Nắm Vững Niềm Tin, bài 31
Rôma 14:13–23
Ai đã biết mình sẽ phải tường trình về chính mình trước mặt Đức Chúa Trời (12) thì phải để ý lời khuyên kế tiếp của Phaolô về vấn đề xét đoán người khác. Chẳng những thôi không xét đoán mà còn phải lập quyết định không gây vấp phạm hay gài bẫy anh em mình trong Chúa (13). Phán xét người khác quan điểm với mình là tâm tánh bình thường của người thế gian. Còn kềm giữ được tánh xấu ấy thì chỉ người nào đã được Đức Thánh Linh biến đổi con người bên trong mới làm được cách dễ dàng. Lời khuyên nầy của Phaolô là dành cho cả hai giới tín hữu mạnh và yếu. Yếu không có nghĩa là không chống nổi sự cám dỗ, vì kiểu yếu đó là tội lỗi; nhưng yếu ở đây có nghĩa là chấp nhất về những điều chẳng quan trọng và không phải là mệnh lệnh còn hiệu lực của Kinh Thánh.
Đặt hòn đá vấp chân nghĩa là tạo cớ cho anh em tín hữu phạm tội. Vì vậy, chúng ta phải quyết tâm không làm bất cứ điều gì có thể làm cớ khiến anh chị em khác vấp ngã; hoặc là bởi gương xấu hoặc là lời nói khiến người khác nổi giận. Lời khuyên nầy chủ yếu dành cho tín đồ đã vững vàng so với người còn sợ hãi các luật lệ không có giá trị. Người muốn giữ luật Môise thì quan niệm rằng có một số loại thịt, cá là ô uế, không được phép ăn. Sứ đồ Phaolô nói ông biết và tin quyết “chẳng có vật gì tự nó là ô uế; nhưng nó là ô uế đối với ai xem nó là ô uế” (14). Chữ “vật gì” trong câu nầy không có nghĩa là bất cứ thứ gì, nhưng nó bị giới hạn trong bối cảnh các loại thịt của thú vật bị luật Môise liệt vào hạng ô uế, không được phép ăn.
Nhưng nếu người đức tin mạnh công khai ăn thứ thịt mà người kia tin là ô uế, thì hành động ăn đó làm tổn thương người có đức tin yếu, khiến người đó phạm tội, thái độ ấy không chứng tỏ là người biết cư xử theo tình yêu thương (15a). Sự phạm tội của người yếu đức tin là họ có thể từ bỏ lòng tin vào ơn chuộc tội của Đức Chúa Jesus mà theo đuổi các luật lệ đã bị Ngài hủy bỏ; nếu điều đó xảy ra thì mình có lỗi, vì thứ mình ăn đã khiến người đó bị hư mất (15b). Tại sao chỉ vì vài món thịt mà người yếu đuối vấp ngã? Sứ đồ Phaolô giải thích rõ hơn trong thư 1Côrinhtô (8:9–11). Vì hầu hết trong chúng ta chưa hiểu hết sự tổn thương của lương tâm dẫn đến hậu quả trầm trọng như thế nào, thì hãy cẩn thận trong cách đối xử với anh chị em mà mình biết đức tin còn yếu.
“Vậy, đừng để việc tốt của anh em bị gièm chê” (16). “Việc tốt” mà Phaolô nói ở đây có nghĩa gì? Những điều ta quý trọng, như sự tự do mà ta được trong Đấng Christ giải thoát ta khỏi sự ràng buộc của luật pháp lễ nghi; như người vừa thoát khỏi cái ách nô lệ thì xem sự tự do mình đang có là rất quý báu. Tuy nhiên, cách sinh hoạt tự do ấy có thể gây vấp phạm cho người khác. Ví dụ, sự uống rượu không có gì sai, nhưng nhậu nhẹt say sưa lại không xứng hợp và sinh ra sự luông tuồng bậy bạ. Hậu quả là tín hữu không biết uống rượu thấy tín hữu khác đã trưởng thành ngồi uống rượu trong bàn nhậu, thì hoặc là bất mãn, hoặc là bắt chước nhậu nhẹt. Cho nên, sự tự do mà mình quan niệm là tốt sẽ trở nên cớ mình bị gièm chê. Vì vậy, hãy cẩn thận để người yếu khỏi vấp phạm.
Khi chúng ta tiếp nhận Đức Chúa Jesus thì đã trở thành công dân Vương quốc Đức Chúa Trời. Những điều quan trọng trong Vương quốc ấy không liên quan gì tới chuyện ăn uống, nhưng là sự công chính, bình an, vui mừng trong Đức Thánh Linh (17). Câu nầy nhắc mỗi con cái Chúa chú ý vào những gì quan trọng, chứ không phải là các chuyện lặt vặt vô bổ. Sở dĩ có các sự bất đồng và xung khắc trong Hội Thánh xảy ra là vì tín hữu quên chăm chú vào những điều quan trọng mà chú ý tranh cãi về những chuyện lẻ tẻ không liên quan gì tới sự công nghĩa, bình an và vui mừng trong Đức Thánh Linh. Công nghĩa liên hệ tới đức tin, tình yêu thương, sự vâng lời, sự xưng công chính, thánh hóa, và cách cư xử thánh thiện. Bình an là lương tâm yên ổn và tâm trí thanh tịnh.
