Nắm Vững Niềm Tin, bài 06

Rôma 2:1–29

Trong phần trước, sứ đồ Phaolô nêu lên lý do mà dân ngoại, tức là hầu hết người ở thế gian, sẽ phải nhận lãnh sự phán xét công minh của Đức Chúa Trời; bởi vì họ không chịu kính thờ Đấng Tạo Hóa, mà cứ thờ hình tượng; mặc dù bằng chứng về Ngài quá rõ ràng trong cõi thiên nhiên. Họ cũng bị Chúa giáng cơn thịnh nộ công chính của Ngài, vì trong lòng họ chứa đủ thứ tội lỗi bị Chúa kinh tởm. Nhưng qua phần nầy thì ông nói rằng người Do-thái hãy nhìn lại mình; vì họ lên án dân ngoại mà cũng mang tâm địa gian ác y như thế, thì số phận cũng vậy thôi, sẽ không thoát khỏi hình phạt của Đức Chúa Trời (1–3). Người Do-thái luôn luôn lên án dân ngoại, nhưng họ cũng phạm đủ điều gian ác không khác chi dân ngoại cả. Họ sẽ bị hình phạt, vì Chúa không thiên vị (4–5).

Sự công minh của Đức Chúa Trời là rất rõ ràng “Vì Ngài sẽ báo ứng cho mỗi người tùy theo công việc họ làm. Ai kiên tâm làm lành, tìm kiếm vinh quang, tôn trọng và bất tử, thì Ngài ban cho sự sống đời đời. Còn ai ích kỷ, không vâng phục chân lý, mà vâng phục sự bất chính thì chuốc lấy sự giận dữ và cơn thịnh nộ” (6–8). Việc làm có nghĩa là hành vi, không phải nghề nghiệp hay công việc làm hàng ngày. Những ai có tâm địa ác độc hoặc thói quen tội lỗi, trong đó bao gồm cả sự thờ cúng hình tượng, thờ thần không phải là thần, không chịu thờ kính Đức Chúa Trời, thì sẽ bị hoạn nạn và khốn khổ giáng xuống trên tất cả những người đó. “Nhưng vinh quang, tôn trọng và bình an sẽ ban cho mọi người làm lành … Vì Đức Chúa Trời không thiên vị ai cả” (9–11).

Trong phân đoạn 1:18–32, sứ đồ Phaolô nói rằng thế giới ngoại giáo sẽ bị trừng phạt vì tội thờ hình tượng. Người Do-thái khoái chí vì họ không còn thờ hình tượng đã mấy trăm năm sau khi trở về từ nơi lưu đày ở Babylon. Nhưng Phaolô chẳng những hài tội người Do-thái, ông còn vạch trần thói đạo đức giả của họ. Bởi vì khi họ mau mắn lên án những điều bại hoại dân ngoại đã vi phạm, họ cũng phạm những điều mà họ kết án dân ngoại; chẳng những vậy, họ còn tưởng sẽ đương nhiên được hưởng sự nhân từ và thương xót của Đức Chúa Trời dù có cố ý vi phạm luật thánh của Ngài. Phaolô nói rằng vì những tội lỗi và thái độ ấy, người Do-thái đang “tích lũy cho mình sự giận dữ trong ngày thịnh nộ, là khi sự phán xét công bằng của Đức Chúa Trời được bày tỏ” (5).

Ý của sứ đồ Phaolô từ 1 tới 11 rất rõ ràng: Đức Chúa Trời sẽ giáng trên mọi người những gì mà họ đáng nhận lãnh: “Hoạn nạn và khốn khổ sẽ giáng xuống cho mọi người làm ác, … Nhưng vinh quang, tôn trọng và bình an sẽ ban cho mọi người làm lành” (9–10). Bởi vì Ngài chẳng thiên vị ai cả (11). Nghe những lời nầy, có lẽ một số người Do-thái sẽ cãi: “Chúng tôi có luật pháp Môise và giao ước với Đức Chúa Trời; cho nên, chúng tôi không bị đồng hội đồng thuyền với dân ngoại.” Sứ đồ Phaolô cho biết, dù dân Do-thái được ban cho luật pháp, nhưng họ vẫn bị chung số phận với dân ngoại; vì họ không giữ luật pháp “Vì chẳng phải người nghe đọc luật pháp được kể là công chính trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng người làm theo luật pháp mới được xưng công chính” (13).

Tới ngày phán xét, người không có luật pháp Môise mà phạm tội thì sẽ bị phán xét theo luật đạo đức tự nhiên của lương tâm, chứ không theo tiêu chuẩn của luật Môise (Torah). Trong khi kẻ có luật Torah mà phạm tội sẽ bị đoán xét theo tiêu chuẩn luật Torah (12). Có nghĩa là không ai sẽ bị kết tội vì không biết những gì mình chưa được dạy cho biết. Còn những ai đã được dạy và hiểu luật pháp mà vi phạm thì sẽ bị phán xét theo luật pháp mà họ đã biết. Điều mà Phaolô nói ở đây là cả người Do-thái lẫn dân ngoại chẳng ai có thể giữ trọn luật thánh của Đức Chúa Trời. Nhưng dân ngoại “vốn không có luật pháp, nhưng tự nhiên làm những việc luật pháp dạy bảo, thì mặc dù không có luật pháp, họ là luật pháp cho chính mình rồi” (14). Đây là những người làm theo lương tâm hướng thiện trong lòng người, mà tư tưởng họ khi thì cáo trách khi thì biện hộ (15).

