Sáng Thế Ký, bài 46

Sáng-thế-ký 43:1–34

Với một nạn đói trầm trọng, cả nhà Gia-cốp phải ăn dè xẻn lắm, vì số miệng ăn thì nhiều mà lượng lúa thì có hạn (1). Ở câu nầy không nói số lúa mua lần trước nuôi cả nhà được bao lâu, chỉ nói rẳng, “gia đình đã ăn hết lúa từ Ai-cập đem về thì người cha bảo họ: ‘Các con hãy trở lại mua một ít lương thực cho chúng ta’” (2).

Ý tác giả muốn nói là họ đã ăn gần hết số lúa mua từ Ai-cập, bởi vì nếu đã ăn hết thì cả nhà lấy gì mà ăn trong lúc chờ chuyến đi mua lúa ở Ai cập lần nữa trở về.

Giu-đa thưa: “Người đó quả quyết với chúng con: ‘Nếu không có người em út cùng đi thì các ngươi sẽ không được gặp ta.’ Nếu cha cho em cùng đi, thì chúng con mới xuống mua lương thực cho cha được. Nếu cha không cho nó đi, thì chúng con không xuống đâu, vì người đó đã bảo: ‘Nếu không có người em út cùng đi thì các người sẽ không đươc gặp ta’” (3–5).

Gia-cốp trách các con mình tại sao lại khai hết số anh em cho người lạ. Ông không biết rằng đó là mưu kế của Giô-sép để buộc các anh phải đem Benjamin xuống Ai-cập cho mình gặp.

Các anh Giô-sép nghĩ rằng họ bị cha trách oan, cho nên họ kể: “Người ấy hỏi rất kỹ về chúng con và họ hàng chúng con, nào là:‘Thân phụ các ngươi còn sống không? Còn người anh em nào nữa không?’ Chúng con đâu có nói gì khác ngoài trả lời các câu hỏi đó. Làm sao chúng con biết ông ấy bảo rằng hãy đem em các ngươi xuống đây” (6–7).

Những lời nói khôn ngoan của Giu-đa nhắc cha mình rằng, sự sống của cả gia tộc tùy thuộc vào quyết định của Gia-cốp có cho Benjamin đi với các anh xuống trình diện vị chúa tể xứ Ai-cập hay không. Vì lâu nay họ phải đối diện với sự thiếu thốn luơng thực chỉ do Gia-cốp sợ mất đứa con yêu qúy còn lại của ông mà thôi (8–10).

Nghe lời trình bày và bảo lãnh của Giu-đa, Gia-cốp nhượng bộ; ông bằng lòng cho Benjamin xuống Ai-cập với các anh và cũng đề nghị đem theo một số đặc sản địa phương làm quà biếu cho vị chúa tể đầy uy quyền ở xứ Ai-cập.

Ông lại nhắc họ phải đem “gấp đôi số tiền, vì các con phải hoàn lại số tiền mà có thể do sơ xuất người ta đã để vào miệng bao của các con” (11-12). Lần nầy ông thúc giục họ hãy chóng lên đường và “cầu xin Đức Chúa Trời Toàn Năng làm cho các con được ơn trước mặt người ấy, để Si-mê-ôn và Benjamin được về với các con. Còn cha, nếu phải mất các con thì cha đành cam chịu” (13–14).

Đứng trước sự tồn vong của cả một gia tộc, Gia-cốp đành can đảm chấp nhận rủi ro. Có lẽ từ khi bị mất Giô-sép, Gia-cốp luôn lo sợ điều chẳng lành xảy đến cho gia đình mình. Cuộc đời an bình lâu ngày khiến cho đức tin nao núng khi bị thử nghiệm.

Học đến sự kiện về sự lo sợ của Gia-cốp, đa số tín hữu ngày nay cũng có cùng một tâm trạng như ông khi gặp những thử thách bất ngờ.

