Nắm Vững Niềm Tin, bài 07

Rôma 3:1–20

Ở đầu thư Rôma sau lời chào thăm, sứ đồ Phaolô bắt đầu giải thích mục tiêu ông muốn trình bày trong thư: “Người công chính phải sống như thế nào?” Nhưng để giải đáp câu hỏi ấy, trước hết ông phải thích điều gì khiến người ta được xưng là công chính. Và trước khi có thể giải thích điều nầy, thì ông phải giải thích lý do gì khiến người ta không được xưng công chính. Vì vậy, ông đã trình bày hai điểm thật căn bản là: 1. Thế giới dân ngoại phạm đủ thứ tội lỗi rất điên rồ. Điều đó bộc lộ rõ qua văn hóa suy đồi và hết sức vô đạo đức của họ. 2. Dân Do-thái cũng đầy tội lỗi và điên rồ y như vậy. Mặc dù họ được ban cho Luật pháp Môise, nhưng việc họ không giữ luật pháp thì quá rõ, nên số phận họ còn xấu hơn dân ngoại, vì đáng lẽ nhờ luật pháp họ phải biết khá hơn.

Bởi Phaolô cho biết như vậy, nên có thắc mắc nêu ra: “Vậy thì làm người Do-thái có ích lợi gì không? Hay sự cắt bì có giá trị gì?” (1). Phaolô trả lời rằng người Do-thái được lợi đủ mọi mặt (2). Trước hết là họ được ban cho lời sấm truyền từ Đức Chúa Trời, tức là bộ Luật Torah. Luật ấy cho họ biết một đời sống thánh thiện trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời là như thế nào. Nhưng suốt thời Cựu Ước dân Israel đã không trung thành với Chúa. Sự kiện đó đưa đến một câu hỏi khác là: “Liệu sự vô tín của họ có vô hiệu hóa sự thành tín của Đức Chúa Trời không?” (3). Nghĩa là sự vô tín của một số người Do-thái có ảnh hưởng đến những người Do-thái khác hay không. Phaolô trả lời rằng sự thành tín và chân thật của Đức Chúa Trời với dân Ngài không bao giờ thay đổi (4).

Để chứng minh cho luận cứ nầy, chúng ta hãy xem xét hình phạt dành cho phía vi phạm giao ước: “Những kẻ đã vi phạm giao ước Ta, không tuân giữ các điều khoản trong giao ước đã lập trước mặt Ta, thì Ta sẽ làm cho chúng như con bò tơ mà chúng đã mổ làm đôi và đi qua giữa hai phần” (Giêrêmi 34:18). Tục lệ lập giao ước của người vùng Trung Đông thời cổ đại giữa hai bên thì giết một con thú, xẻ dọc thành hai phần rồi đặt hai bên lối đi, mỗi bên một phần; hai phía lập giao ước sẽ đi qua giữa hai phần và thề rằng: “Tôi sẽ bị giống như con thú nầy nếu tôi vi phạm giao ước với anh.” Thế nhưng, khi Đức Chúa Trời lập giao ước với Abraham theo tục lệ ấy (Sáng thế 15:7–10, 17–18), thì chỉ một mình Ngài đi ngang qua giữa hai phần của các con thú, tức là dù dân Israel có hủy giao ước, thì chỉ mình Ngài chịu hình phạt. Đức Chúa Jesus đã chịu hình phạt để hoàn thành giao ước Đức Chúa Trời lập với Abraham, mà dòng dõi của ông đã vi phạm và phá bỏ.

Đến đây lại nảy ra câu hỏi khác (5): “Nếu sự bất chính của dân Do-thái giúp cho Đức Chúa Trời bày tỏ sự công chính của Ngài rõ ràng thêm, thì tại sao Ngài lại trừng phạt chúng tôi? Chẳng phải điều đó cho thấy Ngài bất công hay sao?” Phaolô đáp rằng, nếu Chúa không trừng phạt tội lỗi và những điều bất chính của người Do-thái, thì làm thế nào Ngài trừng phạt thế gian vì tội lỗi của họ được? (6). Câu hỏi kế tiếp đặt ra là một thứ lý luận vu khống và lố bịch (7– 8), điều đó không thể xảy ra. Chân lý hay sự thật của Đức Chúa Trời không chấp nhận sự giả dối nào; bởi vì sự trái ngược với bản thể Ngài thì làm thể nào có thể đem vinh quang cho Ngài được? Những ai vu khống đầy tớ thật của Chúa mà có bị sự trừng phạt xảy đến trên họ, thì không có lý cớ gì để phàn nàn.

Ý chính mà sứ đồ Phaolô muốn nói trong phần trên là: Chúng ta không thể tin Đức Chúa Jesus nếu không trung tín với Ngài. Biểu hiện ngoan đạo bề ngoài, thường xuyên đi nhà thờ, giống như người Do-thái chịu cắt bì, giữ ngày Sa-bát, tuân giữ luật về thực phẩm của Do-thái-giáo, vv. Chẳng có giá trị gì nếu không có tình thân mật của lòng trung thành đối với Đức Chúa Jesus. Bởi vì, nếu tín hữu có đời sống tội lỗi, thì các việc làm và biểu hiện bề ngoài không thể cứu được ai cả.