Sự vui mừng trong Đức Thánh Linh là biết chắc tội lỗi mình đã được tha, được Chúa ưa thích, có hi vọng sống động về vinh quang của Đức Chúa Trời, có lời chứng của lương tâm trong sáng, được hiệp thông tương giao với Chúa, và lòng rất nôn nao háo hức về sự thừa hưởng vinh quang hạnh phúc trong tương lai ở Vương quốc Đức Chúa Trời. Trong tất cả các điều hạnh phúc vừa nói, chẳng có cái nào liên quan tới sự ăn uống hay các luật lệ ràng buộc con dân Chúa. Đó cũng là cách chúng ta phục vụ Đấng Christ để được đẹp lòng Đức Chúa Trời và được người ta tôn trọng (18); vì nếu chúng ta đặt Vương quốc Đức Chúa Trời ở trung tâm điểm của mối tương giao đối với Ngài và cách cư xử với anh chị em khác trong đức tin, thì được ở trong Ngài luôn luôn.
“Vậy, chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại sự hòa thuận và gây dựng cho nhau” (19). Mục đích của Phaolô viết lời khuyên nầy là để khuyên giục tín hữu dân ngoại và tín hữu gốc Judah phải hòa hợp với nhau, nhất là họ có quan điểm khác hẳn nhau về vấn đề ăn uống. Tín hữu Judah rất có thể cắt đứt mối tương giao khi họ thấy tín hữu dân ngoại ăn các thứ thịt họ ghê tởm. Còn tín hữu gốc dân ngoại thì không muốn dính líu với những người lúc nào cũng mang cái ách luật pháp. Hội Thánh vì thế có thể bị chia thành hai nhóm đối nghịch nhau. Nhưng Hội Thánh là một gia đình không thể chia rẽ. Cho nên, mọi người phải theo đuổi sự hòa thuận. Theo đuổi là nỗ lực năng động và kiên nhẫn; để hòa thuận và gây dựng thì mọi người phải hết sức nhường nhịn nhau trong những vấn đề dễ gây chia rẽ. Tuy nhiên, những gì chống nghịch Chúa thì không thể nhân nhượng.
Sự ưa thích một thứ thịt nào đó khiến người khác vấp phạm, thì sự ưa thích đó sẽ làm chia rẽ trong Hội Thánh tức là hủy hoại công việc của Đức Chúa Trời (20a). Thiên đàng đã khải thị cho sứ đồ Phierơ về việc đừng xem các sinh vật Chúa dựng nên là ô uế (Công vụ 10:15). Vì thế, ông Phaolô nói rằng “Thật ra mọi vật đều thanh sạch, nhưng ai vì một món ăn mà gây cho người khác vấp ngã thì thật là sai lầm” (20b). Ông khuyên rằng nếu gặp các trường hợp như vậy thì tốt nhất là đừng ăn thịt hoặc uống rượu,cũng đừng làm bất cứ việc gì gây vấp phạm cho anh em mình (21). Vì các loại thịt bán ở chợ đều đã cúng cho thần tượng. Còn rượu là thức uống làm cho say. Khi đã say rượu thì người ta luông tuồng, không kềm hãm nổi những đòi hỏi của xác thịt.
Đức tin ở câu (22) không phải là lòng tin vào Chúa, nhưng là quan niệm của mình về thức ăn hay thức uống. Về câu “không tự lên án mình về những gì mình đã chấp nhận” (22b), cũng không phải là những việc bị thiên đàng kết án, như ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, hối lộ, tham lam, vv., mà liên quan tới việc ăn và uống. Bởi vì chẳng phải tín hữu nào đó không tự lên án về tội tà dâm, hay ngoại tình, hoặc tham lam nhận hối lộ, vv., thì những việc đó sẽ được thiên đàng xem là không có tội đâu. Tội lỗi vẫn là tội lỗi dù cho người ta có khoác bao nhiêu cái áo đẹp cho nó thì nó vẫn là tội lỗi. Chính vì câu 22 nói về đồ ăn, nên câu (23a) nói tiếp: “Nhưng người nào còn nghi ngại mà cứ ăn thì bị lên án rồi, vì không hành động bởi đức tin.”
(23b) nói “Việc gì không đến từ đức tin đều là tội lỗi,” thì có nghĩa gì? Về nguyên tắc tổng quát thì chúng ta phạm tội khi không tin cậy Đức Chúa Trời trong mọi hoàn cảnh; nhưng ở trường hợp nầy thì ý nghĩ mà sứ đồ Phaolô nói thì thu hẹp trong lòng tin của tín hữu trước mặt Đức Chúa Trời. Sự phạm tội có nghĩa là bất cứ hành động nào tín hữu thực hiện mà không phù hợp với lòng tin chân thành của đức tin Cơ-đốc, tin rằng nó cho phép hoặc cấm mình làm điều gì đó. Vậy nên, chỉ có sự siêng năng học Kinh Thánh và tương giao gần gũi với Chúa sẽ giúp ta biết điều gì là đúng.
NamVungNiemTin31.docx
Rev. Dr. CTB