Nắm Vững Niềm Tin, bài 05

Rôma 1:18–32

Bài trước nói người tin được xưng công chính theo ý niệm pháp lý thì dù được trắng án, nhưng bản chất ô uế trong lòng người vẫn còn; cho nên, Chúa phải xưng công chính người tin cả về mặt đạo đức, để quyền năng của Đức Thánh Linh thực sự trục xuất và loại trừ những thứ ác uế đó khỏi tâm linh tín hữu, gọi là sự tái sinh. Ngài lại giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi bằng cách đặt trong lòng con dân Ngài “chất miễn nhiễm,” tức là khả năng chống trả tội lỗi, để tội lỗi không thể xâm nhập tác quái trong tâm linh được nữa; biện pháp ấy gọi là bước đường thánh hóa mà mỗi con cái Chúa đều có thể bước đi. Trong phần nầy, Phaolô liệt kê lý do tại sao thế gian bị kết án.

Để chứng minh rằng tín hữu nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và việc được Ngài xưng công chính, dù là người Do-thái hay dân ngoại, chỉ cần dựa trên đức tin là có thể đạt được, thì sứ đồ Phaolô trình bày lý do tại sao mọi người đã phạm luật trời phải cần được giải cứu khỏi hình phạt. Ông dùng các lý luận trong phần tiếp theo của bức thư nhắm vào thế giới của những người ngoại giáo. Để có thể hiểu phân đoạn nầy cách dễ dàng, chúng ta hãy xem xét những điều Phaolô trình bày kỹ lưỡng về sự hiểu biết của người Do-thái đối với thế giới ngoại giáo.

Trước hết, sứ đồ Phaolô tiết lộ về sự thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với thế gian tội lỗi dùng sự gian xảo mà phủ nhận sự thật, ông gọi là áp chế chân lý (18). Có nghĩa là họ phủ nhận điều mà lương tâm biết là đúng và phải; không chấp nhận cái đúng mà suy nghĩ cách để chối bỏ. Sự thật về Đấng Tạo Hóa, sự thật về quyền năng, công trình sáng tạo vũ trụ và thần tính vô biên của Ngài thì mọi người có trí hiểu đều có thể thấy rõ qua cõi thiên nhiên rành rành trước mắt họ (19–20). Cho nên, những ai từ chối không công nhận có một Đức Chúa Trời cùng quyền tể trị của Ngài, mà quay sang tôn người trần làm thần để thờ và thờ hình tượng vớ vẩn thì không thể bào chữa chi được.

Người tin Chúa có thể hiểu rằng sở dĩ người ta trở nên ngu muội và tăm tối, vì họ không chịu tôn thờ Đấng phải được sùng kính và thờ phượng (21). Hãy để ý xem những người cúng bái, kính thờ hình tượng thường tự hào họ khôn ngoan, hãnh diện khoe triết lý tôn giáo, mà họ cho là cao siêu; nhưng không bao giờ có thể chứng minh được đấng họ tôn thờ là thần, hoặc đã trở thành thần tiên trong linh giới. Còn những tà đạo khác thì tạc hay đúc tượng chim muông, thú vật và loài bò sát, trăn rắn để thờ. Vì vậy, sứ đồ Phaolô viết rằng: “Họ tự xưng mình là khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên dại. Họ đã đổi vinh quang của Đức Chúa Trời bất diệt để lấy hình tượng của loài người hư nát, hoặc của chim muông, thú vật, hay loài bò sát” (22–23).

Sự suy đồi của tâm trí tăm tối không dừng lại ở thói thờ hình tượng. Vì từ sự thờ cúng đó nảy sinh ra tình dục quái gớm. Vì hàng ngàn năm trước công nguyên, những tôn giáo chung quanh khu vực Lưỡng Hà và vùng Trung Cận Đông đã phát triển hình thức thờ phụng thần mưa và sinh sản bằng cách giao cấu đồng tính và lưỡng tính với hàng ngàn tế sư mãi dâm ở các đền miếu tà thần. Sứ đồ Phaolô nêu ra tội thờ hình tượng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy đồi trầm trọng trong thế giới loài người. Bởi vì người ta sẽ trở thành giống như thứ mà họ thờ phượng. Ai thờ cái tượng do tay người làm ra thì sẽ trở thành đui mù, điếc và bất lực như cái tượng vô tri, bất động (24–25).

Kinh Thánh cho biết rằng loài người được tạo nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Cho nên, khi người ta phủ nhận Đấng Tạo Hóa, thì họ sẽ hành xử theo bản năng không khác gì loài thú trong thiên nhiên; tức là chỉ chú trọng vào việc thỏa mãn các sự đòi hỏi của thể xác. Vì người ta từ chối Chúa, nên Ngài “phó mặc họ cho tình dục đáng xấu hổ” (26). Ở chỗ nầy, Phaolô không nói về đồng tính luyến ái như cách chúng ta hiểu ngày nay. Vào thời cổ đại, không ai tự nhận họ là người đồng tính. Nam nữ thời ấy cưới nhau, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái. Nhưng trong thế giới ngoại giáo, việc dâm dục đồng tính là hiện tượng phổ biến. Nó được chấp nhận và khuyến khích (27).