Trọn đời Gia-cốp từ khi lìa cha mẹ để chạy trốn người anh cho tới lúc trở về sống tại Ca-na-an, thì ông đã được Đức Chúa Trời hiện ra ban phước nhiều lần. Ông cũng được thấy các thiên sứ, được Chúa ban ơn phước, sự thịnh vượng và sự bảo vệ che chở khỏi mọi hiểm nguy.

Thế mà sau khi ông sống bình yên với gia đình con cái ở quê nhà hơn hai mươi năm, thì hình như ông không còn nhớ đến sự che chở bảo vệ của Chúa nữa. Trong mọi điều mà ông phải quyết định, Gia-cốp lo sợ và chỉ trông cậy vào sự cẩn thận của riêng mình. Ông không trình dâng sự việc lên cho Chúa, cũng không đặt hi vọng vào lòng tốt lành của Ngài nữa.

Lần nầy các anh của Giô-sép đem Benjamin theo để ra mắt Giô-sép. Tâm tư và lòng thương nhớ của một người xa nhà đối với những người thân yêu nhất thì luôn canh cánh bên lòng. Tình thương sâu đậm vô cùng của Giô-sép vẫn dành cho cha và đứa em ruột cùng mẹ; cho nên vừa thấy Benjamin đến, thì Giô-sép nhận ra em trai của mình liền.

Ông ra lệnh cho quản gia: “Đưa những người nầy vào nhà, bắt một con thú làm thịt và dọn bữa ăn, vì trưa nay họ sẽ dùng bữa với ta.” Quản gia vâng lời làm đúng theo lệnh của Giô-sép (15–17).

Các anh em lại một lần nữa bị khiếp vía, vì không ngờ sự việc lại diễn tiến vượt khỏi sự dự đoán của họ. Họ thầm thì với nhau: “Chính vì số tiền đã để lại trong bao chúng ta lần trước mà họ đưa chúng ta vào đây để tìm cớ xông vào đánh chúng ta, bắt chúng ta làm nô lệ và chiếm đoạt mấy con lừa của chúng ta” (18).

Sự kinh hoảng sợ hãi khiến cho mấy người anh của Giô-sép chỉ nghĩ đến các hậu quả đen tối sẽ xảy đến cho họ. Họ cho rằng lý do họ bị đưa vào trong nhà là vì số bạc mua lúa lần trước bị bỏ lại trong bao lúa của họ do lầm lẫn; cho nên, người Ai-cập viện cớ đó để bắt họ làm nô lệ.

Nhưng sau khi trình bày cùng người quản gia về sự ngay thẳng của họ, họ rất ngạc nhiên khi được người ấy trấn an rằng: “Mọi việc đều bình an, đừng sợ! Chính Đức Chúa Trời của các anh, cũng là Đức Chúa Trời của thân phụ các anh, đã ban báu vật vào bao các anh. Còn tiền của các anh đã đến tay tôi rồi” (19–23).

Theo cách nói ấy, thì người quản gia nhà Giô-sép đã biết ít nhiều về đời tha hương, thân thế và niềm tin của chủ mình. Có lẽ, Giô-sép đã tiết lộ đôi điều cho gia nhân tín cẩn.

Bài học nầy dạy chúng ta về việc phải biết bình tĩnh quan sát và suy đoán mọi việc theo đức thành tín và yêu thương của Đức Chúa Trời.

Sự cẩn trọng là đức tính cần có, nhưng quá cẩn thận rồi suy diễn theo tinh thần bi quan là tâm trạng của người chưa đặt lòng tin vào chương trình tốt lành của Chúa.

Theo dõi tất cả các diễn tiến của đời sống các con trai của Gia-cốp, độc giả sáng Sáng-thế-ký thấy họ chưa có một sự trải nghiệm nào về Đức Chúa Trời của cha họ.

Chỉ một mình Giô-sép là có kinh nghiệm về Chúa của mình. Dù ông phải sống nhiều năm trong tình cảnh tuyệt vọng, Giô-sép vẫn vững tin vào ý tốt của Ngài. Dần dần ông nhận ra rằng, nhiều điều tưởng chừng là tai họa theo cách nhìn của loài người, thật ra là ơn thần diệu từ Đức Chúa Trời.

