Xuất Ai Cập, bài 34

Xuất Ai Cập 35:1 – 36:7

Da mặt Môi-se phản chiếu vinh quang của Chúa là bằng chứng ông đã nhận lãnh mọi mệnh lệnh từ Ngài; cho nên bất cứ điều gì Môi-se nói, dân Israel đều tin và vâng lời. Tuy nhiên ông không nói ấy là lệnh của ông mà nói: “Đây là những việc Đức Giê-hô-va đã truyền cho anh em phải thi hành” (1).

Trước hết, luật “phải giữ thứ bảy làm ngày thánh,” lấy ngày ấy làm “ngày sa bát, tức là ngày yên nghỉ, dành cho Đức Giê-hô-va,” là một luật mọi người phải giữ. Người nào vi phạm luật ấy sẽ bị xử tử hình (2).

Tuy nhiên, mệnh lệnh về việc không được đốt lửa trong ngày sa-bát tại những nơi dân Israel cư ngụ chỉ thấy được nói đến ở chỗ nầy, không thấy nhắc lại ở nơi nào khác (3).

Trước đó thì việc nầy chỉ nói đến với tính cách ngụ ý vào lúc bánh mana được Chúa ban xuống (Xuất 16:23). Vì thế, có vài cách hiểu khác nhau về luật cấm nhen lửa trong ngày sa bát.

Ngoài nhu cầu nấu ăn, việc mỗi ngày nổi lửa lên là quy trình làm việc của nhiều loại thợ xây dựng Đền-thờ tạm. Nếu Môi-se không cấm nhen lửa, những người thợ sẽ không chịu nghỉ, nhưng cứ làm những việc chuẩn bị sẵn cho công việc phải làm sau ngày sa-bát.

Người ta cũng thắc mắc về nhu cầu sưởi ấm trong mùa đông khắc nghiệt ở hoang mạc; cho nên, có thể là lệnh ấy chỉ cấm không được nhen lửa mới, nhưng giữ lửa đang có thì được.

Một số người Do-thái ngày nay thì áp dụng đúng theo văn tự; thậm chí họ không thắp đèn trong ngày sa-bát.

Thế thì dù định ý của lệnh cấm ấy ra sao, và nó không được nhắc lại về sau, thì các học giả tin rằng lệnh ấy chỉ áp dụng cho thời gian bốn mươi năm dân Israel phải lang thang trong hoang mạc mà thôi.

Những lời Môi-se nhắc lại sự truyền dạy của Đức Chúa Trời về các vật liệu cần thiết mà dân Israel phải dâng hiến để chế tạo Đền-thờ tạm, thì đã được nói đến ở phần trước (4–9; 25:1–7).

Phần kêu gọi sự thành tâm dâng hiến các vật liệu cần thiết để làm Đền-thờ tạm là dành cho mọi người trong đoàn dân Israel; nhưng phần kêu gọi thứ nhì là dành cho những người đặc biệt có khả năng để làm các công việc cụ thể trong việc chế tạo tất cả các món thuộc về Đền-thờ tạm, các loại bàn thờ, lễ phục của thầy tế lễ, và mọi món liên quan đến công cuộc thờ phượng (10–19).

Dùng từ ngữ “khéo tay” (10) để dịch chữ đã được dùng (wise-hearted), thì không phản ảnh được thực nghĩa của chữ nầy. Chữ đó có nghĩa là sự khôn ngoan và tri thức đặc biệt mà người thợ vận dụng để làm ra sản phẩm đã định. Vì người Do-thái tin rằng tấm lòng khôn ngoan là nơi tri thức ngự trị.

Mọi người Israel đều lui về lều mình để đem các món dâng hiến cho việc xây dựng Đền-thờ tạm đến cho Môi-se (20).

Sự dâng hiến cho Chúa chẳng bao giờ là một điều bị ép buộc. Không có sự vui lòng thì mọi của dâng đắt giá đều bị Chúa kinh tởm; nhưng Ngài vui nhận lòng chân thành hân hoan dâng hiến, dù món dâng chẳng đáng giá gì.

Nghe lời kêu gọi của Môi-se, “những người được thúc giục trong lòng và có tinh thần tự nguyện đều đã đến, đem lễ vật dâng lên Đức Giê-hô -va để dùng vào việc cất Đền-Tạm, trang bị các vật dụng trong Đền và may các lễ phục thánh. Vậy cả nam lẫn nữ, tất cả những ai có lòng tự nguyện đều đến” (21–22).

Họ mang tới mọi thứ vật liệu cần thiết để dâng cho công việc làm Đền-thờ tạm (22b–25), không thiếu một món gì hết. Như vậy, người Israel đã sở hữu các thứ vật liệu ấy từ khi họ còn cư ngụ ở xứ Ai-cập; rồi họ đem theo tất cả của cải họ có khi ra đi, cộng thêm nữ trang và qúy kim mà họ bóc lột người Ai-cập nữa.

Về vải gai mịn và các loại chỉ màu thì do những người đàn bà Do-thái “khéo tay” dệt vải, xe chỉ đem đến (25).

Hơn nữa, “những phụ nữ được thúc giục và có năng khiếu thì kéo chỉ lông dê” (26). Bản tiếng Anh thì dịch rằng họ là những phụ nữ được thúc giục bằng sự khôn ngoan thì kéo sợi bằng lông dê. Sợi nầy dùng để dệt các bức màn phủ trên mái Đền-Tạm (26:7).

Điều nầy chứng tỏ những người đàn bà làm công tác xe sợi bằng lông dê phải có tài năng đặc biệt mới làm được, chứ không phải ai cũng có thể làm.

Các nhà lãnh đạo thì đem bích ngọc và các thứ ngọc khác” (27). Đây là các tộc trưởng của mười hai chi tộc Israel. Số viên ngọc cần phải có là mười hai viên thuộc mười hai loại ngọc quý đã được Đức Chúa Trời chỉ định phải gắn trên bảng đeo ngực; hai viên ngọc mã não (onyx) cỡ lớn hơn để gắn lên hai cầu vai của ‘ê-phót.’ Như thế, mỗi tộc trưởng phải nộp một viên ngọc tiêu biểu cho chi tộc mình. Hai viên ngọc mã não còn lại thì được dâng hiến bởi người tộc trưởng nào sở hữu các viên ngọc mã não cỡ lớn.

Họ cũng đem dầu thắp đèn,các hương liệu để pha chế dầu xức và hương thơm. Tất cả con dân Israel, cả nam lẫn nữ, ai được thúc giục muốn dâng bất cứ thứ gì vào các công việc mà Đức Giê-hô-va đã truyền phán qua Môi-se, đều đã tự nguyện đem dâng lên Đức Giê-hô-va” (28–29).

Ý thức dâng hiến và tinh thần tự nguyện, trong sự dâng hiến đó, là điều Đức Chúa Trời vui lòng tiếp nhận.

Chuyện tích nầy là gương tốt mà con dân Chúa ngày nay cần học và noi theo trong sự dâng hiến lại cho Chúa về các lợi tức vật chất mà Ngài đã ban cho ta trong đời nầy.

Tính bủn xỉn trong bản chất của loài người thường ngăn trở lòng tự nguyện dâng hiến. Việc đó dẫn đến hậu quả bị lỡ mất nhiều phước lành mà đáng lễ là con cái Chúa phải được nhận lãnh.

Bây giờ Môi-se tiết lộ hai người đã được Đức Chúa Trời chỉ định đích danh là Bezaleel con của Uri, cháu của Hur thuộc chi tộc Giuđa; và Aholiab, con của Ahisamach thuộc chi tộc Đan (30 –34). Môise xác nhận hai người nầy đã được “ban đầy dẫy Thần của Đức Chúa Trời, cùng với sự khéo tay, thông minh và hiểu biết … cho họ đầy dẫy sự khôn ngoan để làm tất cả các công việc.