Sở dĩ Phaolô nêu ra tội lỗi tình dục đồng tính ở đây để hình ảnh quái gớm ấy phô bày cách suy nghĩ xuẩn ngốc và tăm tối của thế gian. Bởi vì khi hai người đồng phái hành lạc với nhau thì hoàn toàn trái ngược với tự nhiên cũng như sự cấu tạo cơ thể. Mặc dù ngày nay y học đã tìm được cách chữa trị bệnh AID, là bệnh sinh ra do giao cấu đồng tính, nhưng không có nghĩa nó là bệnh dễ điều trị. Người bị lây bệnh giống như sắp bị án tử hình. Ở phần nầy của thư Rôma, sứ đồ Phaolô không đề cập gì tới người sinh ra có khuynh hướng tình dục đồng giới. Vì có người sinh ra đã bị như vậy; nhưng Phaolô cũng như Kinh Thánh nêu rõ rằng hành vi tình dục đồng giới là tội lỗi. Ai thật lòng tin nhận Đức Chúa Trời, thì người ấy sẽ giữ gìn, không thực hiện hành vi đồng tính luyến ái.

Tất cả những tội trọng từ sự thờ hình tượng, chủ trương vô thần, và tội liên quan tới dâm dục bất chính sở dĩ xảy ra ngày càng nhiều, vì những người phạm tội ấy “không lo nhận biết Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời đã phó mặc họ cho một tâm trí bại hoại để làm những điều bất xứng” (28). Sứ đồ Phaolô liệt kê một danh sách các tội mà người ta thường phạm “Họ đầy dẫy mọi điều bất chính, gian ác, tham lam, hiểm độc; lòng đầy ganh tị, giết người, gây gổ, dối trá, nham hiểm; nói hành, vu khống, thù ghét Đức Chúa Trời, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, chuyên làm điều ác, không vâng lời cha mẹ; dại dột, bội tín, không có tình người, không có lòng thương xót” (29–31).

Những tội bị liệt kê trong danh sách nầy không phải chỉ có vào thời cổ đại cách nay hai ngàn năm, chúng vẫn tiếp tục hoành hành khắp nhân gian từ xưa tới nay. Trong bản dịch tiếng Anh KJV ngoài mọi điều bất chính còn có thêm tội gian dâm (fornication). Đây là thứ tội mà mọi loại người, mọi giai tầng trong xã hội đều mắc phải. Càng văn minh sang giàu chừng nào thì tội gian dâm gia tăng càng nhiều chừng nấy. Bất chính có nghĩa là xấu xa, sai quấy, không ngay thẳng, không chính đáng, gian lận, lừa gạt, và đủ thứ mánh lới xảo quyệt khác. Tính chất gian ác trong lòng mỗi người là gốc rễ của mọi ý nghĩ và hành vi tội lỗi. Chính tính chất ấy lôi kéo xã hội loài người vào sự bại hoại không phương cứu chữa. Chỉ có quyền năng biến đổi của Tin Mừng mới diệt được nó.

Trong danh sách đó có thứ tội gọi là “chuyên làm điều ác” (30). Bản tiếng Anh dịch là “invent ways of doing evil.” Nghĩa là ‘sáng chế ra những cách làm điều ác.‘ Về điều nầy, thời nay người ta thấy xảy ra nhan nhản ở mọi nơi. Ở Việt Nam thì nhà cầm quyền nghĩ ra không biết cơ man nào là luật lệ và mánh lới để cướp đất đai, ăn cắp của công, vòi vĩnh hối lộ, vv; nếu kể ra tội ác của giới có quyền hành trong nước, có lẽ phải mất rất nhiều thời gian mới kể hết được. Còn nền chính trị Hoa Kỳ thì đầy dẫy mánh khóe gian lận và thối nát. Người ta sáng chế ra đủ cách gian lận phiếu bầu để có thể đắc cử: Nào là phiếu khiếm diện, phiếu của người đã chết, phiếu của di dân lậu, và chống kiểm soát căn cước khi đi bầu, vv. Phải nói là tài sáng chế của họ thật tinh vi và phong phú.

Họ thừa biết luật của Đức Chúa Trời định rằng những ai phạm các tội như thế là đáng chết. Vậy mà chẳng những họ làm những điều đó, lại còn tán thành cho người khác làm nữa” (32). Thế gian thì đầy dẫy tội lỗi. Chúng ta là con cái Chúa không thể phụ họa với thế gian tội lỗi được. Điều gì sai và xấu thì chúng ta phải tránh xa, để chúng ta khỏi bị lên án như người không tin Chúa.

NamVungNiemTin05.docx

Rev. Dr. CTB