Để chứng minh ý trên cho đồng bào Do-thái của mình thấy rõ rằng họ đang bị quyền lực tội lỗi cai trị (9), sứ đồ Phaolô trích dẫn một số câu trong Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy mọi người đều phạm tội nặng (10–18). Bởi vì nếu người Do-thái tự hào họ là dân tộc được ban cho Luật Torah, và họ chịu đọc Luật đó một cách cẩn thận, thì họ sẽ thấy chính Luật Torah mà họ tự hào đang lên án những tội lỗi mà họ thường xuyên phạm phải. Khi Đức Chúa Jesus đối diện với các thầy thông giáo và người Pharisi, thì Ngài dùng Lời Kinh Thánh trong sách tiên tri Êsai nêu sự thật về sự giả hình của họ đối với Đức Chúa Trời. “Dân nầy lấy môi miệng tôn kính Ta; nhưng lòng chúng nó cách xa Ta lắm. Việc chúng nó thờ phượng Ta là vô ích, giáo lý chúng dạy chỉ là luật lệ của loài người” (Mathiơ 15:8–9). Giáo hội La mã nổi tiếng về việc nầy, nhưng Tin Lành cũng không thiếu.

Vậy thì mục đích của luật Torah là gì? Sứ đồ Phaolô viết tiếp “Chúng ta biết rằng những điều luật pháp nói, là nói cho những ai ở dưới luật pháp để mọi miệng đều phải nín lặng, và cả thiên hạ đều chịu tội trước mặt Đức Chúa Trời; vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà được kể là công chính trước mặt Ngài, vì nhờ luật pháp người ta nhận biết tội lỗi” (19–20). Như vậy, mục đích của bộ luật là đặt toàn thế gian dưới sự kết án công chính của Đức Chúa Trời. Mục đích từ đầu đến cuối của luật Torah là lời tuyên án rằng cả loài người đều phạm tội. Cho nên, chưa bao giờ Chúa định cho người tuân giữ luật Torah được xưng công chính trước mặt Ngài. Nhưng Ngài ban cho luật Torah để “nhờ luật pháp người ta nhận biết tội lỗi.

Nhân loại bị đau khổ vì tội lỗi nhưng không biết nguồn gốc sự đau khổ của mình. Một số tôn giáo suy luận rằng sở dĩ loài người chịu khổ vì bị luẩn quẩn trong vòng luân hồi, hết kiếp nầy qua kiếp khác, không thoát ra được theo lý thuyết của đạo BàLaMôn. Phật giáo thì dựa trên Khổ Đế của lý thuyết Tứ Diệu Đế cho rằng đời là bể khổ. Cái khổ ấy không ngoài tám nỗi khổ: Sinh, lão, bệnh, tử, thụ biệt ly (yêu mà phải xa), oán tăng hội (ghét mà phải ở gần), sở cầu bất đắc (muốn mà không được), thủ ngũ uẩn (khổ vì có sự tồn tại của thân xác); và Tập Đế cho rằng mọi nỗi khổ đều có nguyên nhân. Phật giáo đưa ra “Thập nhị nhân duyên” để chỉ ra nguyên nhân của sự khổ. Đó là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục căn, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, và lão tử. Các lý thuyết ấy  vẫn tưởng chừng hữu lý lắm, nhưng vẫn không biết tội lỗi là nguyên nhân của mọi đau khổ.

Luật Torah của Đức Chúa Trời truyền cho người Do-thái trình bày cho thế gian biết nguyên nhân mọi đau khổ của họ là do tội lỗi gây ra; mà tội lỗi nảy sinh rồi lan tràn là vì người ta từ chối kính thờ Đấng Tạo Hóa. Giải quyết được tội lỗi thì nhân loại sẽ hết đau khổ. Giống như bệnh nhân phải được chữa trị hết bệnh thì mới mạnh khỏe. Dù có rành rẽ bản kết quả khám bệnh đến đâu mà không chữa trị sẽ không bao giờ hết bệnh. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã gửi Ngôi Lời của Ngài xuống thế gian để giải quyết tội lỗi. Đức Chúa Jesus đã đến trong thân xác Con Người để thực hiện nhiệm vụ của Đức Chúa Trời cứu rỗi nhân loại. Cho nên, Ngài phán: “Đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ luật pháp hay lời tiên tri; Ta đến không phải để bãi bỏ nhưng để hoàn tất” (Mathiơ 5:17). Chỉ nhờ đức tin vào Ngài, chúng ta được nhận lãnh ơn cứu rỗi mà không cần phải tuân giữ trọn luật Torah.

NamVungNiemTin07.docx

Rev. Dr. CTB