Ngày nay chúng ta thường ngạc nhiên trước một số người có tài năng xuất chúng về thủ công mỹ nghệ mà ít biết rằng họ là những người được Chúa ban cho tài năng và sự khôn ngoan hơn nhiều người khác; nhất là những người được Chúa sử dụng đặc biệt trong các công việc mà Ngài đặt họ vào.

Khác với sự thành thạo từ sự tập luyện lâu dài để làm các việc chuyên môn, những người đã được xức dầu và ban tài năng thì làm việc gì cũng giỏi, khéo léo và rất đẹp về mỹ thuật (35).

Câu đầu của đoạn 36 là phần giới thiệu tiến trình chế tạo, thiết lập và xây dựng Đền-thờ tạm đã được Đức Chúa Trời chỉ dẫn (36:1).

Bản tiếng Anh dịch thành: “Lúc ấy, Bezaleel và Aholiab, cùng với những người khéo tay mà Đức Giê-hô-va đã ban sự khéo léo và hiểu biết để chu toàn công tác xây dựng đền thánh, đã làm theo những gì Đức Giê-hô-va đã truyền phán.” (Then worked Bezaleel and Aholiab, and every wise hearted man, in whom the LORD put wisdom and understanding to know how to work all manner of work for the service of the sanctuary, according to all that the LORD had commanded).

Điều rất hứng khởi là “vì mỗi buổi sáng dân chúng cứ tiếp tục đem những lễ vật tình nguyện đến, nên các nghệ nhân đang làm các công việc của Đền Thánh phải tạm ngưng,” và vì dân chúng đem tới quá mức cần thiết, nên Môi-se phải ra lệnh cho họ đừng dâng thêm gì nữa. Tức là dân chúng bị ngăn không cho đem thêm lễ vật, vì chúng đã quá dư cho toàn thể công việc (36:3–7).

Trước đó, sau khi thông báo cho dân Israel được biết rằng Đức Chúa Trời đã chọn Bezaleel và Aholiab làm trưởng và phó của đoàn thợ khéo để thực hiện việc chế tạo Đền Tạm, Môi-se gọi hai người nầy cùng với “những người khéo tay mà Đức Giê-hô-va đã đặt trong lòng họ sự khôn ngoan, cùng với những người có tinh thần tự nguyện đến để bắt tay vào việc. Trước mặt Môi-se, họ tiếp nhận tất cả các lễ vật mà con dân Israel đã tự nguyện đem đến” (36:2–3).

Những người dù đã được Đức Chúa Trời ban ân tứ và tài năng cũng phải chờ tới lúc chính mình được kêu gọi vào công việc và chức vụ. Bất cứ chức vụ nào phục vụ Chúa cũng phải chờ thời điểm được Ngài gọi vào công việc. Bezaleel và Aholiab đã không tự ý xông ra nhận lãnh nhiệm vụ. Hai con người vô cùng tài giỏi nầy đã chờ tới khi được người lãnh đạo kêu gọi theo lệnh của Chúa.

Tinh thần dâng hiến của dân Israel cho việc xây dựng Đền-thờ tạm rất là hào phóng và được ghi chép vào Kinh-thánh. Tinh thần ấy phải xuất phát từ lòng yêu mến và kính sợ Đức Chúa Trời của họ, vì chẳng ai bị ép buộc phải dâng hiến.

Còn lòng chính trực của những người thợ thì đáng cho đời sau noi gương. Vì khi đã đủ thì họ xin Môi-se ra lệnh ngưng sự dâng hiến (36:4–7), không tìm cách lấy vật qúy dư thừa về làm của riêng.

XuatAiCap34.docx
Rev. Dr. CTB