Nắm Vững Niềm Tin, bài 29

Rôma 13:8–14

Có một món nợ mà con cái thật của Chúa không bao giờ có thể trả hết được. Ấy là món nợ yêu thương người khác, nhất là đối với anh chị em trong đức tin (8a). Bởi vì không một tín hữu nào dám tuyên bố rằng: “Tôi yêu thương người khác đúng như Chúa muốn tôi phải yêu thương.” Càng trưởng thành trong đức tin vào Chúa chừng nào, tình yêu thương trong chúng ta phải trưởng thành thêm chừng nấy. Sứ đồ Phaolô chỉ nhắc lại lời dạy của Đức Chúa Jesus (Gi.13:34–35). Hãy để ý lời Ngài dạy rằng người thế gian chỉ có thể nhận biết chúng ta là môn đồ thật của Ngài, khi chúng ta thành thật yêu thương lẫn nhau. Cũng trong cuộc trò chuyện ấy, Chúa nói thêm rằng ấy là điều răn mới của Ngài (Gi.15:12); rồi Ngài truyền lệnh các môn đồ Ngài phải yêu thương nhau (Gi.15:17).

Lời dặn đừng mắc nợ ai điều gì là mệnh lệnh tiếp theo câu “Hãy trả cho mọi người điều mình mắc nợ” (7a). Sau đó Phaolô mới nói về món nợ yêu thương.Tình yêu thương lẫn nhau cách chân thành là đặc điểm không thể lầm lẫn của người Tin Lành chân chính. Ai không yêu thương, thì chỉ là tín đồ giả hiệu dù có ở bao lâu trong đạo. Đó là lý do mà sứ đồ Phaolô nhắc đi nhắc lại tình yêu thương rất nhiều lần (Rôma 12:9–10; 1Côr. 16:14; Gal. 5:14; Êph. 5:2). Trong nhiều thư tín của Tân Ước, các sứ đồ nhắc nhở luôn điều răn yêu thương do Đức Chúa Jesus truyền dạy. Tình yêu thương của chúng ta không phải chỉ dành cho anh chị em trong Chúa, mà còn phải yêu thương người lân cận (8b). Tại sao yêu thương người lân cận là làm trọn luật pháp? Vì nó tóm tắt toàn thể luật pháp.

Phaolô dùng bốn điều răn sáu, bảy, tám, và mười trong Mười Điều Răn để nói rằng luật pháp được tóm tắt trong câu: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như mình‘ Ông giải thích: ‘Tình yêu thương không làm hại người lân cận.‘ Và ông kết luận: “Vì vậy, yêu thương là làm trọn luật pháp” (9–10). Khi yêu thương quý mến người nào, chúng ta không muốn làm gì hại cho người ấy; không tham muốn bất cứ cái gì thuộc về người đó. Như vậy, làm trọn luật pháp tức là không phạm những điều luật pháp nghiêm cấm. Người lân cận là mọi người chúng ta gặp, dù là người có thái độ không tốt hay khinh rẻ đối với mình. Chúng ta hãy lấy ví dụ Đức Chúa Jesus dạy về người Samari nhân lành để biết láng giềng mình là ai (Luca 10:25–37). Nhiều tín hữu bị thất bại trong phương diện nầy.

Mặc dù lời khuyên của Phaolô nhấn mạnh vào tình yêu thương anh em trong Chúa, nhưng một khía cạnh khác của câu ấy là hãy trả món nợ tiền bạc mà mình mượn từ người khác. Ai có khả năng trả nợ mà làm lơ để quịt nợ, người ấy không thể làm một tín đồ ngay lành được.– Có một nan đề nổi lên qua các câu nầy. Ở phần trước, Phaolô dạy rằng tín hữu không còn ở dưới luật pháp mà  ở dưới ân điển (6:14); trong Đấng Christ, chúng ta đã chết đối với luật pháp (7:4); “Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, để mọi người tin được xưng công chính” (10:4). Tại sao ông lại nhắc tới luật pháp ở chỗ nầy? Ông nhắc lại để đáp trả những lời chỉ trích của tín hữu Judah giữ luật pháp Môise nói rằng ông dạy tín hữu dân ngoại bỏ luật pháp và khuyến khích tội lỗi (3:8; 6:1).

Trong phần nầy, Phaolô chỉ cho những kẻ chỉ trích thấy rằng, khi tín đồ của Đấng Christ yêu thương lẫn nhau và yêu thương láng giềng của họ, thì họ đã làm trọn luật pháp Môise. Và mặc dù chúng ta chưa thực hiện được sự yêu thương đối với người khác cách trọn vẹn, thì Đấng Christ, sự công chính của chúng ta, đã vì chúng ta mà hoàn thành luật pháp một cách trọn vẹn. Khi chúng ta thực hành tình yêu chân thật của Chúa, tức là tìm cách làm điều tốt nhất cho những anh chị em mà mình yêu thương, không làm bất cứ điều gì hại đến họ, thì đã là vâng theo các điều răn thánh của Đức Chúa Trời. Vì vậy, chúng ta dùng tình yêu thương mà làm trọn luật pháp.