Chắc các anh của Giô-sép rất mừng và yên tâm khi gặp lại Si-mê-ôn vừa được người quản gia đưa ra (23). Họ cũng rất bỡ ngỡ vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi được đưa vào nhà của tể tướng xứ Ai-cập, vừa có nước rửa chân, vừa có cỏ cho lừa của họ ăn, cũng được biết là sẽ ăn trưa tại nhà đó nữa; cho nên, các anh em lấy ra các quà biếu đã đem theo để chuẩn bị sẵn sàng (24–25).

Một lần nữa, sự ứng nghiệm hình ảnh biểu tượng của các chiêm bao tiên tri năm xưa về việc các anh và em của Giô-sép phải đến sấp mình trước mặt ông lại diễn ra, khi Giô-sép từ công đường trở về nhà (26, 28). Việc đầu tiên của Giô-sép là thăm hỏi sức khoẻ của cha mình (27), sau đó ông mới muốn nói chuyện với em mình là Benjamin (29).

Khi biết suy gẫm về những điều Đức Chúa Trời đã tiên báo qua các chiêm bao tiên tri, người đọc Kinh-thánh sẽ thấy rõ rằng Ngài luôn luôn làm cho ứng nghiệm những điều Ngài đã tiên báo.

Bản tánh thiếu kiên nhẫn của người ta thường dẫn họ tới những kết luận vội vàng là những chiêm bao ấy không phải là lời báo trước từ Chúa.

Cũng có vô số tín hữu ngày nay không tin vào những sự kiện có tính cách siêu hình thuộc cõi tâm linh. Nhất là chẳng có mấy người tin là có các chiêm bao tiên tri; bởi vì chiêm bao thì vô số, mà người được ơn hiểu biết, hoặc có khả năng giải mộng trong Hội-thánh, thì quá hiếm hoi.

Để có thể đạt kinh nghiệm và hiểu biết về những huyền nhiệm của Đức Chúa Trời, tiến tới một đức tin vững vàng, chúng ta hãy lưu ý tới các chiêm bao tiên tri và tập tành ơn giải mộng.

Giô-sép quá xúc động khi trông thấy em, chứng tỏ ông là một người đa cảm (30). Nhưng ông vẫn tạm giấu lai lịch, định gây ngạc nhiên cho các anh em mình. “Giô-sép … vội vã ra ngoài tìm chỗ để khóc. Ông vào phòng riêng và khóc. Rồi ông rửa mặt, bước ra, cố trấn tĩnh và nói: ‘Dọn thức ăn lên’” (30–31).

Dân Ai-cập không ăn thịt bò; cho nên, họ kinh tởm những người Hê-bơ-rơ ăn thịt bò, họ cũng khinh bỉ người chăn cừu nữa (46:34). Vì thế, họ ngồi ăn riêng (32).

Được dùng bữa trưa trong nhà của tể tướng, ngồi ăn đối diện với tể tướng, người mà các anh của Giô-sép vô cùng sợ hãi, điều ấy khiến cho mười một anh em sững sờ không biết phải nghĩ sao (33). Chuyến đi mua lúa lần trước bị quá khiếp vía, tưởng rằng chuyến đi kỳ nầy có thể phải gặp tai ương, ngờ đâu diễm phúc vượt quá xa sự suy nghĩ của họ, làm sao mà chẳng sững sờ!

Anh em của Giô-sép được ăn uống no say và vui vẻ với Giô-sép, thế mà họ vẫn chưa nhận ra lý do tại sao vị tể tướng lại tỏ ra ý tứ rất tử tế đối với người em út của họ (34).

Khi người ta đã hãi sợ một thế lực nào đó, rất ít người đủ tỉnh táo để nhận xét và phân tích ý nghĩa của những sự việc diễn ra quanh họ. Các anh của Giô-sép cũng vậy; họ không biết thiện ý ấy có nghĩa gì.

SangTheKy46.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký