Nắm Vững Niềm Tin, bài 30

Rôma 14:1–12

Loài người thường không ưa người có ý kiến khác với mình; vì vậy, mới có sự tranh chấp và cãi lẫy giữa những người khác quan điểm với nhau. Sứ đồ Phaolô, bởi sự khôn ngoan Đức Thánh Linh ban cho, khuyên những người có đức tin mạnh đừng cãi cọ với những người yếu đức tin. Yếu có nghĩa là thời gian ở trong Chúa chưa được lâu. Nói cách khác, yếu đức tin nghĩa là trình độ tâm linh còn thấp kém (1). Người có đức tin mạnh ăn đủ mọi thứ, trong khi người có đức tin yếu chỉ ăn rau mà thôi (2); điều đó có nghĩa gì? Người yếu ăn rau không phải để ăn chay nhưng vì lý do tôn giáo. Thời đó, nhiều người Judah mới theo đạo sợ rằng nếu họ ăn thịt thì sẽ làm tổn hại mối tương giao giữa họ với Chúa (1Côrinhtô 8:7). Vì lúc ấy thịt bán ở chợ đều đã cúng cho thần tượng.

Người không sợ thần tượng cứ mua thịt ở chợ về nấu ăn rồi khinh bỉ người yếu đức tin, vì họ sợ đủ thứ mà không ăn thịt. Tại sao bị xem là đức tin yếu? Tín hữu nào chưa hiểu rằng ai đã đặt đức tin đầy đủ nơi Đấng Christ thì không còn ở dưới luật pháp, là luật quy định về loại thịt được ăn hoặc không được ăn, thì đức tin người ấy còn yếu. Vì thế người ăn thịt khinh bỉ người ăn rau, cho rằng họ có đời sống tâm linh yếu kém. Còn người không ăn thịt bị lệ thuộc vào chủ nghĩa luật pháp thì chỉ trích người kia (3). Ông Phaolô khuyên hai phía không nên coi thường hay chỉ trích nhau, vì cả hai đều vì Chúa mà làm, và cả hai đều tạ ơn Chúa (6). Một số Hội Thánh có nhiều nan đề vì tín hữu hay xét đoán lẫn nhau. Nhóm đó là những người có đức tin chưa trưởng thành.

Việc ấy thường xảy ra vì những người cãi vã, tranh chấp, xét đoán người khác không biết rằng mọi người nào thật lòng tin Chúa đều là đầy tớ của Đức Chúa Trời (4). Trình độ đức tin khác nhau khiến người ta hành xử khác nhau, nhưng mục đích của những người đã được Chúa tiếp nhận đều nhằm làm vui lòng Chúa chứ không phải làm đẹp lòng mình. – Làm thế nào để tránh những xung khắc trong Hội Thánh, khi có người tự cho mình hiểu đúng và muốn áp đặt niềm tin của mình lên người khác để có xung khắc xảy ra? Thay vì tìm cách ép buộc người khác phải hành xử giống như mình, thì hãy khiêm nhường nghiên cứu Kinh Thánh. Còn tín hữu nào thấy có người hay chỉ trích, thì đừng vội lên án hoặc khinh thường, mà hãy nhẫn nại cho họ có thời gian để học biết thêm.

Luật Môise trong Do-thái-giáo quy định phải tôn trọng một số ngày đặc biệt, như ngày trăng mới, Sabath, vv. Nhưng một số tân tín hữu có đức tin yếu thì cho rằng các ngày được Do-thái-giáo quy định là quan trọng thì phải thánh hơn những ngày khác; những người kia thì tin rằng mọi ngày đều như nhau, không cần phải kiêng cữ gì cả (5). Đây là những điều chẳng có gì quan trọng; vì nó không có chút ảnh hưởng gì trên đời sống đạo của chúng ta. Nhưng để tránh các sự xung đột hay tranh chấp hoàn toàn vớ vẩn, thì ai tin như thế nào cứ giữ như vậy, miễn là đừng buộc người khác phải giống như mình (6). Dù vậy, ông Phaolô quở trách những tín hữu ở Galati vẫn còn giữ ngày, tháng vì lòng mê tín, chứ chẳng phải vì sự hiểu biết khôn ngoan (Galati 4:9–11).