Đây không phải chỉ là giáo huấn để nghe qua rồi bỏ, nhưng “hãy làm như vậy, vì anh em biết mình đang sống trong thời kỳ nào” (11a). Sau khi đã dâng chính thân thể mình làm hiến tế sống và thánh, nhất quyết không rập khuôn theo người thế gian đang bị các thế lực tối tăm điều khiển, thực hiện sự biến hóa tâm linh theo trí hiểu đã được đổi mới (12:1–2); thực hành nếp sống yêu thương vì mình chỉ mắc nợ nhau tình thương yêu, do biết rõ rằng trái đất trong thời chúng ta đang sống đang tiến đến những ngày cuối cùng trước khi Đức Chúa Jesus trở lại; chúng ta càng phải tỉnh thức sống theo những gì mình đã được dạy dỗ. “Đã đến giờ anh em phải thức dậy, vì hiện nay sự cứu rỗi đã gần với chúng ta hơn lúc chúng ta mới tin” (11b). Chúng ta phải thức tỉnh về những điều gì?

Hãy để ý là chúng ta phải tỉnh dậy ngay bây giờ; không còn thời gian để nấn ná. Phải thức tỉnh khỏi tình trạng ngủ mê vì đời sống hiện nay đang được an ninh; tỉnh dậy khỏi sự lười biếng không cầu nguyện tương giao với Chúa, không đọc Kinh Thánh để nghe lời Chúa dạy, cũng không phục vụ Chúa dù là chuyện rất nhỏ; tỉnh dậy khỏi tánh cẩu thả, trễ nải, thờ ơ, vô trách nhiệm; tỉnh dậy khỏi cái chết trong tâm linh và chính sự chết ấy đang làm cho tâm linh mê man không biết sự cứu rỗi đang đến gần. Vậy hãy biết rõ tình trạng ngủ mê của mình mà tỉnh thức.

Sứ đồ Phaolô và tín hữu thời ấy tin rằng sự trở lại của Đức Chúa Jesus là nhanh chóng khi họ còn sống. Họ không biết khoảng thời gian giữa lúc Chúa thăng thiên tới khi Ngài trở lại là rất lâu dài. Như câu chuyện mười trinh nữ đi đón chàng rể do Đức Chúa Jesus kể: Vì chàng rể tới trễ nên cả mười cô đều ngủ mê (Mathiơ 25:5); cũng vậy, hầu hết tín đồ thời nay thấy Chúa chưa đến nên mơ màng giấc mộng trần gian, rất ít người biết tỉnh thức. Không phải chúng ta học tới phần nầy cách tình cờ; mà do sự sắp đặt của Đức Thánh Linh cho con cái Chúa trong Hội Thánh được thức dậy đúng lúc để được tham dự vào cuộc phấn hưng tưng bừng trước ngày Chúa trở lại tiếp rước mọi tín hữu đã tỉnh thức đúng thời kỳ. Vì vậy, đã đến giờ tất cả chúng ta phải tỉnh thức mà đón Chúa.

Đêm đã khuya, ngày gần đến; vậy chúng ta hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp sáng láng” (12). Hầu như tất cả các hành vi xấu xa và tội lỗi đều thực hiện cách lén lút trong bóng tối. Tín hữu phạm tội khi nghĩ rằng không có ai thấy mình suy nghĩ, toan tính, hay thực hiện điều không tốt. Trong thực tế, khi bóng đêm buông xuống thì giới người thuộc xã hội đen mới bắt đầu ra tay làm ăn. Nhưng nếu anh chị em tín hữu nào vẫn chưa chịu tỉnh thức, ăn năn tội lỗi và từ bỏ chúng, thì hãy biết rằng bình minh đã thật gần đến rồi. Bởi vì những dấu hiệu của thời tận thế đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Cho nên, “hãy sống một cách đàng hoàng như đi giữa ban ngày, đừng chè chén và say sưa, trụy lạc và phóng đãng, gây gổ và ganh tị” (13).

Muốn có thể mặc lấy Đức Chúa Jesus (14), anh chị em phải biết lột bỏ con người cũ trước đã.  Êphêsô 4:22–24 dạy rằng “Vậy, anh em hãy lột bỏ người cũ thuộc về lối sống ngày trước, vốn bị hư hỏng bởi những ham muốn dối trá; nhờ Thánh Linh đổi mới tâm trí anh em, và mặc lấy người mới, là người đã được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời trong chân lý công chính và thánh khiết.” Con người mới có đủ điều kiện để mặc lấy Đức Chúa Jesus và thắng được tất cả các dục vọng xác thịt. Ngoài sự ban ơn của Đức Thánh Linh và được Đức Chúa Jesus làm Chủ trong lòng, chúng ta sẽ không thể thắng nổi những sự ham muốn mạnh mẽ của xác thịt bao giờ.

NamVungNiemTin29.docx

Rev. Dr. CTB