm phép lạ!

Họ cũng lý luận tương tự về sự hiện hữu của ma quỷ. Chúng ta thì tin lời Chúa chứ không tin lời của những người kiêu căng, vô tín và dùng lời nguỵ biện xảo quyệt che giấu sự thiếu ơn của họ.

ThuHeboro26.docx

Rev. Dr. CTB