Tiên tri Giêrêmi báo trước về giao ước mới mà Đức Chúa Jesus sẽ lập với Hội Thánh Ngài: “Đức Giêhôva phán: Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp Ta vào lòng dạ chúng và khắc ghi lên tâm khảm chúng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của chúng và chúng sẽ làm dân Ta” (Giêrêmi 31:33). Giao ước nầy khác với những điều “luật pháp đòi hỏi đã được khắc ghi trong lòng” (15) của những người dân ngoại dù không biết luật pháp vẫn hành xử theo lương tâm họ. Giao ước mới do Đức Chúa Jesus dùng máu Ngài để lập với mọi người tin thì được Đức Thánh Linh khắc ghi trong lòng con cái Ngài. Dù họ là dân ngoại trở lại tin Chúa, họ cũng trở thành dân Israel thật, con cháu thật của Abraham bởi đức tin của họ vào Chúa (Galati 3:7, 9). Vào ngày phán xét, Đức Chúa Trời sẽ xét đoán công minh đối với mọi người trên thế giới (16).

Người Do-thái luôn cho rằng họ sẽ được miễn trừ khỏi sự trừng phạt của Đức Chúa Trời vì họ là dòng dõi của Abraham, được hưởng phước của lời hứa giao ước; sứ đồ Phaolô nói rằng trong Vương quốc Đức Chúa Trời không có sự phân biệt sắc tộc hay dân tộc nào hết. Dù người Do-thái tự hào và ỷ lại vào luật pháp, được học, được hiểu biết để dạy luật pháp cho người khác; nhưng họ vi phạm vào chính những điều luật pháp cấm và làm nhục Đức Chúa Trời (17–24). Trong Hội Thánh ngày nay cũng có nhiều người như vậy: Họ tin rằng họ biết Phúc Âm, hiểu biết Kinh Thánh, rành rẽ về ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, những người ấy vẫn thường xuyên hạ nhục Đức Chúa Trời qua cách sống giả hình và phạm tội không biết chán.

Vì những người đó mà vô số người chưa tin Chúa không muốn tìm hiểu Tin Lành, không ưa những lời chứng về đời sống được Chúa đổi mới. Người ta nói phạm đến Danh Đức Chúa Trời vì thấy hành vi của số người đó. Dân Do-thái thời xưa hãnh diện vì đã chịu phép cắt bì, dấu hiệu của giao ước Đức Chúa Trời lập với ông Abraham (Sáng thế 17:10–11). Người Do-thái ỷ lại vào dấu hiệu giao ước đó để lách tránh việc phải thi hành luật pháp Môise. Phaolô nói rằng sự cắt bì của những người như vậy là vô ích (25). Bởi vì sự thật trong lòng mới đáng kể, còn tất cả hình thức bề ngoài, thật ra, không có giá trị gì hết nếu không được bảo chứng bằng sự thật ở trong lòng (26–27).

Sứ đồ Phaolô giới thiệu trung tâm của Phúc Âm rằng sự cắt bì có giá trị thật là tấm lòng xác thịt bị lột bỏ bởi quyền năng của Đức Chúa Jesus: “Trong Ngài, anh em cũng nhận cắt bì, không phải do tay người thực hiện, nhưng là sự cắt bì bởi Đấng Christ, tức là sự lột bỏ tánh xác thịt của chúng ta” (Côlôse 2:11). Người Do-thái bề ngoài, hay sự cắt bì bề ngoài đều không phải là thật nếu không do Đức Thánh Linh xuất phát từ tấm lòng (28–29). Qua Abraham, Đức Chúa Trời làm thành dân tộc Israel; qua dân tộc Israel, Ngài ban Đức Chúa Jesus, Đấng Messiah, đến chuộc tội thế giới. Rồi Đức Chúa Jesus sai Đức Thánh Linh đến trên Hội Thánh, hành động trong người tin để họ trở thành những người được cắt bì thật. Vậy, nhờ đức tin, họ trở thành con cháu thật của Abraham.

Ngày nay, giao ước đã được thực hiện. Hội Thánh trở thành nguồn phước cho cả thế gian. Vì vậy, tất cả chúng ta hãy đứng vững trong Đức Chúa Jesus nhờ Đức Thánh Linh ban cho sức lực để hoàn thành bước đường thánh hóa, hoàn tất chương trình cứu rỗi vĩ đại của Đức Chúa Trời.

NamVungNiemTin06.docx

Rev. Dr. CTB