Ngược lại, nếu tín đồ Tin Lành đưa ra các việc không được phép làm trong những Chúa Nhật thì sao? Ngày xưa, phái Pharisi đặt ra đủ thứ luật cấm trong ngày Sabath; nếu tín đồ Tin Lành ngày nay cũng áp dụng nhiều luật cấm tương tự cho ngày của Chúa, thì chẳng khác gì người Pharisi khi xưa bị Đức Chúa Jesus quở trách. Cho nên, hãy cẩn thận về các quan điểm riêng không được Hội Thánh Tân Ước ủng hộ. – Tại sao từ ngày Thứ Bảy, Sabath của Cựu Ước, Hội Thánh Tân Ước đổi sự thờ phượng Chúa vào Chúa Nhật? Việc thay đổi ấy bắt nguồn từ sự kiện Đức Chúa Jesus phục sinh vào ngày Thứ Nhất trong tuần. Buổi tối đó, Ngài hiện ra cho các môn đồ. Đúng một tuần sau, cũng vào ngày Thứ Nhất, không phải ngày khác, Ngài lại xuất hiện một lần nữa (Giăng 20:19, 26).

Thế thì, vì có một số anh chị em cũng tin Chúa như chúng ta nhưng quả quyết phải giữ ngày Sabath, rồi lên án những người thờ phượng Chúa vào Chúa Nhật là tà giáo, thì sao? Thật ra nhóm người đó bị đuối lý hoàn toàn khi phải tra cứu các chứng cớ trong Kinh Thánh Tân Ước và những lời khuyên của các sứ đồ. Bởi vì họ chỉ có thể bám vào luật Môise trong Cựu Ước. Mà luật ấy đã bị Tân Ước hủy bỏ mất rồi (Rôma 7:6; 8:3; Êphêsô 2:15a). Hãy để ý rằng Đức Chúa Trời chỉ dặn ông Abraham cần phải giữ phép cắt bì, Ngài không dặn ông phải giữ ngày Sabath. Sabath chỉ xuất hiện trong luật Môise, mà phái Sabath ngày nay dựa vào đó để lý luận suông, còn giáo hội của họ chẳng có chút sinh khí hay quyền phép gì của Chúa. Họ đang teo tóp dần và sẽ tới ngày tự giải tán.

Nếu chúng ta bị ở trong bối cảnh một hội chúng có các sự tranh chấp về luật lệ và giáo lý hoặc những vấn đề không quan trọng mà chưa được giải quyết ổn thỏa, thì hãy đặt câu hỏi: Động lực gì thúc đẩy những người đang dính vào chuyện tranh chấp? Có phải vì Chúa hay vì quan điểm riêng tư? Nếu cả hai phía đều vì Chúa thì cứ giữ hòa khí và ngưng tranh chấp (6). Nhưng nếu phía nào gây ra tranh chấp chỉ vì quan điểm riêng, hoặc vì tự ái, hoặc vì bản thân sợ hãi điều gì đó, thì nhóm ấy không có chính nghĩa. Trong hầu hết các trường hợp, đó là những người có đức tin rất yếu kém và chưa thể kinh nghiệm sự ban ân tứ, hoặc sự rờ chạm đặc biệt của Đức Thánh Linh trên tâm linh họ. Trong trường hợp đó, hãy áp dụng câu: “Người mạnh hãy tiếp nhận người yếu đức tin” (1).

Để củng cố lời giáo huấn trên, sứ đồ Phaolô viết: “Không người nào trong chúng ta vì chính mình mà sống, cũng chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà chết; vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Cho nên dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa cả” (7–8). Khi chúng ta tiếp nhận ơn cứu rỗi, Đức Chúa Jesus trở thành Chúa và có toàn quyền trên đời chúng ta. Chẳng có chuyện gì xảy ra trong đời ta nằm ngoài ý muốn, dự định đầy yêu thương của Ngài. Vậy, hãy tự hỏi, phim ảnh đồi trụy Chúa có vui lòng không? Loại nhạc nào, ăn mặc ra sao sẽ dâng vinh quang cho Chúa? Động lực bên trong sẽ trả lời câu hỏi nầy. “Chính vì vậy mà Đấng Christ đã chết và sống lại để làm Chúa của cả kẻ chết lẫn người sống” (9).

Làm Chúa nghĩa là làm Đấng xét đoán kẻ sống lẫn kẻ chết. “Vì tất cả chúng ta đều phải trình diện trước tòa án Đấng Christ để mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hoặc ác mình đã làm lúc còn trong thân xác” (2Côrinhtô 5:10). Ai đã ở trong Đấng Christ thì sẽ không còn bị đoán phạt (Rôma 8:1); nhưng mọi người đều phải khai trình việc mình đã làm lúc còn sống trước mặt Đức Chúa Trời (12). Cho nên, đừng vội vàng đoán xét hay khinh bỉ anh chị em trong Chúa, để khi đứng trước mặt Ngài (10) ta sẽ không bị quở trách. Phaolô trích những lời tiên tri Êsai đã chép từ ngàn xưa (11) để nhắc mọi tín hữu hãy tỉnh táo và biết cư xử theo nguyên tắc yêu thương với mọi anh chị em khác trong gia đình của Đức Chúa Trời, nhất là với người có đức tin yếu đuối.

NamVungNiemTin30.docx

Rev. Dr. CTB